sách




Trịnh Công Sơn, Vết chân dã tràng

--- Ban Mai ---




nxb Lao Động – Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây,
Hà Nội, 2008
Kích thước:14,5x20,5
480 trang
Giá bìa: 85 000 VNĐ





MỤC LỤC

Trang trọng đôi lời cùng bạn đọc (Gs. Nguyễn Đình Chú)
Lời mở đầu của tác giả

PHẦN I

I. Quá trình nghiên cứu
II. Trịnh Công Sơn tiếng hát dã tràng
III. Vết chân dã tràng ngàn năm in dấu
IV. Trịnh Công Sơn và chiến tranh Việt Nam
V. Trịnh Công Sơn người tình của cuộc sống
VI. Trịnh Công Sơn người ca thơ
VII. Thay lời kết luận

* Tài liệu tham khảo

PHẦN II

Phụ lục 1: Danh mục tập nhạc Trịnh Công Sơn (29 tập)
Phụ lục 2: Danh mục ca khúc Trịnh Công Sơn (288 bài)
Phụ lục 3: Văn bản ca từ Trịnh Công Sơn (242 bài)
Phụ lục 4: Hình ảnh, thủ bút trịnh Công Sơn



TRANG TRỌNG ĐÔI LỜI CÙNG BẠN ĐỌC

Nguyễn Đình Chú (*)

Dù chưa có một cuộc bình bầu, một cuộc điều tra xã hội học, tôi vẫn tán thành ý kiến của nhạc sĩ Thanh Tùng cho rằng Trịnh Công Sơn là “Người Việt Nam viết tình ca hay nhất thế kỷ”. Bởi tôi cũng nghĩ như vậy. Từ hạ bán thế kỷ XX đến nay, trong nền âm nhạc Việt Nam hoành tráng, đa thanh, đa điệu, Nhạc Trịnh – cái tên thân quen mà người đời đã đặt cho âm nhạc của Trịnh Công Sơn – là nhạc sĩ được đón nhận nồng thắm nhất, không chỉ với người trong nước, mà còn với Việt kiều sống ngoài nước, kể cả người nước ngoài. Chỉ xem báo chí tường thuật lễ tang nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, đông đến hàng vạn người đã đành, mà có điều chưa từng thấy bao giờ trên đất nước ta là những người đi đưa tang, vừa đi vừa hát, dĩ nhiên là hát Nhạc Trịnh; chỉ nhìn vào sách báo viết về Trịnh, Nhạc Trịnh dồn dập ra đời trong vài ba năm sau ngày Trịnh “về làm” cát bụi, cũng đủ tin điều nói trên đây là sự thật. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn qua đời ngày 1- 4 – 2001, ngay sau đó chưa đầy một tháng đã có sách Trịnh Công Sơn – Một người thơ ca, một cõi đi về do Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Thuỵ Kha, Đoàn Tử Huyến sưu tầm biên soạn (Nxb Âm Nhạc - Trung tâm Văn hoá Ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội, 5 –2001), và vài năm sau (2004) bổ sung, tái bản với tên sách mới Một cõi Trịnh Công Sơn (Nxb Thuận Hoá - Trung tâm Văn hoá Ngôn ngữ Đông Tây). Và cùng ra đời là các sách: Trịnh Công Sơn - Cát bụi lộng lẫy (Nxb Thuận Hoá - Tạp chí Sông Hương); Trịnh Công Sơn - Người hát rong qua nhiều thế hệ (Nxb Trẻ, 7 – 2001); Trịnh Công Sơn - Rơi lệ ru người (Nxb Phụ nữ, quí II – 2001); Trịnh Công Sơn - Cuộc Đời - Âm Nhạc - Thơ - Hội Họa & Suy Tưởng (Nxb Văn Nghệ TP. HCM, 11 - 2001); Trịnh Công Sơn: một nhạc sĩ thiên tài (Bửu Ý – Nxb Trẻ - Công ty Văn hóa Phương Nam, 4 - 2003); Trịnh Công Sơn - Có một thời như thế (Nguyễn Đắc Xuân – Nxb Văn học, 1 - 2003); Trịnh Công Sơn và cây đàn lya của Hoàng tử bé (Hoàng Phủ Ngọc Tường – Nxb Trẻ, 2 năm 2005).

Sách in lại những bài viết khi Trịnh còn tại thế, nhưng phần lớn và cũng là phần tâm huyết nhất, gây xúc động với người đọc nhiều nhất vẫn là sau ngày Trịnh qua đời. Chúng ta bắt gặp ở đây nhiều tên tuổi quen thuộc không chỉ trong nhạc giới mà còn là văn giới, và các ngành khác: Văn Cao, Nguyễn Xuân Khoát, Phạm Duy, Trần Văn Khê, Phạm Tuyên, Phó Đức Phương, Hồng Đăng, Nguyễn Khoa Điềm, Phạm Tiến Duật, Anh Ngọc, Nguyễn Duy, Thanh Thảo, Nguyễn Trọng Tạo, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Quang Sáng...

