tưởng niệm




Ở Xứ Người Xa Xôi Nhớ AnhTrịnh Công Sơn

--- Frank Gerke ---


Tác giả bài này (Frank Gerke) là nhà nghiên cứu Đông Nam Á học người Đức, giảng viên Trường Đại Học Born. Ông yêu thích và thuộc rất nhiều ca khúc của Trịnh Công Sơn, chơi thân với tác giả trong những năm ở Việt Nam, học tiếng Việt, nghiên cứu văn hóa Việt.

“… Bàn tay ta nắm nối trọn một vòng Việt Nam…”


Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã hát như thế vào ngày 30/4/1975. Và ý của anh cũng thật sự là như thế. Không những trong bài hát này mà còn trong những bài hát khác nữa, Trịnh Công Sơn đã hát lên về khát vọng lớn nhất của mình hồi này, là đất nước thống nhất, hòa bình và tình yêu đến với mọi người để cả dân tộc đoàn kết xây dựng lại một xã hội mới công bằng. Anh đã chắc chắc rằng từ bây giờ trở đi sẽ không còn chiến tranh nữa, không còn sự chết chóc, không còn thù hằn, đau khổ. Anh là một con người đa diện, anh là kẻ du ca hát về quê hương, tình yêu và số phận con người, anh là thi sĩ của tình yêu và hòa bình, là một người có lương tâm vô cùng. Trong những bài hát với đề tài chiến tranh Trịnh Công Sơn đã hát về sự bất công, cái đau khổ về những mặt khốc liệt đến mức kinh khủng ở chiến trường cũng như về sự đau khổ của những người mất đi người yêu, người chồng và bạn bè của mình. Như vậy anh lên án những kẻ đã gây ra chiến tranh bất công này cho dân tộc Việt Nam. Anh lên án nhưng không phải trực tiếp, không nêu ra ai cả, không bao giờ chỉ thẳng vào mặt ai, mà anh lên án rõ nét bằng những hình ảnh và nỗi nhớ đau khổ vì người ta trong đầu óc mình… và những điều này anh viết ra thành lời thành nhạc. Chính vì thế Trịnh Công Sơn đã trở thành biểu tượng của những người yêu nước, yêu hòa bình.

Đó là thời gian anh sáng tác những bài như Nối Vòng Tay Lớn, Đại Bác Ru Đêm, Cho Một Người Nằm Xuống và bao nhiêu bài hát khác nữa trong hai tập Ca Khúc Da VàngKinh Việt Nam. Thời kỳ ấy Trịnh Công Sơn không chỉ nổi tiếng ở Việt Nam mà nổi tiếng cả ở nước ngoài. Anh được đĩa vàng ở Nhật Bản và nữ ca sĩ Joan Baez đã gọi Trịnh Công Sơn là Bob Dylan của Việt Nam. Hồi này Bob Dylan và Joan Baez nổi tiếng khắp thế giới những bài hát chống chiến tranh ở Việt Nam cũng như nhiều bài về tình yêu và số phận. Và một điều dĩ nhiên, anh ở lại Việt Nam. Anh không muốn lừa đảo ước mơ riêng của mình về một quê hương thanh bình và đầy tiềm lực để xây dựng lại cái mới.

Nhưng Trịnh Công Sơn không chỉ viết về chiến tranh, có lẽ anh viết còn nhiều hơn về tình yêu và thân phận con người. Anh là “nhạc sĩ viết tình ca hay nhất Việt Nam” (NS Thanh Tùng), nhiều bài lãng mạng và đầy tình cảm như Diễm Xưa, Nắng Thủy Tinh, Hạ Trắng… đã đi vào lòng của cả dân tộc. Không phải chỉ những bài quen thuộc thập niên 60 và 70, còn những bài mới và gần đây cũng đã trở thành những ca khúc không năm tháng mà ai ai cũng biết. Đó là những bài như Quỳnh Hương, Tôi Ơi Đừng Tuyệt Vọng, Chiếc Lá Thu Phai, Sóng Về Đâu… Anh hát về đời sống con người khát sống và anh hát về một mối tình nho nhỏ nhưng đồng thời nói về đời sống con người trên trần gian này. Với những bài hát trữ tình và đầy triết lý, Trịnh Công Sơn đã đến với mọi người như một người bạn và chủ yếu như là một con người có tâm hồn trong sạch. Trong bài Một Cõi Đi Về, anh hát:

“Con tinh yêu thương vô tình chợt gọi
Lại thấy trong ta hiện bóng con người”


