bài viết




Nhật ký ghi ở Osaka

--- Trịnh Công Sơn ---


Osaka, 23- 1- 1996
Đến phi trường Osaka lúc 5 giờ sáng. Trời lờ mờ. Bên ngoài lạnh 5 độ C. Sân bay rộng mênh mông và cho một cảm giác lạnh lẽo vì vật liệu kiến trúc được sắp xếp thành một thứ trật tự kim loại. Thủ tục hải quan nhanh, gọn và lịch sự. Hành lý xuống sẵn chỉ đến mang bỏ lên xe đẩy là đi. Quá khác xa so với cảm giác khó chịu khi đến cảng sân bay Luân Đôn. Phòng khách sạn nhỏ, bình thường dù International Hotel Osaka là khách sạn khá lớn nằm ở trung tâm thành phố, cách phi trường khoảng 40km. Có phiếu ghi tên để ở bàn viết. Có một điều lạ mà các khách sạn khắp nơi trên thế giới hầu như không thấy là cái tủ lạnh. Trong tủ lạnh các loại nước, bia, rượu được để vào từng ô nhỏ vừa khít hình chai, chỉ lòi cái
đầu chai ra ngoài. Tôi rút thử một chai lại đúng vào chai whisky nhỏ. Bỏ vào lại không được. Đọc lại cái tờ giấy hướng dẫn dán bên ngoài mới vỡ lẽ : chai nào đã rút ra là máy computer đã tự động tính tiền rồi. Nếu cố gắng đẩy vào lại thì máy lại tự động tính thêm lần hai, lần ba. Cũng là một kinh nghiệm. Không uống mà vẫn phải trả tiền thì đúng là phiền thật.

24 tháng 1
Đi Kyoto. Đi metro đến ga San Jou. Hệ thống metro hiện đại. Thăm chùa cổ Kiyo Mizu Dera. Chùa cổ thật. Lên cao trời lạnh. Có vườn tràng của nhà sư trụ tri quá cố nhưng gặp ngày đóng cửa không vào được. Gặp đúng ngày đội cứu hỏa tập dượt cứu chùa khi có hỏa hoạn. Gọn gàng, nhanh nhẹn. Một hệ thống nước tự động phun ra từ các điểm chính của mái chùa. Trong quần thể chùa cổ có một chùa trước đây bị cháy và được xây lại khoảng 300 năm nay. Trước khi rời chùa mọi người lấy gáo hứng nước trong từ suối cao chảy xuống. Cầu nguyện và uống.
Lên xe đi thăm tiếp Kim Các tự. Hai mươi kilô vàng ròng thếp sáng rực hai tầng của Kim Các tự. Xung quanh là rừng. Ngày xưa đây là đất đai riêng của một người giàu có, sau đó bán lại cho chùa. Phía tây mặt trời lặn nhìn từ phòng trà đạo là một không gian núi rừng u tịch. Người Nhật gọi phía mặt trời lặn ấy là Tây phương cực lạc.
Nhớ lại câu chuyện tình của một nhà sư đốt lửa tự thiêu cùng với Kim Các tự của Mishima. Chùa cháy nhưng cây tùng hàng trăm năm có hình chiếc tàu buồm vẫn còn xanh tươi và được làm giàn chống đỡ, bảo quản tốt. Câu chuyện tình Kim Các tự đẹp và buồn. Đứng nhìn bóng Kim Các tự dưới mặt hồ bỗng nghĩ đến người xưa mà ngậm ngùi.
Mặt trời lên và nắng. Tuyết bỗng rơi hạt nhỏ. Lạnh đột ngột.
Từ giã Kim các tự đi về phố chính. Ở đây không còn một chút gì của thành phố cổ kính nữa. Cũng nhà cao tầng, phố đông người, buôn bán tấp nập. Tuyết lại rơi, hạt lớn hơn. Cả phố mặc áo màu sậm và tuyết trắng đậu trên tóc, trên áo. Tuyết tan nhanh. Tan đi những ảo tưởng mơ hồ.
Kyoto như là Huế của Việt Nam. Trong giây phút bỗng thấy Kyoto tan đi trong Huế qua khuôn mặt của Naka, người phiên dịch quá xinh đẹp. Hình như người thiếu nữ Nhật nào xinh đẹp cũng rất gần với vẻ đẹp Việt Nam.
Naka là một bài thơ trữ tình làm nhớ lại một khuôn mặt cũ. Một khuôn mặt cũ làm nhớ lại một bài cú của Basho :
Chiều hôm qua một đạo binh
Không làm tôi sợ
Chiều nay tôi sợ bóng mình.

Trên chuyến metro về lại Osaka dạy cho Naka một số từ mới, hơi khó hiểu với một cô sinh viên học tiếng Việt. Hai mươi ba tuổi cuộc đời vẫn đẹp sao, tình yêu vẫn đẹp sao.

