bài viết




Chiều kích con người trong nhạc Trịnh Công Sơn - Phần 1

--- Nguyễn Hoàn ---


Đề cao vai trò của chủ thể tư duy, triết gia Pháp René Descartes có câu nổi tiếng: “Tôi tư duy vậy tôi tồn tại”. Hẳn là trong ý nghĩa đó, Trịnh Công Sơn đã viết: “Tôi yêu và tôi tồn tại”, “Tôi hát là tôi hiện hữu”. Có yêu đời, yêu người đến đắm đuối và tiếc nuối, yêu “bằng nỗi lòng của tên tuyệt vọng”, tuyệt vọng không phải vì chán đời mà vì yêu quá cuộc đời, vì khắc khoải nghĩ đến lúc phải lìa xa cõi thế, “thí dụ bây giờ tôi phải đi, tôi phải đi, tay chia ly cùng đời sống này” (Rơi lệ ru người), Trịnh Công Sơn mới viết nổi dòng nhạc “hát kinh” (“Chiều em ra đứng hát kinh đầu sông”-Đoá hoa vô thường) xuyên thời gian cho tình yêu và phận người: “Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau” (Diễm xưa).

Cái độc đáo mà người nghệ sĩ mang lại cho đời là ở thế giới nghệ thuật do họ sáng tạo ra, đó chính là “thiên nhiên thứ hai”, nói theo cách của mỹ học, mà họ góp vào với đời. Đánh giá tổng quan về thế giới nghệ thuật Trịnh Công Sơn, Văn Cao viết: “Tôi gọi Trịnh Công Sơn là người ca thơ (Chantre) bởi ở Sơn, nhạc và thơ quyện vào nhau đến độ khó phân định cái nào là chính, cái nào là phụ”. Phạm Tuyên gọi Trịnh Công Sơn là “đỉnh cao của âm nhạc giàu chất thơ và triết lý”. Sơn Nam viết: “Nhuần nhuyễn, ý tứ gắn bó hữu cơ, không cường điệu, tính thuyết phục, tính khái quát, nhân bản...bao nhiêu đòi hỏi về lý thuyết văn nghệ quả là hiển hiện trong nhạc Trịnh Công Sơn”, đặc biệt, Sơn Nam còn chỉ rõ tính chất dân tộc-hiện đại của nhạc Trịnh Công Sơn và gọi đó là “điệu hát Nam Ai hiện đại của người ven biển Đông...”. Phạm Duy khẳng định: “Toàn bộ âm nhạc của anh đẹp như một bức hoạ trừu tượng hơn là tả thực”. Trong thế giới nghệ thuật đặc biệt của Trịnh Công Sơn mà các nhạc sĩ, nhà văn đã gọi tên bằng nhiều mỹ từ như vậy, thế giới của nhạc, của thơ, của triết lý hoà quyện, của hội hoạ trừu tượng, của điệu hát dân tộc-hiện đại Nam Ai..., dĩ nhiên, quan niệm nghệ thuật về con người của Trịnh Công Sơn có nhiều độc đáo và mới lạ. Trong quan niệm nghệ thuật về con người của Trịnh Công Sơn, con người được đo bằng thước đo riêng, và vì thế, con người được cảm nhận và khám phá ở những chiều kích rất lạ, nhỏ bé và lớn lao, bình thường và khác thường, hiện thực và siêu thực.



