tưởng niệm




Nhạc Trịnh đẹp như một bức họa trừu tượng

--- K.T.Tài ---


“Giai điệu của Trịnh rất bay bổng, rất đẹp, đẹp như một bức họa trừu tượng. Tình yêu trong những ca khúc của ông như thấy được nhưng lại không nắm bắt được. Nó cứ như một khoảng không gian rộng lớn, mình có thể biết được rằng trong đó có tình yêu. Nhưng nếu hỏi chính xác tình yêu ở đâu, nồng nàn đến chừng mực nào, thì không ai trả lời được, hoặc mỗi người giữ cho mình một câu trả lời riêng.”

- Với 2 album trước dành cho giới trẻ, tại sao album Vol.3 của Giang lại lấy "Ru ta ngậm ngùi" làm chủ đề ?


Thật ra ý tưởng của album Vol.3 này Giang đã yêu thích, ấp ủ và mong muốn thực hiện từ lâu rồi. Nhưng những ngày đầu bước chân vào Tp Hồ Chí Minh Giang vẫn còn quá trẻ, kinh nghiệm sống vẫn chưa đủ dày để có thể hiểu và thể hiện các ca khúc trữ tình, nhất là ca khúc nhạc Trịnh một cách sâu sắc. Giang nghĩ bao giờ mình cũng phải có một thời gian trải nghiệm, phải vấp váp mới có đủ sức để hát những ca khúc đó đến độ "chín" được. Ngay khi 18 tuổi, Giang cũng có thể hát được nhạc Trịnh. Mà lúc đó dẫu giọng Giang có lạ, hay cách hát có thế nào đi nữa thì người nghe cũng sẽ nhận ra được nét ngây ngô trong giọng hát của mình. Và với album Vol.3 này Giang cũng không nghĩ sẽ không dành cho giới trẻ, vì Giang tin rằng có rất nhiều bạn tuy còn rất trẻ nhưng có cùng sở thích với Giang trong dòng nhạc trữ tình này.

- Vậy Giang đã nghe nhạc Trịnh lần đầu tiên khi nào ?

Lúc đó Giang chỉ khoảng 6 hay 7 tuổi. Trong một lần tình cờ Giang đã được nghe ca khúc Phôi Pha của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn qua tiếng hát ca sĩ Khánh Ly. Chính giai điệu của Phôi Pha đã cuốn hút Giang, chứ còn ca từ thì với một con bé chỉ khoảng 7 tuổi thì làm sao có cảm giác gì được.

- Thời điểm Giang thật sự biết đến nhạc Trịnh là khi nào ?

Ngày đó ở Hà Nội dòng nhạc của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn không được phổ biến. Người Hà Nội cũng rất thích nghe nhạc trữ tình nhưng lại là nhạc của nhạc sỹ Phú Quang, và một số các nhạc sỹ khác chứ nhạc sỹ Trịnh Công Sơn thì vẫn còn được biết đến rất ít. Mãi đến thời gian sau này khi dòng nhạc Trịnh ở trong Nam trở thành rất phổ biến thì ở phía Bắc mới được nhiều người biết đến có một người nhạc sỹ như thế. Riêng Giang thì do yêu thích nhạc Trịnh nên khi tham gia cuộc thi 'Giọng hát hay Hà Nội' Giang cũng mạnh dạn chọn ca khúc "Biển Nhớ" để hát. Ở thời điểm đó Giang nghe người ta bảo "đó là nhạc Trịnh" thì biết "đó là nhạc Trịnh", ngoài ra thì không biết thêm gì nữa. Còn để nói đến việc "biết đó là nhạc Trịnh" một cách thực sự thì phải đến tận sau này khi vào Tp Hồ Chí Minh. Khi đó chỉ cần nghe cất lên một giai điệu Giang biết ngay là nhạc Trịnh và không thể nhầm lẫn với nhạc của bất cứ nhạc sỹ nào.

- Nhạc Trịnh trong suy nghĩ của Giang như thế nào ?