Trịnh Công Sơn đã trở thành ngưới hát rong, là người phiêu lãng khắp mọi nơi cùng một lúc. Sơn: “Tôi chỉ là kẻ hát rong về…” Với tư cách là một người bình thường thôi anh đã đến với mọi người, và người ta đã yêu anh. Kể cả những Việt kiều ở nước ngoài chống anh vẫn còn nghe nhạc của anh. Nhạc của anh có một sức thu hút người ta và đánh động ở chiều sâu trong lòng người nghe một cái gì đó rất lạ lùng và khó xác định. Còn một điều lạ nữa là cả những người chẳng biết tiếng Việt, không hiểu được lời của anh vẫn thích nghe nhạc của anh, vẫn thấy một tình cảm đặc biệt sâu sắc nhưng lại mềm mại và ấm cúng nổi lên trong lòng của mình khi nghe nhạc của anh. Tác giả bài này cũng vậy: tôi là người Đức. Hồi 17 tuổi ở bên Đức tôi có một người bạn Việt Nam. Tôi thích ngoại ngữ, anh ấy bắt đầu dạy tiếng Việt cho tôi. Người bạn ấy rất thích nhạc Trịnh Công Sơn và đã tặng cho tôi một băng cassette mang tên Sơn Ca 7. Tôi mở lên và lần đầu tiên được nghe nhạc Trịnh Công Sơn qua giọng hát Khánh Ly. Tôi mê ngay mặc dầu không hiểu gì cả. Hồi này tôi không thể tưởng tượng được rằng trong tương lai sẽ có ngày tôi gặp được chính tác giả của những ca khúc trong băng cassette ấy và trở thành bạn của anh ấy.

Cái chết “đau thương vô tình” (Người Con Gái Việt Nam Da Vàng) của Trịnh Công Sơn đã làm những người quen biết anh và những người yêu nhạc anh bàng hoàng, mọi người dường như không muốn chấp nhận điều này. Nhưng anh đã nói cho mình biết sớm rằng người “chết thật tình cờ, chết chẳng hẹn hò, không hận thù nằm chết như mơ…” (Tình Ca Người Mất Trí).

Thêm nữa, trong những bài hát đầy triết lý Trịnh Công Sơn đã nêu rất rõ quan niệm về cuộc sống của mình. Nguồn gốc những quan niệm này vừa nằm trong Phật giáo vừa nằm trong chủ nghĩa hiện sinh. Theo đó con người ở trần gian này là cõi tạm thôi, coi như là “ở trọ”. Còn cái chết cũng không khó chịu lắm: “Một lần nằm mơ tôi thấy tôi qua đời. Dù thật lệ rơi lòng không buồn mấy…” (Bên Đời Hiu Quạnh). Còn ở trong một bài khác anh đã hát : “… bao nhiêu năm làm kiếp con người… cho trăm năm vào chết một ngày” (Cát Bụi). Trịnh Công Sơn không được tuổi thọ 100 năm, mặc dù anh rất muốn sống lâu vì anh đã yêu đời này thật thà như trẻ thơ: “Tôi yêu đời này bằng cả trái tim của tôi…” (Mỗi Ngày Tôi Chọn Một Niềm Vui).

Trịnh Công Sơn đã muốn chia sẻ tình yêu đối với cuộc sống này với những người bạn của mình cũng như với tất cả mọi người ở Việt Nam nói riêng và cả thế giới nói chung. Cũng có thể anh nổi tiếng vì tính cách thật thà, lương tâm, sự công bằng, nhân ái, con người mà anh đã thể hiện trong mỗi lần tiếp xúc với bất cứ ai. Anh nổi tiếng hơn vì di sản ca khúc đồ sộ anh để lại cho đời ít nhất là hai mặt này bằng nhau và bổ sung lẫn nhau. Khi anh hát lên ở phần đầu bài Vẫn Nhớ Cuộc Đời “Một ngày bỗng thấy yêu thương mọi người…” thì người nghe tin tưởng ngay, chứ không hoài nghi gì cả. Trong bài Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn qua đời viết ngày 02/04 nhà văn Nguyễn Quang Sáng nói về người bạn mới mất của mình: “Một người bạn vì lẽ gì đó bỏ anh đi, sau đó anh vẫn hát về người bạn của anh rất tha thiết với tình yêu rất mênh mông”. Có gì anh không thích lắm, không muốn bàn bạc nữa vì có thể có khả năng gây phiền hà cho người ta thì anh chỉ nói một câu đơn giản “Thôi kệ” và bỏ qua.

Nay, anh Trịnh Công Sơn đã đi qua thế giới bên kia. Còn bạn bè và tôi ở lại đây trong nỗi nhớ mãi mãi. Ta đã khóc nhiều rồi vì sự mất mát quá lớn này và cũng có thể đôi lúc sẽ còn khóc thầm tiếp một thời gian. Nhưng chủ yếu là ta sẽ cố gắng thêm trong cuộc sống làm người cũng như sự nghiệp của mình. Vì tôi nghĩ rằng điều anh mong muốn nhất là “hãy cứ vui chơi từng ngày…”



nguồn: Trịnh Công Sơn - Một nhạc sĩ thiên tài
  Trịnh Công Sơn:
> bài hát
> bài viết
> hình ảnh
> phỏng vấn
> bút tích
> dòng thời gian

Những người mến mộ:
> những kỷ niệm
> bài viết
> tưởng niệm
> tin tức
> sách
> lưu bút

Khánh Ly


Phố Xưa


- 20 bài mới nhất



Một hình ảnh ngẫu nhiên:






Gia Sư: Gia Đình + Sinh Viên
 
Address: www.SuuTap.com/TrinhCongSon - Collection: Hoang Truc Ly - Design & script: Sony Ho