tin tức




Xin đừng thương nhau như thế...

--- Lê Nguyễn ---


TT - Ở hầu hết những người cùng thời với nhạc sĩ tài hoa họ Trịnh, không mấy ai là không từng có những cảm giác ngây ngất, say sưa khi thưởng thức những giai điệu của anh trên sóng phát thanh hay trong các phòng trà ca nhạc.

Tôi vẫn còn ấn tượng về cảm giác “nổi gai ốc” khi lần đầu tiên nghe những ca từ có một không hai của anh: “... Ôi trái tim phiền muộn, đã vui lại một giờ, như bờ xa nước cạn, đã chìm vào cơn mưa...” hay “... Từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ, ôi những dòng sông nhỏ, lời hẹn thề là những cơn mưa...”.

Thời đó, chúng tôi đồng tình đánh giá Trịnh Công Sơn là “phù thủy của ngôn ngữ âm nhạc”. Bản thân tôi nhận thấy con người thi sĩ trong Sơn còn lãng mạn, tài hoa hơn cả con người nhạc sĩ.

Vào những năm 1960, nhắc đến nhạc Trịnh, mọi người nghĩ ngay đến ca sĩ Khánh Ly và gần như giọng ca của chị giữ vai trò thống soái trong việc trình diễn nhạc Trịnh.

Với tôi, trên mặt bằng chung, giọng ca Khánh Ly không trầm ấm, biểu cảm, sâu lắng bằng giọng ca Lệ Thu, không “bài bản”, sang trọng bằng các đàn chị Châu Hà, Mộc Lan, Kim Tước... nhưng các ca sĩ thời đó rất ít trình diễn nhạc Trịnh vì họ hiểu rất rõ rằng không ai có thể diễn đạt sự thanh thoát, bay bổng trong giai điệu của nhạc Trịnh hay hơn Khánh Ly...

Với các ca sĩ trẻ hiện đại, đáng mừng là hầu hết các bạn cũng đều có những cảm thụ âm nhạc Trịnh như thế hệ chúng tôi. Tôi thầm cảm ơn những giọng ca Cẩm Vân, Lan Ngọc, Hồng Nhung, Quang Dũng và đặc biệt giọng ca Trần Thu Hà đã chuyển tải được cái hồn của nhạc Trịnh đến trái tim yêu cái đẹp đích thực của người nghe.

Và tôi thật sự buồn với những phong cách “dị dạng” trong trình diễn nhạc Trịnh của một vài ca sĩ. Điều có thể xác định mà không sợ lầm lẫn là nhạc Trịnh Công Sơn mới mẻ mà không lập dị, mạnh mẽ mà không sống sượng, giản dị mà không sáo mòn. Đáng tiếc là có vài ca sĩ hiện nay khi trình diễn nhạc của anh chỉ đạt được vế sau mà thiếu hẳn vế trước...

Âm nhạc là hơi thở của cuộc sống, hơi thở đó phải thanh thoát, thơm tho để truyền đi cái hay, cái đẹp của nghệ thuật. Xin đừng biến nhạc Trịnh thành một thứ hơi thở “nặng mùi”, cho dù nó xuất phát từ lòng thương kính của ta đối với Sơn, vì “thương nhau như thế bằng mười phụ nhau”.



nguồn: www.tuoitre.com.vn
  Trịnh Công Sơn:
> bài hát
> bài viết
> hình ảnh
> phỏng vấn
> bút tích
> dòng thời gian

Những người mến mộ:
> những kỷ niệm
> bài viết
> tưởng niệm
> tin tức
> sách
> lưu bút

Khánh Ly


Phố Xưa


- 20 bài mới nhất



Một hình ảnh ngẫu nhiên:






Gia Sư: Gia Đình + Sinh Viên
 
Address: www.SuuTap.com/TrinhCongSon - Collection: Hoang Truc Ly - Design & script: Sony Ho