bài viết




Một số chủ đề trong ca khúc Trịnh Công Sơn - Phần 1

--- Bửu Ý ---


Phần V

Một số chủ đề trong ca khúc Trịnh Công Sơn


Tôi (Bửu Ý) không có tham vọng nghiên cứu sâu rộng và đầy đủ các chủ đề đặt ra trong ca khúc của Trịnh Công Sơn.

Rất nhiều người đã làm việc này, mỗi người một phần. Phần mình tôi cố gắng nói thêm tránh lặp lại; nhưng không chắc được như mình mong muốn.

Những chủ đề bàn đến:

1. Con người
2. Tình yêu
3. Tình bạn
4. Lòng yêu đời
5. Thiếu nhi
6. Cái chết

1. Con người

Con người, trong ca khúc Trịnh Công Sơn không hiện thân như một con người bình thường, càng không phải là con người để trưng bày. Nó là âm bản của chính nó, là con người ý thức thân phận của mình, là một hình hài bị xô dạt trong cuồng lưu của thời thế.

Anh hay thu vào mắt mình cái tư thế co người của đồng loại:

Người nằm co ro như loài thú khi mùa đông về
(Phúc Âm Buồn)

Người già co ro ngồi thiu thiu ngủ
(Ghế Đá Công Viên)

“Co người” như hình dáng “con chó lửa” trong hộp cơ bẩm của cây súng. Nhưng “co” không phải để “bật”. Đây là tư thế “xếp vế”, thua cuộc, quy thuận.

Hình ảnh “con sâu” thì cũng vậy, cũng là con người được hóa thân:

Loài sâu hát lên khúc ca cuối cùng
(Dấu chân Địa Đàng)

Loài sâu nửa đêm quên đi ưu phiền
(Dấu Chân Địa Đàng)

Bên cạnh những con người co quắp trong hóc hẻm hay ở công viên, ta lại bắt gặp một dạng người không phương hướng, không điểm tựa, người mất trí, người dở cười, dở khóc, trí nhớ lẫn lộn, pha tạp. Điên cũng là một bệnh thời đại trước những mất mát đảo điên.

Ở khúc quanh của những biến cố lớn thường nảy sinh người điên, là người không chuyển mình được theo biến cố và tạo ra cho riêng mình một vũ trụ ảo.

Ngược lại với người điên là loại người xoay chuyển vùn vụt, người thời cơ, đón gió, tráo trở, lật lọng, loại người ngợm chờ chực “tuốt sáng giáo gươm”, mà Trịnh Công Sơn gọi là “người người ngợm ngợm” trong “Giọt Lệ Thiên Thu”, như là một loài dơi ăn đêm.

Trong hình ảnh người mẹ, vốn quả cảm, anh hùng trong nghịch cảnh, vẫn hiện rõ nét người mẹ gian lao, đau khổ (Nước Mắt Cho Quê Hương, Lời Mẹ Ru, Ca Dao Mẹ) và nhất là hình ảnh người mẹ ăn năn, ray rứt sinh con ra đời:

... trái đau thương cho con mới ra đời
(Hãy Nhìn Lại)

... tiếng khóc cười của bào thai
(Nghe Tiếng Muôn Trùng)

... tin buồn từ ngày Mẹ cho con mang nặng kiếp người
(Gọi Tên Bốn Mùa)

... giọt lệ ăn năn đứa con về trần tủi nhục chung thân
(Ca Dao Mẹ)

2. Tình yêu

Từng người tình bỏ ta ra đi như những dòng sông nhỏ (hay là những bóng hồng đã đi qua đời Trịnh Công Sơn)

Trịnh Công Sơn luôn là người hòa nhã với mọi người, có khi còn chịu đựng, lặng lẽ đối với ai đã xử sự không phải với mình, mong muốn người ấy hồi tâm. Đối với nữ đức tính ấy được tô đậm thêm đến mức có người bảo anh là nịnh đầm (galant). Nói chung, anh đặc biệt lịch sự, chăm chút đối với phái nữ, gần như không phân biệt, đối với em gái cũng vậy.

Thêm vào đó, anh là người yêu hoa đẹp, hay nói cách khác anh là người cần yêu để yêu đời hơn, để thêm phần cảm hứng.

