những kỷ niệm




Những ngày cuối của Sơn ở cõi tạm

--- Sâm Thương ---


Đến với cuộc đời, Sơn tự giới thiệu: "Tôi chỉ là một tên hát rong đi qua miền đất này để hát lên linh cảm của mình về những giấc mơ đời hư ảo...". Ngay trong lần triễn lãm cuối cùng của Sơn vào tháng 07.2000 cùng với Đinh Cường và Bửu Chỉ tại Galery Tự Do, Sơn cũng đã xác định lại điều đó một lần nữa.

Trong cuộc chơi này, Sơn vẫn quen nói như vậy, Sơn tham gia 12 bức, nhưng có đến 10 bức Sơn mới vẽ trong vòng một tháng trước đó. Đêm nào Sơn cũng vẽ đến sáng mà tưởng chừng như không biết mệt. Ngoài những bức như Người Hát Rong (Troubadour), Cha Con Hát Xẩm (Minstrel-Father and Son), Kiều ca kỹ (Kieu-minstrel), thì Bóng Thơ (Poetic Shadow), Tự Họa Self-Portrait), Vòng Phấn Trắng (Narrow Magrin), Cõi Riêng Tư (Reflexion) và Thế Giới Ảo (Reminiscence) trong đó Sơn tự họa chân dung mình bên cạnh cây đàn ở nhiều vị trí khác nhau để khẳng định với mọi người Sơn vẫn là người hát rong.

Người hát rong không cư ngụ một nơi nào cố định, luôn luôn di chuyển. Di chuyển từ miền đất này đến vùng đất khác, từ thị trấn này đến thị trấn khác, và... từ cõi trần gian này sang thế giới bên kia. Mỗi nơi người hát rong dừng lại, theo Sơn dù lâu hay mau đều là nơi ở trọï "Tôi nay ở trọ trần gian, trăm năm về chốn xa xăm cuối trời (Ở Trọ). Trần gian cũng chỉ là cõi tạm.

Ở một khía cạnh nào đó, Sơn chia xẻ cách nhìn của André Malraux: "La vie ne vaut rien, mais rien ne vaut une vie" (Cuộc đời không đáng gì, nhưng không gì đáng bằng cuộc đời). Dù trần gian có là nơi ở trọ thì Sơn cũng đã sống, sống hết mình và yêu thương hết mình dù có đôi lần bị phụ bạc, ruồng bỏ... Sơn tin hay không có một thế giới sau cõi tạm này? Có thể… Chính Sơn cũng đã nhiều lần khẳng định: "Cuối cùng không có gì khác hơn là sống và chết. Sống làm thế nào cho tròn đầy sự có mặt và chết cho ngập tràn cõi hư không. Phải đi đến tận cùng hai cõi sống chết để làm tan biến tất ca û những giấc mộng đời không thực".
Sơn có rất nhiều muộn phiền. Không hiểu vì sao Sơn đã ray rứt về sự ra đi, ở lại của cuộc đời, mà như Sơn nói là từ rất sớm. Cho nên "Mỗi bài hát của tôi là một lời tỏ tình với cuộc sống, một lời nhắn nhủ thầm kín về những nỗi tuyệt vọng, và cũng là một nỗi lòng tiếc nuối không nguôi đối với buổi chia lìa cùng mặt đất mà tôi đã một thời chia xẻ những buồn vui với mọi người".

Người hát rong vẫn cứ lên đường. Đi để mà đi chứ không để đến một nơi nào đã định.

Ít nhất, Sơn cũng đã một lần dậm chân bước qua thế giới bên kia. Cái thế giới siêu hình mà có thể Sơn chưa từng biết nhưng đã nhiều lần nói tới, suy tưởng về nó ...

