tưởng niệm




Cậu Sơn

--- Nguyễn Hữu Thái Hòa ---


LTG: Bài này được viết lại từ những dòng cảm xúc ghi trong nhật ký của tôi từ mùa mưa cuối năm 1997 tại Sài gòn, vào những ngày mà tôi và mọi người đang hết sức lo lắng khi Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lâm trọng bệnh. Và cũng chỉ trong bài viết đầu tiên này, tôi xin phép được gọi ông là “Cậu Sơn” như một lần của hoài niệm.


Không biết tự bao giờ, tôi đã gọi ông bằng hai tiếng Cậu Sơn, dẫu vào những năm sau này giữa ông và tôi đã có một thỏa thuận ngầm là sẽ xưng hô như anh-em văn nghệ khi ra giao tiếp ngoài xã hội. Còn ở trong gia đình tôi vẫn thích gọi ông là Cậu Sơn một cách thân tình, và hình như ông cũng thích xưng hô như vậy với tôi, vì nó còn hàm chứa cả sự trân trọng về mối quan hệ gắn bó với mẹ tôi và những bạn bè sinh viên Văn Khoa thời xưa của ông trong giai đoạn phản chiến cùng dòng nhạc Trịnh.

Quả thật tôi cũng không thể nhớ nổi mình đã bắt đầu gọi Cậu Sơn như thế từ lúc nào ?... Có thể từ những chương trình Ca khúc Chính trị mà ông và bô mẹ tôi đã tổ chức ở Hội Trí Thức Yêu Nước vào những năm 79-80 khi tôi còn bé xíu?

Hay từ ngày tôi học trung học và đã bắt đầu mê nhạc của ông qua các cuộn băng với giọng ca Thanh Hải - người đã ảnh hưởng rất nhiều đến cách tôi hát nhạc Trịnh sau này. Đến nỗi chính Cậu Sơn đã thốt lên khi gặp lại chị Hoàng Lan từ Canada về thăm: “Hoàng Lan biết Thái Hòa chứ, tay ni cũng ở Canada về, hát giống Thanh Hải dễ sợ!”

Khi tôi trở về Việt Nam công tác và hạnh phúc được ngồi ca hát, tâm sự cùng ông trong căn nhà 47C Duy Tân thân thương, thì “Cậu Sơn” đã là cách tôi gọi rất tự nhiên và trìu mến đối với thần tượng âm nhạc của lòng mình.

Cậu Sơn là một người nổi tiếng, ông nổi tiếng lắm bởi những bản tình ca vượt thời gian đã để lại dấu ấn qua nhiều thế hệ, ca khúc của ông dường như gắn liền với mỗi giai đoạn của đời sống, như những lời than thở nhẹ nhàng cùng nhân thế mà có lẽ ông chưa bao giờ cố tình tạo dựng ra chúng. Người đời đắm say trong âm nhạc của ông có lẽ cùng chính vì điều đó. Công chúng ở mọi nơi, mọi lứa tuổi đều hạnh phúc khi tìm thấy chính mình trong những rung động chân thật. Như thể nhờ âm nhạc của ông mà họ cảm nhận được cái vui sướng và đau khổ tận cùng, và với không gian ca từ của Trịnh Công Sơn, con người ta có thể rong ruổi trở lại trong những cõi riêng tâm hồn vốn đã vô tình bị lãng quên theo năm tháng. Có kẻ đã từng viết thư thú nhận rằng nhờ âm nhạc của ông mà chất người thức tỉnh trong lòng và biết sống thành thật hơn với chính mình.

”Nhạc của Sơn cứ thấm vào lòng người như suối tưới”, Cố Nhạc sĩ Văn Cao, một người nổi tiếng khác đã viết về Cậu Sơn như vậy.

