những kỷ niệm
Hoài Niệm Trịnh Công Sơn
--- Hồ Trường An ---
Năm 1967, tôi có dịp gặp Trinh Công Sơn. Vào một tối mùa hè, anh tháp tùng Tô Thùy Yên đến nhà Thụy Vũ. Tuyển tập nhạc Ca Khúc Trịnh Công Sơn của anh do Tô Thùy Yên vừa viết tựa vừa viết bạt và do nhà xuất bản An Tiêm ấn hành cũng vừa được phát hành. Lúc đó, Trịnh Công Sơn chưa nổi tiếng. Tối hôm ấy, anh vừa đàn vừa hát cho hai chị em tôi nghe một hơi bảy tám ca khúc gì đó. Giọng hát của Sôn trong, rõ và mềm mại. Anh hát theo thể kể lể ( récitatif ) cũng hay lắm . Trước đó, tôi có tập tành khảo cứu cách xem chỉ tay và đã khác nhiều thần thọai La Hy. Theo tôi nghĩ, muốn xem chỉ tay cho giỏi thì phải khảo cứu thần thoại La Hy trước đã, vì các vị thần trong đó có cuộc đời và tánh tình, tâm lý ứng vào những giò, những chỉ tay trong lòng bàn tay của con người. Biết tôi võ vẽ đôi chút về nghệ thuật xem chỉ tay, Sơn nhờ tôi xem cho anh, Tôi miễn cưỡng chiêm nghiệm lòng bàn tay Sơn rồi bảo : - Gò thổi tinh của anh thấp hơn gò thái dương, đó là điềm tốt. Lại nữa gò thái dương đầy đặn, nở rộng, chứng tỏ anh sẽ có một danh vọng sáng choang trong lãnh vực nghệ thuật. Thần thái dương Apollon là ông tổ sự coi về nghệ thuật mà. Hơn nữa, đường thái dương ( ligne solaire ) của anh vừa thẳng vừa dài, mọc từ đường tâm đạo ( ligne de cœur ) xông thẳng vào gò thái dương, rõ nét và nhuận hồng. Anh sẽ nổi tiếng vào tuổi ba mươi trở lên . Trịnh Công Sơn nghĩ là tôi an ủi anh vì lúc đó anh còn nghèo, sống lang thang. Tuy nhiên về phần tánh tình và sự việc quá khứ của anh, tôi đoán trúng được ít nhiều. Khi tôi nhập khoá 26 Thủ Ðức, Trịnh Công Sơn và Tô Thùy Yên lên tận đại đội của tôi gởi gấm tôi cho ông trung ú cán bộ đại đội trưởng. Lúc đó Trịnh Cung đang làm sĩ quan cán bộ tại trường này. Nhờ Trịnh Cung giới thiệu mà các sĩ quan cán bộ đại đội trưởng, tiểu đoàn trưởng chú ý đến tôi. Họ nhờ tôi xem chỉ tay, cho phép tôi nghỉ ngơi tại trại suốt 24 tiếng đồng hồ. Ra bãi học tập chiến thuật, tôi được ăn cơm chung với các cán bộ. Trong lúc các tân khóa sinh trong bốn tuần nhục phải thực tập chiến thuật như leo, bò, trườn … thì tôi giả dạng làm địch ngồi một chỗ, không cần đi đoạn đường chiếnbinh, không cần bò hỏa lực. Lúc lâu, tôi được nghỉ phép một ngày. Tối tối thay vì bị tập họp sinh hoạt trong đại đội, tôi được ông tiểu đoàn trưởng này, ông liên đoàn trưởng nọ mời ăn nhậu để tôi xem chỉ tay cho họ. Trịnh Công Sơn rủ Tô Thùy Yên lên thăm tôi, cho tôi biết anh đã tìm được một cô ca sĩ ở Ðà Lạc tên Khánh Ly để trình diễn nhạc của anh. Thế là danh vọng của anh nổi lên như cồn vào tuổi 32 . Trong thời gian anh và Khánh Ly trình diễn ở Ðại học Văn khoa, tôi có đến thăm anh. Anh mời tôi uồng bia, cà phê và nhờ tôi xem chỉ tay cho nữ ca sĩ Khánh Ly. Ngọn đèn dầu hôi treo lủng lẳng bị gió cứ tắt hoài. Trịnh Công Sơn phải quẹt từng cọng diêm vừa xòe tay mình che ngọn lửa vừa soi vào bàn lòng bàn tay Khánh Ly. Dưới ánh que diêm chập chờn, tôi không thấy rõ các gò và chỉ tay của Khánh Ly nên cương ẩu. Vả lại vì hơi say, tôi không thể tổng hợp khi hai gò đối nghịch hai hai chỉ tay có vẻ chọi nhau để tìm một chiêm nghiệm thỏa đáng . Cũng trong kỳ thăm viếng đó, Trịnh Công Sơn cho tôi biết anh sẽ qua Mỹ thâu tiếng hát vào một dĩa vàng chung với Joan Baez và Judy Garlant. Về sau chờ hoài mà không thấy anh đi Mỹ nên tôi viết trên báo Minh Tinh nhắc lại lời tuyên bố của anh. Tôi không quên giỡn nhột anh rằng Judy Garlant là nữ ca sĩ kiêm minh tinh thượng tặng, đời nào thèm hát chung với anh. Nữ ca sĩ Kh ánh Ly cho tôi là xấc láo, phạm thượng, dám giỡn nhột với bậc thiên tài nên mắng gửi, mắng xéo tôi qua