tin tức




Đất Khổ, một bộ phim bị bỏ quên

--- Minh Thuỳ ---


Nhân tưởng niệm 40 năm Tết Mậu Thân, một bộ phim bị bỏ quên hơn 30 năm bỗng nhiên được đưa ra ánh sáng: phim Đất Khổ dưới hình thức DVD. Ngay cả những người tham gia thực hiện bộ phim từ đạo diễn Hà thúc Cần, nhà văn Nhã Ca, nhạc sĩ Trịnh công Sơn, luật sư kiêm nhà thơ Lưu nguyễn Đạt, các diễn viên Kim Cương, Bích Hợp, Vân Quỳnh...cũng tưởng bộ phim đã bị “biến mất”.

Đến nay một số người trong đoàn làm phim đã ra đi, nhưng rất may bộ phim vẫn tồn tại sau một thời gian dài lưu lạc. Minh Thùy xin giới thiệu cùng quí thính giả Đài RFA về phim Đất Khổ và phỏng vấn 2 người có liên quan đến bộ phim.

Những âm thanh các bạn đang nghe trích từ một cảnh chạy loạn trong phim Đất Khổ, đạo diễn Hà thúc Cần đã quay được những cảnh sống thật rất đau thương của người dân Việt Nam trong thời điểm chiến tranh năm 1972, vẫn được biết với tên Mùa hè đỏ lửa.

Phim Đất Khổ khởi đầu thực hiện năm 1971, hoàn tất năm 1974, nhưng không được phép trình chiếu ở miền nam Việt Nam với lý do “có tính phản chiến”. Sau biến cố năm 1975, bộ phim cũng theo số phận đa số người dân miền nam di tản ra nước ngoài, được cất giữ gần 20 năm do một nhà đầu tư người Mỹ, George Washnis, có lòng quan tâm đến Việt Nam.

Năm 1996 ông đã nhờ một Viện Đại học ở Washington đưa ra trình chiếu phim Đất Khổ vì ông “muốn cho nhiều người biết về lịch sử, về cuộc chiến tranh Việt Nam”. Rất may và tình cờ, cô Đinh Từ Bích Thúy là giám đốc Liên hoan Phim Á Mỹ năm 1996 đã chú ý và xem phim Đất Khổ. Những cảnh thật trong phim với những thân phận, tâm trạng của người dân, người lính miền nam đã khiến cô xúc động và quyết định đưa phim Đất Khổ vào chương trình Liên hoan phim đồng thời viết bài giới thiệu về Đất Khổ trên trang văn chương mạng Damàu.

Sau đây là bài phỏng vấn của Minh Thùy với Đinh từ Bích Thúy và nhà thơ Lưu nguyễn Đạt, một diễn viên trong phim. Các bạn có thể tìm mua DVD phim Đất Khổ trên web Amazone.com và xem trích đoạn phim Đất Khổ theo website sau đây:

http://www.youtube.com/user/DatKhoTheFilm

http://www.createspace.com/225161


Minh Thùy: Với tư cách giám đốc phụ trách chương trình phim Việt Nam trong Liên hoan phim Á Mỹ năm 1996, vì sao Bích Thúy và nhóm phim Việt Nam đã chọn phim Đất Khổ làm bộ phim chính trong Liên hoan phim Á Mỹ năm đó?


Bích Thúy: Thực sự phim Đất khổ không phải là phim chính của Liên hoan phim Á Mỹ năm 1996, phim chính năm đó là của đạo diễn Charlie Trực Nguyễn là phim Thời Hùng Vương thứ 18. Còn phim Đất Khổ là sự may mắn, tình cờ thôi. Vì trước khi Liên hoan phim Á Mỹ ra mắt ở Washington DC, thì Đất Khổ được chiếu trong chương trình của Hội American Film Institute.

Khi xem thì thấy rất ngạc nhiên, rất mừng và cảm động, phim dài khoảng 2 tiếng, đây là phim của miền nam Việt Nam trước năm 75, thấy tên tuổi người trong phim thì nhận ra ngay, nhất là tên Trịnh công Sơn, kịch bản là của Nhã Ca. Sau khi phim chiếu ở Liên hoan phim Á Mỹ 2 tuần, cũng có nhiều người Việt Nam tới xem, sau đó phim đi sang Cali rồi Texas nhờ sự xuất hiện từ Washington DC này.

Cuối tháng 5-2007 thì em liên lạc được với ông Võ tá Hân ở Singapore, là bạn của ông Hà thúc Cần. Ông nói: tôi là bạn thân của ông Hà thúc Cần, nhưng rất tiếc là ông Hà thúc Cần đã qua đời từ năm 2004, ông Hà thúc Cần không chia xẻ những chi tiết tỉ mỉ về phim, chỉ nói phim Đất Khổ là một điều rất thành đạt mà ông hãnh diện nhất trong đời ông.