Tôi muốn quay lại cuốn phim những người phụ nữ đi qua đời anh. Tôi tạm dùng chữ “đi qua” một cách nhẹ nhàng, không có màu sắc, không có hậu ý. Nhưng nó có thể bao hàm nhiều nghĩa khác nhau tùy theo từng trường hợp. Nó có nghĩa là ghé vào, hay là dừng lại. Nó cũng có nghĩa là yêu, là phụ, hay là ít nhiều yêu anh.

Việc làm này tôi biết là việc làm hay ít dở nhiều, vì có thể gây đụng chạm và sai sót. Tôi cố gắng tránh đụng chạm, vì nhiều lẽ, bằng cách ghi tắt tên người, nhưng sẽ không tránh được sai sót vì thú thật, những năm sau cùng của đời anh tôi không gần gũi thường xuyên.

Tóm lại một lời, tôi mong được sự thông cảm, rộng lượng của những người, dù muốn hay không đã góp phần quý giá của mình vào sự nghiệp của Trịnh Công Sơn.

³³³³


Giai đoạn Huế 1. Khoảng chừng 1957 – 1962. Một thiếu nữ thuộc số hoa khôi của Huế tên là N.B ở vùng phố cổ Gia Hội, thuộc lớp kín cổng cao tường. Các chàng trai đi qua đi lại trước nhà thường dòm dỏ vào, nhưng ít khi trông thấy bóng hồng. Trịnh ít thổ lộ, giữ lấy hình ảnh này riêng cho mình. Nàng có đáp ứng chăng? Một mối tình đi qua một vài trung gian thân thuộc của cả hai phía nhiều hơn là trực tiếp.

Phía hữu ngạn sông Hương cũng có một hoa khôi trường Đồng Khánh và sau đó sang trường Quốc Học lớp cuối trung học. Nàng là P.T. Dáng thanh, đẹp nhất là đôi mắt, áo dài, guốc mộc, dải món tím. Vì chị của nàng là ca sĩ, Trịnh mượn cớ lân la và đến nhà. Trịnh có phen tâm sự: “Nàng có mùi thơm riêng biệt. Nàng chỉ cần im lặng đứng sau lưng mình là mình biết ngay”. Gia đình của nàng cũng mến Trịnh. Ngoài tình yêu còn có sự lui tới ca hát vui chơi. Thêm một lợi thế cho người thiếu nữ này: từ nhà cô đến trường chỉ một con đường, lại là đường đẹp nhất thành phố với hai hàng long não thơm phưng phức và xanh như ngọc (... hàng cây lá xanh gần với nhau... Mưa Hồng), nàng lại có dáng đi tuyệt đẹp, tha hồ cho Trịnh nhìn ngắm ngun ngút một con đường xanh tươi có thêm linh hồn.

Gần cầu Trường Tiền có một khách sạn lớn do người Pháp xây cất từ đầu thế kỷ. Đến giữa năm 1985, phần lớn khách sạn này trở thành cơ sở của Đại học Huế, nhưng một phần nhỏ vẫn dành cho vài cửa tiệm lớn và chỗ ở riêng. Tại đây, có một thiếu nữ tên là H, bốn mùa mặc toàn lụa, nét kiêu sa, tân tiến. Vừa “rất Huế”, vừa tây Phương, nét sau này ít tìm thấy ở các thiếu nữ Huế.

Nhưng người thiếu nữ gây ấn tượng sâu đậm hơn là N.V.B.D, là người “ở bên kia cầu”, bên kia con sông đào. Đây là một gia đình nhà giáo, kín cổng cao tường, nghiêm ngặt. Hai nhà ở gần nhau, cách chỉ một chiếc cầu ngắn, nhưng khó gặp nhau. Trịnh nuôi trong lòng một nỗi ấm ức khó tan. Về sau này gặp lại, thời gian nàng vào học ở Sài Gòn và mãi sau năm 1975 khi nàng từ nước ngoài về, những lần gặp ấy có gì khác hẳn rồi, bởi lẻ đơn giản là “ta không tắm hai lần trong một dòng sông”. Đây là mối tình in dấu sâu đậm hơn cả, không những thế mà thôi, tôi có cảm tưởng nó vẫn còn mãi trong anh và còn in dấu lên tất cả các mối tình khác về sau.