25 tháng 1
Đi thăm Nara - thành phố cổ nhất của Nhật. Đi thăm Nara là đi thăm Phật Lớn. Tượng Phật lớn nhất thế giới bằng đồng đen cao 60m. Người nghệ nhân vô danh nào mà tài hoa quá sức. Đẹp từ mắt, mũi, miệng, đến nếp áo, ngón chân, ngón tay. Buddha Vairocana. Hoàng đế Shomu cho xây dựng từ 752 sau công nguyên. Đi thăm tiếp chùa Tháp ba tầng. Nhớ Linh Mụ Huế. Văn minh, tĩnh lặng mà đẹp quá. Trời cứ lạnh. Có lẽ chỉ còn 1 độ C.
Hôm nay là một ngày vui. Hôm qua cũng vậy.
Về lại Osaka đi gặp ông thống đốc tỉnh Osaka. Tên ông là Yokohama.
Ông thống đốc Yokohama là một nghệ sĩ hài nổi tiếng được nhân dân bầu. Ở Tokyo ông thống đốc cũng là một nghệ sĩ. Năm nay thống đốc của hai thành phố lớn Osaka và Tokyo đều là nghệ sĩ. Thời đại của văn học nghệ thuật đang nảy mầm tươi tốt ở Nhật? Buổi tiếp tân vui nhộn, nồng nàn. Hồng Nhung mặc áo dài gấm Việt Nam. Hát không cần đàn. Trịnh Công Sơn hát. Rồi ông Yokohama cùng ban lãnh đạo đều bước lên bục hát. Đời như trẻ lại.
Gặp những người lãnh đạo một cáí hội mới rất lạ : Hội “Osaka 21st Century Association”. Bắt đầu sống và làm việc cho thế kỷ tới ngay từ bây giờ.
Ngày mai sẽ là buổi hội thảo về văn hóa Việt Nam. Symposium lần thứ IV về đời sống văn hóa châu Á. Văn hóa tóm lại chỉ là con người. Điều đầu tiên và điều cuối cùng: con người. Viết đến đây bỗng giật mình đọc ở bảng chỉ dẫn: En caso de terremoto (trường hợp động đất). Không có cái mũ an toàn nào để che đầu cả. Rõ ràng một đất nước sống trong tình trạng lo âu về động đất, không có tài nguyên gì cả mà vẫn có thể giàu có phi thường. Tái nguyên duy nhất: con người và trí tuệ.

26 tháng 1
Buổi sáng đến “Dawn Center” của khu Chuo thành phố Osaka. Hồng Nhung và tôi xin thử lại âm thanh và ánh sáng cho buổi tập dượt để chuẩn bị buổi trình diễn đêm nay. Phòng hội thảo cũng là sân khấu trình diễn chứa khoảng 500 người. Hệ thống âm thanh và ánh sáng được điều khiển từ xa trên lầu cao. Liên lạc với chuyên viên kỹ thuật bằng máy.
Đây là nhà của Hội Phụ nữ thành phố Osaka. Qui mô xây dựng của nó khoảng bằng mười lần khách sạn New World. Có đủ phòng triển lãm, nhiều phòng hội thảo, sân khấu...
Buổi chiều hội thảo bắt đầu lúc 6 giờ. Trên dãy bàn của các thuyết trình viên có tên của từng người bằng tiếng Nhật theo thứ tự: Trịnh Công Sơn, Nguyễn Mạnh Hùng, chị Bùi Thị Loan, giáo sư Tomita Kenji, chị Oishi Toshino. Bên cạnh tôi, ở một bàn riêng, là phó giáo sư Momoki Shiro làm người hướng dẫn chương trình.
Chương trình nói chuyện ngắn gọn, chỉ nói những điều chủ yếu. Qui định mỗi người chỉ nói trong vòng 15 đến 20 phút, sau đó trả lời những câu hỏi của khán giả. Có một điều đặt ra hơi gay gắt là người Nhật không thành thật bằng người Việt Nam. Họ luôn sống hai mặt với hai con người khác nhau. Điều rất lạ là cả chị Loan (lấy chồng Nhật và đang sống tại Nhật), cùng các anh Tomita, chị Oishi cũng cùng quan điểm như thế. Vì số thời gian qui định quá ít nên tôi chỉ nói về hành trình của tôi và Zen trong thế giới âm nhạc của tôi.
Sau phần hội thảo, sân khấu đóng lại để chuẩn bị cho phần trình diễn. Hồng Nhung và tôi thu gọn chương trình trong vòng một giờ cùng với lời giới thiệu nội dung của từng bài hát đã được dịch ra tiếng Nhật trước.
Khán giả hoan nghênh nhiệt liệt. Có yêu cầu hát thêm nhưng đã hết giờ.
Quyến luyến bắt tay nhau, chụp hình cùng các em sinh viên Việt Nam học tại Nhật, tặng hoa và từ giã.

