tưởng niệm




Đôi Dòng Về Trịnh Công Sơn

--- Cổ Ngư ---


Cho đến nay, trước sau có ba nhạc sĩ Việt Nam tự nhận mình là người hát rong: Phạm Duy, Trịnh Công Sơn và Trần Tiến. Phạm Duy rong ruổi trên con đường cái quan, suốt từ Bắc vào Nam, rồi ra ngoài đất nước, đi khắp vòng thế giới để cuối cùng, trở về điểm mốc ban đầu: quê nhà. Trần Tiến muốn nói lên sự thật về một đất nước thừa nghèo đói nhưng cũng không thiếu điều nhố nhăng trên những nơi ông đi qua. Còn Trịnh Công Sơn, người nhạc sĩ của hơn tám trăm ca khúc, đã cùng âm nhạc của mình lang thang mãi giữa những lằn ranh của nắng-mưa, yêu-ghét, cảm thông-chối bỏ, sống-chết, đi-về, nhớ-quên, buồn-vui, chiến tranh-hoà bình, hận thù-ăn năn...

Năm 1991, trong lời bạt của tập bài hát Em còn nhớ hay em đã quên, nhạc sĩ Văn Cao viết: “Tôi gọi Trịnh Công Sơn là người ca thơ (chantre) bởi ở Sơn, nhạc và thơ quyện vào nhau đến độ khó phân định cái nào chính, cái nào là phụ. Và bởi Sơn đã hát về quê hương đất nước bằng cả tấm lòng cuả một đưá con biết vui tận cùng những niềm vui và đau tận cùng những nỗi đau của Tổ quốc mẹ hiền... Cái quyến rũ của nhạc Trịnh Công Sơn là ở chỗ không định tạo ra một trường phái nào, một triết học nào, mà vẫn thấm vào lòng người như suối tưới. Với những lời, ý đẹp và độc đáo đến bất ngờ hôn phối cùng một kết cấu đặc biệt như một hình thức của dân ca hầu như không thay đổi, Trịnh Công Sơn đã chinh phục hàng triệu con tim, không chỉ ở trong nước, mà cả ở bên ngoài biên giới nưã”. Như vậy, nhạc sĩ Văn Cao, cũng như nhạc sĩ Phạm Duy trong tập Hồi ký cuả mình, đã nhắc về Trịnh Công Sơn với những lời lẽ đơn sơ nhưng trân trọng. Rất nhiều người khác trong giới văn nghệ sĩ đã đồng ý gọi Trịnh Công Sơn là nhạc sĩ cuả Tình Yêu-Quê Hương-Thân Phận. Thật vậy, trong sự nghiệp sáng tác của ông, bên cạnh những tình khúc lãng mạn, những ca khúc phản chiến, kêu gọi xây dựng đất nước trong hoà bình, còn có những bài hát, như những dấu chấm hỏi và dấu chấm than về thân phận con người.

