tưởng niệm




Trịnh Công Sơn - Người Tình Của Thiên Nhiên

--- Nguyễn Thị Thanh Xuân ---


Sáng nay bị đánh thức bởi tiếng chim từ quy đâu đó, tôi bỗng nhớ tới Trịnh Công Sơn và câu nói của ông: Nhưng tôi biết rõ rằng tôi chỉ là một loài chim nhỏ hót chơi trên đầu những ngọn lau" (Tin vào niềm tuyệt vọng). Con chim nhỏ ấy đã đi xa rồi, rất xa, nhưng tiếng hót thì vĩnh cửu. Tiếng hót ấy đã làm thành văn tự của Trịnh Công Sơn, góp phần vào cuốn "bạch thư hùng vĩ mà muôn loài đã để lại cho bầu trời, mặt đất và sông nước".

Hình như không ai hiểu người nghệ sĩ tài hoa này bằng chính ông. Đi trong cõi đời, ông như chú Hoàng tử bé, mải miết tìm, biết là vô vọng vẫn hân hoan. Bởi nếu cô đơn giữa con người, Trịnh Công Sơn còn có cỏ cây và hoa trái, núi đá, suối nguồn và biển khơi, mưa và nắng... những người bạn lặng lẽ, an nhiên mà luôn luôn mới lạ, luôn luôn ân cần, chỉ mang đến cho ta niềm cảm hứng, sự sẻ chia mà không làm ta mỏi mòn đau đớn.

Yêu thương - ở Trịnh Công Sơn, nói như Hoàng Phủ Ngọc Tường, là tâm hồn "mang hơi hướng triết lý nhà Phật". Cũng có thể nghĩ rằng cái tâm bao la dào dạt ấy, cái phong cách phiêu diêu ấy là thoát thai từ thiên nhiên.

Hơn một lần Trịnh Công Sơn viết: "Với ca khúc tôi là người tình của thiên nhiên". Ông gọi ca khúc của mình "là một cuộc hôn phối kỳ diệu giữa thi ca và âm nhạc". Hãy cho tôi được thêm: là cuộc hôn phối kỳ diệu giữa thiên nhiên và trái tim người nghệ sĩ tài hoa.

Trong khi tình yêu luôn là cái ngoái nhìn thì thiên nhiên hầu như là hiện tại. Thiên nhiên ở nhạc Trịnh Công Sơn là cái dòng miên viễn của mùa, cái nhịp đập của vũ trụ, cái tinh tế của đất trời. Mùa trong lời ru, lời gọi, trong tình yêu, trong sự chuyển động của quy luật tự nhiên. Đắm mình trong đó, Trịnh Công Sơn hình như được vỗ về an ủi. Đó là không gian quen thuộc, tin cậy nhất mà ông tìm thấy.

Không chỉ xuất hiện như là các biểu tượng nằm trong liên tưởng. Thiên nhiên đã là một thực thể tham gia vào đời sống Trịnh Công Sơn và làm nên nhịp thở âm nhạc của ông. Trịnh Công Sơn đi lại, đứng ngồi, hát ca, trò chuyện, yêu thương, buồn nhớ, suy tưởng, ngắm nhìn, mơ mộng... tràn ngập cảm hứng vũ trụ. Cái vũ trụ mà ông nắm bắt từng sát na hiện hữu và sát na chuyển động: "Im lặng của đêm tôi đã lắng nghe. Im lặng của ngày tôi đã lắng nghe".

Trong cuộc chuyện trò cùng thiên nhiên, Trịnh Công Sơn nhận ra cái hữu hạn của ngôn từ con người. Những cụm từ mới ra đời dường như để đáp lại tiếng thì thầm nhu mì, ảo diệu của thiên nhiên và để kịp ghi những sắc thái bí ẩn mà vũ trụ lưu lại: vết lăn trầm, mùa xanh lá vội, tay rong rêu, cọng buồn cỏ khô, cụm chiều, ngón xuân nồng, nụ đời, phiến môi mềm...

Những sáng tạo về ngôn từ của Trịnh Công Sơn táo bạo mà không cầu kỳ, ngẫu nhiên mà không tùy tiện, giàu chất suy tưởng mà không duy lý, bởi chúng thấm nhuần cái tinh thần sống động tươi xanh mềm mại của thiên nhiên. Chúng phả lại những đối ngẫu và hòa âm thường hằng của vũ trụ, trong một dòng âm giai trầm lắng mênh mang như tiếng thở dài của muôn loài.

Người nghệ sĩ ấy hiểu mình muốn gì trên hành trình sáng tạo: "Một thứ triết học nhẹ nhàng mà ai ai cũng có thể hiểu được như ca dao hoặc những lời ru con của mẹ". Với ca khúc, ông đã đến. Đó chỉ có thể là thứ triết học từ thiên nhiên và của thiên nhiên. Là tiếng hát của dòng sông, là lời ru từ cát đá, một cội nguồn của những cội nguồn mà Trịnh Công Sơn, người đi qua cuộc thế này, biết giữ mãi trái tim trẻ thơ để có thể tìm thấy đường về.



nguồn: Thanh Niên
  Trịnh Công Sơn:
> bài hát
> bài viết
> hình ảnh
> phỏng vấn
> bút tích
> dòng thời gian

Những người mến mộ:
> những kỷ niệm
> bài viết
> tưởng niệm
> tin tức
> sách
> lưu bút

Khánh Ly


Phố Xưa


- 20 bài mới nhất



Một hình ảnh ngẫu nhiên:






Gia Sư: Gia Đình + Sinh Viên
 
Address: www.SuuTap.com/TrinhCongSon - Collection: Hoang Truc Ly - Design & script: Sony Ho