tin tức




Một khoảng lặng đầy ý nghĩa ''Quê hương - Tình người''

--- P.H ---


Vừa bước vào sảnh đường tôi không tin vào mắt mình: sao hôm nay cụ ấy lại có mặt ở đây ? Từ ngày cụ bà ra đi, cụ chỉ quanh quẩn trong nhà hoặc ra thăm mộ vợ. Ít nữa đã hơn mười lăm năm qua tôi chưa gặp lại cụ. Hôm nay đứa con gái đưa cụ đến, cụ chậm rãi chống gậy đi vào phòng hát. Gia đình tôi cũng vào theo. Trong hàng khán giả có nhiều mái tóc thề, những mái tóc ngắn, một số bạc trắng và khá nhiều mái tóc đã ngả sang màu muối tiêu.

Sân khấu được trang trí đơn giản nhưng rất tươm tất. Cạnh dòng chữ "Quê hương - Tình người" là tấm ảnh nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cùng dòng bút pháp của ông "Sống trong đời sống cần có một tấm lòng".

Ca sĩ Thanh Hải đã mở màn chương trình văn nghệ. Xuất hiện đơn giản với chiếc áo sơ mi trắng, cây đàn guitar trên tay, anh bắt đầu hát

Một ngày bỗng thấy yêu thương mọi người ...

Giọng anh thật ấm, trong và rất khỏe. Anh đang tha thiết tự tình, mắt anh nhìn xa xa vào khoảng tối cuối thính phòng. Có lẽ anh đang nhớ về những năm cuối 60, nhớ đến những bạn bè của anh đã bị cuộc chiến kéo đi.
Bổng giọng anh chuyển sang chua xót, đớn đau.
"Bạn bè ngồi quanh tuốt sáng giáo gươm". Đến đây thì khán giả và anh đã trở thành một để đi tiếp.
Và như chỉ chờ dịp để bày tỏ lòng ái mộ, tiếng vội vỗ tay vang lên thật nồng nhiệt khi anh vừa hát dứt lời cuối "Dù còn phút cuối xin em nụ cười ...".
Sau một phút lắng đọng, anh dạo đàn và chầm chậm kể

Một buổi sáng mùa xuân
Một đứa bé ra đồng
Đạp trái mìn nổ chậm
Xác không còn đôi chân ...
Một buổi sáng mùa xuân
một đứa bé im lìm
bờ môi dường thầm hỏi
có thiên đường hay không ?

Nhiều người lặng lẽ lau nước mắt.

Nỗi buồn chưa kịp nguôi thì Thủy Tiên trong tà áo dài trắng đã xuất hiện để dẫn chúng ta đi tiếp bằng điệu ầu ơ quen thuộc

Mẹ ngồi ru con đong đưa võng buồn đong đưa võng buồn ...
Chiến tranh đã không chừa một ai, những thanh niên, những đứa bé, những bà mẹ ... Phải chi ánh đèn trên sân khấu được tắt bớt, trả lại sự hiu quạnh của người vợ trẻ bị bỏ lại bên đứa con thơ.
Tà áo dài phất phơ, dáng đi thon thả, cô bước tới trước, đưa nhẹ bàn tay nhỏ và hát

Mẹ dạy cho con tiếng nói quê hương
Mẹ nhìn con đi phút giây bàng hoàng

Có lẽ nỗi bàng hoàng còn đọng lại quá sâu lắng, nên phải một vài giây sau cuối bài hát, khán giả đầu tiên mới vỗ tay và sau đó là tất cả mọi ngườị.

Một người Mỹ xuất hiện với cây đàn guitar. Anh Phú (Richard Fuller) đã là một trong những ngạc nhiên lớn của đêm văn nghệ. Anh trả lời rất lưu loát và rất tếu bằng tiếng Việt các câu phỏng vấn của MC. Có nhiều người nước ngoài nói tiếng Việt rất giỏi, nhưng phải nói, tự chuyển ca từ và hát được như anh bằng hai ngôn ngữ các nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn là một điều rất hiếm.

Cảnh tàn bạo và nỗi đau thương khôn cùng mà cuộc chiến đã đưa đến, được anh diễn tả đậm nét qua liên khúc "Đại bác ru đêm", "Ngụ ngôn mùa đông" và "Người con gái Việt Nam da vàng". Anh đeo khăn tang trắng, vừa hát vừa đàn. Giọng anh lúc chậm lúc nhanh, tay diễn tả

Một ngày mùa đông
Trên con đường mòn
Một chiếc xe tang
Trái mìn nổ chậm
Người chết hai lần
Thịt da nát tan


Mọi người hết sức ngạc nhiên và thấm thía vì anh hát hoàn toàn bằng tiếng Việt. Giữa bài, anh hát thêm lời tiếng Anh cho các bạn Đức và Pháp cùng hiểu. Tuy thế, dòng nhạc và ca từ không hề bị gián đoạn.

