tưởng niệm




Tiến Thoái Lưỡng Nan Tản mạn

--- Bao Bất Đồng ---


Hơn bốn tháng đã đi qua, kể từ ngày anh mất. Vậy mà trên không biết bao nhiêu diễn đàn, người ta vẫn hãy còn tranh cãi. Ngày 15 tháng 7 vừa rồi, người ta có tổ chức một đêm nhạc tưởng niệm anh ở La Mirada. Thế là lại thêm một cơn chào xáo nữa. Người đến nghe nhạc để tìm lại một thoáng kỷ niệm với anh, chia buồn với bạn bè và gia đình anh không khỏi đau lòng khi nhìn thấy người ta vẫn còn chưa để cho anh yên giấc. Biết làm sao bây giờ? Anh nổi tiếng quá, cho nên ở từ cả hai bên chiến tuyến, người ta không ngừng lôi kéo anh, canh chừng anh. Và mặc nhiên khi đứng giữa hai lằn đạn, anh "tiến thoái lưỡng nan" là phải.

Với tôi, tôi vẫn mong những ngày hôm qua được để lại hết với quá khứ. Dĩ nhiên nói thì dễ mà làm thì khó, vì dù sao, tôi vẫn là nạn nhân của cuộc tương tàn kia. Cho nên tôi hiểu những gì đang diễn ra trong tâm tư của những người đang mãnh liệt chống đối kia. Tôi cũng đã từng là một người trong số họ, đã từng cùng họ đứng cùng một chiến tuyến. Có khác chăng, tôi không đủ dũng khí để làm như họ hôm nay. Người đã về với cát bụi, cho dù có lỗi lầm, cũng nên được thứ tha. Huống chi ... ?

Tôi gặp anh lần đầu ở Huế. Lúc đó tôi hãy còn rất trẻ, còn anh đã quá tuổi 40 rồi. Vẫn đúng như tôi đã hình dung, anh ăn nói nhỏ nhẹ, cười bằng mắt, đi đứng khoan thai. Tất cả mọi cái ở anh đều rất nhẹ nhàng và chừng mực, chỉ trừ có mỗi ... uống rượu. Người đàn ông mảnh khảnh đó uống rượu như chưa từng biết say, và rượu vào làm anh thoải mái hơn, dạn dĩ hơn, rộng mở hơn. Nên lúc đó, mọi người thích thú tiếp ... rượu cho anh, không ngờ đó cũng là một trong những lý do chủ yếu dẫn đến việc anh phải ra đi vĩnh viễn. Anh nói chuyện mình mà như nói chuyện đâu đâu, "mỗi người có quyền được lựa chọn cho mình một con đường. Không sợ đúng sai, chỉ sợ đời làm cho mình ngại bước ..." Thuở ấy, mọi chuyện còn mơ hồ quá đối với tôi. Bao nhiêu giòng tư tưởng thi nhau diễu qua diễu lại trước mắt. Xung quanh tôi, kẻ phản bác anh vì một vài chuyện đã xảy ra trong những ngày loạn ly, người lại bênh vực anh. Thực lòng mà nói, lúc đó tôi thích anh vì những bài tình ca anh viết hơn là chính kiến của anh. Rồi cho đến bây giờ, tôi vẫn kính trọng anh vì những gì anh đã để lại cho cuộc đời thay vì phải đào bới quá khứ lên để tìm một câu trả lời chính xác, anh là ai?