Tình khúc của Trịnh Công Sơn, với những cái tựa rất ấn tượng và siêu thực như Nắng thuỷ tinh, Rồi như đá ngây ngô, Biển nhớ, Hạ trắng, Lời buồn thánh, Hoa vàng mấy độ... một lần được nghe, sẽ ở lại mãi trong lòng người thưởng thức. Ca khúc về thân phận cuả ông, đôi bài rất gần với thánh ca, đạo ca, thiền ca, dân ca, được không ít người suy gẫm: Lời mẹ ru, ở trọ, Xin mặt trời ngủ yên, Tự tình khúc, Gần như niềm tuyệt vọng, Một cõi đi về, Biết đâu nguồn cội, Bay đi thầm lặng... Chỉ có những ca khúc phản đối chiến tranh, kêu gọi hoà bình của ông thời 1968-1973 và một số bài hát viết sau năm 1975 là tạo nhiều “vấn đề”, biến ông thành người hát rong giữa những lằn ranh cuả định kiến ý thức hệ. Trong thời gian sáng tác các ca khúc cuả hai tập Ca khúc da vàng và Kinh Việt Nam, Trịnh Công Sơn đã phát biểu: “Tôi phản đối chiến tranh, dù đó là chiến tranh chính nghiã hay phi nghiã”. Hình ảnh và tiếng nói cuả ông xuất hiện khắp mọi nơi trên thế giới, nhưng đồng thời, trong nước, một số ca khúc cuả ông bị cấm phổ biến. Chính quyền miền Bắc, với khẩu hiệu “Chống Mỹ cưú nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”, ra lệnh bỏ tù những ai dám nghe và hát nhạc Trịnh Công Sơn vì không ít những cán bộ, bộ đội đã vì thế mà bỏ ngũ, quay lưng quay súng trong các chiến dịch “chiêu hồi”. Chính quyền miền Nam, dưới chiêu bài “Bảo vệ Tự Do, chống sự xâm lăng cuả cộng sản phương bắc”, cấm hàng loạt ca khúc cuả Trịnh Công Sơn vì cho rằng những bài hát này làm băng hoại tinh thần chiến đấu cuả quân dân miền Nam, khiến binh lính đào ngũ, người dân biểu tình, bãi thị, bãi khoá... Thế nhưng, ngay giưã Hà Nội, chính nhạc sĩ Văn Cao đã được nghe những người thanh niên trẻ say mê hát nhạc phản chiến đến đứt cả dây đàn guitare. Tại Sài Gòn và các thành thị phiá nam, bên cạnh những bài hát day dứt, nói lên nỗi thống khổ, tủi nhục, mất mát trong chiến tranh như Đi tìm quê hương, Em đi trong chiều, Giọt nước mắt cho quê hương, Gia tài cuả mẹ, những bài hát hừng hực khí thế tuổi trẻ đã được sinh viên, học sinh và hướng đạo sinh say mê vỗ tay mà hát. Họ mong muốn những gì? Được Nối vòng tay lớn, Dựng lại người dựng lại nhà và Chờ nhìn quê hương sáng chói. Cũng cùng một ý hướng như các nhạc sĩ Phạm Duy và Phạm Đình Chương khi sáng tác hai trường ca Con đường cái quan và Hội Trùng Dương, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mong muốn được nhìn thấy một đất nước Việt Nam thống nhất trong hoà bình và giàu mạnh khi ông viết các ca khúc rất lạc quan: Huế-Sài Gòn-Hà Nội quê hương ta, Tôi sẽ đi thăm, Đồng dao hoà bình, những ca khúc được viết khi ông vưà hát vưà bị rượt đuổi và đang sống lê la trốn lính với các bạn bè giang hồ.

