phỏng vấn




Trịnh Công Sơn: Một cõi riêng thuần khiết cùng cuộc đời

--- không rõ tác giả ---


Từ hơn 30 năm nay, tên anh đã trở thành âm vang trong trái tim của nhiều người. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, tên gọi bao hàm ý nghĩa của một sự tìm kiếm không nguôi của một con người đầy khát vọng, khát khao vươn tới sự toàn vẹn...

* Anh hãy nói một chút về anh, về những năm tháng khuấy động tâm hồn của cả thế hệ trẻ Sài Gòn...

- Ðó là cả một cuộc hành trình dài, từ lúc tôi còn là một cậu sinh viên 19 tuổi, lãng mạn và tràn ngập nỗi niềm yêu thương xúc động khi nghe ca sĩ Thanh Thúy hát bài "Giọt mưa thu". Lúc ấy cô mới 16 tuổi, đi hát để nuôi mẹ, mẹ cô bị bệnh lao nặng, nên đêm nào hát bài đó cô cũng khóc. Bài "Ướt Mi" được coi là bài hát đầu tiên của tôi, về giọt nước mắt rất thuần khiết của người con gái. Và sau đó là những năm dài phiêu lãng. Khi học xong tú tài, tôi thi vào trường sư phạm vì chỉ có trường này mới được hoãn quân dịch. Tôi đã phải nhịn đói hai lần trong năm liền để hạ số cân xuống dưới 30kg, nhưng sau đó vẫn không thoát được, vì không thể nhịn mãi. Từ năm 63 đến năm 75, suốt 12 năm tôi đã sống lang thang phiêu bạt trong sự săn đuổi, bắt bớ của chính quyền Sài Gòn. Trong tâm trạng bế tắc và u uẩn, những bài ca phản chiến ra đời lúc ấy như một sự phản kháng đối với chiến tranh...

* Anh cương quyết không cầm súng cho chế độ Sài Gòn vì ảnh hưởng từ người cha đã khuất...?

- Tôi nhớ mãi hình dáng cha tôi, một con người sống thiết tha với lý tưởng yêu nước của mình. Từ bé tôi đã phải chuyển trường đến 16 lần để cùng gia đình lênh đênh theo ông khắp nơi. Rồi ông bị bắt, nhiều lần, và cả tuổi thơ của tôi dường như ngập chìm trong nỗi sợ hãi tiếng xe Jeep rít lên trong đêm. Cha tôi đã ở trong tù còn nhiều hơn ở nhà, và kỷ niệm không thể nào phai nhạt trong tôi, đó là những đêm tôi được phép vào thăm và ở lại với cha trong nhà lao Thừa Phủ Huế. Hình ảnh cha tôi đã lớn dần lên trong tôi bằng sự thương yêu, kính trọng. Ông đã hy sinh sau hiệp định Giơneve và đó cũng là lý do thiêng liêng nhất không cho phép tôi cầm súng cho quân đội Sài Gòn...

* Những năm 70 người ta đã tìm thấy ở anh một chất giọng mới...

- Bắt đầu từ những năm 70, tôi bị cuốn hút vào phong trào tranh đấu của sinh viên-học sinh, đó là những tháng ngày tôi sống hết mình và say sưa nhất, tôi viết trong niềm phấn khích mãnh liệt của những đêm không ngủ và chứa chan niềm hy vọng. "Ta đã thấy mặt trời" được hát tại giảng đường Ðại học Huế, hát trong những ngày đấu tranh sôi bỏng nhất. Bạn bè tôi lúc ấy tôi biết rất rõ chí hướng của họ, và kính phục họ, như chị Cao Thị Quế Hương, chị là người thúc đẩy tôi viết mạnh mẽ nhất...

*Anh viết như thơ và lãng đãng sương khói...