Từng ngày qua, Cậu Sơn đi và về, loanh hoanh trong cuộc đời như một chiếc bóng, như “nụ cười đã cuốn ta đi một ngày lại thấy ta về” và từ trong nỗi cô đơn, trống vắng đó, ông và cuộc đời đã thông cảm cho nhau: “Cuộc đời đã mang đến cho tôi những buổi ban đầu, để rồi lại vẽ lên những kết thúc chia lìa”, cho “Đôi chân ta đi sông còn ở lại”, để rồi dần dần ông chấp nhận sống đơn điệu với cuộc đời, một sự đơn điệu thủy chung làm cho những người thân quanh mình thêm lo lắng.

Người đời đã viết thật nhiều nhưng hiểu rất ít về Cậu Sơn, mỗi lần như vậy ông lại nói câu nói quen thuộc: “Thôi kệ! Mỗi người hiểu theo cách của họ cũng được, cũng là cách của Trịnh Công Sơn”. Trong những ngày này tôi đã thấy ông thật mệt mỏi và yếu đuối lắm trước những khoảnh khắc đê mê như ảo ảnh và vực thẳm của cõi tình. Cũng như rất ít khi tôi thấy ông từ chối bạn. Vì thế có người nhận xét rằng: Cái vĩ đại làm nên nhân cách Trịnh Công Sơn là ở chỗ ông luôn trải hết lòng mình ra để đối đãi với nhân gian, sống chân tình như một vị “bồ tát” thật sự giữa đời thường và đó cũng chính là bi kịch cho sức khỏe của ông!

Vì thế mà người đời thêm yêu mến ông và tôi trân trọng cái chân tình ấy đến vô bờ !

Những người yêu nhạc Trịnh xem Cậu Sơn là hiện thân của một thân phận Việt Nam đích thực. Bởi suốt mấy mươi năm qua, hồn nhạc của Trịnh Công Sơn đã luôn trải dài với lịch sử bằng những tình yêu chân thật. Dù viết về tình cảm lứa đôi trong sáng, tình yêu quê hương đất mẹ, hay tình yêu thiên nhiên, yêu đồng loại, âm nhạc của ông luôn hướng tới cái thiện đầy nhân bản. Cho dù ở thời đại nào, dòng nhạc Trịnh cũng không bao giờ thỏa hiệp để đứng về phía kẻ mạnh, mà luôn luôn thông cảm, sẻ chia với những số phận lẻ loi, đơn độc và chịu nhiều thiệt thòi trong xã hội. Cuộc đời Trịnh Công Sơn vì thế đã luôn gặp nhiều trắc trở của bạo quyền và đố kỵ từ cái xấu và cái ác!

Nhạc Trịnh có lẽ vì thế tuy thánh thiện, nhưng thấm đượm nỗi buồn từ trong “phúc âm” như hình ảnh người Việt nằm co ro trong thân phận một dân tộc nhược tiểu, đắm chìm trong khói lửa của chiến tranh và của lòng thù hận. Nhưng nếu đã là thân phận thì ta có thể nào chối bỏ để không là người Việt Nam “như tin buồn từ ngày mẹ cho mang nặng kiếp người”

Tôi nhớ mãi những đêm lang thang viễn xứ, chúng tôi thường tụ tập nhau bên tập nhạc của Cậu Sơn, chỉ với cây đàn guitar gỗ nhưng có khi làm cả nhóm thanh niên ở tuổi “bẻ gãy sừng trâu” rơi lệ. Lòng chùng xuống trước những ham hố đời thường vì những ca từ đầy triết lý của ông. Lời hát nhắc chúng tôi về những mảnh đời trôi nổi, bôn ba. Làm gợi nhớ đến quay quắt những con đường có lá me bay và những kỷ niệm cứ hiện về trong từng nỗi nhớ. Mỗi chúng tôi lúc đó đều chợt hiểu rằng trong lồng ngực mình, một trái tim Việt Nam biết dạt dào thương yêu vẫn chưa ngừng nhịp đập.