Giai đoạn Sài Gòn 1. Giai đoạn 1957 – 1962. Khởi đầu là không khí vũ trường, phòng trà, phụ diễn tân nhạc gây sôi động cho Sài Gòn về đêm. Anh thích đi những nơi này với Đinh Cường, Trịnh Cung. Bạn bè là cần thiết ở đây vì cậu thanh niên non trẻ ngại đi một mình. Cô T “lai Tàu” như một phát hiện của anh về giới “ca-ve” sinh sống về đêm, nhịp sống khác thường, gia cảnh không giống ai. Không khí vũ trường như một vũ trụ mù sương với khói thuốc quyện ảo ảnh đèn màu và tiếng rúc của kèn, tạo nên một không gian gần gũi, dễ thủ thỉ tâm tình. Người thiếu nữ này gây chấn động cho anh, làm anh mền lòng.

Cũng trong không khí ấy anh gặp Thanh Thúy, ca sĩ, một người con xứ Huế vào Nam lâu ngày. Cô có khuôn mặt trái xoan đầy đặn, nhưng yếu phổi, đêm đêm về khuya thui thủi bước vào con hẻm ở đường Cao Thắng. Hình ảnh này khơi nguồn cho bài Thương Một Người của anh. Thời gian 1957 – 1959, Đài phát thanh Sài Gòn có một chương trình ca nhạc mỗi tuần một lần có tên là “Chương trình Dạ hương”, chương trình gồm toàn đơn ca của các ca sĩ thời danh như Thanh Thúy, Lệ Thanh, Châu Hà, Kim Tước... Đó là chương trình rất được chờ đón và đặc biệt hơn cả là giọng Thanh Thúy, được mệnh danh là giọng hát “liêu trai”. Ông Nguyễn Văn Trung, giáo sư đại học và chủ nhiệm tạp chí Đại học viết bài Ảo ảnh Thanh Thúy.

Giai đoạn Quy Nhơn. 1962 – 1964. Đây là giai đoạn Trịnh Công Sơn sáng tác nhiều tình ca bất hủ và điều khiển hợp xướng Trường Ca Dã Tràng của anh. Hình ảnh duy nhất của người bạn gái: B.K. Các bạn khác đều rõ tình cảm này trong lòng người thanh niên xa quê chiều chiều ra ngồi bên bờ biển. Bạn anh là Đinh Cường thấu hiểu mối tình này có vẽ một bức tranh lấy tên nhan đề bài hát của anh: Biển Nhớ.

Giai đoạn Bảo Lộc – Đà Lạt. Khoảng 1965 – 1970. Đầu tiên là cô nữ sinh nhỏ nhắn tên N. Ngày ngày áp sách lên ngực đi trên con đường đất đỏ đến trường hoặc đến nhà thờ. Anh là người đặc biệt bị thu hút bởi cảnh giáo đường, cảnh người đi xem lễ, tiếng chuông nhà thờ. Trong cảnh này, người thiếu nữ như tăng thêm phần diễm lệ.

Thời ấy, Bảo Lộc thưa thớt người và hình như lạnh hơn bây giờ. Từ đó, anh thường lên xe đò đi Đà Lạt để phần nào trốn lạnh và trốn vắng. Tại đây, được giới thiệu trước anh làm quen với P.T.L, người thiếu nữ nhanh chóng hớp hồn anh. Đây là một thiếu nữ lạnh lùng. Môi tươi thắm nhưng không thoa son, mắt to, ít nói, ít cười, đến cả ít ngồi, thích đứng nhìn, chân thoăn thoắt, chực biến. Nhưng rõ ràng là một thiếu nữ đầy tự tin, có những suy nghĩ riêng, như có vẻ như đinh ninh rằng mối tình này sẽ không lâu. Người thiếu nữ này gợi tính hiếu kỳ ở Trịnh, khiến anh khi thì đăm chiêu, khi thì thấp thỏm. “Như Cánh Vạc Bay”, anh biết trước là như vậy. Anh khó nguôi hình ảnh này, nó sẽ trở đi trở lại trong nhiều bài khác. Khi nàng về Sài Gòn, anh nhờ người đem đến tặng một chậu hoa lan cực đẹp. Vẫn có một khoảnh cách nào đó. Như gần như xa.