Những năm đó khổ lắm, cơm độn khoai khô, rau muống rau khoai thay nhau đi vào mâm cơm như một món không thể thiếu. Rồi từ thiếu thốn vật chất, con người cũng dao động theo. Nhà này trông sang nhà nọ, rình rập. Bạn bè nhiều lúc vui với nhau cũng phải phòng bị. Một câu nói hớ hênh cũng có thể dẫn đến một kết quả tai hại. Và người với người bỗng trở thành tai ương. Chế độ cũ sợ anh vì ảnh hưởng của anh qua những ca khúc giàu tính hiện thực, chế độ mới lại càng sợ. Người ta vắt anh đến kiệt quệ trong những ngày đầu còn bát nháo, rồi vứt anh vào sọt rác, không quên canh chừng anh. Cho nên tôi rất lấy làm khâm phục vì anh vẫn còn đủ cảm hứng sáng tác. Mới đây, có người đem bài "Em ở nông trường em ra biên giới" ra đả kích, tôi thấy buồn cười chi lạ. Người có lỗi ở trong cuộc chiến không phải là những người dân thấp cổ bé miệng đâu quý vị ạ, cho nên việc ngợi ca những người con gái đã hy sinh tuổi thanh xuân của mình trên biên giới không có gì là không phải, xin đừng đem chuyện chính trị ra mà làm vẩn đục tình người. Không biết có ai ở đây từng có thân nhân bạn bè gì đã nằm lại mãi mãi trên chiến trường Tây Nam thuở đó không? Tôi thì có, cho nên tôi rất đồng cảm với anh. Nhiều lúc họ đã ngã xuống đơn giản vì là những người con dân Việt, không phải vì đang phục vụ cho một chính thể nào hết! Họ là những anh hùng không tên tuổi, đáng được xưng tụng. Họ không có lỗi! Lỗi là lỗi của ai kia thôi! Nên anh càng không có lỗi, khi anh đã biết hát vang lên những lời ca đầy nhân tính.

Nhiều bài ca ra đời trong giai đoạn đó đã phải chịu số phận hẩm hiu, và chính những người nhạc sĩ mang nặng đẻ đau những bài hát đã phải chịu nhiều rắc rối. Nhạc hơi ủy mị một chút, như "... có tiếng gió khi chiều về, qua con sông nghe rì rào, vi vu sáo diều reo vi vu. Có tiếng võng đêm mẹ già ru con ngoan ơi ời à ..." sẽ bị cấm đoán. Lời hơi bay bổng một chút, như "... em đi về những nơi, bạn bè ta ở đó, còn vượt đèo băng sông, giữa biển trời mênh mông ...", sẽ không được phổ biến. Cho nên anh rút lui vào im lặng, tập vẽ tranh, tuy vẫn viết đều và viết khỏe, viết dễ như "lấy chữ ra từ trong túi" (NXK). Với tính cách và trường phái nhạc anh, chuyện bị cấm đoán là không thể tránh. Mươi năm trước, người ta sợ anh bao nhiêu thì giờ đây người ta cũng lo về ảnh hưởng của anh như vậy thôị Chuyện lúc trước anh có thể mạnh dạn lên tiếng, bây giờ anh lại tỏ ra cam chịu hơn, có thể là vì nhiều lý do chủ quan và khách quan mà tôi không muốn nêu ra ở đây. "Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài" là vậy, không ai dại dột tự đập đầu vào vách đá để chứng tỏ mình đây có một cái đầu ... cứng cỏị

Anh đi rồi, hơn 600 nhạc phẩm anh để lại cho đời mới là quan trọng. Còn tất cả những gì liên quan đến xu hướng chính trị của anh, tôi không muốn tìm hiểu thêm. Tôi không muốn biết anh đứng bên phía nào của cuộc chiến, vì chính mình cũng không đủ lý luận chứng cứ để thuyết phục bản thân mình ... về một người khác, nhất là về một người mà tôi hằng kính trọng. Mà thôi, như tôi đã nói, chuyện hôm qua hãy cho theo những tờ lịch cũ bay vào sọt rác là xong. Tôi chỉ biết chắc một điều, anh căm thù chiến tranh và thương dân mình. Một kịch sĩ, dù giỏi đến đâu, cũng không thể nhập vai đến mức có thể viết lên những giòng nhạc chan chứa tình người như anh. Tôi tin thế!

Bao Bất Đồng



nguồn: www. vnenterprise.com
  Trịnh Công Sơn:
> bài hát
> bài viết
> hình ảnh
> phỏng vấn
> bút tích
> dòng thời gian

Những người mến mộ:
> những kỷ niệm
> bài viết
> tưởng niệm
> tin tức
> sách
> lưu bút

Khánh Ly


Phố Xưa


- 20 bài mới nhất



Một hình ảnh ngẫu nhiên:






Gia Sư: Gia Đình + Sinh Viên
 
Address: www.SuuTap.com/TrinhCongSon - Collection: Hoang Truc Ly - Design & script: Sony Ho