tưởng niệm




Nhạc Trịnh, từ bấy đến nay

--- Lưu Hiền ---


"Bấy", là thời điểm người nhạc sĩ tài hoa mất. Là thời điểm đánh dấu sự "không kiểm soát" của tác giả đối với những đứa con tinh thần của mình. Là thời điểm mà kể từ đó, những cuộc hát nhạc anh được gọi chung là posthumous, tức "sau ngày tác giả qua đời". Từ bấy đến nay, bốn năm tròn, bao nhiêu đổi thay?

Những vầng hào quang bao phủ Trịnh Công Sơn chưa tan, và dĩ nhiên, còn lâu mới tan. Cũng dĩ nhiên, với những người yêu mến anh, chẳng ai muốn những quầng sáng ấy tan đi. Để nuôi dưỡng hào quang cho anh, bạn bè anh làm một số điều, ca sĩ làm một số điều khác, còn công chúng - công chúng vô tư - thì làm những điều mà hai nhóm trên không làm. Tất cả góp sức vào một mục đích: làm Trịnh Công Sơn tỏa sáng hơn cả lúc sinh thời, đồng thời làm nhạc anh trở thành món ăn quý dành cho kẻ sành. Anh Sơn có muốn hai điều ấy hay không, chẳng cần.

Cách làm của bè bạn Trịnh Công Sơn dĩ nhiên đầy tình nghĩa. Họ cố nhớ lại những câu chuyện, những giai thoại, những cuộc gặp gỡ với người nhạc sĩ huyền thoại này, để viết thành tùy bút, đa số bài tùy bút ấy dựng nên một huyền thoại mới, chắc là khác xa nguyên mẫu. Đâu phải lỗi ở họ, khi bỗng dưng nói khác đi một tí, bỗng dưng kể lại không hoàn toàn chính xác, bỗng dưng suy diễn một điều không xác thực, vô phương kiểm chứng. Thời gian và tình bạn mới có lỗi trong những chi tiết thiếu khoa học ấy: trí nhớ thì có hạn, nhất là dưới ảnh hưởng của rượu và thuốc lá; và tình bạn thì vô biên. Cuối cùng, dưới tác dụng phụ của một số bài thuốc bổ, Trịnh Công Sơn hiện ra như một ông Phật dễ thương song khó hiểu; điều đáng nói hơn nữa là không ai buồn nhắc đến cái ưu cái khuyết trong âm nhạc anh đã đành, lại còn có xu hướng bỏ qua âm nhạc để ưu tiên một cho kỷ niệm, hồi ức. Ca khúc Trịnh Công Sơn kể từ đó, thành một lời sấm, lời kinh. Quyến rũ nhưng bội phần khó hiểu.

Với ca sĩ, tôi tin rằng chẳng ai hiểu Trịnh Công Sơn viết gì, viết bài hát ấy lúc nào, diễm là ai mà hoa vàng là cô nào, quỳnh hương với bống là hai là một hình ảnh, dù những cuốn sách về Trịnh Công Sơn tái bản liên tục và đều có kể về những điển tích đại loại như thế. Bích Diễm, Dao Ánh, Quỳnh Hương, Hoàng Cúc... vân vân. Ca sĩ đứng ngoài những giai thoại, đứng xa những cái ta thường gọi là hoàn cảnh sáng tác, cảm hứng, nhân vật, nàng Thơ. Nhưng đặc biệt, ca sĩ nào hát nhạc Trịnh cũng đầy tràn tự tin, tôi hát theo cách hiểu của tôi (hiểu ra làm sao có Trời biết), tôi hát theo ý thức thế hệ tôi (thế hệ tôi ý thức khác thế hệ trước tôi chỗ nào?), tôi hát vì lòng yêu quý người nhạc sĩ tài hoa ấy (chứ không phải vì nhạc hay?), tôi hát vì vì tại tại bởi bởi, rất nhiều câu phát biểu rất hăng say như thế được đăng tải trên báo chí, và kết quả là nhạc Trịnh Công Sơn vang lên như thể những bộ váy áo xúng xính trong vũ hội hóa trang, đủ màu, đẹp lắm song chẳng nhìn thấy người thật ra làm sao.