Lần đầu ngày 12.07.1997 Sơn bị sốt, và đường huyết đột ngột tăng cao, có một bác sĩ quen với gia đình được mời đến. Có lẽ chưa có kinh nghiệm với bệnh trạng của Sơn, khi khám thấy đường huyết tăng cao, anh ta đã nhất quyết đề nghị chích insuline. Sơn đã phản ứng không chịu chích, nhưng anh ta vẫn cho là mình đúng , nên đã thuyết phục người nhà phải chích để chữa trị cho Sơn, và đã tiến hành chích trong lúc Sơn đang ngủ. Mấy tiếng đồng hồ sau mũi thuốc, Sơn hoàn toàn rơi vào trạng thái hôn mê. Gia đình và bạn bè đã tức tốc đưa Sơn vào bệnh viện Chợ Rẫy, khu Cấp Cứu Hồi Sức, lầu 2. Cái phòng mà những ai đã lỡ bước vào thì không mấy người quay trở lại với cõi đời. Nhìn Sơn thoi thóp trên giường, giữa những người bệnh nằm la liệt chung quanh, một không khí chết chóc, tuyệt vọng... tôi đã quỵ xuống gần như bất tỉnh. Nhưng với tất cả lòng tự tin và ý chí muốn sống, cọng thêm tình yêu thương của mọi người trên khắp trái đất dành cho Sơn, vốn như một sức mạnh tinh thần đã hổ trợ Sơn chiến đấu, chống chọi với thần Chết. Có thể Sơn còn quá nhiều dự tính, còn quá nhiều điều chưa kịp bày tỏ với cuộc đời.

Không biết do tình cờ, hay để chuẩn bị tổ chức sinh nhật bé Dao, con gái của Chuyết và Thúy vào ngày 15.07. Các em Sơn đều có mặt ở Việt Nam đông đủ, không thiếu một ai. Đêm đó, ngoài các em, các cháu của Sơn, còn có Phạm Phú Ngọc Trai, Huỳnh Thiện, Phi Long, Hoàng Thiệu Khang, Bùi Huỳnh Anh, Lê Phước Bốn , bác sĩ Thành đều lóng ngóng đứng ngoài cửa phòng cấp cứu cho đến khuya, hồi hộp chờ đợi tin Sơn từng giây từng phút.

Khuya hôm đó trở về nhà tôi đã suốt đêm không ngủ. Đến 5 giờ sáng, không chịu đựng được nữa, tôi chuẩn bị vào với Sơn. Trước khi đi, ngập ngừng mãi tôi mới nhấc điện thoại lên quay số điện thoại của Chuyết. Khi nghe tiếng cười của Chuyết (chồng Thúy, em gái Sơn) từ đầu dây bên kia, tôi đã hiểu ngay "những cơn gió lành đến từ các thảo nguyên xa xôi mang theo mùi hương cốm ,hương bạc hà của những loài hoa dại đánh thức Sơn dậy và làm hồi sinh những mùa Xuân đang ngủ quên trong các mạch máu của cơ thể Sơn".

Ngay sáng hôm đó, Sơn được chuyển ngay lên lầu 10, phòng 5 và gia đình Sơn cũng thuê thêm một phòng nữa, cách phòng Sơn một hai phòng để luôn túc trực chăm sóc Sơn. Ngày nào cũng hai lần tôi đến bệnh viện với Sơn, mang thư bạn bè khắp nơi, thư viết tay, điện thư cũng có và đọc cho Sơn nghe. Trong những ngày trên giừơng bệnh, Sơn không thể viết trả lời tất cả các thư viết tay, nhưng các thư điện thì tôi ghi nhận ý kiến của Sơn trước khi thay Sơn trả lời.

Đúng một tháng kể từ ngày nhập viện, Sơn đã vững vàng bước ra khỏi cánh cửa của Bệnh viện Chợ Rẫy trước sự bỡ ngỡ và vui mừng vô hạn của các em Sơn và bạn bè Sơn như một phép lạ. Tôi nghĩ là phép lạ…hay đúng hơn một sức mạnh thiêng liêng nào đó đã bảo bọc, che chở Sơn.

Tôi còn nhớ buổi chiều chúng tôi đón Sơn ra khỏi bệnh viện, vừ lên xe Sơn đã yêu cầu chúng tôi đưa Sơn đi một vòng khắp thành phố, tôi nhìn ánh mắt Sơn mở lớn sau cặp kính đang chăm chú với tất cả sự say mê, khi chúng tôi đi qua những con đường, những hàng cây xanh rợp lá, những dãy phố, những ngôi nhà cao tầng, những con hẽm, những gian hàng, quán xá… Tất cả đang cử động, đang sống , khác hoàn toàn với thế giới mà Sơn vừa rời bỏ, một thế giới đang chòi đạp, chiến đấu giữa cái sống và cái chết. Tôi bắt gặp trong đó trong ánh mắt Sơn lóe lên một niềm vui, một lòng ham muốn được sống , nhưng không phải trong đôi mắt bạn tôi không có chút suy tư, nỗi ám ảnh về cái chết.