Sinh ở Đắc Lắc, nổi tiếng ở Sài Gòn, nhưng trong hai thời điểm đau thương cuả miền Nam, 1968 và 1975, Trịnh Công Sơn lại có mặt ở Huế. Những hình ảnh hãi hùng cuả Tết Mậu Thân đã để lại nhiều dấu vết trong một số ca khúc cuả ông. Điạ danh Bãi Dâu, hình ảnh người mẹ hoá điên khi nhìn ra thi thể con mình trong hầm chôn tập thể, thay vì gào khóc lại vỗ tay reo mừng, hay câu hát Xác nào là em tôi giưã hố hầm này?, như những đoạn phim thời sự, vạch trần tội ác chiến tranh và sự tàn bạo cuả những người chung một nòi giống. Sau năm 1975, Trịnh Công Sơn lại ra sống ở Huế và cứ một năm vài tháng, lại tham gia vào những chuyến lao động trồng khoai sắn trên những cánh đồng còn gài đầy mìn tại Cồn Thiện, gần vĩ tuyến 17. Mãi đến năm 1979, ông mới được phép vào sống cùng gia đình tại Sài Gòn, lúc này đã mang tên thành phố Hồ Chí Minh. Ca khúc đầu tiên sau biến động 30.04.1975 được ông vưà đàn vưà tự trình bày trên truyền hình mang tưạ đề Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui. Bài hát lập tức bị đả kích ở trong cũng như ngoài nước. Báo chí trong nước lên án bài hát đậm đặc tính chất tiểu tư sản, những hình ảnh “Tôi nhặt gió trời, mời em giữ lấy, để mắt em cười tựa lá bay... Tôi đợi em về, bàn chân quen quá, thảm lá me vàng lại bước qua...” không thể nào chấp nhận được trong khi cả nước sôi sục khí thế lao động và chiến đấu chống Khơ-me đỏ và “bọn bành trướng Bắc Kinh”. Báo chí cuả người Việt hải ngoại đặt câu hỏi: niềm vui ở đâu ra lắm thế trong khi quê hương lầm than, nhiều triệu người ly tán, bị tù đày trong các trại cải tạo hoặc vượt mọi hiểm nguy tìm đường vượt biển. Cũng thế, bài hát Em còn nhớ hay em đã quên ra đời sau đó cũng không thoát khỏi buá riù dư luận. Trong khi chuyện vượt biên còn là điều cấm kÿ, những người bỏ nước ra đi cách này hay cách khác đều bị khép tội phản quốc, Trịnh Công Sơn viết: “Em ra đi, nơi này vẫn thế, vẫn có em trong tim cuả mẹ”. Sau khi được Khánh Ly trình bày trên đài VOA (Voice Of America) trong chương trình phát thanh về Việt Nam, bài hát liền lập tức bị cấm phổ biến tại quốc nội. ở hải ngoại, bài hát bị lên án là uỷ mị, làm mủi lòng người lưu vong, trong khi nhạc phẩm Khi xa Sài Gòn (phổ thơ Kim Tuấn) cuả Lê Uyên-Phương, khi ấy đã định cư tại Hoa Kỳ, lại không bị chỉ trích, dù nội dung và nhạc điệu buồn bã cuả hai ca khúc tương tự như nhau. Chỉ có người Sài Gòn vẫn tiếp tục lén lút phổ biến bài hát, bởi vì nó gợi lại một thời xưa cũ, bởi vì đó là bài hát đầu tiên ở trong nước, từ sau ngày 30.04.1975, nhắc đến cái tên Sài Gòn, cái tên mà chính quyền mới đã tìm đủ mọi cách để làm cho mọi người quên đi. Có lẽ, vào thời điểm đó, chính người Sài Gòn cũng cảm thấy mình đang sống lưu vong ngay giưã Sài Gòn!

Không chọn con đường quay lưng chống đối, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn quyết định ở lại với đất nước, dù bạn bè và các em cuả ông lần lượt ra đi. Sau nhiều năm tháng lao động cải tạo trên những mảnh đất gài đầy mìn, ông viết: “Tôi chọn nơi này cùng nhau ca hát, để thấy tiếng cười rộn rã bay”. Nhưng như vậy, không có nghiã là ông tự phản, ông chấp nhận sống chung để cùng thay đổi, đồng thời, vẫn đi được con đường riêng cuả mình. Nhìn lại những ca khúc cuả Trịnh Công Sơn được phổ biến trong nước khoảng thập niên 80, người ta thấy, ngoài những ca khúc viết cho phim truyện và phim tài liệu: Đời gọi em biết bao lần, Cánh chim cô đơn, Vẫn có em bên đời, Bốn muà thay lá..., ông còn một số bài hát viết về quê hương, về mẹ, về tuổi mới lớn và tuổi thơ như các bài Huyền thoại Mẹ, Chiều trên quê hương tôi, Em đến từ nghìn xưa, Tuổi đời mênh mông, Em là hoa hồng nhỏ... Vắng bóng những tình ca, nhưng không hề có một lời xưng tụng chế độ, đảng cầm quyền cũng như những người lãnh đạo. Trong khi giới truyền thông trong nước kêu gào, thổi phồng tin một số nữ thanh niên xung phong bị hãm hiếp và giết hại dã man ở biên giới tây nam, Trịnh Công Sơn sáng tác một ca khúc vui tươi, với những lời lẽ nhẹ nhàng: “Lên nông trường, ra biên giới, có đôi chân đi không trở lại...”. Viết cho thiếu nhi, khi ấy vẫn còn bị nhồi nhét lòng căm thù trong các bài học, ông có những câu rất đẹp: “Trang sách hồng nằm mơ màng ngủ, em gối đầu trên những vần thơ...”. Và, rất lâu trước khi các ca khúc lãng mạn về Hà Nội cuả thập niên 90 ra đời, khi người ta còn bị bắt buộc phải nghĩ đến Hà Nội như nghĩ đến một “thành trì cách mạng”, với quảng trường Ba Đình và lăng Hồ chủ tịch, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mở đầu ca khúc Nhớ muà thu Hà Nội bằng một hình ảnh tương tự như tranh Bùi Xuân Phái:

Hà Nội muà thu,
Cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ
Nằm kề bên nhau,
Phố xưa, nhà cổ, mái ngói thâm nâu...