Cũng với tà áo trắng Thủy Tiên trở lại chương trình mang theo ca khúc "Xin cho tôi". Đây là ca khúc nói lên tâm trạng đau buồn của nạn nhân chiến cuộc mà cô diễn đạt một cách rất thanh thản, không ưu uất với một ước nguyện nhỏ bé

Xin cho tôi yên ngủ một ngày
Xin cho đêm không có đạn bay
Khi nghe đến dòng nhạc

Xin cho tôi nguyên vẹn hình hài ...

thì cả thính phòng yên lặng. Trái tim tôi như thót lại ...

Chương trình phần hai với chủ đề Tình yêu, quê hương và thân phận đã được Thủy Tiên tiếp nối.

Sống trong đời sống cần có một tấm lòng,
Để làm gì em biết không ?
Để gió cuốn đi ... để gió cuốn đi ...


Cô hát thật tự nhiên, thanh thản. Khó ai có thể tin được với chứng bệnh nan y và qua gần mười lần phẩu thuật miệng, chính từ làn môi khoé miệng ấy lại phát ra tiếng ca tuyệt vời như thế. Cô phát âm rất tròn trịa như đã không có điều gì xảy ra với cô. Tiếng hát cô xuống thật thấp với chữ "Để" trong cụm từ "Để làm gì" nhưng không làm nhem từ, rồi từ từ lên cao và luyến láy nơi "gió cuốn". Kỹ thuật và năng khiếu rất quan trọng để hát hay nhưng chính sự hiểu biết và sự đồng cảm từ cuộc đời mình, Thủy Tiên đã hoàn toàn chinh phục trái tim của khán giả.

Thế Vinh đã độc tấu "Hạ trắng" với harmonika và guitar. Nếu người bình thường chỉ cần phân tâm hai lần thì anh phải phân tâm ba lần vì riêng cho guitar anh phải dùng một bàn tay để vừa bấm gam và gảy dây tạo tiếng. Cách bấm gam cũng lạ: anh để bàn tay trên đàn rồi dùng các ngón tay bấm gam như cách ấn dây của người chơi đàn tranh, không như cách người chơi guitar hoặc vĩ cầm. Anh không được dùng tất cả năm ngón tay để bấm gam vì một ngón phải song song gảy dây đàn. Để đạt được anh đã phải tự tạo một kỹ thuật chơi đặc biệt và không thể nhờ ai hướng dẫn thêm. Nhiều khán giả đã đứng lên và lại gần để xem cách đánh đàn độc đáo này.

Tuy khó khăn như thế nhưng tiếng guitar của anh rất nhuần nhuyễn, anh khéo dùng các hợp âm rãi uốn lượn quanh giai điệu, âm thanh luôn đầy đặn và tròn trịa. Mọi người càng cảm động, khâm phục hơn khi nghe anh tâm sự anh đã mồ côi cha mẹ từ nhỏ, phải chăn bò ...

Anh Thanh Hải trở lại sân khấu với bài hát đã làm chính nhạc sĩ Trịnh Công Sơn phải thốt lên khi gặp và nghe anh hát lần đầu vào khoảng năm 1979: Hải nó "cảm" và "diễn" đúng ý mình nhất. Có người cắc cớ hỏi: Thế còn Khánh Ly thì sao ? Nhạc sĩ chậm rãi trả lời: Khánh Ly là của Ca khúc da vàng và một số tình ca thời đó... và Thanh Hải là của bây giờ.
Thanh Hải bắt đầu nhẹ nhàng bằng lời thăm hỏi người ra đi và kể về kẻ ở lại

Em còn nhớ hay em đã quên ?
Nhớ Sài gòn mưa rồi chợt nắng
Nhớ phố xưa quen biết tên bàn chân
Nhớ đèn đường từng đêm thao thức
Sáng che em vòm lá me xanh
Nhạc trở nên dồn dập, giọng anh đổi sang tha thiết, nhớ nhung
Em ra đi nơi này vẫn thế
Lá vẫn xanh trên con đường nhỏ
Vườn xưa vẫn có tiếng Me ru
Có tiếng em thơ
Có chút nắng trong, tiếng gà trưa

Có nhiều người đã nhắm mắt lại nhưng bao hình ảnh quen thuộc như hiện lên trước mặt theo từng lời hát ... và khi mở mắt ra chỉ còn thấy nhạt mờ trước mặt.

Một giọng hát trẻ, rất mới trong chương trình là anh Thiên Tuyến với ca khúc "Tình sầu" và "Gọi tên bốn mùa". Anh vừa đàn guitar và hát, tiếng keyboard dìu theo. Khán giả rất ngạc nhiên với cách thể hiện mới, trẻ, sinh động. Giọng anh điêu luyện, làn hơi khoẻ, luyến láy phủ dài trên mỗi cuối câu, dễ đi sâu vào lòng ngườị Trong nhạc dường như có cả tiếng Saxophone da diết nổi lên làm tôi có cảm tưởng đang ở phòng trà các nhạc sĩ da đen.