Có thể là một nghịch lý, Sơn từng bày tôi: "Tôi chỉ biết thời điểm này trong tôi đang thôi thúc thu xếp hành trang cho một cuộc lên đừơng mới. Cũng vẫn là một cuộc chơi như bao cuộc chơi đã trãi qua. Vẫn đi đến nhưng không hò hẹn. Muốn hội ngộ một sự tình cờ tốt lành hơn nhưng không náo nức".

Nơi đến sắp tới của Sơn sẽ là đâu? Ở trần gian này hay thế giới bên kia? Thời gian này, Sơn có thói quen dậy thật sớm, đi bộ tập thể dục dọc theo con đường Phạm Ngọc Thạch, đến công viên sau lưng Nhà Thờ Đức Bà. Sơn đi mấy vòng, rồi quay về nhà, có nhiều khi ngủ lại một lát. Ăn sáng xong, Sơn đến văn phòng Hội Aâm Nhạc, số 8, Trần Quốc Thảo, Quận 3 gặp gỡ bạn bè, người mến mộ hoặc trao đổi công việc.

Buổi sáng khoảng hơn 10 giờ, buổi chiều 5 giờ Sơn thường gọi điện thoại cho tôi và chúng tôi vẫn thường ngồi với nhau ở đâu đó, mà thường là ở nhà hàng Givral hoặc Saigon Center. Suốt hơn nửa năm nay Sơn không hề uống một gịot rượu, mà chỉ uống nước trà. Sơn mà đã uống nước trà thì bạn bè quanh Sơn không ai uống rượu, mặc dù Sơn vẫn khuyến khích anh em uống rượu hoặc tùy thích. Trước đây khi Sơn uống Cutty Sack, bạn bè đều uống Cutty Sack, Sơn đổi qua Chivas Regal thì bạn bè lại theo Sơn uống Chivas Regal. Nói chung Sơn uống thứ gì bạn bè uống thứ đó. Thứ rượu cuối cùng Sơn uống là Black Label. Sơn đã có lần tâm sự: "Trên lối đi dẫn vào cuộc sống tôi đã gặp gỡ Tình Yêu và Rượu…Tuy nhiên đã có những ngày tháng dài tôi sống không tình yêu và tôi cũng không có ý định tìm lại nó. Đó là thời gian trắng, một thứ âm bản của tâm hồn. Không có một nỗi vui buồn nào đang chờ đợi. Không vẫy chào. Không từ giã. Thế giới trôi đi và tôi ở lại. Hình như thế. Dù sao đó cũng chỉ là một thứ cảm nhận bâng quơ. Giờ đây tôi đang nói thêm một lời tạm biệt khác. Tạm biệt những ly rượu nồng nàn những sáng, trưa, chiều, tối..."

Sơn đã chịu vào khuôn phép, không biện minh bằng lý luận này hay hay lập luận khác để tiếp tục uống như trước đây. Có thể Sơn đã hiểu rõ tình trạng sức khỏe của mình hơn ai hết. Hơn nữa, Sơn cũng thấy được sự quan tâm chăm sóc của các em và những bạn bè thường xuyên gần gủi đã làm Sơn chùn lại trước những cơn khát rượu.

Hằng ngày chúng tôi uống trà với nhau như thế cho đến gần 12 giờ mới về nhà để Sơn kịp chích thuốc điều trị bệnh tiểu đường. Sau đó, ăn cơm chung với gia đình, chuyện trò đến khoảng 1,30 giờ Sơn nghỉ trưa. Buổi chiều ở nhà hoặc ngồi ở Givral hay đâu đó rồi về, hoặc ăn cơm tối ở quán Ba Miền, Tib hoặc Trịnh... Những năm gần đây buổi tối Sơn thường ngủ rất sớm, khoảng 9.30 giờ sau khi theo dõi tin tức, xem phim, đọc sách, hoặc viết một vài trang gì đó. Nhưng Sơn cũng có thói quen điện thoại cho một ai đó trong số những bạn bè gần gũi đến với Sơn, thường thì rất khuya mới chịu chia tay. Đặc biệt không có phụ nữ. Có thể nói mấy năm sau này thật sự Sơn không có tình yêu, không một phụ nữ nào có vị trí trong trái tim Sơn. Sơn đã từng có lần bày tỏ: "Tôi thấy tình bạn quý hơn tình yêu vì tình bạn có khả năng làm hồi sinh một cơn hôn mê và làm phục sinh một cuộc đời tưởng rằng không còn tái tạo được nữa".