Ở đây, anh còn khá thân với một nữ sinh trường Bùi Thị Xuân tên là T.T. Những buổi gặp nhau ở Câu lạc bộ thể thao (La Grenouille`re), ở Sân Cù Đà Lạt sẽ được tiếp nối bằng những cuộc đi chơi ở Sài Gòn.

Giai đoạn Huế 2. Khoảng chừng 1970 – 1975. Người năm xưa N.T.B.D có cô em đẹp, duyên, như bóng hình. Một trường hợp gần như “tình chị duyên em”. Thật ra, tình yêu này cũng gặp trắc trở như đối với chị. Hoặc tưởng chừng như hai người là một. Tình yêu ngày xưa sống dậy và trao cho người em này: D.A. Mãi sau này, sau một thời gian vắng bặt, gặp lại, Trịnh gửi lời tiếc nuối tuổi thanh xuân của cả đôi vào ca khúc Xin Trả Nợ Người.

Trịnh Công Sơn còn có cảm tình với một cô sinh viên Văn khoa mà anh đã làm quen trong một buổi văn nghệ hồi cô này còn học ở Trường trung học Jeanne d’Arc: cô tên là T.N, người thiếu nữ dễ nhận ra giữa đám đông vì cô cao lêu khêu, mái tóc dài thậm thượt, thường chụp lên đầu chiếc mũ bê-rê đỏ trông vừa xinh vừa nghịch. Với T.N (bấy giờ ở tại Cư xá Li-băng, Huế, đường Nguyễn Tri Phương, cạnh nhà thờ Xaviê), Trịnh Công Sơn hưởng được một “tình yêu học trò”, cảm thấy mình trẻ lại qua những cuộc rong chơi xe đạp lên đồi Thiên An và đã để lại 4 ca khúc (cuối 1974 và đầu 1975) chưa công bố:

Về Giữa Mùa Đông
Chiều Đông
Theo Mùa Xuân Đến
Từ Độ Yêu Người

Anh còn yêu một nữ sinh viên khoa học, mệnh danh là “người đẹp Đập Đá” (tên một chiếc đập dẫn về vùng Vỹ Dạ) có tên là M.N, bạn của em gái anh. Đây là nguồn cảm hứng cho anh viết: Quỳnh Hương, Nguyệt Ca.

Giai đoạn Sài Gòn 2. Khoảng chừng 1970 – 1975. Một người yêu khá bất ngờ thuộc hàng ngũ trí thức nghiêm trang: Q, bác sĩ ở nước ngoài về. Cô này lọt vào mắt xanh của mẹ anh. Có lẻ các em của anh cũng có cảm tình với cô vì cô duyên dáng, tính tình dịu dàng, giản dị, dễ chịu. Đa số thành viên trong gia đình mong anh sớm sống ổn định với cô này, nhưng đầu ốc anh vẫn còn mông lung.

Nữ sĩ T.D thường lui tới với anh. Anh thích ở nhà văn này cái đầu óc thông minh, nói năng hoạt bát. Cô này có một số truyện có nhiều độc giả và được xem như một cây bút nữ nổi danh của miền Nam.

Có một cô gái đáng thương làm Trịnh Công Sơn xúc động đặc biệt. Cô này tên H, ngây thơ, đẹp rực rỡ, người niềm Nam. Anh từng tặng quà và tỏ ra nhã nhặn, tế nhị đặc biệt.

Giai đoạn Huế 3. Thời gian từ 1975. Một người từng hâm mộ anh nhưng chỉ sau ngày đất nước thống nhất mới có thể từ Hà nội vào Huế thăm anh: T.T.N. Cô là người chơi dương cầm có đẳng cấp, người khỏe, ngón tay dài, linh hoạt vui vẻ. Trịnh xúc động trước một tấm lòng hăm hở. Cô sẽ còn gặp anh nhiều bận ở Sài gòn, sau đó đi Pháp để hoàn thành nghiệp dĩ.