Minh Thùy: Đa số người Việt Nam không biết đến phim này, chưa từng xem mà cũng chưa từng nghe nói đến tên bộ phim nữa. Riêng Bích Thúy đã xem phim rồi thì Bích Thúy có nhận xét gì về phim Đất Khổ ? Có phải bộ phim có tính phản chiến như từng bị chính phủ miền nam Việt Nam đánh giá, do đó đã cấm phát hành, cấm trình chiếu trước năm 1975 không?

Bích Thúy: Nếu nói là phim phản chiến thì không hẳn đúng. Phim này rất đa dạng, câu chuyện phong phú, cách đóng phim tự nhiên, cách đạo diễn và khái niệm chung về phim là phim sống thực. Nó diễn tả tất cả mặt phải mặt trái của vấn đề (chiến tranh).

Nó là phim khách quan, hay là phim đứng ở giữa, không phải là phim bênh vực chính quyền miền nam Việt Nam, cũng không phải hoàn toàn chống cộng, không phải là phim phản chiến, nó đứng thế đứng ở giữa. Như một vai chính Quân do Trịnh công Sơn đóng thì là người không đi lính, có thể gọi là người trốn lính, mà thật sự ông có lý do về lương tâm tại sao lại không đi lính, lại đứng giữa, đóng vai người nghệ sĩ, quan sát hết những gì xảy ra chung quanh. Đó là cái nhìn của Hà thúc Cần, một người đứng giữa.

Trong cảnh khác, ông đóng vai người anh của Trịnh công Sơn thì cũng là người có lý tưởng, ông nói là ông không hiểu tại sao Trịnh công Sơn lại chọn chuyện trốn lính, không làm gì hết, chỉ đi ca hát, thì ông có cái view của ông, chứ không phải hoàn toàn không có lý tưởng. Phim đưa ra nhiều cái mà mình phải suy nghĩ. Không có ai thật sự là anh hùng mà cũng không có ai xấu, họ là người. Cái nhìn đó rất sống thực.

Cũng có nhân vật cô sinh viên do Vân Quỳnh đóng (ngưòi em gái của Quân và Nghĩa) chống cả người anh đi lính cộng hòa, cô thuộc thế hệ trẻ bất mãn, không muốn ngồi ì đó, cũng không muốn chỉ là nghệ sĩ, muốn làm cái gì đó. Em thấy điều đó cũng sống động, sống thực. Em đọc lại lịch sử thời đó thì biết có những người thời đó họ không biết là ở phe nào, họ cũng bất mãn vì thấy cả hai bên đều có khiếm khuyết, và điều đó có xảy ra.

Trong khi đó thì thấy bên Cộng sản không xuất hiện trong phim, họ là một lực lượng gần như vô hình nhưng họ nguy hiểm, vì có những cảnh chạy loạn, người dân bị đạn lạc, tự nhiên bị chết chóc, giống như mình có cái view về chiến tranh Việt Nam, mà mình thấy hết từng mọi khía cạnh của nó, đầy đủ mà thấm thía. (Ghi chú: đây là những cảnh người dân miền Trung chạy loạn mà đạo diễn Hà thúc Cần đã quay phim sống thật vào năm 1972)

Thời điểm trước năm 75 người ta chưa sẵn sàng nhìn thấy toàn diện như vậy, họ chỉ nhìn thấy một vấn đề, lúc đó trong chiến tranh, họ sợ những vấn đề làm họ hoang mang. Em hiểu tại sao phim bị cấm. Gần 20 năm sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, em rất cảm động thấy may mắn được xem cuốn phim như vậy, vì nó cho em có cái nhìn toàn diện về chiến tranh Việt Nam.

Nó cho mình một cái nhìn toàn diện và cũng rất khách quan, nên em cũng cám ơn ông Hà thúc Cần đã cho em có cái nhìn như vậy.

Minh Thùy: Chào anh Lưu Nguyễn Đạt, tôi có xem qua vài trích đoạn phim Đất Khổ trên Youtube, thấy anh đóng vai một người lính trong phim. Tôi nhớ ngày xưa khi còn ở Saigon cũng ít nghe đến tên diễn viên Lưu nguyễn Đạt nên cũng hơi thắc mắc không biết nhân duyên nào đưa anh tham gia đóng phim Đất khổ?

Lưu nguyễn Đạt: Lý do tôi nhận vai một nhân vật trong phim Đất Khổ, là trước đây tôi từng quen anh Hà thúc Cần, Trịnh công Sơn, anh Trần dạ Từ, chị Nhã Ca. Khi anh Hà thúc Cần có ý định làm ra phim Đất Khổ có đến gặp tôi, cho tôi xem cốt truyện thì tôi thấy cốt truyện này có giá trị, có thông điệp có tính cách nhân bản dù ngay trong lòng cuộc chiến lúc đó. Đó là lý do tôi nhận vai trung sĩ Nghĩa trong phim.

