tin tức




Nữ giáo sư Nhật nặng tình với Việt Nam

--- Vũ Lê ---


Gần 20 năm gắn bó với đất nước hình chữ S, giáo sư Michiko Yoshii người Nhật xem Việt Nam như quê hương thứ hai. Bà kết hôn với người Việt, nói tiếng Việt, giúp đỡ trẻ cơ nhỡ và xây cầu tặng Việt Nam.

Một chiều mưa tháng 3 ở Sài Gòn, bằng nụ cười hiền, người phụ nữ này mở lòng với VnExpress.net về cuộc sống và tình yêu của đời mình. Yoshii nói được 6 thứ tiếng: Nhật, Pháp, Việt, Anh, Italy, Trung; thế nhưng bà rất kiệm lời.

Từ năm 1993, bà gắn bó với Việt Nam qua việc quyên tiền, tài trợ, kêu gọi, là đại diện tại Nhật cho các chương trình giúp đỡ trẻ em cơ nhỡ, xây cầu tặng những làng quê nghèo ở đồng bằng sông Cửu Long. Hiện nay, Michiko Yoshii là giáo sư giảng dạy tại Trung tâm nghiên cứu giáo dục quốc tế tại Đại học Mie, miền trung nước Nhật.

Ở tuổi ngũ tuần, tóc đã điểm bạc, Yoshii vẫn giữ được vẻ trong trẻo, hồn nhiên hiếm có. Yoshii kể, lần đầu tiên bà đến Việt Nam là năm 1988 nhưng chỉ lưu lại 3 tháng rồi rời đi. Phải đến tháng 1/1993 bà mới bắt đầu sống và làm việc lâu dài ở Việt Nam với tư cách là người đại diện cho một công ty Nhật đóng tại TP HCM.

Nữ giáo sư này bật mí thêm, mối tình của bà với Việt Nam bén duyên từ mùa thu năm 1988, lúc đó bà là sinh viên của một trường đại học tại Paris (Pháp). "Ở trường, tôi có dịp tiếp xúc với cộng đồng người Việt sống và học tập tại đây. Lúc đó tôi học tiếng Việt cho vui song, càng học càng thấy ngôn ngữ này hay quá. Tôi đâm ra say mê lúc nào không biết", bà kể.

Có một người bạn thân là Việt kiều Pháp, cuộc sống của Yoshii dần mở ra nhiều cánh cửa tiếp xúc với văn hóa Việt Nam. Những năm đại học, bà nghe mọi người kể về Thomas Soi, một người đàn ông Việt đang học cao học tại Paris thường giúp trẻ em nghèo, vận động quyên tiền cho chương trình Bạn Trẻ Em Đường Phố tại TP HCM. Vào thời điểm đó, bản thân Yoshii không thể ngờ rằng, người đàn ông trong câu chuyện kỳ diệu mình từng nghe kể sau này sẽ là người bạn đời tâm đắc của bà.

Cũng tại thủ đô nước Pháp, tâm hồn nhạy cảm của cô sinh viên Nhật bắt đầu mối giao cảm lạ kỳ với âm nhạc Việt Nam, điển hình là dòng nhạc trữ tình của Trịnh Công Sơn. Một lần được người bạn Việt kiều dẫn đi nghe nhạc, đó là lần đầu tiên Yoshii để lòng mình chìm đắm theo ca từ, giai điệu của bài tình ca Em còn nhớ hay em đã quên. "Tôi càng kinh ngạc hơn khi tận mắt chứng kiến một nữ sinh viên người Đức học tiếng Việt hát bài Diễm xưa và Nắng thủy tinh", bà tâm sự.

Năm 1990, Michiko quyết định làm đề tài cao học về nhạc Trịnh. Người phụ nữ này nhớ lại, thời điểm đó quá trình tập hợp, thu thập và nghiên cứu khó khăn vô cùng vì chưa có nhiều thông tin như hiện nay. Tại Pháp, bà phải lùng sục, sưu tầm băng cassette chủ yếu từ Mỹ nhập về. Bà tiết lộ thêm, có một số tài liệu cũ bà phải xin photo trực tiếp từ chính nhạc sĩ. Thời gian này, bà thường gọi điện từ Pháp về Việt Nam để nói chuyện với Trịnh Công Sơn, từ việc đếm cho đủ số bài, chia ra thành các dòng nhạc cho đến hoàn cảnh sáng tác những bài hát. Bà cho hay, vào thời điểm đó, công trình bảo vệ đề tài cao học của bà chủ yếu viết bằng cảm xúc là chính. Thế nhưng nhiều giáo sư, trong đó có Giáo sư Trần Văn Khê đánh giá cao đề tài của bà.

Năm 1993, Yoshii Michiko trở lại Việt Nam, sống và làm việc tại đây 13 năm. Trong câu chuyện của bà, TP HCM vào những năm 1990 không giống như bây giờ. Bà kể, đường phố Sài Gòn thời đó rất ít ôtô, cũng không có nhiều xe gắn máy, chủ yếu là xích lô, xe đạp. Cuộc sống của mọi người vô cùng khó khăn nhưng ai nấy đều nồng hậu, thân thiện. "Tôi gặp chồng tôi tại Sài Gòn vào năm 1993. Trước đó, năm 1990, chồng tôi cũng đi du học tại Pháp và tôi đã nghe nói nhiều về anh ấy nhưng chưa từng gặp", bà tâm sự.