Giai đoạn Sài Gòn 3. Thời gian này từ 1975. Một người quen biết trước đây xuất ngoại, sau 1975 trở về Sài gòn: Q.H. Cô này rất tình cảm, nặng lòng với quê hương, thăm hỏi anh thường xuyên, lo lắng cho sức khỏe của anh. Nhưng đây là một thiếu nữ mực thước, suy nghĩ rạch ròi. Anh cảm mến người thiếu nữ này, có phần nể trọng. Nhưng hình như cả hai người gặp nhau đều mong ai khác nữa có mặt cùng. Giữa những lời tình cảm bao giờ cũng có lời dành cho “công chuyện”.

Trịnh quen biết với một cô từ phương xa đến qua sự giới thiệu của bạn Tôn Thất Văn: cô N.K.H. Đây là một gái vô tư, có khi như thể lạc lõng trước những lời nói lạ tai của người nhạc sĩ tài hoa. Nhưng cô đằm thắm, yêu Trịnh chân tình mà vẫn dè dặt. Trịnh ghi hình ảnh này vào bài hát Hoa Xuân Ca. Sau này, cô thương tiếc anh bằng hai câu thơ:

Như mây như gió trên trời
Ở nơi xa ấy xin người đừng quên

Anh quen với cô bạn ở Pháp C.N.N, dần dần thân thiết. Có lẻ đến hồi muốn chấm dứt những ngày dài đơn độc, anh quyết định lập gia đình với cô. Trước khi làm lễ anh đưa cô, nay xem như là hôn thê ra Huế chơi, như để giới thiệu với cô một số bạn bè và thành phố quê hương mình. Chuyến đi Huế này không ngờ gặp tai nạn và biến cố giữa đường khiến anh thay đổi hẳn suy nghĩ và chương trình hôn nhân đứt đoạn.

Cuộc gặp gỡ giữa Trịnh Công Sơn và cô gái người Nhật Y.M, là một “thiên tình sử”. Cô rời nước sang Việt Nam tìm gặp anh và nói ý định của mình là nghiên cứu lời nhạc của anh. Chừng ấy đủ để làm dậy tính hiếu kỳ của anh. Cô cho biết sẽ để ra 4 năm học tiếng Việt. Cô lui tới với anh tự nhiên, thoải mái. Đây là một thiếu nữ Nhật của thời đại mới. Khỏe mạnh, đi đứng lóc cóc, đóng cửa thình thình. Cô còn chơi môn bóng chuyền. Cô sang Pháp học tiếng Việt tại Đại học Paris 7. Đặng Tiến bạn của Trịnh Công Sơn là thầy của cô. Thời gian Trịnh Công Sơn có mặt ở Paris tháng 5.1989, hai người cùng hát trong đêm diễn. Cô vừa đàn vừa hát tiếng Việt. Việt học tiếng Việt của cô có kết quả rất tốt: cô phát âm khá chuẩn, viết tế nhị và sâu sắc. Luận văn của cô: Ca khúc phản chiến của Trịnh Công Sơn, dày 109 trang được bảo vệ tại Đại học Paris 7, đạt kết quả cao: 17 điểm trên 20, thuộc loại điểm cao nhất ở đại học này. Tất cả những sự việc xảy ra đều êm xuôi, đẹp đẽ, riêng cuộc tình kết thúc dở dang.

Trịnh Công Sơn là người yêu cái đẹp. Anh cũng muốn em gái mình mặc đẹp. Anh nhiều phen được đề cử chấm thi về thời trang và anh phải lòng một á hậu báo Tiền Phong 1990: cô V.A. Đúng là dáng dấp một thiếu nữ đáng yêu đối với anh: đẹp, dong dỏng. Với cô này, đây là lần thứ hai Trịnh Công Sơn có ý định lập gia đình. Và cũng lần thứ hai “nửa đường đứt gánh”.

Anh biết ca sĩ Hồng Nhung từ đầu những năm 90, lúc cô theo bố vào Sài gòn và học ở Đại học Tổng hợp khoa Anh. Đây là thiếu nữ duyên dáng, thông minh, có giọng ca tròn và ngọt, phát âm và luyến âm tài tình. Hồng Nhung quý mến và trân trọng anh, lắng nghe những lời hướng dẫn trong nghệ thuật và kỹ thuật ca diễn. Trịnh Công Sơn cũng vui mừng gặp được một giọng ca thể hiện được trọn vẹn những tình ý của mình trong ca khúc như Khánh Ly trước đây. Anh viết riêng cho cô mấy ca khúc có hình ảnh của “Bống”.

