những kỷ niệm




Người Uống Rượu

--- Hoàng Phủ Ngọc Tường ---


Một cuộc rượu vô tiền khoáng hậu của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

Con người của thế giới hiện đại, theo tôi, đã đánh mất cái thú cô đơn của ngườI lữ hành đi qua sa mạc thời cổ: ngồi bệt xếp bằng trên cát, lặng lẽ hoàn toàn, chiêm ngưỡng những thế kỷ thấp thoáng trên đỉnh Kim tự tháp.

Toàn bộ âm nhạc của Trịnh Công Sơn làm bằng một thứ ngôn ngữ cực kỳ giản dị, những chi tiết đời thường chìm đắm trong trong nỗi buồn êm dịu của cung la thứ. Tất cả đều dùng để nói từ nhiều góc độ khác nhau, về nỗi cô đơn của số phận con người trong tiếng kêu lanh canh của những viên đá trong ly rượu. Vâng, âm nhạc của Sơn là nỗi buồn; và cái để chuyển tải nỗi buồn là ly rượu. Trong tiếng Hán Việt, người ta dùng từ “giả” cho một số nghề nghiệp như : tác giả, soạn giả, diễn giả, chứ ít ai dám phong “nhà” cho kẻ say giống như Lý Bạch – nhà thơ vĩ đại đời Đường này cho rằng : “Tự cổ thánh hiền giai tịch mịch/ Duy hữu ẩm giả lưu kỳ danh” (Tạm dịch: Xưa nay thánh hiền đều yên lặng ...chỉ người uống rượu là để lại tên tuổi). Như vậy Trịnh Công Sơn là một “ẩm giả” đích thực, như nhà triết học hiện sinh chung tình với hiện hữu.

Hồi sống ở Tp Hồ Chí Minh, tôi thường đến chơi với Sơn khoảng 10h sáng, giờ “vắng khách” nhất của Trịnh Công Sơn. Tôi nói thế, vì hầu như lúc nào Sơn cũng bận bịu về chuyện khách khứa, trong khi tôi không thể tự coi mình là “khách” của Sơn. Chúng tôi đã là bạn học từ thời thơ ấu, cùng chung một thầy dạy âm nhạc; vào mỗi chiều thứ tư, thầy đều bắt chúng tôi xếp hàng đôi đi bộ từ trường đến hồ Tịnh Tâm. Tại nhà Lục giác của hồ, chúng tôi xếp bằng tròn giữa nền nhà thành một vòng tròn, thầy ngồi ở giữa, và chúng tôi cùng hát những bài hát tuổi thơ, thầy vừa vỗ tay đánh nhịp, vừa hát theo. Thật cũng không ngờ rằng người học trò hiền lành, chăm chỉ hát những bài hát trẻ con ngây ngô thưở ấy, ngày nay lại là Trịnh Công Sơn.

Căn phòng tiếp khách “quậy” của Sơn thật là lộn xộn, nào là những tranh vẽ dở (vì Sơn cũng kiêm luôn nghề hội hoạ). Những quà tặng của bạn ở nước ngoài, và những vỏ chai rượu không…Tôi lặng lẽ uống Whisky một mình, còn Sơn thì uống một loại Whisly nhẹ hơn, loại Chivas chai dựng dưới gầm bàn, và Sơn lấy ra lúc nào không biết. Trên tủ buýp phê bày những chai lọ ngổn ngang hơn, và một tấm bằng kỷ niệm lồng kính hẳn hoi, có những dòng chữ viết tay bằng mực đen, đập vào mắt tôi. Tấm bằng viết:

Martell thành lập năm 1715

Ngày hôm nay, những cánh cửa Thiên đường của chúng tôi đã mở ra để cho phép ông Trịnh Công Sơn nếm thử một ly Cognac của năm 1848 để lâu trong thùng và già đến 65 năm. Một ly Cognac của năm 1875 để lâu trong thùng và già đến 49 năm.

Sự kiện này đã được lưu giữ trong cuốn sổ vàng của chúng tôi đề ngày 11 tháng 4 năm 1995

Patrick Firino Martell


Tôi đã biết kỹ, và đã định viết về sự kiện này. Nhưng lâu nay, tôi cứ nấn ná hoài, vì ngại có kẻ hiểu lầm tôi lại tò mò về chuyện riêng của Sơn; vả chăng tôi muốn nhường nhiêm vụ này cho những người ái mộ Sơn vẫn đến chơi với Sơn mội ngày, mà tôi đã gặp. Nhưng lâu quá vẫn không thấy gì, tôi quyết định làm lấy công việc này, gọi là chút nghĩa vụ đối với bạn bè. Vả lại, một người nổi tiếng như Sơn cũng đáng để cho người khác biết đến việc làm của mình. Sơn hài lòng kể lại sự việc cho tôi, và khuyến khích tôi viết về chuyện uống rượu của chàng. Hãng Martell giờ này đã nhường lại cho người Mỹ với giá 1 tỷ đô la do Seagram’s nắm chủ quyền. Vừa rồi, nhân kỷ niệm 280 năm thành lập Martell được tổ chức tại Khách sạn New World, ông Patrick đã thân hành sang Sài Gòn chủ trì; chính tay ông đã đưa giấy mời sang châu Âu cho Sơn, với tư cách khách quý của tập đoàn Martell.