Kiều bào ta ở nước ngoài cũng rất mực ưu ái Trịnh. Đã có nhiều bài ngợi ca Nhạc Trịnh khi tác giả còn sống. Trước năm 1975, Tạ Tỵ đã có thể viết: “Trong lịch sử âm nhạc Việt Nam, không nhạc sĩ nào có thể tạo cho mình, cho thế hệ mình những cơn lốc nghệ thuật làm lay động đến chiều sâu tâm thức con người ở trong và ngoài kích thước quốc gia như Trịnh Công Sơn”. Sau ngày Trịnh qua đời, trên các tạp chí Diễn đàn, Hợp lưu, Văn học, trên nhiều website lại càng có thêm nhiều bài viết xúc động, sâu sắc về thế giới Nhạc Trịnh. Riêng tạp chí Văn học đã dành một chuyên san về Trịnh. Năm 2008, Bùi Vĩnh Phúc – nhà phê bình văn học ở Hoa Kỳ - đã xuất bản chuyên luận viết về Trịnh Công Sơn in tại Việt Nam: Trịnh Công Sơn – Ngôn ngữ và những ám ảnh nghệ thuật (Nxb Văn hóa Sài Gòn, 2008).

Nhạc Trịnh, đúng là trường hợp hiếm hoi trong nền nhạc của nước nhà, có khả năng vượt ra ngoài phạm vi quốc gia. Tại các nước Mỹ, Pháp, Nga, Đức, Nhật, Nhạc Trịnh đã có chỗ đứng không dễ gì có. Riêng ở Nhật, Diễm xưa của Trịnh đã được dịch ra tiếng Nhật để hát và được chọn làm nhạc phẩm chính cho một bộ phim của một hãng phim lớn, và là nhạc phẩm Á Châu đầu tiên được đưa vào giảng dạy tại Viện Đại học Kansai Gakuin. Thêm nữa, năm 1991, cô Yoshii Michiko đã làm luận văn thạc sĩ tại Pháp bằng tiếng Pháp về đề tài Những bài hát phản chiến của Trịnh Công Sơn. Năm 2004, Giải thưởng âm nhạc hoà bình thế giới (WPMA) được trao cho Nhạc Trịnh. Người Việt Nam ta, hẳn rất tự hào về Nhạc Trịnh. Riêng với tôi là kẻ đến muộn, nhưng nhờ có mối quan hệ ruột rà giữa văn chương mà tôi đã gắn bó một đời với ca từ của âm nhạc để từ đó trở thành người thần phục thế giới phong phú, huyền diệu, lừng lững chất nhân văn muôn thuở đặc biệt là đậm đà triết lý cao siêu hiếm thấy ở Nhạc Trịnh. Trước hết là ở ca từ. Với tôi, sự thần phục đã đi đôi với lòng biết ơn. Biết ơn trong Nhạc Trịnh có tiếng gọi đàn, gọi đàn... da diết, điều tôi hằng mong ước thiết tha đến cháy bỏng, thậm chí có kèm theo ít nhiều bức xúc trước sự khắc nghiệt của trần gian. Tiếng gọi đàn trong Nhạc Trịnh là tiếng gọi người Việt Nam ta ơi! Hãy “Nối vòng tay lớn”, “Hãy yêu nhau đi”, yêu nhau nhiều, nhiều, nhiều… nữa đi! Chúng ta đều là con cháu vua Hùng. Tổ tiên ta từng dạy Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn. Đừng để bất cứ một thứ định kiến nhất thời nào, một thứ rào cản nào ngăn trở. Hãy yêu nhau thêm nữa đi. Hãy “nối vòng tay lớn” thêm nữa đi. Và, tôi cũng xin được cảm ơn Nhạc Trịnh đã cho tôi một sản phẩm nghệ thuật tuyệt vời để từ đó tôi có đối tượng mà nghĩ về vấn đề thế nào là giá trị nhất thời, thế nào là giá trị vĩnh hằng trong thế giới nghệ thuật mà với người đời vốn cũng không đơn giản. Với tôi, giá trị của Nhạc Trịnh là trường tồn, là bất biến, dù cho sự khám phá, sự nhận chân giá trị đối với Nhạc Trịnh vẫn còn phải đặt ra mãi mãi theo thời gian như đã từng đặt ra với các thiên tài nghệ thuật khác.

Bạn đọc kính mến!