Hình như mọi người không ngạc nhiên khi biết, từ đầu năm 1975, Trịnh Công Sơn bắt đầu tìm đến với hội hoạ, và tranh cuả ông có một đường hướng riêng, một chỗ đứng riêng. Bởi vì, trong các ca khúc, ông đã “vẽ” rất nhiều bằng lời hát đầy chất thơ cuả mình. Những hình ảnh ngàn cây thắp nến lên hai hàng, chiều tím loang viả hè, trời ươm nắng cho mây hồng, lòng ta trăm con hạc gầy vút bay, bàn im hơi bên ghế ngồi... kết hợp cùng âm thanh du dương, tạo nên nét độc đáo trong âm nhạc Trịnh Công Sơn. Người nữ, hao hao giống những modèle cuả Đinh Cường, ẩn hiện trong hàng trăm ca khúc: vai em gầy guộc nhỏ, dài tay em mấy thuở mắt xanh xao, đôi môi lưả cháy, mi cong cỏ mượt, da thơm quả ngọt, áo xưa lồng lộng... Tình yêu, cũng vì thế, thường yểu mệnh trong các bài hát cuả Trịnh Công Sơn, tình vui rất hiếm, tình buồn, Tình xót xa vưà, Tình xa, Tình nhớ, Tình sầu, nhiều hơn...

Một người nữ khác, người mẹ, cũng xuất hiện khá nhiều trong các nhạc phẩm cuả Trịnh Công Sơn. Từ hình ảnh thanh bình: Lời mẹ ru đêm vắng, ngón tay hồng, người mẹ đi qua chiến tranh, tủi phận trong Ca dao Mẹ, hoặc nghẹn ngào thốt lên: Con ngủ tuổi hai mươi. Có khi đó là bà mẹ quê, ngơ ngác giưã đoàn người di tản, với gia tài chỉ vỏn vẹn có mỗi trái bí trên vai. Có khi đó là người mẹ gan dạ đứng dưới mưa để chờ xoá sạch dấu con về. Sau chiến tranh, tưởng đâu những người mẹ ấy sẽ yên tâm lên núi tìm xương con mình, hoặc dâng miếng cau rồi dâng ngọn trầu, nhưng cuộc “nội chiến” vẫn tiếp diễn dưới một hình thức khác, mẹ vẫn trăn trở giọt ngắn giọt dài, mong lũ con cùng cha quên hận thù... Hình ảnh mẹ, cuối cùng trở nên huyền ảo: Sương mù, tóc mẹ trôi, Mẹ chìm dưới cơn mưa, trước khi biến mất hoàn toàn trong tiếng kêu than thống thiết của đàn con: Mẹ bỏ con đi, đường xa hoạn nạn...