Thực ra tôi không hề đóng trong phim nào khác, tôi chỉ là diễn viên tình cờ, lúc đó tôi là luật sư tòa Thượng thẩm Huế và Saigon, sự tham dự của tôi có tính cách dấn thân vào việc tiêu biểu có ý nghĩa, đó là sự thực hiện cuốn phim Đất Khổ vào năm 1971-72 ở Huế và Saigon.

Minh Thùy: Tôi thấy tuy là diễn viên không chuyên mà anh đóng rất đạt. Anh có bằng lòng với vai người lính trong phim? Sau khi bộ phim hoàn tất, thực hiện xong vai diễn viên người lính, anh suy nghĩ gì về phim Đất Khổ, về thân phận người dân và cả người lính Việt Nam trong cuộc chiến?

Lưu nguyễn Đạt: Tôi thủ vai anh trung sĩ biệt động quân Nghĩa. Nghĩa là một cựu sinh viên tranh đấu và là người tôn trọng bổn phận của mình, thành 1 trung sĩ biệt động quân. Nhưng khi anh trở về làng mạc của mình thì thấy mọi cảnh tan hoang. Anh đã tham dự cuộc chiến nhưng cũng ý thức được sự phi lý của cuộc chiến. Đó là khi anh trở về nhà, bằng phản ứng tự vệ anh định quăng lựu đạn xuống 1 cái hầm, tưởng là để giết địch, nhưng thực ra địch đó là những đứa trẻ con, chính là các em của Nghĩa còn sống sót trong cuộc chiến.

Phim Đất Khổ có nhiều khía cạnh: khía cạnh thông tin thì nó có khuynh hướng phim ảnh sự thực (cinéma vérité) mà nghệ thuật và hiện thực gần sát liền với nhau, tiêu biểu cho thời điểm liên quan tới cuộc tranh đấu Phật giáo 1965, Tết Mậu Thân 68 và mùa hè đỏ lửa 72.

Cuộc chinh chiến ý thức hệ quốc cộng là động lực chính, nhưng ở khía cạnh tiêu biểu, thì những nhân vật trong truyện được giao phó những vai có tính tạm bợ, lúc thì là trợ lực, lúc là đối nghịch trong một vở tuồng quốc tế mà cốt truyện, chương trình, diễn xuất đều không ở trong sự hiểu biết của nhân vật.

Họ chỉ là người tạm bợ được ủy thác trong cuộc chiến huynh đệ tương tàn phi lý này. Anh vai Nghĩa đã tham dự và đã ý thức là cuối cùng cuộc chiến đó không đưa tới đâu, mà chỉ đến sự tàn phá của cả dân tộc và đất nước Việt mà thôi.
Cái ý nghĩa cuối cùng là ngay trong lòng cuộc chiến, chúng ta thấy được những gia đình, những con người vẫn còn ý thức được tình nghĩa, vẫn có sự nhân từ, còn hy vọng, vẫn còn muốn trở về làng ấp.

Tôi thấy Đất Khổ không phải cuốn phim về chiến tranh mà là tiêu biểu sự phá hoại của chiến tranh, không phải chống chiến tranh, mà coi chiến tranh là sự thử thách, là những khó khăn mà dân tộc chúng ta phải tìm cách vượt thoát đi. Tôi nghĩ đó là thông điệp mà anh Hà thúc Cần và chị Nhã Ca muốn tiêu biểu lên chăng?

Còn quyết định chung của chúng ta, những người trong giai đoạn hậu chiến này có dùng cuộc chiến đó như bài học hay không, coi như là sự thử thách hay không để tìm cách xây dựng lại đất nước, xây dựng lại dân tộc với đường hướng hài hòa hơn, rút tiả tấm lòng nhân từ, nhân đạo trong phim đó mà chọn con đường khác không phải là chiến tranh, chọn con đườn xây dựng. Đó là mong ước chung của dân tộc Việt Nam hôm nay.

Minh Thùy: Cám ơn nhà thơ Lưu Nguyễn Đạt.


Xem trích đoạn phim Đất Khổ trên You Tube.

http://www.youtube.com/watch?v=Xx1d0YSlKLk

http://www.youtube.com/watch?v=floi0yzCfOA

http://www.youtube.com/watch?v=eaKlsoVvWTE




nguồn: www.rfa.org
  Trịnh Công Sơn:
> bài hát
> bài viết
> hình ảnh
> phỏng vấn
> bút tích
> dòng thời gian

Những người mến mộ:
> những kỷ niệm
> bài viết
> tưởng niệm
> tin tức
> sách
> lưu bút

Khánh Ly


Phố Xưa


- 20 bài mới nhất



Một hình ảnh ngẫu nhiên:






Gia Sư: Gia Đình + Sinh Viên
 
Address: www.SuuTap.com/TrinhCongSon - Collection: Hoang Truc Ly - Design & script: Sony Ho