Trong nhạc Trịnh, con người ban cấp ý nghĩa cho trần gian

Triết học phương Đông nhiệm màu nói đến “ba ngôi” Thiên-Địa-Nhân. Vậy con người có vị thế như thế nào giữa trời và đất, hay chỉ đơn thuần là những sinh linh bé nhỏ rợn ngợp trước vũ trụ bao la không bờ bến? Trời đất tạo ra con người hay chính con người đã “tạo ra” trời đất, chính con người đã ban cấp ý nghĩa cho trần gian? Hãy nghe câu trả lời qua ca khúc “Còn thấy mặt người” của Trịnh Công Sơn: “Một ngày tình cờ biết em là ngày lạ lùng biết trần gian”. Biết em trước, biết trần gian sau, vì có em mới có trần gian. Câu hát xui khiến lòng nhớ tới “tội tổ tông” của nàng Eva thuở hồng hoang. Kinh Thánh kể rằng, Chúa ra lệnh cho con người có thể ăn mọi trái cây trong vườn địa đàng, nhưng không được ăn trái cây của cây “biết lành dữ” mọc giữa vườn, vì ăn vào con người sẽ phải chết. Nhưng nghe theo lời của con rắn xảo quyệt dụ dỗ rằng hãy ăn “trái cấm” đi sẽ biết lành dữ và sẽ được thông minh, nàng Eva đã ăn và đưa cho chồng là Adam cùng ăn. Chúa phát hiện được bèn đuổi Adam và Eva ra khỏi vườn địa đàng, khiến cho từ đó, “Địa đàng còn in dấu chân bước quên” (Dấu chân địa đàng), nhưng tuyệt vời thay, con người nhờ thế mà đã được biết trần gian trong nỗi bừng thức kỳ thú, trong niềm đắm say lạ lùng. Nói cách khác, chính con người đã “sáng thế” ra trần gian với bao sướng, khổ, ngọt bùi, cay đắng, với bao hỷ, nộ, ai, lạc, ái, ố, dục (mừng, giận, buồn, vui, thương, ghét, muốn) dội xuống cung đàn nhân sinh. Có con người, trần gian mới có ý nghĩa, chính thế nên nhạc Trịnh Công Sơn đã gửi đến trời đất một câu hỏi đầy phấn chấn, hào sảng của cõi người: “Trời đất kia có hay ta về” (Có nghe đời nghiêng). Và theo lô gích cuộc sống được nói đến trong nhạc Trịnh Công Sơn, khi con người giữ được thế an nhiên tự tại trong cuộc đời đầy bất trắc: “Người hãy nhớ mang theo hành trang qua khoang trời vắng chân mây địa đàng” thì trời đất mới yên vui: “Mặt trời đã ngủ yên xin mặt trời hãy ngủ yên” (Xin mặt trời ngủ yên). Còn khi đời người gặp bất trắc, lòng người nổi sóng gió, như khi xa người hay mất người, trần gian cũng bàng hoàng, đau thương hoặc mất dần ý nghĩa. Trái đất quay quanh trục của nó nghiêng một góc 23,50 so với mặt phẳng quỹ đạo, nghĩa là loài người đang sống trong một “thế giới nghiêng”. Khi một người đi xa, “thế giới nghiêng” này càng nghiêng hơn nữa, hay nói cách khác, đấy là “thế giới nghiêng” của một “thế giới nghiêng”: “Ngày mai em đi đồi núi nghiêng nghiêng đợi chờ” (Biển nhớ), “Người ra đi bến sông nằm lạnh, này nhân gian có nghe đời nghiêng” (Có nghe đời nghiêng). Khi một cuộc tình đã mất, thì cây cầu, dòng sông nơi chốn hẹn hò, tình tự ngày xưa cũng mất theo: “Mười năm khi phố khi vùng đồi, nhìn nhau ôi cũng như mọi người, có một dòng sông đã qua đời” (Có một dòng sông đã qua đời). Khi trầm tư về cái chết, trần gian bỗng trở nên không còn là chốn mặn mà, hấp dẫn: “Nhiều khi thấy trăm nghìn nấm mộ, tôi nghĩ quanh đây hồ như, đời ta hết mang điều mới lạ, tôi đã sống rất ơ hờ” (Đêm thấy ta là thác đổ).