Từ đó nhạc Trịnh đã luôn giúp tôi không quên cội nguồn và thân phận của mình

Tôi về thăm Cậu Sơn vào lúc ông đang vắt kiệt sức mình cho những sáng tác sau cùng. Ánh mắt thường thẩn thờ, lặng lẽ bên ly rượu khi chiêm nghiệm về tình yêu và tiếng hát : “...Tình yêu đã cho phép những ca khúc ra đời. Nỗi đau và niềm hân hoan làm thành bào thai sinh nở ra âm nhạc. Âm nhạc như thế là tình yêu, là trong bản thân nó hàm chứa một cõi nhân sinh bề bộn của những khổ đau và hoan lạc. Không có bất hạnh và nụ cười có lẽ âm nhạc cũng không thể có cơ duyên ra đời”.

Khoảng thời gian này Cậu Sơn thường ngồi uống rượu và cùng bạn bè mỗi ngày ngắm hoàng hôn xuống qua khung cửa sổ trong vườn nhà. Đôi mắt mỏi mệt của ông thường ánh lên niềm vui trong hoài niệm về những chân trời cũ. Cậu Sơn thích kể về những người bạn ngày xưa. Qua những mẩu chuyện của ông tôi thấy chạnh lòng khi ngẫm nghĩ về tình bạn thời nay. Sống ở đời ta quen biết bao nhiêu con người, thật sự có mấy ai giữ bạn trong tim được như ông. Chúng tôi thấy xấu hổ vì những toan tính hằng ngày trong cuộc mưu sinh, trước trái tim ông quá dạt dào như lời ca thảng thốt hôm nào: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng. Để làm gì em biết không để gió cuốn đi”

Ngày tôi hết hạn hợp đồng và phải quay về lại Canada, Cậu Sơn và tôi ngồi lặng lẽ trong căn phòng khách, trước mắt ông là ly rượu và chúng tôi đã im lặng rất lâu khi ông chăm chú nhìn vào mảnh tường vôi trắng. Rồi ông phá tan sự im lặng như vừa khám phá ra một điều mới lạ: “Lúc trẻ mình viết nhiều về mưa, cứ tưởng mưa buồn. Thật ra nắng đầy màu sắc, nhìn màu nắng thay đổi mỗi buổi hoàng hôn giống như đời sống lúc về chiều, lòng cảm nhận một nỗi buồn ghê gớm”.

Cậu Sơn là như thế, dù giữa đám đông bạn bè “huyên náo hay tĩnh lặng”, ông vẫn ngồi đó để quan sát thiên nhiên, thực tại trong nỗi cô đơn . Tôi luôn tự hỏi làm sao ánh mắt mỏi mệt kia lại tinh tế đến như vậy! Và mãi về sau này, lòng tôi vẫn băn khoăn lẽ nào “mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ” lại không buồn bằng màu “nắng thủy tinh”?

Dòng chảy của cuộc sống lại cuốn tôi đi xa, xa nơi Cậu Sơn đã nằm lại yên nghỉ. Để mỗi lần trở về, tôi thường tìm đến bên Ông như để được tịnh dưỡng tâm hồn và trải lòng ra cùng những hoài niệm: “... Tiếng hát là con đẻ của thân xác. Từ thân xác bay lên những giai điệu và lời ca. Ca hát là để nhớ nhau và đôi lúc, để an ủi mình. An ủi một cái gì còn ở lại và than thở một điều gì đã ra đi"

Kể từ cái ngày ngồi lặng im bên ly rượu ấy, lòng tôi đã vỡ ra được biết bao là điều mới lạ.
Cậu Sơn ơi!

Một ngày mùa Đông buồn của năm 2002,
Làng GIVRY, Cộng Hòa Pháp




nguồn: ttvnol.com
  Trịnh Công Sơn:
> bài hát
> bài viết
> hình ảnh
> phỏng vấn
> bút tích
> dòng thời gian

Những người mến mộ:
> những kỷ niệm
> bài viết
> tưởng niệm
> tin tức
> sách
> lưu bút

Khánh Ly


Phố Xưa


- 20 bài mới nhất



Một hình ảnh ngẫu nhiên:






Gia Sư: Gia Đình + Sinh Viên
 
Address: www.SuuTap.com/TrinhCongSon - Collection: Hoang Truc Ly - Design & script: Sony Ho