tin tức




Đêm hát của những sân trường đại học 40 năm trước, tình yêu và sự tử tế

--- Vũ Huy Thục ---


Dù biết rằng mình sẽ gặp không khí của một vũ trường đông, khó kiếm chỗ ngồi thuận tiện, chứ không phải là những sân trường đại học ở Saigon cách đây trên 40 năm, người nghe vẫn đến chật. Họ đến không phải là ngồi đó chờ để đến giờ được ra sàn nhảy mà đến để nghe Khánh Ly hát cho thỏa. 730 con người im phăng phắc, Khánh Ly với tiếng hát của 40 năm trước và những ca khúc tuyệt vời của một bậc tài hoa đã khuất bóng cùng những giai đoạn lịch sử của 40 năm trước qua từng lời nhạc, đã làm cho mọi người từ một đêm bước qua ngày mới mà cứ ngỡ như trong cơn mộng. Họ Trịnh với những ca khúc gánh vác hình ảnh của một nước Việt buồn... đã không còn nữa. Chỉ còn lại một Khánh Ly và những người nghe cô hát cũng không còn tuổi thanh xuân. Mọi điều đã thay đổi trong đời sống của họ, những người đã trải qua những cơn lốc của một giai đoạn lịch sử, đã sống khắc khoải, đã tuyệt vọng rồi lại hy vọng, đã thất vọng rồi lại lạc quan, đã lênh đênh trên dòng sông dời rồi tìm lại dược bến đậu, đã cuồng nộ giận dữ rồi lấy lại được sự bình yên, đã tưởng rằng những kỷ niệm đã chết, nhưng nó vẫn sống mãi với đời sống mình.
Buổi tối thứ sáu, nhiều người có thể đã rã rời thân thể để trả nợ áo cơm giữa một đất nước sống bằng tốc độ và sự hối hả này, nhưng không ai ngại phải ngồi thêm vài giờ nữa ở Majestic để nghe Khánh Ly “Rơi Lệ Ru Người”.
Suốt gần 4 giờ đồng hồ, Khánh Ly đã biến cái diện tích nhỏ bé của vũ trường thành một sân trường đại học bằng tiếng hát của cô. Chưa bao giờ trong một đêm hát Khánh Ly đã hát tới trên 20 ca khúc mà hầu hết là nhạc Trịnh Công Sơn. Dĩ nhiên, ít người phủ nhận được mối liên hệ thiết thân giữa tác phẩm, tên tuổi của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và người hát là Khánh Ly. Thật ra, sau này nhạc họ Trịnh đã được thế hệ ca sĩ trẻ ở trong nước như Mỹ Linh, Trần Thu Hà và nhất là Hồng Nhung hát. Nhưng phần lớn khán thính giả vẫn cho rằng, những giọng hát ấy dù hay và điêu luyện, vẫn không làm sao tạo được những xúc động bằng những xúc động do mối liên hệ định mệnh giữa Khánh Ly và Trịnh Công Sơn.
“Gọi nắng trên vai em gầy đường xa áo bay...”
Chỉ cần Khánh Ly mở đầu bài hát như thế, khán giả đã vỗ tay bởi cách thế của người hát, bởi cái giọng mạnh và thênh thang âm điệu của ca khúc gần như đã gắn bó với nhiều thế hệ. Trong số hơn 700 khán giả dự đêm hát có thể có người không nhớ hết những lời ca của những ca khúc Khánh Ly đã trình bày, nhưng khi cô hát tới đâu, những hình ảnh của một thời đã qua như một cuốn phim được chiếu trở lại bằng cái âm thanh quen thuộc đó không phải của một thời đã qua mà còn đang đi tới. Khánh Ly chinh phục, chiếm ngự và tung hoành trong từng mớ ký ức của những người đã nghe và ngưỡng mộ cô qua bao nhiêu thập niên dài đầy những biến động.
“Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ
Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao...”
Trong từng giai đoạn của đời sống, đã bao lần người ta nghe “Diễm Xưa”, nghe được khúc tình tự lãng mạn và say đắm “ Chiều nay còn mưa sao em không lại”, nhưng lúc nào họ cũng như thấy cần nghe lại cũng như xem lại bức tranh đánh dấu một mối tình, dù chia ly nhưng vẫn đẹp. Một số nhà phê bình cho rằng chỉ có Khánh Ly và “Diễm Xưa” mới cho người ta thấy được sự gắn bó tuyệt vời tên tuổi của một ca khúc, một nhạc sĩ và một giọng hát.
Khánh Ly đã đến với âm nhạc như một loài chim lạ. Đôi bàn chân đất bước e ấp trên sàn của những thính đường đại học nơi các sinh viên có thể ngồi bệt xuống, trang cụ khuếch đại âm thanh thô sơ và một cây đàn guitar bên cạnh. Thế là đêm hát bắt đầu với những ca khúc vời vợi nỗi đau của quê hương và tuổi trẻ... và mãi cho đến bây giờ, những người nghe năm ấy nay dù tóc đã nhuộm màu tuyết sương, dù da đã trổ màu thời gian, cũng vẫn còn thấy trong trái tim mình vang vọng giọng hát mạnh, khi trầm, khi bổng, khi thúc giục và và đôi lúc nỉ non:
“Em đi về nơi ấy, nơi đâu nơi đâu, sông cạn đá mòn”.
Hoặc:
“Tình yêu vô tội để lại cho ai
Buồn như giọt máu lặng lẽ nơi này...”
Bốn thập niên qua đi thật nhanh, mà cuộc đời của mỗi người thì đầy những biến cố. Dường như ít có ai trong chúng ta là không phải gánh trên vai của mình những tàn phá, những mất mát từ chiến tranh... Và dường như cũng ít ai trong chúng ta mà tuổi trẻ và tình yêu không bị thử thách bởi bấp bênh của đời sống “gặp nhau rồi không dám hẹn ngày mai”. Ấy vậy mà nước mắt vẫn chảy vào trong như Khánh Ly thổ lộ trong đêm “Rơi Lệ Ru Người”. Dù không nói ra, nhưng từ “Ca Khúc Da Vàng”, “Bên Đời Hiu Quạnh”, “Cát Bụi”, “Diễm Xưa”, “Hạ Trắng”, “Hãy Yêu Nhau Đi”, “Một Cõi Đi Về“, “Mưa Hồng” cho đến “Như Một Lời Chia Tay”, “Như Cánh Vạc Bay”, “Phôi Pha”, “Ru Ta Ngậm Ngùi”, “Rơi Lệ Ru Người”... Khánh Ly gần như đã đi trọn đêm hát của cô ở phần I với một thông điệp của tình yêu người mà cô muốn gởi đến mọi người.
Khánh Ly đã giải thích rằng, cái phần số mà tác giả của “Rơi Lệ Ru Người” - được Nguyễn Hoàng Đoan chọn ra cho chủ đề của đêm hát - phải gánh mới chỉ là một phần của riêng ông. Trên đời này, ngoài tình yêu cũng vẫn cần có sự tử tế. Bởi thế nước mắt của “Rơi Lệ Ru Người” không phải là những giọt nước mắt cho một người:
“Có còn có còn em
im lìm trong chiều hôm
Nước mắt rơi cho tình nhân
Có còn có còn em
xin được xin nằm yên
đất đá hân hoan một miền...”
Ngược lại những giọt nước mắt ấy, theo như chỗ Khánh Ly diễn dịch, còn được nhỏ xuống hay chảy vào trong tim cho nhiều trẻ thơ và những thân phận người trong u tối tại Việt nam, ở những xóm nghèo còn mênh mông những tiếng thở dài. Và những tràng pháo tay bùng lên khi Khánh Ly giới thiệu tiền thu được của đêm hát “Rơi Lệ Ru Người” được trao cho một dòng tu tại Việt Nam.
Tấm ngân phiếu này gồm cả tấm lòng của Khánh Ly, Nguyễn Hoàng Đoan, Tuấn Ngọc, Trần Thái Hoà, Phi Khanh, Nguyễn Ngọc Ngạn, Nam Lộc và của tất cả những người đã tham dự đêm hát dành cho trẻ mồ côi và những người nghèo mà dòng tu đang cưu mang. Ngoài số tiền nói trên, MC Trần Quốc Bảo đã loan báo một số tiền khác do một số ân nhân đóng góp thêm vào lúc kết thúc đêm hát.
Phần hai của chương trình gồm một số ca khúc khác của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mà Khánh Ly hát theo yêu cầu của khán giả nhiều hơn số lượng mà cô dự trù trong chương trình. Gọi là phần hai để cho giản dị bởi vì chương trình diễn ra bằngsáu tiết mục lớn:
Phần một khai mạc với MC Nam Lộc, Nguyễn Ngọc Ngạn.
Phần hai là Khánh Ly.
Phần ba của chương trình với Tuấn Ngọc, Nam Lộc và Trần Thái Hoà.
Phần bốn cũng là Khánh Ly.
Phần năm là Chung khúc với Khánh Ly, Tuấn Ngọc, Nam Lộc, Trần Thái Hoà, Nguyễn Ngọc Ngạn.
Phần sáu là bế mạc với những lời cám ơn của Khánh Ly, Nguyễn Hoàng Đoan và một nữ tu ở Việt Nam.
Và lúc đó cũng đã 1 giờ sáng thứ bảy và Khánh Ly tuyên bố: “Chưa có một đêm nào, Khánh Ly hát quá đã như vậy...”. Dường như mọi người đều hiểu và chia xẻ với Khánh Ly. Chưa bao giờ một đêm hát ở vũ trường đã mang được hình ảnh của những đêm hát cách đây trên 40 năm, thời điểm mà “Khánh Ly - Nữ Hoàng Chân Đất - cùng những sân trường” có thể hát trên hai chục bài hát của một tác giả mà cô từng gắn liền những ca khúc của ông vào tên tuổi của mình vì những khat vọng của tuổi trẻ, quê hương và tình yêu mãi cho đến bây giờ.

Vũ Huy Thục




nguồn: bạn đọc góp bài
  Trịnh Công Sơn:
> bài hát
> bài viết
> hình ảnh
> phỏng vấn
> bút tích
> dòng thời gian

Những người mến mộ:
> những kỷ niệm
> bài viết
> tưởng niệm
> tin tức
> sách
> lưu bút

Khánh Ly


Phố Xưa


- 20 bài mới nhất



Một hình ảnh ngẫu nhiên:






Gia Sư: Gia Đình + Sinh Viên
 
Address: www.SuuTap.com/TrinhCongSon - Collection: Hoang Truc Ly - Design & script: Sony Ho