Từ những gì được thưa thốt trên đây, tôi lại thiết tha mong muốn quý vị hãy đến với cuốn sách này của nữ soạn giả Ban Mai. Đến với nó, trước hết là đến với một trường hợp đam mê Nhạc Trịnh tự thuở niên thiếu cho đến hôm nay Ban Mai đang làm việc tại một trường Đại học, đã được đào tạo ở bậc thạc sĩ. Làm luận văn thạc sĩ, Ban Mai đã chọn đề tài Thân phận con người và tình yêu trong ca từ Trịnh Công Sơn. Đây là vấn đề cốt lõi trong nội dung ca từ của Nhạc Trịnh. Do đó, nhiều bậc thầy, bậc đàn anh đi trước đã có nói tới và nói đến nhiều điều rất hay, nhưng chưa có điều kiện nói hết. Ban Mai, với yêu cầu của một luận văn thạc sĩ, dĩ nhiên, trên cơ sở tiếp thu thành quả của người đi trước, phải có sự phát triển, nâng cao bằng những phương pháp khoa học khác nữa, mà kết quả đã được ghi nhận. Nay, từ luận văn thạc sĩ, đã có sự tu chỉnh, bổ sung thêm, tác giả chuyển lên làm sách. Sách gồm hai phần chính:


Phần I. Tiểu luận về Thân phận con người và tình yêu trong ca từ Trịnh Công Sơn.
Phần II. Văn bản ca từ Trịnh Công Sơn.

Với phần I, bạn đọc đã có điều kiện theo dõi ý kiến của những người đi trước, nay đọc tiểu luận của Ban Mai chắc sẽ có sự đánh giá khách quan, công bằng đối với tác giả. Tôi xin không nói gì thêm. Tôi muốn nói nhiều đến phần II. Quả thật theo tôi đây là việc làm rất cần thiết trong công cuộc khám phá, chiếm lĩnh lâu dài đối với Nhạc Trịnh. Như mọi người đã thừa nhận trong kho báu Nhạc Trịnh, lời ca, ca từ có một vị trí đặc biệt. Riêng về ca từ, Trịnh Công Sơn đã hoàn toàn xứng đáng là thi sĩ lớn, thậm chí có người đã mệnh danh là Nguyễn Du của thời nay. Ấy thế nhưng, hỏi đã có mấy ai được tiếp xúc với khối lượng ca từ của Nhạc Trịnh một cách đầy đủ? Ngay đến con số nó là bao thì cũng mỗi người nói một cách: 300?, 500?, 800? Mà nghe đâu, chính Trịnh Công Sơn cũng không nhớ mình đã có bao nhiêu ca khúc. Phạm Văn Đỉnh, Chủ tịch Hội văn hoá Trịnh Công Sơn tại Pháp, đã công bố trên mạng thư mục bài hát Trịnh Công Sơn từ công phu sưu tầm của mình là 288 bài. Từ thực tế đó, lần này, với cuốn sách của Ban Mai, in lại 242 văn bản ca từ của Nhạc Trịnh, với sự cho phép của người thừa kế bản quyền. Tôi không chỉ hy vọng mà còn tin rằng tất cả những ai đã đam mê Nhạc Trịnh, hiện đang trên con đường đến với Nhạc Trịnh, sẽ hân hoan chào đón. Con số 242 này, dù đã là kết quả của một quá trình xông xáo, vất vả, thậm chí tốn kém của nữ soạn giả Ban Mai, nhưng chắc chắn chưa đủ so với những gì Nhạc Trịnh đã có. Chỉ mong sao, sẽ có sự bổ sung, đóng góp thêm của những ai thiết tha với kho báu Nhạc Trịnh. Và cũng xin đừng quên chỉ bảo cho soạn giả Ban Mai những điều còn bất cập, thiếu sót, trong công trình vốn là sản phẩm của nhiều năm tháng bằng niềm đam mê Nhạc Trịnh.

Hà Nội, vào Thu, Mậu Tý (2008)

--------------------------------------------------------------------------------

(*) Giáo sư Văn học Việt Nam hiện đại, Đại học Sư phạm Hà Nội.



nguồn: tcs-home.org
  Trịnh Công Sơn:
> bài hát
> bài viết
> hình ảnh
> phỏng vấn
> bút tích
> dòng thời gian

Những người mến mộ:
> những kỷ niệm
> bài viết
> tưởng niệm
> tin tức
> sách
> lưu bút

Khánh Ly


Phố Xưa


- 20 bài mới nhất



Một hình ảnh ngẫu nhiên:






Gia Sư: Gia Đình + Sinh Viên
 
Address: www.SuuTap.com/TrinhCongSon - Collection: Hoang Truc Ly - Design & script: Sony Ho