tưởng niệm




Tưởng nhớ ''Người viết tình ca hay nhất thế kỷ!''

--- Theo VietNamNet ---


Chiều nay ở sân bay vừa đưa tiễn những người thân đi xa. Về nhà, một người bạn nói: "Ở nơi này vừa thiếu đi bốn người thì lập tức ở nơi xa xôi kia nhận được thêm bốn người...", bởi vì: "Triết học Ấn Độ nói rằng, nếu ở nơi này vừa có một kẻ bỗng dưng giàu lên thì lập tức ở một nơi khác sẽ có một kẻ mất hết sản nghiệp" (bài viết "Một cõi đi về" của Trịnh Công Sơn).

Có một nỗi buồn ở nơi này thì sẽ có một niềm vui ở chốn khác.
Có một trái tim khổ nạn ở người này thì tất nhiên sẽ có một trái tim hân hoan ở kẻ khác.
Những ai đã đi đến với đời thì phải có lúc lìa xa nó.
Chết là sự tan biến của thể xác. Nhưng sống không chỉ là sự tồn tại của thân xác. Nhiều người còn sống mà tưởng chừng như đã chết. Nhiều người chết mà vẫn còn sống trong trí nhớ mọi người.
Trong câu chuyện đời chung, kẻ này quên thì người kia phải nhớ. Một ý tưởng chợt tắt để làm mầm chuyển hoá cho một ý tưởng khác nảy sinh.
Cái mất không bao giờ mất hẳn
Cái còn không hẳn mãi là còn...!

Nhớ về những nỗi niềm ấy của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, để tưởng nhớ ông và biết rằng ông đã ra đi vô cùng thanh thản. Sinh linh nào, ở nơi đâu sẽ được thay thế vào sự lìa xa "cõi đi về" của ông, không ai biết. Nhưng "Nhiều người chết mà vẫn sống trong tâm trí mọi người'' chắc chắn trong đó có ông, và những gì ông đã làm được trong âm nhạc của mình đã biến cái tên Trịnh Công Sơn và những bản nhạc không gì thay thế mà ông đã gọi là đời sống thứ hai sau cái thân thể mà cha mẹ đã sinh thành... chính là "cái mất không bao giờ mất hẳn''...!

2 năm kể từ ngày ông đi, những bài hát của ông vẫn và sẽ còn đi mãi cùng cuộc sống, tình yêu và tâm hồn hàng nghìn con người của nhiều thế hệ với sự rung động và đồng cảm từ sâu thẳm. Có nhiều danh hiệu người ta đã trao tặng cho ông, như: "Người Việt Nam viết tình ca hay nhất thế kỷ", "Phù thủy của ngôn ngữ", "Người tình lãng du của nhiều thế hệ" hoặc "Nhà thơ Trịnh Công Sơn", "Hoạ sĩ Trịnh Công Sơn"... Tất cả những điều ấy đều có phần để ca tụng tài năng văn học hay khả năng sử dụng ngôn ngữ của ông trong ca từ. Nhưng nói như nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, cái quan trọng hơn cả để níu giữ một Trịnh Công Sơn vô cùng đẹp đẽ trong lòng những người yêu mến ông và âm nhạc của ông chính là tâm hồn.

Và đã có một lời nhận xét: "Nhạc của Trịnh Công Sơn không tuyền là nhạc, bài hát không chỉ là bài hát. Mỗi bài là một truyện ngắn, mỗi ca khúc là một chương khúc của truyện dài không có kết thúc, vẫn mở ra như một vết thương, một vết thương người, một vết thương thời đại, vết thương thiết thân, phải cưu mang và lưu truyền...''.