Giai điệu của Trịnh rất bay bổng, rất đẹp, đẹp như một bức họa trừu tượng. Tình yêu trong những ca khúc của ông như thấy được nhưng lại không nắm bắt được. Nó cứ như một khoảng không gian rộng lớn, mình có thể biết được rằng trong đó có tình yêu. Nhưng nếu hỏi chính xác tình yêu ở đâu, nồng nàn đến chừng mực nào, thì không ai trả lời được, hoặc mỗi người giữ cho mình một câu trả lời riêng. Tất cả những cảm xúc đó đều do ca từ và giai điệu của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn rót vào mỗi người khi thể hiện hoặc đón nhận tác phẩm của ông. Giai điệu của ông viết ra không chỉ để nâng ca từ mà còn là không gian dành cho ca sĩ thể hiện mình. Tuy vậy không phải ai cũng hát được nhạc của ông. Nếu một ca sĩ có chất giọng hợp với nhạc của Trịnh thì tất nhiên giọng hát sẽ được nâng lên rất nhiều và ngược lại nếu chất giọng không phù hợp thì sẽ gặp nhiều hạn chế.

Ca từ và giai điệu của nhạc Trịnh rất hòa quyện với nhau. Nó thuộc về Trịnh Công Sơn, và khi ông ấy sinh ra chúng là để đi với nhau không thể tách rời nhau được. Giai điệu của Trịnh không khó, rất dễ hát, dễ thuộc và dễ nhớ. Còn ca từ thì không hẳn là khó nhưng để hát, để thể hiện tốt hơn, sâu sắc hơn thì phải hiểu chúng hơn. Ca từ của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn lúc nào cũng dễ hiểu nhưng cũng rất bí ẩn. Như trong ca khúc Diễm Xưa ông viết : "Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ". Lúc đầu nghe đến "tháp cổ" Giang nghĩ ngay đến một tòa tháp cổ kính, cũng như một ngôi nhà to lớn cũ kĩ. Nhưng đến sau này hiểu ra thì đó chính là cái cổ của người phụ nữ. Chỉ một ví dụ như thế cũng thấy ngôn từ của Trịnh Công Sơn rất phong phú. Và nếu không hiểu rõ ca từ của ông thì rất dễ thể hiện hời hợt thậm chí sai tình cảm của ông đặt vào một ca khúc.

Hát nhạc Trịnh, Giang cảm thấy mình trưởng thành hơn. Thật ra tính của Giang lúc nào cũng trầm, thậm chí có người còn bảo giống "bà già". Giang rất già dặn trong cách ăn mặc và chọn bài. Bước vào Tp Hồ Chí Minh, những ngày còn lang thang vì chưa nơi nào mời hát, Giang mới nhận ra rằng đây chính là dòng nhạc mình chọn. Mỗi khi hát xong, giai điệu của ca khúc vẫn còn đeo đuổi theo mình. Về đến nhà rồi, ngồi im lặng một mình những giai điệu ấy lại tiếp tục vang lên trong đầu. Từ đó, Giang lại nghiền ngẫm, chiêm nghiệm và bỗng thấy cách nhìn, quan điểm của mình lại khác đi, trưởng thành hơn rất nhiều.

- Tại sao Giang chỉ chọn "Ru Ta Ngậm Ngùi" và "Em Hãy Ngủ Đi" để đưa vào album Vol.3 này ?

Thật ra Giang hát nhạc Trịnh khá nhiều, có thể kể đến như "Diễm Xưa", "Nắng Thủy Tinh", "Mưa Hồng", "Lặng Lẽ Nơi Này" ... Nhưng "Ru Ta Ngậm Ngùi" đã tạo cho Giang một cảm xúc đặc biệt. Thật ra Giang hát ca khúc này không nhiều bằng những ca khúc vừa kể trên nhưng mỗi lần hát Giang lại như cảm nhận một luồng điện chạy trong người mình. Nó tạo cho Giang cảm giác thích thú và thôi thúc Giang nghiền ngẫm nó, gặm nhấm nó theo cách của mình. Còn với "Em Hãy Ngủ Đi" lại là một khúc ru êm đềm, man mác rất khác với tính tự sự thường thấy trong nhạc Trịnh. Với hai ca khúc này, Giang cảm thấy tự tin khi thể hiện nên đã chọn nó trong rất nhiều tác phẩm khác của ông.