Hẳn sẽ có người bảo rằng, đồng ý là trong quan niệm nghệ thuật về con người của Trịnh Công Sơn, con người đã ban cấp ý nghĩa cho trần gian, nhưng sao có những lúc Trịnh Công Sơn diễn tả thân phận con người đến là nhỏ nhoi, “tội nghiệp”, khi thì như “cát bụi mệt nhoài”, khi lại “sống chết mong manh như thân cỏ hèn mọc đầy núi non” (Giọt lệ thiên thu)? Quả có vậy, nhưng không chỉ có vậy. Nếu chỉ có vậy, nhạc Trịnh đã không vượt thời gian và vượt cả không gian nước Việt để trở thành những khúc kinh cầu sâu thẳm của tình yêu và phận người, “không chỉ làm xao xuyến lòng người Việt, mà còn làm người Nhật say mê, người Anh thán phục” (Trần Văn Khê). Trong thế giới nghệ thuật Trịnh Công Sơn, con người được đo bằng nhiều chiều kích đa dạng, đa diện, ngoài ba chiều không gian, còn có nhiều chiều đặc biệt của tâm hồn con người đầy nhạy cảm và giàu trực giác, trực nhận, trực ngộ. Đừng tưởng cát bụi là nhỏ nhoi nên chiều kích của nó cũng bé mọn. Vũ trụ sinh ra từ vụ nổ lớn Big Bang, tạo ra những “hạt bụi vũ trụ” là các hành tinh, trong đó có trái đất. Trái đất thành hạt bụi, còn hạt bụi trong ca khúc “Cát bụi” của Trịnh Công Sơn lại mang được “chiều kích vũ trụ” của trái đất, vì thế nó cũng được “mặt trời soi” như trái đất: “Để một mai vươn hình hài lớn dậy, ôi cát bụi tuyệt vời, mặt trời soi một kiếp rong chơi”. Có người bảo Trịnh Công Sơn khi viết “Cát bụi” đã chịu ảnh hưởng của Kinh Thánh, rằng với con người, thân cát bụi lại trở về cát bụi. Nói thế chỉ đúng một phần và cũng chỉ mới thấy “cát bụi” ở cái vỏ ngôn ngữ của từ này. Nếu Trịnh Công Sơn chỉ viết: “Ôi cát bụi mệt nhoài...Ôi cát bụi phận này”, thì ta nói dứt khoát được rằng nhạc sĩ đã chịu ảnh hưởng một trăm phần trăm từ Kinh Thánh. Điều sáng tạo độc đáo ở đây của Trịnh Công Sơn là đã phát hiện ra “cát bụi tuyệt vời”. Sự tuyệt vời của “con người cát bụi” thể hiện ở sức mạnh tinh thần, sức mạnh tình yêu lấp lánh, bất diệt: “Mặt trời nào soi sáng tim tôi, để tình yêu xoay mòn thành đá cuội”. Vì thế, hạt cát phận người trong nhạc Trịnh Công Sơn đã sáng lên thành “cát bụi lộng lẫy” (chữ dùng của Hoàng Phủ Ngọc Tường).



Chiều kích không gian và thời gian của đời người trong nhạc Trịnh

Con người trong nhạc Trịnh Công Sơn “thân mong manh như lau sậy hiền” (Níu tay nghìn trùng), nhưng đó là cây sậy của Pascal: “Con người là cây sậy bấy yếu nhất của tự nhiên nhưng là cây sậy có suy nghĩ”. Tương tự “cây sậy tư duy” của Pascal, “lá cỏ” của Trịnh Công Sơn là “lá cỏ tự do”: “Đời ta có khi tựa lá cỏ, ngồi hát ca rất tự do” (Đêm thấy ta là thác đổ). Tự do là khát vọng lớn lao và muôn thuở của con người, bởi thế nên dù với thân phận là “con người hạt bụi” hay “con người lá cỏ”, con người vẫn cần một không gian sống tự do thoải mái, đấy là một không gian an nhiên và tự tại, cao sang và hướng thượng của nội tâm. Thế nên, con người trong nhạc Trịnh Công Sơn mang chiều kích hoành tráng của vũ trụ vì đã thu nhận trời đất ở trong mình: “Mỗi đêm, tôi nhìn trời đất để học về lòng bao dung” (Tin vào niềm tuyệt vọng). Trong tình yêu, một người đẹp mang đến được cho tình nhân cả bầu trời để thở, để sống, để khát vọng: “Em đã cho tôi cho tôi bầu trời. Em đã cho tôi yêu thêm loài người” (Em đã cho tôi bầu trời). Không gian sống của con người là trời đất, là vũ trụ nên mỗi cử chỉ, động thái hay nỗi niềm của con người đều có sự tác động, ảnh hưởng mạnh mẽ, sâu sắc, đầy dấu ấn nhân sinh không mờ phai lên không gian sống lớn rộng đó. Chỉ một tà áo đẹp mà đã chiếm lĩnh huy hoàng cả bầu trời ngưỡng vọng: “Ôi áo xưa lồng lộng đã xô dạt trời chiều” (Tình nhớ), “Em đi tà áo phiêu bồng trời cao” (Mưa mùa hạ). Tình yêu, nguồn sống nhiệm mầu và bất tận của con người, với sức mạnh mãnh liệt mà người Pháp gọi là “tiếng sét ái tình” đã được Trịnh Công Sơn sáng tạo nên một cách gọi độc đáo mới trong ngôn ngữ nhân loại, rằng: “Tình yêu như trái phá, con tim mù loà” (Tình sầu). Nhưng hơn thế nữa, với Trịnh Công Sơn, tình yêu còn có sức mạnh “chấn động” như bão nổi: “Tình yêu như cơn bão đi qua địa cầu” (Tình sầu). Một bàn tay của người tình trong kỷ niệm cũng làm dấy lên những trận bão lòng khó tan, khó nguôi: “Tưởng rằng đã quên, tay em vẫn còn dựng đời bão lên, làm từng vết thương hồn nhiên” (Tưởng rằng đã quên).