Suốt mấy tháng trời, không ngày nào Sơn không ngồi ở Givral, hoặc Saigon Center, có ngày đến hai ba lần: sáng, trưa, tối với các em, và những người bạn thường xuyên gần gũi với Sơn.

Báo động đầu tiên về sức khỏe của Sơn ,nếu tôi nhớ không nhầm thì đó là sáng 26.11.2000, cũng tại nhà hàng Givral. Sơn đang ngồi uống trà, tự nhiên Sơn có phản ứng hơi bất thường, mất trí nhớ đến nỗi không nhận ra Tịnh, em trai mình. Sau đó Sơn được đưa đi bệnh viện chĩnh hình đến buổi chiều thì chuyễn đến bệnh viện Chợ Rẫy, Khu Chăm Sóc Đặc Biệt, lầu 10 phòng 7 để điều trị. Nhưng chỉ 9 ngày sau thì sức khỏe của Sơn hồi phục và được xuất viện. Sau khi lấy lại sức khỏe, Sơn tiếp tục cuộc sống bình thường vẫn quanh quẩn giữa các em và bạn bè. Sơn hẹn sẽ chơi bài vào những ngày đầu năm tại nhà Trai, Sơn cũng hứa sẽ đến đạp đất một số nhà của bạn bè thân quen vào dịp Giao Thừa sắp tới.
Nhưng đến trưa 22.01.2001 tức 28 Tết Âm Lịch, từ nhà hàng Givral trở về như mọi ngày thì Sơn kêu đau chân. Rồi sau giấc ngủ trưa hôm đó, Sơn cho biết chân càng đau đớn hơn, nhất là những lúc trở mình hay di chuyễn thì đau đớn không chịu nỗi. Có lẽ đây là lần đầu tiên tôi nhìn thấy Sơn nhăn nhó vì đau đớn. Những lần trước dù đã từng bước qua Khu Cấp Cứu Hồi Sức nhưng hình như Sơn không có cảm giác đau đớn hay ít ra không biểu hiện sự đau đớn trên nét mặt. Vã lại, Sơn rất ghét ai thương hại mình, nếu kiềm chế được thì nhất định Sơn không để lộ ra bên ngoài.

Có thể nói bắt đầu từ hôm đó, Sơn không tự mình đi đứng được, muốn di chuyển phải nhờ người giúp đỡ. Đôi chân Sơn, đôi chân của Người Hát Rong bây giờ không sử dụng đúng với chức năng của nó. Sơn đã không thể tiếp tục những chuyến đi của mình trên Cõi Tạm này. Đó thật sự cũng là một bi kịch, bi kịch của một Người Hát Rong.

Đôi mắt Sơn chứa dấu một chút gì gần như nỗi chua xót. Có thể vì thế mà Sơn trượt dài theo căn bệnh của mình chăng? Đến ngày 27.01.2001, tức mồng 4 Tết, Sơn không ăn, và xuống cân rất nhanh, buộc gia đình phải đưa Sơn vào bệnh viện để được theo dõi. Lại vẫn Khu Chăm Sóc Đặc Biệt, lầu 10, phòng 5. Sơn tỏ ra không chịu đầu hàng số phận. Sơn vẫn chiến đấu, vẫn chống chỏi. Vì cuộc đời còn đáng yêu quá, đáng sống quá, Sơn không nỡ từ bỏ cái thế giới này dù chỉ là nơi Ở Trọ.

Hằng ngày bên cạnh Sơn thường có các em Sơn và bạn bè... đã khích lệ Sơn rất nhiều... Buổi trưa, buổi tối dù bận đến mấy, tôi cũng cố gắng vào bệnh viện để kịp ăn cơm chung với Sơn, ít nhất là một lần trong ngày.

Và tôi cũng không thể không nhắc tới, trong những ngày ở bệnh viện Sơn vẫn nhận được rất nhiều hoa của những người yêu mến Sơn khắp nơi gởi đến. Có những bó hoa được hái đâu đó trong vườn nhà, hay ngoài đồng cỏ cột dây vụng về của các em nhỏ. Nhưng đó cũng là những bó hoa Sơn trân quý hơn hết.
Ngày 12.02.2001 tức 16 ngày sau Sơn lại được xuất viện, tuy nhiên chân Sơn không di chuyển được. Theo chẩn đoán, các bác sĩ chuyên khoa cho biết chất sụn giữa các khớp xương đã bị khô đi, phải giải phẩu mới sớm đi được, nhưng thể lực của Sơn hiện tại không cho phép một cuộc giải phẩu như vậy. Nhìn vẻ ngoài thì sức khỏe của Sơn khá tốt, thỉnh thoảng Sơn kể chuyện tiếu lâm hay đùa cợt một câu gì đó để dịu đi nỗi lo lắng của những người chung quanh.

