những kỷ niệm




Tiếng hát vang vọng cùng nhạc Trịnh

--- Huỳnh Lê Nhật Tấn ---



Từ trái sang: Thanh Hải, Trịnh Công Sơn, Michiko, Bửu Ý, Bạch Thái Quốc, Hà Dương Tường (Paris 1989)


Tiếng đệm của cây ghi ta thùng, tiếng phách gõ...; âm thanh hòa quyện sống động, trầm lắng như kết nối tâm tình giữa nhạc sĩ và ca sĩ, âm hưởng của quán Văn, của miền du ca một thời lại ngập tràn. Album là những tình khúc Trịnh Công Sơn (TCS) viết về đề tài “Quê hương và tình yêu”. Giọng nói chân thực, tiếng hát của nhạc sĩ họ Trịnh nghe trầm ấm: “Tình yêu cũng sẽ còn đó như người nào đã mất đi quê hương thì sẽ mất đi tình yêu". Năm 1980, album nhạc “Tôi sẽ nhớ...” của ca sĩ Thanh Hải và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được phát hành.

PV: “Duyên ngộ” nào đã đưa anh và TCS gặp nhau để cho ra đời album độc đáo này?


Ca sĩ Thanh Hải: Năm 1976, tôi gặp lại anh Phạm Trọng Cầu - một nhạc sĩ mà tôi đã quen trước đây tại phòng âm nhạc của Viện đại học Vạn Hạnh. Lúc đó, tôi đang sinh hoạt trong đoàn văn nghệ Vạn Hạnh dưới sự đảm trách của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ. Một hôm, có lẽ duyên hội ngộ đưa đẩy, anh Phạm Trọng Cầu đã đưa tôi đến gặp anh TCS tại Hội Văn nghệ. Tôi nhớ lần đầu tiên ấy, anh Cầu bảo anh Sơn: “Mày ngồi đây nghe Thanh Hải hát thử bài này". Và tôi đã hát: “Đi về đâu hỡi em khi trong lòng không chút nắng, giấc mơ đời xa vắng, bước chân không chờ ai đón...”. Đây chính là bài "Đời gọi em biết bao lần”, là nhạc phim “Tội lỗi cuối cùng“ mà TCS vừa sáng tác. Từ đó chúng tôi quen nhau. Hình như trong buổi gặp gỡ đầu tiên ấy đã có một sự cảm thông không nói thành lời. Rồi hai anh em ngày nào cũng gặp nhau, trở nên thân thiết trong 6 năm trời trước khi tôi rời xa quê hương....

- Được biết nhóm “Giới thiệu sáng tác mới“ thuộc Hội Tri thức yêu nước, ra đời từ thập niên 80, đã để lại cho anh nhiều kỷ niệm khó quên vì anh là ca sĩ chính hát sáng tác mới của TCS trong thời gian này?

Đúng là vậy! Đó là những kỷ niệm khó phai mờ trong tôi. Nhóm sinh hoạt rất vui, chúng tôi thường được mời đi đây đi đó hát. Những bài hát thường là những sáng tác mới của các anh Phạm Trọng Cầu, Trịnh Công Sơn, Hoàng Hiệp, Trương Thìn, Trần Long Ẩn, Nguyễn Nam, Miên Đức Thắng... Các anh thường tự đàn và hát những bài tự sáng tác được nhiều khán giả yêu chuộng. Thời gian ấy tôi đã hát những bài Trịnh như: Đời gọi em biết bao lần, Cánh chim cô đơn, Em đến tự nghìn xưa, Vì tôi cần thấy em yêu đời, Chiều trên quê hương tôi, Một cõi đi về, Tôi vẫn nhớ...

- Tôi thấy anh hát bằng cảm xúc thật sự và thể hiện đúng “chất Trịnh”. Có phải do trong anh có chút giọng Đà Nẵng, chút giọng Huế chăng? Như TCS nói về anh: “Thanh Hải, chuyên viên IBM, ngoại đạo cầm ca chỉ hát chơi thôi, giọng ca mới mà Sơn vừa bắt gặp được trong nhóm bạn làm KHKT - giọng rất “ăn” với nhạc Sơn...”?


Album “Tôi sẽ nhớ” của Thanh Hải & Trịnh Công Sơn ra đời năm 1980

Thực ra, tôi sinh tại Đà Nẵng - miền Trung mảnh đất nơi tôi lớn lên với chiến tranh và nghèo đói. Giai đoạn cuối những năm 1960, tôi cũng như bao nhiêu người thanh niên khác, sống trong khắc khoải lo âu của cuộc chiến, chán nản và tìm đủ cách để trốn tránh. Rồi tình cờ một hôm trốn học, tìm cõi riêng nơi quán cà phê. Rồi được nghe tiếng hát của TCS và Khánh Ly qua cuốn băng “Ca khúc Da Vàng”. Tôi thấy tâm hồn mình như tìm ra lối thoát và cảm nhận dòng nhạc của ngươờ nhạc sĩ tài hoa từ đó... ”Đại bác đêm đêm dội về thành phố, người phu quét đường dừng chổi đứng nghe... Một buổi sáng mùa xuân, một đứa bé ra đồng, dậm trái mìn nổ chậm, xác không còn đôi chân..”. Và hát mãi từ lúc đó cho đến nay...

- Nghe nói có nhiều giai thoại giữa anh và cố nhạc sĩ TCS. Những kỷ niệm đáng nhớ ấy...