Hình ảnh người mẹ thường gắn liền với lời ru. Nhưng lời ru trong âm nhạc Trịnh Công Sơn đã chuyển sang thành tiếng những tình nhân thổn thức ru nhau, hoặc tự ru mình. Nếu tình khúc Tôi ru em ngủ bắt đầu với nhạc điệu êm ả và lời hát gợi cảnh yên bình: “Tôi ru em ngủ một sớm mùa đông, em ra ngoài ruộng đồng, hỏi thăm cành luá mới...”, trong những ca khúc khác, như Ru em, Ru em từng ngón xuân nồng, Ru tình, Rơi lệ ru người, Ru đời đi nhé!, Ru đời đã mất, Ru ta ngậm ngùi..., lời ru lãng đãng giưã bâng khuâng, nhớ nhung, hoang mang, ưu phiền, ăn năn cuả tình yêu và sự khắc khoải cuả thân phận trước giấc ngủ sau cùng, cái chết: “Ta ru ta ngậm ngùi, xin ngủ dưới vòm cây”. Cái chết, một chủ đề ám ảnh thường trực hành trình âm nhạc cuả Trịnh Công Sơn. Trong chiến tranh, cái chết đến với mọi người, ở mọi nơi. Người con gái Việt Nam da vàng chết trong đêm lạc đạn. Đưá bé ra đồng chết vì mìn gài một buổi sáng muà xuân. Người phi công gẫy cánh. Đám tang đi qua trái mìn nổ chậm, người chết, chết hai lần. Những cụm từ xác người, người yêu chết trận xuất hiện đậm đặc trong các ca khúc bài ca dành cho những xác người, Hát trên những xác người, Tình ca người mất trí như sự lập đi lập lại cuả những hồi kinh cầu hồn. Những người chết, người dân, người lính, cuả “phiá bên này” hay “phiá bên kia”, đôi khi chết mà không hiểu vì sao mình phải chết. Với bản thân người nhạc sĩ, cái chết dường như ít khốc liệt hơn, hình như chỉ là nằm chết như mơ, hình như chỉ đơn giản một hôm lên núi nằm xuống, hay: “Thí dụ, bây giờ tôi phải đi, tay chia ly cùng đời sống này...”. Trong các sáng tác có tính chất đạo ca cuả Trịnh Công Sơn, cái chết còn đến rất gần với thuyết luân hồi cuả nhà Phật:

Không có đâu em này,
Không có cái chết đầu tiên,
Và có đâu bao giờ,
Đâu có cái chết sau cùng...


Có thể nói không một cách không quá đáng rằng Trịnh Công Sơn là một nhà cách tân ngôn ngữ Việt Nam đương đại. Qua vô số hình ảnh tuyệt vời ông đưa vào lời hát rất nhiều so sánh, hoán dụ, ẩn dụ đắc giá: tóc trắng như vôi, chập chờn lau trắng trong tay, biển rộng hai vai, đá lăn vết lăn trầm, tình treo trên chiếc đinh không, đôi môi rồ dại, giọt máu cuồng điên, nắng khuya, mắt đêm đèn vàng, tình yêu như trái phá - con tim mù loà, đời sao im vắng như đồng luá gặt xong, đôi khi thấy trên lá khô một dòng suối, thuyền nào chở mất thuyền quyên?... Ông sử dụng tài tình sự tương phản và đôi khi dùng những vế câu thật đơn giản để đẩy cao hơn điều muốn nói:

người vinh quang mơ ước điạ đàng /
người gian nan mơ ước bình thường
=> làm sao đến gần hy vọng cuộc vui chung?


hay:

Dù muà xuân đã đến đây / Vẫn còn tiếng khóc thầm,
Triệu nụ hoa đang thoát thai / Viên đạn vẫn trên nòng...


Tự học nhạc và bắt đầu sáng tác từ khi chưa đến hai mươi tuổi, âm nhạc cuả Trịnh Công Sơn đi thẳng từ trái tim người sáng tác đến trái tim người nghe, không bị lệ thuộc vào ảnh hưởng cuả âm nhạc kinh viện, âm nhạc thương mại hay âm nhạc trình diễn, do đó, chỉ nằm trong các thể điệu slow, slow-rock, blues, boston, valse hoặc surf, swing, soul chậm và hành khúc mà thôi. Ngoại trừ nhạc phẩm phổ thơ Trịnh Cung Cuối cùng cho một tình yêu, liên-tiểu-khúc Đoá hoa vô thường và một số ca khúc sáng tác chung với nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu, các ca khúc khác cuả ông có giai điệu đơn giản, đôi khi đơn điệu, nhưng luôn thăng hoa theo lời hát. Đó chính là đặc điểm và cũng chính là giới hạn cuả âm nhạc Trịnh Công Sơn.