-Ông có biết nguyên tắc tiếp thị không? Tôi hỏi Sơn

-Nhất định rồi. Nó đang định mở thị trường sang Đông Nam Á và chọn người để làm quảng cáo cho nó

-Nhưng nó đã chọn mình là nó cúng có “mắt xanh” rồi đó

Tôi đáp lại Sơn và chúc Sơn lên đường vui vẻ.

Thế là Sơn đi một mạch từ Sài Gòn sang Luân Đôn. và từ đó sang Liverpool dự cuộc đua ngựa truyền thống do hãng Martell bảo trợ. Liverpool vốn là quê hương của ban nhạc Beattles, những người đã mở kỷ nguyên mới cho âm nhạc nên đi dâu Sơn cũng thấy dấu hiệu của niềm tự hào và lòng ngưỡng mộ. Quy luật đó cũng không loại trừ cả Trịnh Công Sơn. một nhạc sĩ danh tiếng của Việt Nam lần đầu sang dự cuộc đua ngựa ở Liverpool.

Sau đó, Sơn về Pháp, đến chỗ trọ tại làng Petite Champagne tại miền nam nước Pháp, là nơi có lò rượu của Martell, nhìn ra Hồ Thiên Nga (Las des Cygnes) suốt ngày có những cánh chim trắng bay qua bay lại… Những người phục vụ ở đây mặc áo xanh lông két, trông điệu bộ và cử chỉ thấy giống y như nhà “quý tộc” cũ. Château này chỉ dành cho bạn của Martell, không lấy tiền. Cho mỗi khách quý ở lâu đài lại có một cô xinh đẹp, Sơn hỏi thử cô bạn của mình, sống một mình một Château có buồn không ? Cô ta cho biết, không ngày nào không có bạn tới chơi.
Ngày thứ, Sơn đi thăm các nơi trong vùng. Sơn thăm vùng xưởng đóng thùng, ở đó, người ta biểu diên đóng thùng (fut) bằng gỗ sồi. Rồi đến một Cave, chỗ nấu rượu gốc của Martell. Thấy nó giống rượu đế, nhưng dở hơn đế Việt Nam. Rượu đế Martell màu trắng, trong, nấu bằng lúa mạch hoặc nho, uống vào thấy muốn nôn. Rồi đến một Cave có chất vô số vỏ thùng đánh dấu từ những năm xa xưa đến nay.

Rồi đến Paradis của Martell: dưới ánh đèn lờ mờ có để hai ly Cognac nhỏ, ghi những năn 1875 và 1848 như trên đã nói. Vào Paradis này chỉ có hai người Việt; chính là Trịnh Công Sơn và viên giám đốc của hãng IBC ở Việt Nam, còn thì cả đoàn biến đâu mất. Nên nhớ rằng đó là đoàn khách năm châu, mặc nhiều kiểu áo, nói nhiều thứ tiếng khác nhau, đều là khách quý, phần nhiều là hoàng tử các nước khác nhau.

Mỗi ly rượu chỉ uống một nửa, phần còn lại thì trộn đều với nhau (tôi nghĩ phải là chia đều, mỗi ngươi uống một nửa chứ nhỉ) , mục đích là để biết nó khác với các loại rượu khác bán trên thị trường thế nào. Tên của người vô rượu cũng được ghi lại bằng phấn trên vỏ thùng; hỏi, Sơn được biết cả hai người trước đều đã chết. Đến mục ghi sổ lưu niệm, Sơn cắm cúi viết vào sổ một bài thơ bằng tiếng Pháp và vài dòng kỷ niệm gì đây. Cuộc viếng thăm Paradis kéo dài khoảng nửa giờ. Xong, Sơn trở về Château, ở đó độ ba đến bốn ngày nữa.

Sơn nói xong, dùng chiếc khăn mùi xoa, phẩy bụi trên tấm kính bằng kỷ niệm; hình như Sơn quý vật kỷ niệm ấy hơn cả. Nghĩ đến phong trào Nhạc mới đang thịnh hành, tôi ngại rằng Sơn sẽ thay đổi xu hướng sáng tác của mình. Tôi bảo Sơn:

-Ông đã hoàn chỉnh một thế giới. Không việc gì phải thay đổi đi; thay đổi thì không còn có Trịnh Công Sơn mà thế giới kia cũng không còn tồn tại nữa…

Sơn cười: Thì “duy hữu ẩm giả lưu kỳ danh” mà. Mình sẽ lưu lại cho đời có chăng chi một chữ thôi. Chữ Say.

Tôi lại hỏi Sơn, nếu Sơn bỏ rượu thì liệu Sơn có thích đi du lịch nữa không?

Sơn tủm tỉm trả lời tôi:

-… Có cái là không uống rượu thì cũng không có thích đi thế giới nữa. Vì, thử tưởng tượng qua Paris gặp anh em, lại chỉ ngồi uống trà đá.

Hà Nội, ngày 2 tháng 11 năm 1999



nguồn: TCS Người hát rong qua nhiều thế hệ
  Trịnh Công Sơn:
> bài hát
> bài viết
> hình ảnh
> phỏng vấn
> bút tích
> dòng thời gian

Những người mến mộ:
> những kỷ niệm
> bài viết
> tưởng niệm
> tin tức
> sách
> lưu bút

Khánh Ly


Phố Xưa


- 20 bài mới nhất



Một hình ảnh ngẫu nhiên:






Gia Sư: Gia Đình + Sinh Viên
 
Address: www.SuuTap.com/TrinhCongSon - Collection: Hoang Truc Ly - Design & script: Sony Ho