Từ bài tình ca buồn đầu tiên ra mắt công chúng - "Ướt Mi" khi chàng nhạc sĩ mang tên Trịnh Công Sơn vừa mới 20 tuổi, những tình ca nối tiếp nhau ra đời và luôn mang theo chúng những nỗi niềm về thân phận, về cuộc đời, về tình yêu và về nỗi cô đơn dường như không bao giờ vơi cạn. Chúng được sống và được nâng niu, ai cũng có thể tìm thấy cái gì đó sâu kín của tâm hồn mình từ những nốt nhạc, lời ca trong những tình khúc của ông. Và phía sau mỗi ca khúc được bắt nguồn từ cảm hứng, nhiệt huyết và lòng nhân ái bao dung lại được bao bọc bởi triết học. Ông giải thích cho điều này: "Tôi vốn thích triết học và vì thế tôi muốn đưa triết học vào những ca khúc của mình. Một thứ triết học nhẹ nhàng mà ai ai cũng có thể hiểu được như ca dao hoặc những lời ru con của mẹ. Triết học Việt Nam có đó nhưng không được hệ thống hóa vì nó bàng bạc trong đời sống nhân gian...".

Vì thế, khi viết: ''Đêm thấy ta là thác đổ": "Một hôm thấy ta là lá cỏ, ngồi hát ca rất tự do..." - nhạc sĩ thổ lộ: "Tôi còn nhớ ca khúc này và sự chiêm nghiệm của mình như là một tổng kết những gì mà tôi cảm nhận được từ cuộc đời tôi, của mọi người. Thực lòng mà nói, tôi chịu ảnh hưởng của Albert Camus trong bài hát này.Trong tác phẩm Ghi chép ở Angérie (Noté d'Algérie), ông ghi lại những tiếng chó sủa ban đêm, những bước chân đi mà ai cũng có thể một lần nghe thấy trong đời mình nhưng không mấy người nhìn ra được điều gì đó từ chúng. Ngẫm lại đời mình, tôi thấy nhiều muộn phiền. Không hiểu vì sao tôi đã day dứt về sự ra đi, ở lại của cuộc đời từ rất sớm.Tôi đã chọn hình tượng lá cỏ để ví với mình. Vì sao lại là lá cỏ? Có thể cuộc đời rộn ràng có quá nhiều điều phải lưu ý, nhưng trong đó không thể không có sự góp nhặt của những điều nhỏ nhoi. Ngọn cỏ, lá cây hay cây đa đều có bổn phận của nó với cuộc đời. Cỏ có bổn phận cỏ, lá có bổn phận lá. Tôi không mơ ưóc gì to lớn, mà nghĩ mình như một phận cỏ hèn. Vì hèn mọn nên nó không phải to lớn và bổn phận nặng nề như cây đa, vì vậy nó tự do lắm. Và vì sao lá cỏ lại hát? Bài hát là phương tiện để bày tỏ lòng mình với cuộc đời, có gì tuyệt vời hơn lá cỏ nhỏ nhoi nhưng tự hát ca với đời mình? Rũ bỏ những muộn phiền và thảnh thơi đời mình, điều này đã ám ảnh tôi từ lâu, lâu lắm rồi, nhưng chỉ đến khi viết được những câu hát như vậy tôi mới thấy nhẹ lòng. Ý tưởng này quanh quẩn trong tôi nhiều năm và chỉ được giải toả khi sáng tạo vụt đến và bật thành những giai điệu như vậy...".

Và cũng chẳng thể nào phủ nhận khi người ta cảm nhận được từ âm nhạc của ông những ảnh hưởng của nhà Phật. Trịnh Công Sơn - một Phật tử trong một gia đình theo Phật Giáo, đọc và thuộc kinh Phật từ những ngày thơ ấu, nghe những lời kinh cầu và vùi giấc ngủ sâu những đêm mẹ bệnh. Cơ duyên với Phật đã vô tình kéo vào nhạc của ông những ca từ mang tinh thần và những âm thanh của kinh kệ. Với Trịnh Công Sơn thì "Phật Giáo như một tôn giáo mang nhiều tính hiện sinh nhất. Bắt đầu bằng chữ sát-na, một đơn vị thời gian siêu nhỏ. Phải biết sống hết mình trong mỗi sát-na của thực tại. Từ mỗi cái ăn, cái uống, cái đi đứng, nằm ngồi. Không làm công việc này mà nghĩ đến công việc khác. Với tôi đó cũng là Thiền, là một cách sống đích thực... Qua ca khúc để đánh lên những tiếng chuông mai chuông chiều, mượn ánh nắng của trời đất để soi tỏ cái số phận đó cho mỗi người có thể nhìn mình và nhìn rõ hơn, chăm chú hơn cho đến một lúc nào đó thì mọi sự tốt lành, tình yêu sẽ khiến cho chúng ta thấy rằng con đường duy nhất đi đến với người khác trên mặt đất này không phải là sự độc ác mà chính là một lòng nhân ái vô biên. Hát lên lòng nhân ái đó mãi mãi, nỗ lực tìm những mạch nguồn sâu vào cội rễ của nó để có thể hoàn thiện một tiếng hát mới mẻ, đầy nhân hậu cho những ca khúc ngày mai của riêng mình, Trịnh Công Sơn có cách Thiền riêng như thế...!