Khởi đầu bằng các ca khúc Ướt mi, Thương một người và kết thúc với Sóng về đâu?, Đồng dao 2000, suốt hơn bốn mươi năm qua, âm nhạc Trịnh Công Sơn đã đến với thính giả qua tiếng hát và cách trình bày cuả nhiều thế hệ ca sĩ. Từ Thái Thanh đến Ý Lan, Quỳnh Hương, Duy Quang, Thái Hiền, Thái Thảo, Thiên Phượng, Mai Linh. Từ Thanh Thuý, Giao Linh, Lệ Thu, Lê Uyên đến Thanh Lan, Nguyễn Chánh Tín, Carol Kim, Thuý-Hà-Tú, Tuấn Ngọc, Đức Huy, Hoạ Mi. Từ Vũ Khanh, Ngọc Lan, Kiều Nga, Hương Lan, ái Vân, Như Mai, Don Hồ, Dalena đến Thanh Hà, Thuỳ Dương, Huy Tâm, Mỹ Huyền, Lâm Nhật Tiến, Hoàng Nam. Từ Duy Trác, Quỳnh Giao đến Nguyễn Thành Vân, Trần Thái Hoà. Từ Lê Dung, Cẩm Vân, Bảo Yến, Lan Ngọc, Thanh Hải đến Khắc Dũng, Thu Hà, Thanh Lam, Tam ca áo trắng, Mỹ Linh, Bảo Phúc, Trần Thu Hà... Nhưng có lẽ chỉ có Khánh Ly và Hồng Nhung là hai tiếng hát đã để lại dấu ấn sâu đậm nhất trong lòng người nhạc sĩ cũng như người thưởng thức. Ca sĩ Khánh Ly nghĩ rằng bài hát Yêu dấu tan theo có lẽ được viết riêng cho cô. Bài hát có những câu: “Em theo đời cơm áo, Mai ra cùng phố xôn xao, bao nhiêu ngày yêu dấu tan theo...”. Ngoài ra, trong một ca khúc viết lúc cuối đời, “Em đi bỏ mặc con đường”, hình như cũng thấp thoáng đâu đó đôi lời trách cứ: Bỏ xa xôi yêu và gần gũi, bỏ mặc tôi buồn giưã cuộc vui... Bỏ tôi hoang vu và nhỏ bé, bỏ mặc tôi ngồi giưã đời tôi”.. Đối với cô bé Bống Hồng Nhung, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã riêng tặng một tam khúc: Bống bồng ơi, Bống không là Bống và Thuở Bống là người. Theo Trịnh Công Sơn, Khánh Ly là người hát hay nhất những sáng tác cuả ông, nhưng nếu Khánh Ly hát cho một thời vừa lãng mạn vưà đau thương trong chiến tranh đã qua, thì Hồng Nhung làm mới lại những ca khúc, với cách biểu hiện mới, phù hợp với tiết tấu cuả thời hiện đại. Ông cũng thường nhắc đến tên ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh, chính là em gái út cuả ông.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, với đôi mắt kính gọng đồi mồi, với cây đàn guitare và giọng hát khàn âm hưởng Huế, với cả những điếu thuốc lá và những ly rượu mạnh, đã đi-qua-cuộc-đời và giã từ chúng ta ở tuổi sáu mươi hai. Bị bệnh tiểu đường nặng, những ngày cuối cùng, ông phải di chuyển bằng xe lăn, đúng như câu hát đã viết trước đó hơn hai mươi lăm năm:

Mệt quá đôi chân này,
Tìm đến chiếc ghế nghỉ ngơi,
Mệt quá thân ta này,
Nằm xuống với đất muôn đời...


Xác thân ông đã nằm xuống với đất, về làm cát bụi, nhưng thần trí ông, vừa giã từ cõi tạm, có lẽ đang bay lượn đâu đó giữa chốn vô cùng, và tất cả, hình như, chỉ là một lời chia tay mà thôi:

Những hẹn hò từ nay khép lại,
Thân nhẹ nhàng như mây...
Đoá hoa vàng mỏng manh cuối trời
Như một lời chia tay...


Paris 04.2001



nguồn: Văn Học
  Trịnh Công Sơn:
> bài hát
> bài viết
> hình ảnh
> phỏng vấn
> bút tích
> dòng thời gian

Những người mến mộ:
> những kỷ niệm
> bài viết
> tưởng niệm
> tin tức
> sách
> lưu bút

Khánh Ly


Phố Xưa


- 20 bài mới nhất



Một hình ảnh ngẫu nhiên:






Gia Sư: Gia Đình + Sinh Viên
 
Address: www.SuuTap.com/TrinhCongSon - Collection: Hoang Truc Ly - Design & script: Sony Ho