tin tức




Hải Triều - giấc mơ ca sĩ Việt trên đất Nhật

--- Chu Minh Vũ ---


Diễm xưa - Hải Triều là một album lạ trên thị trường. Lạ là ở chỗ đây không chỉ là CD ca nhạc song ngữ Việt-Nhật với các ca khúc của Trịnh Công Sơn, Quốc Bảo mà lạ còn ở chỗ từ "gu" âm nhạc cho đến mỹ thuật, font chữ đều thể hiện rõ màu sắc Nhật Bản cùng một cái tên ca sĩ rất lạ: Hải Triều.
Phạm Hải Triều, hiện đang là du học sinh cao học chuyên ngành nghiên cứu giáo dục (trước đó đã tốt nghiệp Trường đại học kinh tế Tokyo). Chàng trai người Huế này trước khi đến Nhật đã tốt nghiệp khoa Tiếng Anh - ĐH Khoa học Huế và khoa Tiếng Nhật Trường Nhật ngữ Nam học do người Nhật dạy tại Huế. Yêu nhạc Trịnh, hát hay và hay hát, song chỉ khi duyên may đến, Triều mới dám nghĩ đến con đường xa hơn. Đó là lúc cậu sinh viên năm thứ 2 này đến hát cho Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật bài Shimauta - một ca khúc Nhật Bản mang âm hưởng của vùng đảo Okinawa. Rồi một lần khác, khi nghe Hải Triều hát Diễm xưa - ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn khá nổi tiếng tại Nhật, cặp vợ chồng Gregory Makiko (Nhật) và Gregory Ted (Mỹ) đã trực tiếp đề nghị giúp đỡ Hải Triều, nếu muốn trở thành ca sĩ ngoại quốc hát tiếng Nhật ở Nhật Bản. Từ những mối quan hệ của Makiko và Ted, chàng trai xứ Huế bắt đầu khởi đầu nghề hát như ca sĩ chuyên nghiệp, được đi diễn, có người hâm mộ... Bây giờ, album đầu tay được thực hiện sau 5 tháng trở về Việt Nam đã hoàn tất với mục đích chinh phục khán giả Nhật bằng âm nhạc Việt Nam.
Khi được hỏi vì sao Hải Triều chọn âm nhạc của Trịnh Công Sơn, có phải là do muốn nhắm đến thị trường ở cả hai nước Việt Nam và Nhật Bản, Hải Triều không giấu giếm: "Ở Nhật, tôi sẽ hát tiếng Nhật, còn ở Việt Nam tôi sẽ hát tiếng Việt Nam. Nếu có điều kiện để đi đi về về thì sẽ rất thú vị, tôi sẽ là cầu nối văn hóa Việt - Nhật. Tôi tự viết lời Nhật cho các ca khúc của Trịnh Công Sơn, có thể chưa truyền tải hết triết ý của tác giả nhưng với thiện chí cho người Nhật hiểu được bài hát Việt Nam. Người Nhật rất thích nhạc Trịnh, nhất là những người trên 40 tuổi. Tôi đã hát Diễm xưa và nhiều bài của Trịnh Công Sơn đã phát hành năm 1973 tại đây, rất được ủng hộ. Nhạc Trịnh là tài sản quý của âm nhạc Việt, nếu làm được gì nhiều hơn để đem nó cho người nước ngoài thưởng thức, tôi rất hạnh phúc. Sắp tới, tôi sẽ thu riêng một đĩa nhạc Trịnh và ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh đã đồng ý thu song ca một bài".
Hải Triều chỉ tiếc một điều là trước đây Hồng Hạnh, Hồng Nhung đều hát tiếng Nhật rất hay và đã có chỗ đứng trong lòng một số công chúng Nhật Bản, nhưng tiếc là họ không ở Nhật lâu hơn và không có chiến dịch tiếp thị. "Hãy nhìn các ca sĩ Hàn Quốc tấn công vào thị trường này sẽ thấy họ đều có giọng hát bình thường nhưng có chiến lược PR rất tốt, nên đã tạo được tiếng vang" - Hải Triều tâm sự. Theo anh, trước khi muốn thâm nhập thị trường Nhật Bản thì phải giao tiếp tốt tiếng bản xứ. "Hiểu được suy nghĩ và thẩm mỹ của họ thì mình sẽ chuyển tải tình cảm trong âm nhạc đến với họ dễ hơn, họ sẽ dễ chấp nhận hơn. Nhạc Việt khá gần gũi với người Nhật nên hoàn toàn có thể trông đợi vào một tương lai gần". Hy vọng anh sẽ thành công với album Hải Triều - Diễm xưa trên đất nước hoa anh đào!



nguồn: web.thanhnien.com.vn
  Trịnh Công Sơn:
> bài hát
> bài viết
> hình ảnh
> phỏng vấn
> bút tích
> dòng thời gian

Những người mến mộ:
> những kỷ niệm
> bài viết
> tưởng niệm
> tin tức
> sách
> lưu bút

Khánh Ly


Phố Xưa


- 20 bài mới nhất



Một hình ảnh ngẫu nhiên:






Gia Sư: Gia Đình + Sinh Viên
 
Address: www.SuuTap.com/TrinhCongSon - Collection: Hoang Truc Ly - Design & script: Sony Ho