Trịnh Công Sơn - Viết và thở

"Không khí vốn vô tư. Ai muốn thở cũng được.
Tôi vốn viết nhạc cũng như thở vậy.
Có điều khi thở tôi chọn cái không khí trong lành để cho lá phổi không than phiền và cái sự hô hấp cũng bớt đi phần gian nan.
Một bài hát cũng vậy. Hát để thăng hoa đồng thời cũng để an ủi. Sản phẩm văn nghệ chỉ đẹp khi có khả năng xoá đi những nỗi giận hờn. Nó có bao giờ muốn đèo bòng một thứ khác để tự hủy diệt nó đâu...".

Trịnh Công Sơn thở với tất cả những gì diễn ra xung quanh mình, những gì ông thấy hàng ngày với sáng trưa chiều tối. Từ những con phố: Phố xa lạ (Yêu dấu tan theo), phố hẹn, phố xưa (Khói trời mênh mông), phố rộng (Tưởng rằng đã quên), phố thênh thang (Quỳnh hương), phố xa lạ (Bên đời hiu quạnh), phố cao nguyên (Lời thiên thu gọi). Hơi thở ấy không gấp gáp nhưng vẫn đơm đầy sự sống có khi hối hả, khi bình yên, khi trầm lặng và có khi náo nhiệt. Nhạc sĩ thở với những cây cầu, con sóng, hàng cây, mái nhà, buồng cau nải chuối, sợi nắng giọt mưa, thở với đêm, với ngày, với bình minh, với Ngọ, với hoàng hôn... Bất cứ lúc nào, nơi nào và hoàn cảnh nào, hơi thở vẫn được trút ra thanh thản, có khi cũng oán than với những ưu tư thường trực nhưng không trách cứ...

Sự sống và cái chết là những gì ông rất hay nhắc tới trong những ca khúc của mình và lạ thay, chúng lại thường đi cùng với nhau: Dù rằng đã quả quyết sống là sống hết mình, không khuất hẹn, không chờ đợi, không uỷ quyền giống như mệnh lệnh "Hãy tận hưởng ngày hôm nay", thế mà vẫn Một lần nằm mơ, tôi thấy tôi qua đời (Bên đời hiu quạnh) hay Một trăm năm mãi ngủ yên (Sẽ còn ai), Một hôm buồn lên núi nằm xuống (Tự tình khúc), Mai kia chào cuộc đời (Những con mắt trần gian)...

Trịnh Công Sơn với tình yêu

Tình yêu trong ca từ của nhạc Trịnh mang một vẻ đẹp siêu thực và ngoài cái đẹp của tình yêu người với người, những lời ca bật lên niềm yêu thương với quê hương và đồng loại. Tình yêu với quê hương của ông được bùng lên từ trong khói lửa chiến tranh, trong gian khó, nghèo nàn, trong biệt ly và tăm tối. Và tình yêu ấy đôi khi còn loé sáng dù với chỉ những ánh mắt nhìn lướt qua mà ông gặp đâu đó trong dòng đời xuôi ngược mỗi ngày. Với tình yêu trai gái, ta sẽ không thể tìm thấy trong đó những mối tình đau khổ lâm ly ướt át hay nhầy nhụa, bi ai. Chỉ biết rằng, buồn đấy, nhớ nhung thật nhiều đấy và nuối tiếc chẳng nguôi ngoai đấy, thế mà tình yêu vẫn đẹp, vẫn lên ngôi lung linh và người nghe mỗi người thấu hiểu chúng bằng cảm nhận của riêng mình. Hãy nghe lại Ca khúc da vàng và Kinh Việt Nam, tình yêu quê hương bùng lên và không thể kìm nén trong chí khí của một người trai trẻ đốt lên da diết trong từng lời dù những bài hát ấy đã từng một thời bị lên án.