Tôi nghĩ, dù ở thế hệ nào, cũng nên hiểu một điều rất căn bản nếu thực sự muốn tiếp cận nhạc Trịnh: chỉ có Khánh Ly mới sinh ra cho nhạc Trịnh, và nhạc Trịnh đầy đặn, cuốn hút, tỏa hào quang, là nhờ duy nhất một người, Khánh Ly. Chẳng phải Khánh Ly là danh ca vô đối thủ, sau chị và trước chị có cả nghìn người hát hay, hát giỏi. Cũng chẳng phải Trịnh Công Sơn chỉ ưu ái có một mình Khánh Ly, anh viết đến tận lúc cuối đời, và những tác phẩm sau cuối rõ ràng là không hướng về Khánh Ly. Nhưng Khánh Ly được Trời ban cho một tâm thế đặc biệt: tâm thế tuổi trẻ miền Nam phải sống trong thời chiến tranh, với những nỗi buồn hiện sinh đặc thù, cứ mở mắt ra là thấy hiu quạnh, bước chân ra phố lúc nào cũng thấy âm thầm. Trịnh Công Sơn dành cả đời mình miêu tả từng ngõ ngách tâm hồn tuổi trẻ đô thị, từng tế bào thấm hiện sinh, và vì thế, nhạc anh và giọng ca Khánh Ly đã hòa làm một, như thể ta không thể tách lá phổi với hơi thở lìa nhau. Nhạc Trịnh đã ăn vào tâm não tuổi trẻ miền Nam thế hệ chiến tranh ở một cấp độ hơn cả hồi ức; hồi ức thì may ra khiến ta nhỏ vài giọt nước mắt ngậm ngùi, còn nhạc Trịnh thì phải ví như một vùng dưỡng khí ta đã từng được thở.

Công chúng ngày hôm nay dĩ nhiên không nằm trong lớp thính giả tôi vừa nhắc. Nhiều người bảo nghe Khánh Ly hát chả thấy gì hay, nghe ê a phát sợ, chi bằng ta nghe Hồng Nhung, Quang Dũng, Đàm Vĩnh Hưng, Thanh Lam đầy hơi thở thời đại. Cũng có người nuối tiếc một chút Khánh Ly, và họ tự bằng lòng bằng việc tìm đến những bản sao Khánh Ly như Lô Thủy. Tôi vẫn chưa hiểu được với những giọng hát như thế, hồn Trịnh Công Sơn đã biến thành màu gì, triết lý của anh đã dị hóa thành những triết lý gì khác; và cuối cùng, những người thuộc về thế hệ nghe nguyên gốc, chẳng hạn thuộc về Quán Văn 1966-67, sẽ nghĩ gì. Chắc là buồn tiếc khôn nguôi.

Số phận quy định cho một huyền thoại là được yêu mến, trọng vọng nhưng không bao giờ được hiểu. Trịnh Công Sơn ngày càng được trọng, được yêu, và nhạc anh ngày càng được khoác cho những lớp áo chẳng xứng hợp với nó. Âu cũng là số phận.



nguồn: bạn đọc góp bài
  Trịnh Công Sơn:
> bài hát
> bài viết
> hình ảnh
> phỏng vấn
> bút tích
> dòng thời gian

Những người mến mộ:
> những kỷ niệm
> bài viết
> tưởng niệm
> tin tức
> sách
> lưu bút

Khánh Ly


Phố Xưa


- 20 bài mới nhất



Một hình ảnh ngẫu nhiên:






Gia Sư: Gia Đình + Sinh Viên
 
Address: www.SuuTap.com/TrinhCongSon - Collection: Hoang Truc Ly - Design & script: Sony Ho