tin tức




Rủ nhau hát nhạc Trịnh

--- Lê Quốc Thắng ---


Họ ra album để không phải làm ca sĩ, cũng không cần thiết để giới thiệu trước công chúng yêu âm nhạc mà chỉ muốn giọng hát mình thoát lên cùng với âm nhạc Trịnh Công Sơn. Những chất giọng này làm cho người nghe có cảm giác rất đời thường, cứ ngỡ đang ngồi nghe họ hát ở không gian thật bởi tính cách trung thực, có chiều sâu, sự đam mê và lòng trìu mến.



Từ lâu, những tình khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã đi vào lòng công chúng yêu âm nhạc bởi cái đẹp trong ca từ, mượt mà và sâu lắng trong giai điệu, ghi đậm nét đặc trưng riêng trong hình thức và cách phát triển âm nhạc. Nhạc của ông nhẹ nhàng, buồn man mác nhưng vẫn giữ được tính trong sáng và sang trọng, chỉ cần xướng lên một đoạn nhạc đầu (motif) cũng làm cho người nghe xao xuyến và đồng cảm, cách tiến hành giai điệu của ông là những chuyển động liền quãng, phát triển nhân tố mới theo dạng mô phỏng lại từ chất nhạc ban đầu, âm hình và tiết tấu gần gũi với những hình ảnh thật đời thường, hòa âm trong từng ca khúc của ông là những hợp âm tự nhiên, không biến cách, giản dị làm cho người nghe cảm thấy gần gũi như lời tâm sự của chính mình thông qua âm nhạc của Trịnh Công Sơn.

Chính những ca khúc giàu cảm xúc, giàu hình tượng của ông đã làm cho những người yêu âm nhạc say mê và ít nhất họ đã từng hát một vài lần trong không gian nhỏ bé của gia đình, bạn bè hoặc hát với nhau trong những quán cà phê, trên giảng đường... Trong số đó có những người mạnh dạn bỏ tiền để thu âm cho mình một đĩa riêng chỉ hát nhạc Trịnh, như để thỏa nỗi đam mê. Họ hát cho bạn bè, hát cho người thân, hát để tỏ lòng trân trọng những tình khúc mà họ yêu mến.

Mộc mạc và chân thành

Thủy Tiên vừa ra album Xin cho tôi, Thái Hòa với album Vườn xưa, còn Kim Thoa với Đêm thấy ta là thác đổ. Gần đây nhất là album Nhớ Trịnh Công Sơn của nhà báo Quốc Vĩnh.



Mỗi người đều có chất giọng riêng, nhưng điểm chung là họ hát đều có cảm xúc, chân chất, mộc mạc, làm người nghe dễ cảm và gần gũi. Nếu như Thủy Tiên mượt mà trong bài hát Xin cho tôi thì sự dịu dàng, lắng đọng trên từng nốt nhạc của bài Như cánh vạc bay, Cỏ xót xa đưa được Thủy Tiên diễn đạt làm cho người nghe rung động và yêu thích bằng chất giọng trầm buồn, có cá tính.

Trong khi đó, Thái Hòa và Kim Thoa nhẹ nhàng và giản dị trong các ca khúc Ướt mi, Phôi pha, Đêm thấy ta là thác đổ, Rừng xưa đã khép, Vết lăn trầm... Giọng hát của họ nghe rất bình thường, không tỉ mỉ và cũng không trau chuốt mấy khi hát nhạc Trịnh nhưng chính cái không bình thường này tạo nên sự gắn bó cần thiết giữa âm nhạc của Trịnh và người nghe.

Tôi rất thích nghe ba giọng hát: Thủy Tiên, Thái Hòa và Kim Thoa. Dù không phải mưu sinh bằng nghề ca hát nhưng họ biết hát bằng sự đam mê và giàu cảm xúc, các album mà họ thực hiện, phần hòa âm chỉ cần một cây guitar và violon cũng tạo nên sự uyển chuyển trong âm nhạc, bởi phần dạo nhạc và phần đệm được biến tấu từ nét nhạc trong ca khúc của Trịnh làm cho người nghe cảm thấy thích thú bởi tính nhắc đi nhắc lại trong âm nhạc.