Con người sống là sống với chiều kích của không gian và thời gian.

Tương ứng với không gian sống mang “chiều kích vũ trụ”: “Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt, rọi suốt trăm năm một cõi đi về” (Một cõi đi về), thời gian sống của con người, của kiếp người trong nhạc Trịnh Công Sơn cũng mang một chiều kích đặc biệt. Người ta thường gọi thời gian sống của đời người là tuổi đời, còn Trịnh Công Sơn lại gọi là “tuổi trời”: “Em xin tuổi nào, còn tuổi trời hư vô” (Còn tuổi nào cho em), “Nghe xót xa hằn lên tuổi trời” (Gọi tên bốn mùa). Tuổi con người là tuổi trời cho và gắn với trời, cái hữu hạn của đời người gắn với cái vô hạn của trời đất. Ý thức sâu sắc về sự đối nghịch giữa cái hữu hạn và vô hạn này, ý thức thấm thía rằng đời người là ngắn ngủi, không thể kéo dài “tuổi trời” được, con người đã chọi lại cái hữu hạn của đời người, bằng cách “cầm nắm” thời gian, “vĩnh cửu hoá” thời gian, bằng cách “ban cấp” sự tái sinh cho thời gian hữu hạn của kiếp người để tạo nên đặc tính vô tận và vô hạn của dòng sinh mệnh. Chịu ảnh hưởng tư tưởng Phật giáo, trong đó có ý niệm về sự luân hồi, Trịnh Công Sơn đã nhiều lần viết về “thời gian luân hồi”: “Ta thấy em trong tiền kiếp với cọng buồn cỏ khô” (Rừng xưa đã khép), “Những ngày ngồi rũ tóc âm u, nghe tiền thân về chào bóng lạ” (Cỏ xót xa đưa). Nhưng ý niệm về thời gian, về chiều kích thời gian đời người trong nhạc Trịnh Công Sơn có cái mượn của đạo Phật, có cái không. Khi Trịnh Công Sơn viết: “Có những nghìn năm xưa hoá thân em bây giờ” (Em đến từ nghìn xưa), ý niệm về thời gian ở đây không phải là “thời gian luân hồi” nữa mà là một thứ thời gian tích luỹ, thời gian dồn nén, tất cả quá khứ, hiện tại cùng nổi lên trong một “lát cắt”, gọi là thời gian đồng hiện. Trên nền thời gian đồng hiện đó, nhạc sĩ nhận ra vẻ đẹp tinh tuý nghìn đời của hồn Việt ẩn chứa trong dáng nét quen thuộc của người con gái Việt Nam da vàng: “Vì em như chim trắng, giữa trống đồng bước ra” (Em đến từ nghìn xưa). Ca tụng vẻ đẹp thiên thần, “bất tử” và bất diệt của người đẹp, nhạc Trịnh Công Sơn có lúc đã phá vỡ quan niệm về tính chất hữu hạn của thời gian đời người để sáng tạo nên một thứ thời gian vô tận, vô biên của trái tim yêu tôn thờ cái Đẹp lộng lẫy: “Ru mãi ngàn năm từng ngón xuân nồng. Bàn tay em năm ngón anh ru ngàn năm, giận hờn sẽ quên, dáng em trôi dài, trôi mãi, trôi trên ngàn năm” (Ru em từng ngón xuân nồng). Như vậy, thời gian đời người trong nhạc Trịnh Công Sơn là một thứ “thời gian chống chọi thời gian”, thời gian phi tuyến tính, phi hữu hạn, thời gian vĩnh cửu: “Tình cho nhau môi ấm, một lần là trăm năm” (Tình sầu), “Hai mươi năm vẫn là thuở nào, nợ lại lần này trong cõi đời nhau” (Xin trả nợ người).



nguồn: www.tcs-home.org
  Trịnh Công Sơn:
> bài hát
> bài viết
> hình ảnh
> phỏng vấn
> bút tích
> dòng thời gian

Những người mến mộ:
> những kỷ niệm
> bài viết
> tưởng niệm
> tin tức
> sách
> lưu bút

Khánh Ly


Phố Xưa


- 20 bài mới nhất



Một hình ảnh ngẫu nhiên:






Gia Sư: Gia Đình + Sinh Viên
 
Address: www.SuuTap.com/TrinhCongSon - Collection: Hoang Truc Ly - Design & script: Sony Ho