"Tôi e, không ai dám tự xưng mình am tường hết nội dung phong phú và quá phức tạp của tình yêu" - Một quan niệm hết sức giản đơn về tình yêu của ông như thế đã là nguồn cảm hứng dường như vô tận của ông khi viết về những mối tình. Dù là "Tình xa", "Tình nhớ" hay "Tình sầu" hay nhiều bài hát không có chữ Tình nhưng cái Tình thì lại luôn lấp ló ẩn hiện. Chỉ đưa ra đây những điều chính ông đã nói: "Người ta có thể tin rằng mình được yêu và cũng có thể hiểu nhầm rằng mình không được yêu"; "Có người yêu thì hạnh phúc; có người yêu thì đau khổ. Nhưng dù đau khổ hay hạnh phúc thì con người vẫn muốn yêu. Tình yêu vì thế mà tồn tại..."; " Tôi đã có dịp đứng trên hai mặt của tình yêu và dù sao chăng nữa, tôi vẫn muốn giữ lại trong lòng một ý nghĩa bền vững: "Cuộc sống không thể thiếu tình yêu, nhưng yêu thì cay đắng lắm..."; "Không ai điên gì mà tự xưng mình là kẻ biết rõ về tình yêu nhất. Đau khổ cả trăm lần vẫn cứ là một đứa trẻ thơ trong tình yêu. Tình yêu có lẽ là lời nói dối uyên thâm nhất của trái tim"

Thế có nghĩa là sự trải nghiệm của ông với tình yêu đã nhiều và những tình khúc là nơi ta có thể cảm nhận được những gì ông đã nghĩ, đã thấy khi biết rằng mình yêu và chờ mong tình yêu. Cả vài trăm ca khúc trước ngày ông đi liệu đã đủ để ông ghi lại hết những xúc cảm về tình yêu của mình...?

"Có một nhà thơ tên Trịnh Công Sơn"

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo đã từng có một bài viết rất dài với tên gọi trên và những gì trong bài viết ấy đã chứng minh hùng hồn cho điều này, trong đó có đoạn: ''Cho dù khi sáng tác ca khúc, Trịnh Công Sơn có thể viết lời và nhạc cùng một lúc, hoặc có đoạn lời viết sau khi đã có nhạc, hay trước khi phổ nhạc thì mỗi lời ca của anh đều là những bài thơ hoàn chỉnh kể cả về ý, tứ, cấu trúc, ngôn từ và cảm xúc. Mà Trịnh Công Sơn không phải là một nhà thơ bình thường, anh là nhà thơ rất độc đáo ôm chứa tư tưởng nhân sinh và thời cuộc với một thi pháp khá riêng biệt trong thơ Việt. Trịnh Công Sơn rất nhuần nhuyễn trong các thể thơ truyền thống như lục bát, đồng dao. Ngay từ lần đầu tiên nghe ca khúc ''Ở trọ'', tôi đã phát hiện ra đấy là một bài thơ lục bát rất tài hoa. Từ cái chuyện ở trọ bình thường trong đời, anh đã đẩy liên tưởng tới cái ''cõi tạm'' chốn trần gian trong triết lý của Đạo Phật với một cách nói thoải mái, thông minh và hóm. Anh nhìn thấy con chim ở trọ trên cành cây, con cá ở trọ dưới nước, cơn gió ở trọ giữa đất trời, rồi đẩy tới một khái quát bất ngờ:

''Trăm năm ở đậu ngàn năm
Đêm tối ở trọ chung quanh nỗi buồn''

Có những liên tưởng còn bất ngờ hơn khi nói tới vẻ đẹp ở trọ trong thân thể, hay tâm hồn của người nữ:

''Môi xinh ở đậu người xinh
Đi đứng ở trọ đôi chân Thúy Kiều''

Vì thế mà có câu:

''Xin cho về trọ gần nhau
Mai kia dù có ra sao cũng đành''

Và khi con người đã ở trọ vào nhau bằng tình yêu, thì dù có phải xa rời cõi tạm, vẫn mãi mãi khăng khít cùng nhau:

''Tim em người trọ là tôi
Mai kia về chốn xa xôi cũng gần''

Đấy là một ví dụ. Và còn nhiều bài hát - bài thơ tình khác nữa với cách lập ngôn đặc sắc của nhiều thể loại: Đồng dao (4 chữ) trong Em đi qua chiều, Nhật Nguyệt trên cao, hay thể loại nhịp thơ 5 chữ ở Ru ta ngậm ngùi, Tình nhớ, Như chim ưu phiền, Biết đâu nguồn cội, thậm chí là có cả nhịp thơ 6 chữ ở Nhìn những mùa thu đi hay Ru em.... Ở Mưa hồng, ta thấy một bài thơ nhịp 3 rất vui tươi nhí nhảnh: ''Trời ươm nắng/Cho mây hồng/Mây qua mau/Em nghiêng sầu/Còn mưa xuống/Như hôm nào/Em đến thăm/Mây âm thầm/Mang gió lên...''

Và còn nhiều thể loại ta có thể xếp thành thơ trong hầu hết các ca khúc của Trịnh Công Sơn. Cũng là nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo nhận xét: "Dường như anh thẩm thấu Đường thi, nhưng hơi thở thì đã khác. Những câu thơ bảy chữ vào bài hát của anh rất tự nhiên. Nhiều bài thơ (bài hát) đã mở đầu bằng câu thơ bảy chữ thật nhẹ nhàng như chẳng có một cố ý nào...".

Ngoài thơ, Trịnh Công Sơn còn gắn bó với hội hoạ như một cách khác trút bỏ tâm sự ngoài âm nhạc. Theo quan niệm của ông, hội họa và âm nhạc là hai người bạn đồng hành trong nghệ thuật. Trong âm thanh có màu sắc và ngược lại, trong màu sắc có âm thanh. Khi bạn đứng trước một bức tranh hoặc nhiều bức tranh, trong yên lặng, bạn sẽ nghe từ những khối màu, từ những đường nét vang lên một thứ âm thanh mơ hồ nào đó. Trịnh Công Sơn chủ yếu vẽ những người ông gặp, ông yêu mến mà cũng có đôi khi là những cảnh vật mơ màng, lãng mạn. Trong nhiều năm liền, những lúc buồn là Trịnh Công Sơn lại cùng cây cọ và vẽ. Những tác phẩm hội hoạ ông để lại khiến cho nhiều người cảm phục dù với ông: ''Với tôi, đấy chỉ là một cuộc vui chơi và đã xem là cuộc chơi thì tất cả chỉ nhẹ như tơ hồng!''

Thế đấy! người nhạc sĩ đã để lại cho đời - một cuộc chơi làm nên các cuộc chơi khác của ông những giai điệu về thân phận và tâm hồn không ai thay thế được. Cái tên Trịnh Công Sơn đã đi vào âm nhạc Việt Nam, đi vào tâm hồn của hàng ngàn con người Việt da vàng và luôn luôn được trân trọng.

Khi nghe tin ông mất, ca sĩ Khánh Ly đã phát biểu: "Trịnh Công Sơn không của riêng ai. Ông là của tất cả mọi người. Ông yêu dân tộc và quê hương. Việc ông ở lại và nằm xuống trên quê hương là điều đúng. Từ ông, tôi đã thành danh, và quan trọng hơn là thành nhân. Sống cùng với tên tuổi của ông gần 40 năm với những lời ông dặn bảo phải sống giữa đời với một tấm lòng, và sống với người bằng sự tử tế. Ông là một nửa đời sống của tôi".

Mong rằng, sự thanh thản như những gì trong lời ca ông viết là có thực. Lại xin được mượn lời của ông cho phần kết của bài viết này cùng nén nhang tưởng nhớ hương hồn ông: ''Vì có tình yêu nên có âm nhạc. Vì có khổ đau nên có âm nhạc. Có hạnh phúc nên cũng có âm nhạc. Do đó khi tôi viết lên một bài hát ca tụng tình yêu, hạnh phúc hoặc than thở về một nỗi tuyệt vọng nào đó thì hình như tôi đã không mắc phải một lỗi lầm nào cả...".

Tiểu sử:

Trịnh Công Sơn quê làng Minh Hương, tổng Vĩnh Tri, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên.