Trịnh Công Sơn còn là họa sĩ có nét riêng của mình. Anh đã tự trình bày một số tuyển tập ca khúc của anh. Anh thích vẽ chân dung thiếu nữ. Một người mẫu sau này thường trở đi trở lại trên khung bố của anh là T.H.

³³³³

Tôi có thể đã bỏ sót một hai bóng hồng nào đó đã đi qua đời Trịnh Công Sơn và mong có dịp bổ khuyết. Những bông hoa ấy vốn làm đẹp cho đời, đã là nguồn sống, nguồn an ủi quý giá cho anh. Đến với Trịnh Công Sơn đã là một duyên nợ, nghĩa là không hoàn toàn chỉ nếm hạnh phúc, ngọt ngào.

Trịnh Công Sơn vốn không phải là người đòi hỏi nhiều. Thế nhưng, con người anh vẫn có hai mặt không phân ly. Anh là một người có cảm xúc nhạy bén, đồng thời quý trọng người phụ nữ. Cho nên tặng phẩm tình cảm nào đến từ đóa hoa cũng được anh niềm nở đón nhận, lòng thầm cảm ơn em và cảm ơn đời. “Tôi xin làm đá cuội và lăn theo gót hài”. Mặt khác, ý thức anh vẫn nuôi hình ảnh người thiếu nữ mà anh sẽ theo đuổi cho đến hơi thở cuối cùng, coi như đó là sinh mệnh của tình khúc của mình, và anh sẽ bắt gặp từng mẫu một qua các chặng đường.

Trịnh Công Sơn lọt vào giữa rừng hoa, người ta suýt nghĩ: “sói giữa bầy cừu”, nhưng không, anh luôn luôn hiền hòa, lại đâm ra lúng túng, lắp bắp nữa là khác. Không ai có thể biết anh nghĩ gì trong đầu khi anh kề cạnh những hồng nhan. Anh nghĩ lung tung lắm thì phải: “Thực ra… Phải chi… Khoan đã… Thôi… Hay là…” Bởi lẽ, đối với anh, phụ nữ không toàn là đẹp, phụ nữ không chỉ là đẹp mà còn là một đóa hoa vô thường, là sứ giả của một mệnh lệnh nào đó mà anh đọc chưa ra.

Trịnh Công Sơn, qua lời ca có khuynh hướng diễn đạt bằng hình ảnh sóng đôi. Anh vẽ ra đóa hoa nhưng ý tưởng không dồn tụ vào đoá hoa ấy. Ngay cả khi gợi ra thiếu nữ, và dù thiếu nữ sống thật, có một tên riêng, ta vẫn có cảm tưởng đó là một thiếu nữ khác. Đó là sự trộn lẫn, hòa nhập vào nhau của hai bình diện đời sống. Và nếu hiện tại có bề mỏng manh thì lớp thời gian quá khứ chờ chực bồi khuyết vào.

³³³³

Tình yêu ở Trịnh Công Sơn là một thứ tình yêu hương hoa, lãng đãng, xa cách. Nó chỉ rộn ràng bề mặt, như viên đá trong cốc, như hòn đá ném xuống ao. Lanh canh một lát, gợn sóng một hồi, tồi đâu lại vào đó, lấy lặng lẽ làm vốn liếng, uống tình lắng xuống, trả em vào đời và “tôi thu bóng tôi”. Loại tình yêu này không còn tồn tại, chỉ còn lẩn lút trên những trang giấy đã ngả vàng. Ngày nay tình yêu đã thay đổi chủ trương rồi thì phải: chớp nhoáng, phá bĩnh, trao đổi, chiếm đoạt…, cho nên tình yêu theo lối Trịnh Công Sơn đem lại một hương vị xa xôi làm mền cả trái tim sắt đá nhất, và ai nấy ngưỡng vọng như một bái vật đặt trên đài cao để cho tưởng tượng vươn tới.