Ngày Tình Yêu (Valentine’s Day) 14.02 năm nay đối với Sơn có phần khác hơn mọi năm. Sơn không có một phụ nữ nào tăng hoa cho Sơn và Sơn đón nhận nó đúng với ý nghĩa của ngày lễ. Nói một cách khác Sơn không có tình yêu, Sơn chỉ có nỗi cô đơn. Sơn đã cảm thấy "(...) trò chơi tình yêu không còn gì thích thú nữa thì tạm ngừng để chuẩn bị một trò chơi khác. Thí dụ một trò chơi riêng, trò chơi của một người với chỉ có bóng hình của nó, dửng dưng với tất cả".

Nhưng Sơn vui hẳn lên trong những ngày chuẩn bị đón mừng Sinh Nhật của Sơn : ngày 24.02, Chuyết, chồng Thúy từ Canada về, ngày hôm sau đến phiên Hà, em trai kế của Sơn cũng từ Mỹ về. Mỗi trưa, mỗi tối Sơn luôn muốn cùng ngồi ăn chung với các em và một vài người bạn. Lượng đường trong máu của Sơn thời gian này tương đối ổn định, Sơn lên có tới 4 kg, ai cũng nghĩ Sơn đang phục hồi dần. Và Sơn nói rất nhiều về những dự tính của mình. Sơn mơ ước xây dựng một công trình mà Sơn đặt tên là Nhà Nguyện Tình Yêu...

Sinh Nhật thứ 62 của Sơn (28.2.2001) dự định tổ chức một cách đơn giản chỉ gồm những người trong gia đình và một số ít bạn bè theo đề nghị của Sơn. Nhưng hôm đó vẫn có rất nhiều người không được mời vẫn đến. Vì không biết tự bao giờ ngày Sinh Nhật của Sơn đã không còn là của riêng Sơn và ngôi nhà của Sơn ngập đầy những hoa và hoa.

Đôi chân Sơn vẫn đau, không di chuyển được, nhưng khuôn mặt và nụ cười của Sơn rạng rỡ và ấm áp giữa những người thân, bạn bè… Thỉnh thoảng Sơn nhăn nhó vì đau ở chân do đổi thế ngồi. Mỗi lần như thế tôi rùng mình theo Sơn, theo cái chân của Người Hát Rong, mà tôi thú thật không biết làm gì... Đơn giản là vì tôi không phải là Thượng Đế, cũng không phải là bác sĩ. Tôi chỉ thấy cái chân của Sơn đau, và như nhiều người nói, chỉ cần tập trung chữa cái chân của Sơn là đủ. Trong gia đình cũng có dự định xây cho Sơn một cái hồ bơi ngay tại nhà để Sơn tập vận động theo gợi ý của một chuyên gia.

Sau cuộc vui, mọi người ra về, ai cũng nghĩ Sơn đang phục hồi, chỉ còn vấn đề thời gian. Tôi cũng ngây thơ như mọi người, tin rằng điều đó là thật.

Mấy ngày sau, một người bạn gái cũ của Sơn từ Mỹ về. Nội cái tình ấy cũng có thể là một niềm động viên cho Sơn trong những ngày này? Tôi thầm hỏi như thế. Cô chỉ có phép 11 ngày mà hết ba ngày di chuyễn. Những ngày còn lại, ngày nào cũng như ngày nào cô vẫn ngồi bên Sơn, im lặng không nói. Bóng cô hắt lên tường giống như bóng của người Thiếu phụ Nam Xương trong truyện cổ tích. Không hiểu sao tôi có sự liên tưởng lạ lùng như vậy mà cho đến giây phút này tôi cũng không giải thích được.

Bên cạnh Sơn thỉnh thoảng cũng có một vài bóng hồng khác... Sơn yêu quý họ như yêu quý một nhan sắc, nhưng đó không phải là tình yêu. Người phụ nữ Sơn yêu không có thật.