Ông sinh vào giờ Thìn, ngày 10 tháng Giêng năm Kỷ Mão tức ngày 28/2/1939, tại Đăk Lăk.

Ông mất vào 12:45 trưa ngày 1/4/2001, tại Sài Gòn. Ông an nghỉ tại nghĩa trang Gò Dưa, chùa Quảng Bình, tỉnh Bình Dương bên cạnh mộ của thân mẫu.

Năm 1943 từ Đăk Lăk ông theo gia đình chuyển về Huế. Ông học trường tiểu học Nam Giao (nay là Trường An), vào trường Pellerin, theo học trường Thiên Hựu (Providence). Ông tốt nghiệp tú tài ban Triết tại Chasseloup Laubat, Sài Gòn. Học trường Sư Phạm Quy Nhơn khoá I (1962-1964). Sau khi tốt nghiệp ông lên dạy học và làm Hiệu trưởng một trường Tiểu học ở Bảo Lộc (Lâm Đồng). Sau 1965, ông bỏ hẳn nghề dạy học, về sống và sáng tác tại Sài Gòn.

Sau 1975, ông sống ở Huế một thời gian dài và sau đó vào ở hẳn tại Sài Gòn.

Ngoài Âm nhạc, tác phẩm của ông còn gồm nhiều thể loại thuộc các lãnh vực như: Thơ, Văn và Hội Họa.

Ông tự học nhạc, bắt đầu sáng tác năm 1958 với tác phẩm đầu tay Ướt Mi (Nhà Xuất Bản An Phú in năm 1959). Cho đến nay nhạc sĩ đã sáng tác hơn 600 tác phẩm, có thể được phân loại dưới 3 đề mục lớn: Tình Yêu – Quê Hương – Thân Phận.

Năm 1972, ông đoạt giải thưởng Đĩa Vàng ở Nhật Bản với bài "Ngủ Đi Con" (trong Ca Khúc Da Vàng) qua tiếng hát của ca sĩ Khánh Ly phát hành trên 2 triệu bản.

Giải thưởng cho Bài hát hay nhất trong phim "Tội Lỗi Cuối Cùng".

Giải Nhất của cuộc thi "Những bài hát hay nhất sau 10 năm chiến tranh" với bài "Em Ở Nông Trường, Em Ra Biên Giới".

Giải Nhất cuộc thi "Hai mươi năm sau" với bài "Hai Mươi Mùa Nắng Lạ".

Năm 1997 ông đoạt giải thưởng lớn của Hội Nhạc sĩ cho một chuỗi bài hát: "Xin Trả Nợ Người", "Sóng Về Đâu", "Em Đi Bỏ Lại Con Đường".

Trịnh Công Sơn có tên trong tự điển Bách Khoa Pháp "Encyclopédie de tous les pays du monde" (Coll. Les Millions)...

Các tuyển tập ca khúc nổi tiếng: Ca Khúc Trịnh Công Sơn, Tình Khúc Trịnh Công Sơn, Tuổi Đá Buồn, Khói Trời Mênh Mông, Ca Khúc Da Vàng, Kinh Việt Nam, Ta Phải Thấy Mặt Trời, Phụ Khúc Da Vàng, Như Cánh Vạc Bay, Tự Tình Khúc, Lời Đất Đá Cũ,Thần Thoại Quê Hương Tình Yêu và Thân Phận, Một Cõi Đi Về, Huyền Thoại Mẹ, Cỏ Xót Xa Đưa, Em Còn Nhớ Hay Em Đã Quên, Những Bài Ca Không Năm Tháng.




nguồn: www.hue.vnn.vn
  Trịnh Công Sơn:
> bài hát
> bài viết
> hình ảnh
> phỏng vấn
> bút tích
> dòng thời gian

Những người mến mộ:
> những kỷ niệm
> bài viết
> tưởng niệm
> tin tức
> sách
> lưu bút

Khánh Ly


Phố Xưa


- 20 bài mới nhất



Một hình ảnh ngẫu nhiên:






Gia Sư: Gia Đình + Sinh Viên
 
Address: www.SuuTap.com/TrinhCongSon - Collection: Hoang Truc Ly - Design & script: Sony Ho