Tình yêu ở Trịnh Công Sơn, như lời ca của Nguyễn Đình Toàn, không có hạnh phúc. Toàn là những bức trang mang tên: tình phụ, tình sầu, tình xa, tình xót, xa vừa, tình nhớ, tình vơi. Hạnh phúc, có chăng, chỉ đong bằng từng mẫu vụn:

Đôi mắt em là đốm lửa hồng
(Tóc em) rớt xuống hồ làm nước long lanh
Ôi áo em xưa lồng lộng
Xin mây xe thêm màu áo lụa


Và luôn những mẩu vụn… cũng sẽ chìm trôi

Hai lần Trịnh Công Sơn có ý định gút cuộc tình của mình bằng một hồi kết cuộc: tự động và chủ động trói mình bằng sợi tơ hồng. Cả hai lần đều bất thành. Hóa ra, đối với anh hôn nhân trước sau chì là một chiếc lồng son.

³³³³

Cứ nghĩ đến một Trịnh Công Sơn lao vào cuộc tình, tôi thường cảm thấy bất an. Hoặc bạn sẽ chìm lỉm vào một vũng nước xoáy, hoặc bạn sẽ tán lạc vào mê cung.

Anh là người ham sống, yêu đời, tận hưởng thời gian, không thể vắng yêu. Cho nên có khi anh có người yêu ở phương này phương khác. Tôi không khỏi nghĩ đến tình trạng “phồn thực” về tình yêu của anh. Anh yêu không mỏi mệt. Không khỏi có người yêu trách anh sao không nghĩ riêng tới mình. Quả tình anh không thể nghĩ tới riêng ai. Đây là trở lực rất lớn cho hôn nhân. Ai nấy có cảm tưởng anh có rất nhiều người yêu, đầu tiên là những người yêu trong quần chúng mến mộ. Thế nhưng, nếu chứng kiến những lúc tiệc tàn, thời khắc cuối ngày ta mới thấy Trịnh Công Sơn là một khối cô đơn. Đây là một tâm trạng hoàn toàn ngược lại: một tâm trạng “bị tước đoạt” trong tình yêu, hay là ý thức mất mát, ý thức một cái gì của mình lọt vào tay người. Một mặt, anh mường tượng người yêu có một đời sống riêng và đời sống riêng này không có anh trong đó. Mặt khác anh mang trong vô thức một mất mát mà anh biết những gì có trong hiện tại vẫn khó lòng khỏa lấp cái mất mát ban đầu. Những người yêu của anh qua các giai đoạn tính lại là nhiều. Nhưng họ vẫn là những người yêu trong một trường tiếp sức của cuộc maratông (marathon) tình yêu của anh. Và bao nhiêu người ấy khác nào những mẫu của một bức tranh khảm. Cái tình yêu thời thanh xuân của anh, mối tình đã gặp phải nhiều cản ngăn, trắc trở, anh khó lòng nguôi quên. Nó sẽ dai dẳng, nó sẽ theo anh đến những phương trời khác, nó tái hiện những mối tình về sau, như thể lặp lại mà vẫn khác, làm anh không sống trọn vẹn ở hiện tại và hình ảnh ban đầu ngày xưa không bao giờ quên được.

Tất cả những hình ảnh này sẽ lồng vào nhau, bền hơn cả vẫn là hình ảnh xa xưa, và anh phải nén xuống tất cả. Trong trạng thái như thế này, việc sáng tác của anh là sự “thăng hoa” của những hình ảnh ấy.



nguồn: Trịnh Công Sơn - Một nhạc sĩ thiên tài
  Trịnh Công Sơn:
> bài hát
> bài viết
> hình ảnh
> phỏng vấn
> bút tích
> dòng thời gian

Những người mến mộ:
> những kỷ niệm
> bài viết
> tưởng niệm
> tin tức
> sách
> lưu bút

Khánh Ly


Phố Xưa


- 20 bài mới nhất



Một hình ảnh ngẫu nhiên:






Gia Sư: Gia Đình + Sinh Viên
 
Address: www.SuuTap.com/TrinhCongSon - Collection: Hoang Truc Ly - Design & script: Sony Ho