Tôi nhớ có nhiều kỷ niệm lắm. Nhạc sĩ TCS lớn hơn tôi 10 tuổi nên anh như một người anh, người thầy, người bạn rất dễ thương. Anh ấy không bao giờ giận, bực mình, hoặc tỏ vẻ khó chịu khi tôi hát nhạc của anh mà có lúc quên lời. Tôi hát theo cảm nghĩ của mình, và mỗi lần nghe được anh chỉ mỉm cười khoan dung nhắn lại lời anh Trương Thìn đã nói: “Nhạc sĩ là người sáng tác mà ca sĩ lại là người sáng tác lần thứ 2 phải không Thanh Hải?". Nhớ nhất là những kỷ niệm trong thời gian những ngày đất nước khó khăn. Số người ra đi càng nhiều. Bài hát “Em còn nhớ hay em đã quên” TCS đã viết vào đúng thời điểm đó. Tôi được mời hát bài này, trước ngày trình diễn một hôm. Tôi nhớ ngày gặp anh TCS đang chạy chiếc xe PC trong buổi trưa nắng gắt. Vừa gặp tôi, anh khoe liền: “Mình vừa mới viết xong một bản nhạc, đi theo mình về nhà tập thử". Hai anh em kéo nhau về nhà bỏ cả trưa để tập hát bài mới. Tôi thực sự xúc động khi hát bài này, và bài hát đã làm dao động dân chúng Sài Gòn thời bấy giờ. Khán thính giả đã có nhiều người lau nước mắt...

Nhớ nhiều khi hai anh em sáng uống cà phê ở Hội Văn nghệ, trưa về khách sạn Bông Sen uống bia cùng anh Nguyễn Quang Sáng, anh Muộn... Buổi tối nếu không đi hát cùng nhóm thì tụ về nhà anh ngồi chơi, uống rượu hát nghêu ngao với những người bạn…Và kỷ niệm anh em ngồi hát với nhau thâu âm bằng cassette tại nhà một người bạn khác… Giờ tôi còn lại album này đây, tôi đã chuyển thành CD để lưu lại và để tặng bạn bè thân hữu, những người yêu thích nhạc Trịnh.

- Ca khúc nào đọng lại trong anh kỷ niệm khó quên nhất với cố nhạc sĩ TCS? Và cũng là lần cuối cùng không gặp TCS nữa?

Một lần cuối khó quên... Tôi nhớ nhất là ngày 21.07.2000 tại Saigon Times Club do anh Huỳnh Phi Long chủ nhiệm. Trong không khi thân mật cùng bạn bè từ Đức, Pháp về Việt Nam thăm nhà và nhóm bạn anh Võ Như Lanh, chủ nhiệm tờ Thời báo KTSG, theo lời mời của anh Lanh, sau 19 năm đây là lần đầu tiên tôi hát tại Sài Gòn. Trong đêm đó, anh TCS đã cùng tôi hát rất nhiều. Anh cảm hứng bước lên sân khấu, một cái bục nhỏ thấp rất thân tình. Anh hát say mê đầy cảm xúc. Bài cuối cùng anh ngồi trên chiếc ghế cạnh tôi. Anh nói với chúng tôi rằng: “Bây giờ mình sẽ tặng Như An (vợ tôi) và Thanh Hải một bài hát. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù bất cứ nơi đâu, Như An và Thanh Hải cũng đừng bao giờ tuyệt vọng". Rồi anh hát... Đừng tuyệt vọng tôi ơi đừng tuyệt vọng. Lá mùa thu rơi rụng giữa mùa đông...


Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lúc sinh thời và ca sĩ Thanh Hải

- Còn bây giờ, khi đang sinh sống tại Đức cùng với gia đình, nhạc Trịnh đối với anh có lẽ vẫn luôn thổn thức “để gió cuốn đi”, autant en emporte le vent, rung động trong tâm thức. Anh vẫn sẽ hát nhạc Trịnh như là kẻ du ca về tình yêu, quê hương và thân phận?

Tất nhiên, “duyên hội ngộ“ đã an ủi cho tôi có nhiều người bạn ở châu Âu rất yêu mến nhạc Trịnh Công Sơn. Họ thường mời tôi đến để hát những bài hát của anh. Nhờ đó chúng tôi quen thêm bạn bè ở nhiều nơi... Hàng năm, chúng tôi vẫn nhớ sinh nhật anh vào 28 tháng 2 và chuyền nhau những hình ảnh kỷ niệm. Vừa rồi hội Trịnh Công Sơn tại Paris có tổ chức một đêm nhạc để kỷ niệm 5 năm ngày anh mất. Chương trình được thực hiện với các giọng ca Hồng Nhung, Hồng Anh (Paris), tôi và người dẫn dắt chương trình là anh Cao Huy Thuần. Đêm nhạc được bạn bè đánh giá là rất thành công.

- Theo anh, có chút gì mới và dự phóng hơn từ nhạc Trịnh?

Có chứ... Tôi có một số người bạn văn nghệ sĩ tại nước ngoài là đạo diễn cũng mời tôi tham gia hát “opera” nhạc kịch theo phong cách nhạc Trịnh. Tôi tâm niệm sẽ thực hiện ý nguyện đó trong tương lai.

- Xin chân thành cảm ơn ca sĩ Thanh Hải đã chia sẻ với chúng tôi những kỷ niệm, cảm nhận của anh về nhạc sĩ TCS!



nguồn: Người Viễn Xứ
  Trịnh Công Sơn:
> bài hát
> bài viết
> hình ảnh
> phỏng vấn
> bút tích
> dòng thời gian

Những người mến mộ:
> những kỷ niệm
> bài viết
> tưởng niệm
> tin tức
> sách
> lưu bút

Khánh Ly


Phố Xưa


- 20 bài mới nhất



Một hình ảnh ngẫu nhiên:






Gia Sư: Gia Đình + Sinh Viên
 
Address: www.SuuTap.com/TrinhCongSon - Collection: Hoang Truc Ly - Design & script: Sony Ho