Những ngày kế tiếp, lượng đường trong máu của Sơn có tăng giảm, nhưng không đột biến, chân vẫn đau, muốn di chuyển phải nhờ đến người khác. Đó chính là nỗi phiền muộn đối với Sơn, nhưng vẻ ngoài sức khỏe Sơn vẫn bình thường. Sơn vẫn đọc báo, theo dõi tin tức thời sự hằng ngày trên màn ảnh nhỏ. Sơn tự mình trả lời điện thoại cho bất cứ ai gọi đến: từ một học sinh ở tận Quãng Ninh, một bà bán tạp hóa ở chợ Cà Mau, đến một người bạn ở Mỹ hay một nhà báo ở Paris… Sơn vẫn sống trong tình yêu thương trân quý của các em Sơn, các bạn bè thân thiết và những người yêu mến Sơn ở khắp nơi trong và ngoài nước.

Tôi có cảm giác trong thời gian gần đây hình như trong ánh mắt Sơn đã bớt đi niềm tự tin vốn có. Tôi lờ mờ hiểu được rằng tất cả đều do nơi cái chân đau, cái chân không đi được của Sơn. Trước đây Sơn không như vậy. Sơn có bệnh, đã từng chạm mặt với Thần Chết, nhưng đau đớn như lần này thì không. Sơn thực sự cảm thấy đau đớn, gần như bất lực và phụ thuộc vào người khác, phụ thuộc ngay cả những việc nhỏ nhặt, tầm thường nhất trong cuộc sống hằng ngày đến nỗi Sơn đã phần nào vô tình lõng buông ý chí muốn sống của mình, sức mạnh đã giúp Sơn bao lần vượt qua những giây phút hiễm nghèo trong cuộc sống. Sơn tiết lộ: "Tôi thường rơi vào cơn hôn mê trong giấc ngủ. Ở biên giới đó tôi hốt hoảng thấy mình lơ lững giữa sự sống và cái chết. Những giây phút như thể vồ chụp lấy tôimỗi đêm. Khi quanh tôi mọi người đã yên ngủ (...)".

Ngày 24.03 Hồng Nhung đến thăm và tạm biệt Sơn trước khi đi biểu diễn ở Australia. Trong bữa ăn chung hôm đó, Sơn vẫn vui vẻ nói cười. Tôi vẫn nhớ nụ cười của Sơn, nụ cười thật hồn nhiên, phảng phất một nét buồn vừa như một đứa trẻ thơ, vừa như một nhà hiền triết.

Ngày 26.03 Sơn có triệu chứng suy nhược, không ăn được nên gia đình lại đưa Sơn vào bệnh viện Chợ Rẫy, Khu Điều Trị Theo Yêu Cầu, dãy nhà sau, tầng trệt, phòng số 4. Ở đây Sơn được điều trị về tiêu hóa, tiểu đường và khớp đùi phải. Chỉ một hôm sau sức khoẻ và mọi sinh hoạt của Sơn trở lại bình thường như những ngày trước đây ở nhà. Sơn đã vui vẻ hưởng ứng đề nghị của Phạm Phú Ngọc Trai đi nghỉ Vũng Tàu vào tuần tới sau khi xuất viện.

Trưa 29.03, Huỳnh Thiện có công việc về trước, chỉ có Tịnh và tôi ở lại ăn trưa với Sơn. Tôi đơm cho Sơn một dĩa cơm khá đầy và khuyến khích Sơn. Sơn vui vẻ cố gắng ăn, nhưng vẫn không hết nổi dĩa cơm. Aên xong như thường lệ chúng tôi vẫn ngồi bên nhau trò chuyện cho đến lúc Sơn nghỉ trưa.

Giữa lúc đó, Trần Mạnh Tuấn vào thăm Sơn, ngồi nói chuyện một lát thì Trần Mạnh Tuấn kêu riêng tôi ra ngoài và nhờ tôi chuyển Hợp Đồng xuất bản album CD trong đó có 10 ca khúc của Sơn do Tuấn thổi saxo cho Sơn ký, nếu Sơn đồng ý. Tôi hỏi ý kiến Sơn và Sơn đã đặt bút ký sau khi đã xem kỹ. Sau này tôi hiểu đó là hai chữ ký cuối cùng của Sơn trước khi ra đi.