- Tôi thực sự không thể viết lời cho những bài tình khúc khác hơn. Bởi một lẽ đơn giản là tôi chỉ có những mối tình lãng đãng, khói sương, hoàn toàn không có gì cụ thể. Ngày xưa, dường như cả thế hệ tôi là như vậy, yêu một mái tóc, một dáng hình, mỗi ngày chỉ cần nhìn thấy mặt nhau, thấy em qua khung cửa sổ là cả ngày thấy vui. Có khi đạp xe sau lưng em mà em không biết mình là ai, vẫn thấy vui như thường. "Diễm xưa" cũng là một loại tình yêu như vậy.

* Có phải chỉ những thất vọng, đổ vỡ trong tình yêu mới gây cảm hứng trong nguời nghệ sĩ?

- Ừ, kỳ lạ vậy, khi đang yêu nhau, nghĩa là đang mải yêu, đang đắm say với hạnh phúc, chỉ đến khi mất mát, còn lại một mình, anh mới tự đối diện với mình và nhận ra nhiều điều mà trước nay anh không thể nhìn thấy. Cũng không phải là gặm nhấm nỗi đau, mà là nhận diện nỗi đau...

* Từ "Nối vòng tay lớn" đến "Em ở nông trường em ra biên giới" đến "Huyền thoại Mẹ"... đã có điều gì thay đổi trong tâm thức anh?

- Không có gì cách biệt nhau cả. Cái riêng và chung trong trái tim ngưòi nghệ sĩ vẫn đến được cùng nhau bằng sự rung động thực sự, trong nỗi cảm xúc thực sự. Tôi viết : "Em ở nông trường em ra biên giới" từ niềm xúc cảm của chuyến đi thực tế xuống nông trường Lê Minh Xuân của đoàn nhạc sĩ thành phố. Chúng tôi đã cùng thức và hát bên nhau quanh ngọn lửa trại cùng các cô gái thanh niên xung phong. Sau đó một năm, tôi được tin cả hai mươi cô gái đêm ấy đều hy sinh ở chiến trường biên giới. Tôi lặng cả người, và cảm thấy đó là nỗi bức xúc không thể yên... Cũng như với "Huyền thoại mẹ", nhân chuyến ra Quảng Bình thăm bảo tàng cách mạng, nhìn tấm ảnh mẹ Suốt chèo thuyền, tóc xõa bay tung trên bầu trời, và có dịp về thăm các bà mẹ nuôi dấu cách mạng ngày xưa, nghe mẹ kể chuyện, tôi có thể hình dung hết với những tứ nhạc bay cùng mái tóc và cuộc đời gieo neo của mẹ. Tôi cũng có một bà mẹ mà tôi yêu quý nhất. Và "Huyền thoại mẹ" là sự cộng hưởng của nhiều mảng đời của mẹ, để tạc thành hình ảnh thiêng liêng của bà mẹ Việt Nam nói chung.

*Anh có điều gì để nói cùng cuộc đời, cùng mọi người...?

- Tôi yêu đời và yêu tất cả mọi người. Tôi không có ý đối kháng tấm lòng và ngọn gió, gió không phải hư vô, mà gió là sự quên đi. Nghĩa là đã làm điều tốt thì phải biết quên việc mình làm. Ðó là điều kiện tự nhiên như là ngọn gió, như là khí trời vậy... Tôi muốn sống cùng cuộc đời, cùng mọi người bằng tất cả tấm lòng tôi có...




nguồn: Sài Gòn Giải Phóng
  Trịnh Công Sơn:
> bài hát
> bài viết
> hình ảnh
> phỏng vấn
> bút tích
> dòng thời gian

Những người mến mộ:
> những kỷ niệm
> bài viết
> tưởng niệm
> tin tức
> sách
> lưu bút

Khánh Ly


Phố Xưa


- 20 bài mới nhất



Một hình ảnh ngẫu nhiên:






Gia Sư: Gia Đình + Sinh Viên
 
Address: www.SuuTap.com/TrinhCongSon - Collection: Hoang Truc Ly - Design & script: Sony Ho