tưởng niệm




Trịnh Công Sơn

--- Irina Zisman ---


Các bạn có bao giờ gặp hiện tượng như thế này không? Vẫn là một người đó thôi, nhưng khi mình nhớ lại lịch sử quan hệ với người đó thì hình như ở các giai đoạn khác nhau, họ lại là người khác nhau? Đối với tôi, trường hợp Trịnh Công Sơn chính là như vậy. Lần đầu tiên, tôi mới vào Đài Matxcơva làm việc ở ban Việt Ngữ, từ đâu không biết xuất hiện mấy cuốn băng ghi mấy bài hát Việt Nam. Trước đó chưa bao giờ tôi được nghe loại nhạc như vậy, tôi thích vô cùng, nghe đi, nghe lại không biết chán. Nhất là hai bài Ghế đá công viên “Ghế đá công viên dời ra đường phố… ” và Khi đất nước tôi thanh bình. Song tôi vẫn chưa biết tên tác giả bài hát là ai. Mãi sau này được làm quen Trịnh Công Sơn ở Sài Gòn (lúc đó anh cũng vừa kết thúc một chuyến đi Liên Xô lần đầu tiên, và tôi cũng mới vào Sài Gòn lần đầu) và cả hai chúng tôi rất hào hứng trong việc “khám phá” về đất nước của nhau, về bạn bè, và về… bản thân. Khi đó tôi mới được biết các bài hát mà tôi từng mê kia đều là của anh.

Những bài hát của anh luôn luôn đượm màu chia ly, với hình ảnh những người yêu nhau rồi mất nhau… làm tôi xúc động lạ thường. Còn những buổi trò chuyện với anh thì không thể vượt ra ngoài thế giới khép kín đó, thế giới của sóng biển thì thầm những lời cuối cùng, của những “làn tóc buồn”, những “con đò chở mưa nắng” cũng như tranh Chagall và dòng sông Neva – sau chuyến đi thăm nước Nga của tôi…

Anh ghét nói chuyện chính trị, và tôi cũng không thể nói chuyện về chính trị với anh, cũng như tôi không thể pha mắm tôm vào ly rượu champagne vậy.

Khi tôi về nước chúng tôi tiếp tục viết thư cho nhau, cố khắc phục sự không tự nhiên luôn luôn xuất hiện giữa chúng tôi khi vắng mặt người khác. Có một điều lạ: nói chung tôi rất khó chịu khi phải giao dịch từ ba người trở đi, thường thích nhất là “mặt đối mặt”, mới đặt được dễ dàng sự chân thành cần thiết trong cuộc nói chuyện. Nhưng với Trịnh Công Sơn lại khác. Chính trong vòng bạn bè, chúng tôi mới thấy được đặc biệt tâm đắc. Tôi rất tự hào với thái độ của anh đối với tôi, khi anh giới thiệu và gần như “khoe” tôi với bạn bè, với họ hàng Việt kiều về thăm, với bà mẹ…

Rồi đến lúc anh bị yếu sức khỏe nghiêm trọng và bị nghiêm cấm uống rượu. Không ai tin rằng anh sẽ theo lời cấm đó được, bởi vì khó hình dung anh mà không có ly cô-nhắc hay rượu vang bên tay. Nhưng anh vẫn thực hiện được và rất dễ dàng và bạn bè đều yên tâm. Đương nhiên bước vào giai đoạn này, tính tình anh có phần thay đổi, anh hay cáu và nói chung là khó tính với những điều làm cho anh không vừa ý. Nhưng một điều tuyệt đối không đúng như có người qui cho anh là bế tắc trong sáng tạo.

Tất nhiên, rất dễ dàng đem so sánh những bài hát anh viết ở thời “tứ tuần” với sáng tác thời buổi trẻ đầy hoài bão, nhưng theo tôi so sánh như vậy là một điều vô lý. Tôi biết rằng anh có một nguồn cảm hứng vô tận trong sáng tác – đó là chính bản thân anh, mà không một người nào khác dù đàn bà hay đàn ông có thể mang lại cho anh. Sự hài hòa, mà nói đúng hơn là sự “bất hài hòa” trong tranh vẽ của anh, cũng là một nguồn cung cấp sức sống và sức sáng tạo cho anh. Và tôi cho rằng anh sẽ còn có những bước tiếp có giá trị cả trong nhạc, cả trong hội họa và biết đâu cả trong những lĩnh vực nào nữa. Bởi vì “chất thơ” trong tâm hồn anh không bao giờ cạn.

Cái “kho” trí nhớ của tôi “bảo quản cẩn thận” những hình ảnh quí báu: anh Sơn mặc áo trắng tơ lụa, tay áo dài và rộng, cúc cổ không cài, ngón tay lướt nhẹ trên phím đàn ghita, hát cho tôi nghe từng đoạn các bài hát cũ… Đó là trên lầu nhà anh ở đường Duy Tân (nay là 47C Phạm Ngọc Thạch, quận 3, Saigon), bạn bè ngồi nín thở cùng nghe… Bỗng ngoài đường có tiếng “Bắp! bắp!” của bà bán hàng rong. “Biết bắp không?” – Sơn liền dứt tiếng hát hỏi tôi như vậy. Tôi trả lời: “không biết”, anh lập tức sai mua cho tôi ăn thử. Trời ơi! Tôi đâu có ngờ “bắp” nó chỉ là “ngô”, thứ tôi ghét cay ghét đắng. Nhưng anh thì lấy làm vui thú, “nuôi” tôi từng hạt từ tay anh, như con thú hay trẻ nhỏ ăn.

Tôi nhớ anh lúc vẽ “chân dung” tôi trong studio của họa sĩ Đinh Cường, có mặt cả anh Trịnh Cung và Trần Đình Khôi - bốn người đều vẽ tôi, và cho tới nay tôi vẫn giữ cả bốn bức “chân dung” ấy, và hay lấy ra xem - mỗi người một cách nhìn và… trên bức vẽ của anh, trông tôi đẹp hơn hết.

Tôi nhớ cùng với mấy người thân của anh ở Mỹ về, chúng tôi đi nhảy ở một quán nhảy vui và sang trọng, và khi đó trông anh cũng rất vui và sang.

Tôi nhớ nụ cười lúc nào cũng hiền lành và thân thiết anh thường dành cho tôi… trước bạn bè, và ánh mắt lóe lên sự lạng lùng, mỗi khi ở lại hai người.

Tất cả những cái đó là kỷ niệm yêu quí vô vàn của tôi. Và một điều tôi chắc chắn – như đã nói ở trên – với khả năng tự đổi mới, giống như chim phượng thần thoại, anh mãi mãi là người đầy hứa hẹn, cũng như chính sáng tác của anh.



nguồn: Trịnh Công Sơn - Một nhạc sĩ thiên tài
  Trịnh Công Sơn:
> bài hát
> bài viết
> hình ảnh
> phỏng vấn
> bút tích
> dòng thời gian

Những người mến mộ:
> những kỷ niệm
> bài viết
> tưởng niệm
> tin tức
> sách
> lưu bút

Khánh Ly


Phố Xưa


- 20 bài mới nhất



Một hình ảnh ngẫu nhiên:






Gia Sư: Gia Đình + Sinh Viên
 
Address: www.SuuTap.com/TrinhCongSon - Collection: Hoang Truc Ly - Design & script: Sony Ho