Những ngày trước đó, có nhiều tin đồn đoán, rằng Sơn đã mất, nhưng gia đình muốn giấu. Tôi không hiểu sao có tin đó, mà nếu như sự thật đau lòng đó xảy ra thì liệu gia đình có giấu được không và giấu để làm gì. Tôi đã nhận không biết bao nhiêu cuộc gọi của bạn bè khắp nơi trên thế giới, những người biết mối quan hệ giữa tôi và Sơn, đã yêu cầu tôi xác nhận về nguồn tin nầy. Thật tâm, cho đến giờ phút đó tôi vẫn có lòng tin Sơn sẽ không có mệnh hệ gì, sẽ vững vàng bước ra khỏi đây như Sơn đã từng trải qua trước đây, sẽ đi nghỉ Vũng Tàu vào tuần tới, rồi còn lời hứa sẽ đi Âu châu theo lời mời của Phạm Văn Đỉnh, vợ chồng Trương Hồng Liêm, vợ chồng Thanh Hải.. Tôi khẳng định điều đó với Đinh Cường trong cuộc gọi của anh vào sáng hôm đó, cũng như trong những thư điện mấy ngày trước đó.

Nhưng khoảng 11 giờ đêm hôm đó, bất ngờ Sơn rơi vào tình trạng tiền hôn mê. Sơn được chuyển từ Khu Điều Trị Theo Yêu Cầu lên lầu 8 đặc trị về Gan. Khoảng gần 3 giờ sáng ngày 30.3 Sơn có tỉnh lại, nhận ra được Trai, Hà, vợ chồng Tịnh Hiếu... và một vài người chung quanh. Đến 5 giờ sáng khi mọi người đã về, còn Tịnh và Hiếu, Sơn tỉnh lại một lần nữa và cho biết là rất đau đớn. Một lát sau, Sơn tiếp tục hôn mê và hơi thở càng lúc càng nặng nhọc. Có thể đó là lời chào tiễn biệt vì ngoài điều đó ra Sơn đâu cần nói thêm điều gì nữa. Sơn đã nói quá nhiều trong các tác phẩm của mình.

Đến gần 8 giờ kết quả cuộc hội chẩn cho biết Sơn bị xơ gan, suy thận, tiểu đường, xuất huyết tiêu hóa, viêm phổi. Tôi không tin ở tai mình, sao mới chỉ mấy ngày mà bệnh ở đâu nhiều thế ?

Sau khi làm xong thủ tục Sơn được chuyển từ lầu 8 xuống lầu 2 Khu Cấp Cứu Hồi Sức. Nhìn Sơn khuất sau cánh cửa lòng tôi thắt lại. Sơn nằm ở giường số 8, được chạy thận nhân tạo và thường xuyên có bác sĩ, điều dưỡng túc trực bên cạnh. Tuy nhiên sức khỏe của Sơn tiếp tục suy giảm rất nhanh.

Khoảng 7 giờ sáng ngày 1.4.2001, Sơn vẫn tiếp tục hôn mê, tri giác giãm dần. Từ 10 giờ 30, Sơn rơi vào tình trạng hôn mê rất sâu. 11giờ 15 tim Sơn ngừng đập lần thứ nhất, nhưng các bác sĩ đã hết sức cố gắng, giành giật từng phút, từng giây với Thần Chết, nhưng vẫn không đo được huyết áp của Sơn. Đúng 12 giờ 45 sau lần thứ năm, trái tim Sơn hoàn toàn ngưng đập. Khi Sơn thở hơi cuối cùng tôi vẫn ở đó, bên cạnh Sơn, người tôi tê dại, không có chút cảm xúc và cũng không biết có những ai. Tôi không chịu đựng nổi khi nhìn thấy Sơn ra đi, tôi lặng lẽ bước ra, đi quanh một vòng, cũng chẳng biết để làm gì. Tôi cứ đi, cho đến khi tôi trở lại trước phòng Sơn từ lúc nào không biết. Nhìn lên tôi nhìn thấy Trần Mạnh Tuấn, và một người nữa là Tuyết Mai, một người quen thân với gia đình Sơn. Khi đó tôi mới trực nhớ bổn phận của mình, tôi lấy điện thoại ra gọi cho bất cứ ai là bạn bè thân quen với Sơn mà tôi kịp nhớ. Sau đó, tôi không nhớ ai đã phân công tôi về nhà trước chuẩn bị để đưa Sơn, có thể là Tịnh hoặc Trai gì đó. Khoảng một hai tiếng đồng hồ sau, Sơn được đưa về tới nhà, xác Sơn được đặt ngay giữa phòng khách nhà trệt, chưa liệm ngay, đợi các em, các cháu đang trên đường về. Tôi nhớ hôm đó trời mưa tầm tã, kéo dài đến tối. Chung quanh Sơn, ngoài Trịnh Quang Hà, vợ chồng Trịnh Xuân Tịnh, em trai Sơn, Lê Thế Chuyết, em rễ Sơn còn có Phạm Phú Ngọc Trai, Huỳnh Thiện, Phi Long, Bùi Huỳnh Anh, Lê Phước Bốn, Lê Đăng Xu, Bảo Phúc, Trần Mạnh Tuấn, Tương Lai, Nguyễn Quang Sáng…những người lâu nay vẫn gần gũi Sơn, mỗi người một tay làm vệ sinh thân thể và thay áo quần cho Sơn.

