tưởng niệm




Trịnh Công Sơn Người Du Ca của Việt Nam

--- Jean Claude Pomonti ---


Trịnh Công Sơn, người ca ngợi hòa bình, kẻ du ca qua các cuộc chiến tranh, họa sĩ và có khi viết bút ký, đã qua đời vì bệnh tiểu đường, chủ nhật ngày 1 tháng 4, năm 2001, tại Saigon, sáu mươi hai tuổi. Lấy cảm hứng sâu đậm từ quê hương, những ca khúc của anh về oan khiên chiến tranh, được ngân nga trong chiến tranh, từ người lính ở hai phía. Và vì các ca khúc bị cấm hát ở niềm Nam cũng như ở miền Bắc, người ta thu băng hàng chục ngàn bản và chuyền tay lén lút trước 1975.

Đầu thập niên 70, các tuyển tập phản chiến đầu tiên – Da vàng (hình ảnh người mẹ cưu mang, quê hương) và Kinh Việt Nam -, tung ra khắp Việt Nam, xứ sở của những con người lãng mạn chờ chực gảy ghita. Trịnh Công Sơn trở thành kẻ du ca của Việt Nam một thi sĩ mang đau thương nhỏ lệ trên “xác nào là em tôi “, “đất nước tan hoang”, hoặc thú nhận “tôi quên hết tiếng người”. Trong cảnh vang dội của chiến tranh, ngỏ lời với những người đồng hương đánh mất phương hướng, anh muốn “đánh thức rung động của tâm hồn Việt Nam, cảnh giác lương tri tuổi trẻ”. Nhà văn Bảo Ninh vốn chiến đấu trong hàng ngũ miền Bắc, sau này bảo thời buổi ấy Sơn là “người phát ngôn ước nguyện của nhân dân”.

Chàng thanh niên tú tài Pháp ấy nói tiếng Pháp lưu loát, ở tại Huế, thành phố quê hương, vào năm 1975. Mãi đến năm 1979 anh mới rời Huế vào với gia đình ở Saigon, nơi anh cư ngụ hàng chục năm trước.

Người nhận định tinh tế về quê hương mình

Nhưng Sơn không phải chỉ là tác giả của khoảng tám trăm ca khúc, thường là u buồn, nhưng có khi đầy hóm hỉnh. Anh còn là một họa sĩ tài năng với những sắc điệu nói lên “niềm vui sống của quê hương” theo lời của anh. Trong phòng vẽ nho nhỏ um khói cuối một ngõ vắng lặng của Sài Gòn xưa, chuyện trò qua lại rộn rã giữa Văn Cao, tác giả quốc ca Việt Nam, các họa sĩ như Nguyễn Trung và Nguyễn Cầm, cô ca sĩ trình diễn nổi tiếng nhất các bài hát của anh và một vài bạn bè đến từ nhiều nơi.

Bởi lẽ Sơn là người nhận định rất tinh tế về quê hương mình, về những ai “quên những thời khắc nguy khốn mà chỉ giữ lại những kỷ niệm đẹp đẽ”. Anh còn nói tiếp: “Nói một cách khác, người Việt Nam không phán xét. Nó hướng lòng mình tới những ai là nạn nhân. Không đứng về phía kẻ mạnh bao giờ”. Hoặc là: “Người Việt Nam cần đứng ở quê hương để vững tin. Không chịu nổi sự mất gốc. Nó mang khối óc đại gia đình, bầy đàn, cộng đồng. Nhưng một khi chắc chân trên quê hương, đứng ở môi trường của mình, giữa đúng luật chơi của mình, nó có thể tiếp nhận mọi thứ. Chúng tôi chuyển biến nhưng không đánh mất bản sắc”.

Mấy năm gần đây, dù sức khỏe thường xuyên sút kém, anh vẫn cảm thấy còn năng lực cho nhiều dự tính. Anh viết nhiều bài hát “không thông dụng”, vẽ và tiếp bạn tại tiệm ăn của em gái ở gần nhà. “Chỉ có điều là hơi già đi thôi”, anh vẫn tin như thế ít lâu trước khi qua đời.

Le Monde, 4/4/2001.



nguồn: Trịnh Công Sơn - Một nhạc sĩ thiên tài
  Trịnh Công Sơn:
> bài hát
> bài viết
> hình ảnh
> phỏng vấn
> bút tích
> dòng thời gian

Những người mến mộ:
> những kỷ niệm
> bài viết
> tưởng niệm
> tin tức
> sách
> lưu bút

Khánh Ly


Phố Xưa


- 20 bài mới nhất



Một hình ảnh ngẫu nhiên:






Gia Sư: Gia Đình + Sinh Viên
 
Address: www.SuuTap.com/TrinhCongSon - Collection: Hoang Truc Ly - Design & script: Sony Ho