- Giang đã có ý tưởng gì khi đặt thêm lời giới thiệu vào trước ca khúc "Ru Ta Ngậm Ngùi" ?

Lần đầu tiên cầm tập nhạc của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn, Giang nhận thấy trước mỗi kỉ niệm của mình, ông đều ghi lại một lời tự sự ngắn. Đó là một cái gì rất Trịnh Công Sơn. Và Giang cảm nhận được đó là cảm giác của mình với nhạc của ông. Nhưng Giang không thể nào sử dụng những câu chữ của ông được. Vì dẫu sao Giang cũng chỉ là một người trẻ hát nhạc của ông. Từ suy nghĩ đó, Giang đã nhờ một người bạn viết theo dòng suy nghĩ, cách nhìn của mình để làm lời mở đầu cho "Ru Ta Ngậm Ngùi". Giang nghĩ đó cũng là một điểm mà Trịnh Công Sơn đã ảnh hưởng đến Giang nhưng Giang đã cố gắng làm nó theo cách của mình.

- Điểm nào khiến Giang tự tin rằng mình sẽ không trùng lắp với những ca sĩ khác cũng theo dòng nhạc này ?

Thứ nhất, Giang vẫn còn là một gương mặt mới trong dòng nhạc trữ tình. Thứ hai là cách thể hiện của Giang, vẫn là tự sự nhưng có những nét chấm phá. Có thể những thế hệ trước không thích nhưng Giang vẫn còn trẻ nên Giang thể hiện bằng cách nhìn, tâm hồn của một thế hệ mới. Giang cố gắng chuyển tải những điều đó để những người lớn, những bạn bè ngang tuổi Giang và những bạn thế hệ sau cũng có thể tiếp cận và nghe được. Âm nhạc của Trịnh Công Sơn không thể bóp méo, không thể làm mới quá đáng được vì âm nhạc của ông rất giản dị, mộc mạc và rất gần với đời sống. Nên Giang chỉ cố gắng làm mới nhạc Trịnh Công Sơn dựa trên cách thể hiện của mình.

Như bạn cũng thấy là trong cuộc sống bây giờ chúng rất dễ dàng nghe nhạc Trịnh ở bất kì đâu. Giang tiếp cận với nhạc Trịnh cũng qua những phiên bản trước đó. Vì vậy khi thể hiện, Giang luôn gặp áp lực là làm thế nào để không giống với bất kì ai. Và cũng chính từ áp lực đó đã cho Giang sức sáng tạo trên những ca khúc đã quá quen thuộc. Như cái kết trong Ru Ta Ngậm Ngùi khi nghe đến nó mọi người đều biết đó là của Song Giang, vì trước đó không ai thể hiện như thế cả. Giới chuyên môn thì phê bình, cho rằng chỗ đó không được như thế. Nhưng giới trẻ lại thích Giang với điểm bứt phá đó. Giang chỉ tâm niệm rằng mỗi người có một gu âm nhạc khác nhau. Cái Giang muốn làm chỉ là mang những ca khúc cũ đến với khán giả trẻ theo cách của mình mà không làm thay đổi giá trị của nó.



nguồn: Nhacso.net
  Trịnh Công Sơn:
> bài hát
> bài viết
> hình ảnh
> phỏng vấn
> bút tích
> dòng thời gian

Những người mến mộ:
> những kỷ niệm
> bài viết
> tưởng niệm
> tin tức
> sách
> lưu bút

Khánh Ly


Phố Xưa


- 20 bài mới nhất



Một hình ảnh ngẫu nhiên:






Gia Sư: Gia Đình + Sinh Viên
 
Address: www.SuuTap.com/TrinhCongSon - Collection: Hoang Truc Ly - Design & script: Sony Ho