Hát vì tình yêu

Những năm gần đây, các ca sĩ chuyên nghiệp thường làm album để gắn liền giọng hát của họ với những tình khúc Trịnh Công Sơn. Có thể kể ra: Lan Ngọc (Phôi pha), Elvis Phương (Những tình khúc Trịnh Công Sơn), Cẩm Vân (Xin cho tôi), Thanh Lam (Ru mãi ngàn năm), Mỹ Linh (Còn mãi tìm nhau), Hồng Nhung (Thuở bống là người), Đàm Vĩnh Hưng (Phôi pha), Quang Dũng hát rất nhiều nhạc Trịnh trong nhiều album khác nhau...



Lan Ngọc, Elvis Phương đều có chất giọng đẹp, hát nhạc Trịnh như hơi thở của mình, họ có chất giọng riêng đặc biệt, diễn đạt rất điêu luyện nhưng vẫn giữ được cái hồn của ca khúc, làm cho người nghe cảm thấy bay bổng và thích thú. Cẩm Vân, Hồng Nhung, Mỹ Linh là những ca sĩ đa dạng về phong cách, bởi họ hát rất tốt nhiều dòng nhạc, nhiều thể loại khác nhau và khi trình bày nhạc Trịnh, họ hát rất tình cảm, có sáng tạo nhưng vẫn giữ được cái chất trong âm nhạc của Trịnh Công Sơn...

Quang Dũng hiện nay là giọng nam hát rất hợp những tình khúc của ông, bởi từ khi anh bắt đầu đi hát, ca khúc Trịnh là những bài mà anh ghi điểm nhiều nhất đối với công chúng yêu âm nhạc. Thanh Lam, Đàm Vĩnh Hưng là hai ca sĩ mạnh dạn phá cách và làm mới ca khúc theo cách riêng của mình. Việc làm mới này tuy có sáng tạo, có đầu tư trong dàn dựng nhưng sự màu mè, cường điệu, làm rối tiết tấu, phá cách trong tiết điệu đã ít nhiều làm mất đi sự mượt mà, sâu lắng của nhạc Trịnh.



Âm nhạc Trịnh Công Sơn được hát rất nhiều, không chỉ để dành riêng cho ca sĩ mà còn dành cho tất cả những người yêu âm nhạc, bởi giai điệu đẹp đi sâu vào tâm hồn, ca từ giàu hình tượng, nghe ca khúc của ông chỉ cần một lần là có thể hát được, tình cảm riêng của ông được thể hiện qua ca khúc tạo nên sự đồng cảm chung của những người yêu âm nhạc. Ca khúc của Trịnh Công Sơn được xem như những bản dân ca thuần túy được nhiều thế hệ ca sĩ và cả những giọng hát không chuyên say sưa hát.

Phản cảm

Cách đây khoảng một năm, các ca sĩ trẻ đua nhau trình bày những tình khúc của Trịnh Công Sơn và họ nói rằng sẽ làm phong phú, mới mẻ nhạc Trịnh bằng cách phá điệu, mạnh mẽ hơn trong diễn đạt và phần hòa âm phối khí sẽ mới lạ, tây hơn khi phối hợp với các kiểu jazz, blue, pop-ballad... Nhưng thực tế không phải vậy. Một ca khúc hay, có ca từ và giai điệu đẹp, tự thân ca khúc đó đã có đời sống riêng chỉ cần hát nghêu ngao với một cây đàn guitar, harmonica hay mandoline thì vẫn có sức hấp dẫn riêng. Vì thế, việc “làm mới” của các ca sĩ chuyên nghiệp đã làm cho người nghe không có sự đồng cảm, thậm chí lại làm phản cảm.



nguồn: www.nld.com.vn
  Trịnh Công Sơn:
> bài hát
> bài viết
> hình ảnh
> phỏng vấn
> bút tích
> dòng thời gian

Những người mến mộ:
> những kỷ niệm
> bài viết
> tưởng niệm
> tin tức
> sách
> lưu bút

Khánh Ly


Phố Xưa


- 20 bài mới nhất



Một hình ảnh ngẫu nhiên:






Gia Sư: Gia Đình + Sinh Viên
 
Address: www.SuuTap.com/TrinhCongSon - Collection: Hoang Truc Ly - Design & script: Sony Ho