Khi làm việc tại Việt Nam, được tăng lương, thu nhập khá, bà hỗ trợ tiền hàng tháng giúp trẻ cơ nhỡ trong chương trình Bạn trẻ em đường phố. Và đó cũng là những nốt nhạc mở đầu cho bản tình ca của họ. Năm 1994, Yoshii Michiko kết hôn cùng ông Trần Văn Soi (Thomas Soi). Ngày cưới, hai vợ chồng làm lễ ở nhà thờ, Michiko mặc áo đầm trắng. Tuy nhiên trong bữa tiệc gặp gỡ bạn bè, cô gái Nhật xuất hiện trong trang phục truyền thống áo dài như bao cô dâu Việt về nhà chồng.

"Chúng tôi có rất nhiều điểm chung. Cả hai từng sống ở Pháp, đều nói tiếng Pháp rất lưu loát. Ông xã tôi lúc đó không nói tiếng Nhật nhiều và chỉ bắt đầu học ngoại ngữ này sau khi kết hôn. Tuy nhiên điều đó cũng không ảnh hưởng gì vì ở nhà hai vợ chồng đều nói tiếng Việt", bà bộc bạch.

17 năm xây tổ ấm, họ có một cô con gái đầu lòng 16 tuổi và cậu con trai út 11 tuổi. Dù sống ở Nhật, gia đình Yoshii Michiko đều nói tiếng Việt. Michiko là một điển hình của thế giới phẳng. Với khả năng nói được 6 thứ tiếng Nhật, Pháp, Việt, Anh, Italy, Trung Quốc, bà gần như không bị rào cản ngôn ngữ nào khi sống và làm việc ở nhiều nơi. Bà đã sống ở Việt Nam 13 năm, ở Pháp 8 năm và một thời gian dài làm việc tại châu Âu. Về Nhật, bà dạy ở trường đại học bằng tiếng Anh. Riêng tiếng Italy và tiếng Trung, Yoshii Michiko cho hay, nếu sống ở nước sở tại từ một đến hai ngày là có thể nói được.

Nữ giáo sư Nhật tiết lộ, bí quyết học ngoại ngữ không có gì to tát. Mỗi ngôn ngữ đều có quy tắc của nó. Ví dụ như tiếng Nhật, Trung Quốc và tiếng Việt có mối liên hệ với nhau vì có một phần chữ Hán trong đó. Còn tiếng Pháp, Anh, Italy cùng chung ngữ hệ La tinh. "Càng học nhiều thứ tiếng thì lại càng dễ dàng, ngôn ngữ không phải là một môn quá khó khăn như mọi người thường nghĩ", bà nhận xét.

Từ năm 1994, tức ngay khi lập gia đình, bà bắt đầu giúp công việc đối ngoại, quảng cáo, liên hệ cho Chương Trình Bạn Trẻ Em Đường Phố tại Nhật. Từ năm 1998-2000 nhiều người Nhật, đặc biệt là phụ nữ đã hưởng ứng lời kêu gọi của bà nên bắt đầu tích cực quyên tiền giúp trẻ em Việt Nam.

Michiko cũng nặng tình với nông thôn Việt Nam. Bà cùng chồng nhiều năm nay đã làm đại diện của nhóm VK (Việt kiều) tại Nhật. Trong số hơn 120 cây cầu khỉ ở nông thôn do VK xây tặng Việt Nam, bà cùng chồng và cộng đồng người Nhật đã quyên góp xây được 11 cây cầu bê tông.

Khi được hỏi vì sao lại giúp trẻ em, quyên tiền xây cầu cho Việt Nam, bà giải thích: "Làm như vậy vui lắm. Giúp cho người ta vui mình cũng được vui lây. Hơn nữa, đây là sự tự nguyện, khi mình làm điều gì xuất phát từ tâm nguyện, mình luôn thấy hạnh phúc".

Chồng bà, ông Trần Văn Soi bật mí về vợ: "Michiko rất giản dị, từ ngày kết hôn đến giờ, tôi chưa thấy cô ấy trang điểm, ngoại trừ ngày cưới. Vợ tôi vô cùng đam mê công việc ở trường đại học và hăng say làm từ thiện giúp Việt Nam. Với Michiko, vẻ đẹp của tâm hồn sống mãi với thời gian".



nguồn: tcs-home.org
  Trịnh Công Sơn:
> bài hát
> bài viết
> hình ảnh
> phỏng vấn
> bút tích
> dòng thời gian

Những người mến mộ:
> những kỷ niệm
> bài viết
> tưởng niệm
> tin tức
> sách
> lưu bút

Khánh Ly


Phố Xưa


- 20 bài mới nhất



Một hình ảnh ngẫu nhiên:






Gia Sư: Gia Đình + Sinh Viên
 
Address: www.SuuTap.com/TrinhCongSon - Collection: Hoang Truc Ly - Design & script: Sony Ho