Đến 7 giờ tối, thì các em các cháu Sơn mới từ Canada về đến. Chiếc khăn đắp mặt Sơn được giở ra. Những tiếng khóc, than thở vang lên, kéo dài, rồi nghi thức tẫm liệm Sơn được tiến hành. Bắt đầu từ phút giây đó, tôi chỉ thấy loang loáng, những người thân quen, bạn bè và luôn cả những khán giả ngưỡng mộ Sơn lục tục đến, càng lúc càng đông.

Không ai bảo ai, từ đó Phạm Phú Ngọc Trai, Huỳnh Thiện và tôi, ba chúng tôi tự nguyện trở thành những người phụ trách trật tự cho suốt thời gian tang lễ của Sơn. Hôm sau, Cao Lập tình nguyện đưa một nhân viên đến phụ giúp sổ ghi chép. Tôi thật sự không biết bao nhiêu người đến viếng Sơn. Tối đầu tiên, có lẽ do tin Sơn mất chưa được phổ biến, số lượng người đến viếng chưa nhiều, nên chúng tôi cho phát mỗi người hai thẻ nhang cho những người đến viếng Sơn, một để cúng Phật, một để viếng Sơn, có thắp hương vái lạy. Đến sáng hôm sau trở đi, thì chúng tôi chỉ cho phát một thẻ nhang để vái trước linh cửu Sơn; nhưng về sau số lượng càng lúc càng đông, dù đã săùp đến 3 hàng dài gần mấy trăm mét trước hẽm nhà Sơn ra tới đường Phạm Ngọc Thạch, thì mỗi người chỉ đi qua cắm nhang trước linh cửu Sơn mà không vái lạy. Nhưng điều đặc biệt, dù phải chờ đợi rất lâu để đến lượt mình viếng Sơn, nhưng đám đông vẫn rất trật tự, hoàn toàn không có một xáo trộn ồn ào nào.

Như vậy là Sơn đã rời nơi Ở Trọ, "(...) Không muốn bỏ đi, vậy mà cũng có lúc phải bỏ đi. Cái thân phận con người hữu hạn phải đành thôi" để lên đường tiếp tục cuộc hành trình của Người Hát Rong. Sơn sẽ đặt chân đến một nơi nào trong cái thế giới xa xăm mà tôi không biết được, nhưng nơi đó chắc chắn cũng là một nơi Ở Trọ khác của Sơn. Không biết bao lâu Sơn từ giả nơi mình vừa đến để tiếp tục đi nữa, đi mãi. Nhưng tôi tin bất cứ nơi đâu Sơn đến, muôn loài vạn vật ở đó sẽ hạnh phúc, hoan ca bởi Sơn vẫn tiếp tục hiến dâng trọn vẹn trái tim của mình để làm cho thế giới chung quanh trở nên tươi đẹp hơn và có ý nghĩa hơn.



nguồn: www.tcs-forum.org
  Trịnh Công Sơn:
> bài hát
> bài viết
> hình ảnh
> phỏng vấn
> bút tích
> dòng thời gian

Những người mến mộ:
> những kỷ niệm
> bài viết
> tưởng niệm
> tin tức
> sách
> lưu bút

Khánh Ly


Phố Xưa


- 20 bài mới nhất



Một hình ảnh ngẫu nhiên:






Gia Sư: Gia Đình + Sinh Viên
 
Address: www.SuuTap.com/TrinhCongSon - Collection: Hoang Truc Ly - Design & script: Sony Ho