miệng ký giả Trần Quốc ( tức là Sức Voi ) trong dịp Sức Voi uống cà phê tại quán Cây Tre với cô ta, Ngọc Minh và Uyên Phương . Sau ngày 30.4.1975, Trịnh Công Sơn lên làng báo chí thăm họa sĩ Trương Ðình Quế, có ghé thăm Thuỵ Vũ. Thụy Vũ đi vắng, chỉ có tôi ở nhà. Cả hai mừng quá thể, hàn ôn hết chuyện nọ tới chuyện kia. Tôi cũng không quên giở thói trẻ con, mắng gửi, mắng vói Khánh Ly qua miệng của anh, dù lúc đó Khánh Ly đã di tản qua Mỹ : - Con đệ tử của toa hỗn quá. Nó quên rằng moa lớn hơn toa một tuổi, lớn hơn thằng Nguyễn Hoàng Ðoan ba hoặc bốn tuổi gì đó . Mười ba năm qua, nhắc lại chuyện cũ, xiết bao ngậm ngùi. Thiệt tình, tôi mến tài của Trịnh Công Sơn nhưng lâu lâu cao hứng, tôi châm chích anh nhẹ nhẹ cho vui. Còn giọng hát Khánh Ly đối với tôi bao giờ cũng vẫn là một giọng quyến rũ, ấm như hương khói chiên đàn, dịu nhẹ mà giòn giã, khàn khàn trong âm sắc tiếng hát cô như ướp bùa ướp ngải . Nói tới Trịnh Công Sơn, tôi chợt nhớ tới họa sĩ Trịnh Cung. Anh có chân trong trong hội Họa Sĩ Trẻ . Nét vẽ của anh có người chê hơi nặng, nhưng cũng như các họa sĩ trong Hội, anh ưa khám phá đường lối siêu thực không ngừng, nhất là tìm cho mình sự phối hợp màu sắc riêng biệt, Anh thích văn chương, âm nhạc và tỏ ra sành sỏi về hai lãnh vực này . Tình giao hảo giữa anh và tôi rất tốt đẹp. Tôi mến anh ở chỗ chân thành. Hồi còn học quân sự ở Thủ Ðức, chiều tốI, hễ có rảnh, tôi tìm anh. Cả hai có dịp nói về các văn nghệ sĩ. Qua anh, tôi được nghe chuyện về các nghệ sĩ xứ Huế : Bửu Ý, Mường Mán, Nguyên Khai, Trần Dzạ Lữ, Hà Thanh, Hoàng Hương Trang, Túy Hồng, Nhã Ca, Tô Kiều Ngân, Lê Mộng Bảo … Khi đại đội của tôi giữ phần canh gác quanh tổng hành dinh trường Võ Bị thì Trịnh Công Cung giữ phần đốc canh. Tới điếm canh của tôi, anh dặn : - Chờ tôi một chốc. Xong phần đốc canh, tôi trở lại nói chuyện với bạn suốt tối nay . Khi tôi ra trường, làm việc tại Dầu Tiếng trong ban Chiến Tranh Chính Trị chi khu, thỉnh thoảng về Sài gòn, tôi đến Phú Nhận thăm cô Phương Ðài của tôi, có ghé nhà anh ở gần đó. Tôi rủ anh đi nhậu, có dịp nhắc cái chết của Y Uyên với anh . * * * Có một anh bạn văn, cho rằng sự nghiệp văn chương của tôi chưa có gì, mà tôi cũng chưa già sao lại viết hồi ký về văn nghệ, e như vậy thì sớn quá. Tôi thì có quan niệm khác anh. Nếu văn nghệ của người Việt quốc gia ở hải ngoại đâu phải là thứ văn chương bình thời. Nhớ đâu viết đó, họa may chúng ta có thể cung cấp một ít tài liệu cho người chuyên viết về khảo luận. Ðược bao nhiêu hay bấy nhiêu, có còn hơn không . Chuyện bên lề văn học, hay chuyện văn học thuần túy gì đôi khi cũng cần cái thứ điếc không sợ súngnghĩ gì thì làm liều. Có thể tôi nói nhảm nói xàm, nhưng trong phút hồi ức tôi mường tượng lại được một thời kỳ cực thịnh của nền văn học miền Nam. Nơi đó có những khuôn mặt đã từng đóng góp vào nền văn học các tác phẩm đẹp trong khi khói lửa bốc cao chung quanh, để rồi mười hai năm qua, kẻ thì còn lận đận bên kia bức màn sát, người thì lưu lạc khắp bốn phương trời hải ngoại. Tất cả đều đau xót cho một nền văn học bất hạnh, thăng trầm theo vận nước mà cái hy vọng bảo tồn nền văn học ấy sao mà mong manh, không thể trao cái gánh nặng ấy cho riêng ai ở hải ngoại được . Những người đaã từng làm văn nghệ, văn hóa thuở trước, khi có may mắn được ra hải ngoại, lẽ nào lại bỏ cuộc. Cứ nhặt nhạnh, vun quén những gì còn sót lại trong tay ta, trong ký ức ta, được bao nhiêu hay bấy nhiêu, đừng bỏ rơi bỏ rớt những mảnh vụn của nền văn học ấy trước khi nó bị rơi vào quên lãng. Cuộc đời, hoặc vận nước, tôi tin chắc sẽ có nhiều khúc quanh mới, ngoạn mục vậy .
|
nguồn: huynhtam.free.fr
|