27 tháng 1
Gặp gỡ báo chí và truyền hình Nhật. Các báo lớn như Mainichi, Asahi đều có bài viết và truyền hình trực tiếp. Nhờ có truyền hình tôi được ông Tamura tìm đến gặp và hứa sẽ tiếp tục ký hợp đồng. Tôi và ông Tamura đã làm việc với nhau qua thư từ trước 1975. Sau 25 năm mới gặp mặt lần đầu. Vui mừng vô kể. Có cả nhạc sĩ và nhà thơ nổi tiếng Mozu tìm đến thăm và tặng quà. Tôi mang theo sách nhạc và cassette quá ít nên không đủ để chia đều cho mọi người.

28 tháng 1
Đi Tokyo. Đến nơi gặp các bạn Việt Nam đang sống và làm ăn tại Nhật. Gặp Hito - đại diện cho Horipro TSC là công ty mời đến Tokyo. Ở lại khách sạn lớn Akasaka Tokyu Hotel ngay trung tâm thành phố. Hồng Nhung đi xem Disneyland của Nhật cùng Hito. Tôi đi cùng các bạn Việt Nam quanh các khu phố lớn, khu phố nhỏ để thử tìm lại một vài dấu vết gì đó của Nhật Bản xưa nhưng vô ích. Tokyo là một thành phố hiện đại như mọi thành phố hiện đại khác trên thế giới. May gặp ngày chủ nhật nên mới có thể tìm chỗ đậu xe.
Quanh quẩn một hồi lại tìm vào các quán ăn uống. Hầu hết các quán ăn, quán uống ở Nhật đều chỉ nghe một thứ nhạc buồn buồn, tỉ tê, rỉ rả của đàn koto. Mọi bữa ăn, mọi thức ăn Nhật ở mọi nơi đều giống nhau: uống sake hâm nóng. Người thiếu nữ đi theo bao giờ cũng là người rót rượu. Đã thành phong tục tập quán rồi. Trên sàn ăn, bao giờ họ cũng ngồi quì gối. Mình là khách ngồi sao cũng được. Đối với cánh đàn ông, vào quán rượu luôn luôn là điều lý thú nhất. Đàn bà con gái thì thích đi shopping hơn. Đồ đạc quá nhiều mà mắc quá. Mọi thứ đều đắt đỏ, từ ăn uống đến phương tiện di chuyển như taxi. Bước chân lên xe là đồng hồ đã chỉ 6 USD rồi.
Tối nay đến sứ quán Việt Nam tại Tokyo. Một bữa tiệc nhỏ, thân mật được bày sẵn. Mọi người nâng ly chúc mừng nhau. Chụp ảnh kỷ niệm và chia tay nhau để chuẩn bị ngày mai về lại Osaka.

29 tháng 1
Trước khi lên máy bay lại phải dành hai giờ cho hai cuộc phỏng vấn của các báo Yomiuri và Mainichi tại trụ sở của tổ chức Horipro. Có lẽ trong chuyến đi này thời gian làm việc với truyền hình và các báo là nhiều nhất và khá căng, vì sau buổi ăn trưa là làm việc ngay không còn thì giờ nằm nghỉ một tí như ở Việt Nam nữa.
Về đến Osaka vào buổi chiều gần tối. Những người bạn Nhật đưa tận đến Tokyo đã về trước và đón ở sân bay. Buổi tiệc cuối cùng kéo dài đến khuya trong một bầu không khí anh em nồng nàn tình cảm.
Ngày mai 30-1 sẽ về lại Việt Nam.
Có một thứ hành trang không mang theo được. Thứ hành trang mà kẻ hành giả homo ludus là tôi trên dặm dài của cuộc đời này vẫn khó lòng nguôi ngoai nỗi nhớ được. Đó là : Naka.
Ngày mai 30-1 cũng là ngày sinh nhật của Naka. Tôi đã gửi quà về trước từ Tokyo, không hiểu Naka đã nhận được chưa.
Buổi chia tay có Mozumi tìm đến. Mặt hơi buồn. Mozumi là cô phiên dịch thứ hai đang làm luận văn ra trường về Hồ Xuân Hương. Mozumi cao lớn và cũng xinh nhưng tôi lỡ nhìn thấy Naka trước rồi.
Có bài thơ tặng Naka xin chép ra đây cho vui:
Ichi Nichino Ko Fuku
Isseiwa Mijika Honemade Ashite !
Zannen Dewanai
Hokano Seikarsuwa
Hajme mashô.





nguồn: http://vuthanh.cjb.net
  Trịnh Công Sơn:
> bài hát
> bài viết
> hình ảnh
> phỏng vấn
> bút tích
> dòng thời gian

Những người mến mộ:
> những kỷ niệm
> bài viết
> tưởng niệm
> tin tức
> sách
> lưu bút

Khánh Ly


Phố Xưa


- 20 bài mới nhất



Một hình ảnh ngẫu nhiên:






Gia Sư: Gia Đình + Sinh Viên
 
Address: www.SuuTap.com/TrinhCongSon - Collection: Hoang Truc Ly - Design & script: Sony Ho