Tình yêu như trái phá
con tim mù loà
Một mai thức dậy,
chợt hồn như ngất ngây,
chợt buồn trong mắt nai

Tôi rất thích giọng hát của anh cùng cách thể hiện mới này.

Đêm văn nghệ được khép lại với "Chiều trên quê hương tôi". Giọng Thủy Tiên thật đầm thắm và tràn đầy tình cảm. Cô đang đứng trên kia mà tôi cứ ngỡ cô đang đứng nơi xa, chốn thân yêu ấy và đang vẫy gọi mọi người trong thính phòng

Chiều trên quê hương tôi
Có khi đây một trời mưa bay
Có nơi kia đồi thông nắng đầy
Có trên sông bờ xa sương khói ...

Thế vào những nốt lặng của lời ca, tiếng Harmonika da diết của Thế Vinh xoáy sâu vào lòng người nghe như không muốn dứt

Chiều trên quê hương tôi
Ước bao nhiêu điều đã trôi qua,
Có riêng em cuộc đời sẽ nhớ
Nét quê hương nghìn năm vẫn là ...

Sâu lắng trong tâm hồn khán giả đã nằm sẵn câu trả lời cho lời vẫy gọị.

*
* *

Bài viết này tôi xem như một lời cám ơn gửi đến anh Thanh Hải, đến Thủy Tiên, Thế Vinh, đến Thiên Tuyến, đến anh Phú. Các anh chị bằng tất cả tình cảm, qua giọng hát và tiếng đàn đã đưa chúng tôi trở lại những kỷ niệm xưa, cho chúng tôi được hưởng những giờ phút lắng đọng tâm tư, ngập tràn tình cảm. Các anh chị đều là những nghệ sĩ nghiệp dư, nhưng đều rất điêu luyện và quan trọng hơn cả là chính cuộc đời riêng từng anh chị đã làm nền tảng và dấu tín cho sự đồng cảm với ca từ bài hát của mình.

Và sau cùng xin được đặc biệt cám ơn người nhạc sĩ tài hoa, anh chỉ muốn mình luôn là kẻ hát rong trên đầu ngọn cỏ. Tuy đã ra đi nhưng anh đã cống hiến và để lại cho đời, cho tôi những ca khúc thật tuyệt vờị Những ca từ của anh đã gợi những điều tốt đẹp trong mỗi con người, đã vỗ về an ủi chúng ta những lúc đau buồn tuyệt vọng, đã giúp chúng ta sống yêu đời và sống với nhau tử tế hơn ...

Khi được MC hỏi, bạn ưa thích nhất bài hát nào về tình yêu, quê hương và thân phận. Đa số khán giả trả lời Diễm xưa, Hạ trắng hoặc Em còn nhớ hay em đã quên, ... Đúng vậy, đó là những bản nhạc đã đi vào lòng mọi người. Nhưng điều làm tôi rất bất ngờ và thú vị khi có người trả lời "Phôi pha". "Phôi pha" là một trong những sáng tác đầu tay khi người nhạc sĩ chưa đến tuổi đôi mươi. Chỉ vì bị thất lạc nên mãi đến năm 1974 "Phôi pha" mới được Khánh Ly hát. Trong khi "Ướt mi" nói lên sự chia xẽ nỗi buồn thương mẹ thì "Phôi pha" đã đề cập đến tính phù du của kiếp người. Bản nhạc rất buồn, khi hát lên nghe rờn rợn trong lòng.

Nhìn khuôn mặt người đã trả lời "Phôi pha" tôi bổng giật mình vì cô còn quá trẻ. Thế mới biết, đến với đêm hôm ấy có những con người thật đặc biệt. Hơn ba tiếng đồng hồ đêm văn nghệ đã mang lại cho tôi và có lẽ cũng cho nhiều người đôi điều đáng nhớ, thay cho những lời hỏi thăm qua loa, vội vã hằng ngày... Trong một bản nhạc, mỗi nốt lặng đều có ý nghĩa của nó.

Đêm văn nghệ từ thiện đã thực sự đem lại cho tôi một khoảng lặng đầy ý nghĩa ...



nguồn: vovinam-frankfurt.de
  Trịnh Công Sơn:
> bài hát
> bài viết
> hình ảnh
> phỏng vấn
> bút tích
> dòng thời gian

Những người mến mộ:
> những kỷ niệm
> bài viết
> tưởng niệm
> tin tức
> sách
> lưu bút

Khánh Ly


Phố Xưa


- 20 bài mới nhất



Một hình ảnh ngẫu nhiên:






Gia Sư: Gia Đình + Sinh Viên
 
Address: www.SuuTap.com/TrinhCongSon - Collection: Hoang Truc Ly - Design & script: Sony Ho