tưởng niệm




Điều Phải Tin Trong Ngày 'Cá Tháng Tư'

--- Nguyễn Thụy Kha ---


Giữa lúc tôi và người bạn gốc Huế là nhà báo Trần Thức ngồi nhâm nhi chia tay đợi chuyến bay chiều trở lại Sài Gòn của Thức và có lẽ giữa những câu chuyện là những ái ngại cho tình trạng sức khoẻ của Trịnh Công Sơn thì chuông điện thoại gọi di động réo lên: Trịnh Công Sơn đã vĩnh biệt cõi đời vào đúng ngày Giáp Ngọ, giờ Canh Ngọ của tháng ba Nhâm Thìn năm 2001 này. Dường như định mệnh của người hát rong tài hoa đã dừng lại ở một ca khúc của anh mà ít người biết đến - ca khúc Ra đồng giữa Ngọ. Thằng bé Sơn của bà mẹ Quảng Bình hiếu thảo đã “bỏ mọi người mà ra đồng giữa ngọ chơi diều một mình”.
Thực ra, vào hồi giữa tháng 7/1997, bệnh tình của Sơn đã rất nguy kịch. Ai cũng nghĩ rằng ngày mở đầu chương trình Thập kỷ tình khúc sẽ là ngày tang lễ của anh. Nhưng tình cảm kì lạ của người thân, của anh em, của người mến mộ đã đưa anh vượt qua bạo bệnh. Cứ nhớ mãi cái nụ cười đầu tiên của anh trên giường bệnh ngày ấy khi qua khỏi mê man.
Thực ra, ngay lúc ấy, chúng tôi đã ngồi với nhau để trân trọng nhìn lại hành trình của anh một lần nữa giữa cuộc đời đầy giông bão của đất nước mình – hành trình của một “kẻ du ca về tình yêu, quê hương và thân phận” đã dội vào sự sống một ấn tượng âm nhạc và thi ca khó phai mờ, bất chấp mọi phủ định cùng tị hiềm. Anh đã từng tâm sự: “Mỗi bài hát của tôi là một lời tỏ tình với cuộc sống, một lời nhắn nhủ thầm kín về những nỗi niềm tuyệt vọng, và cũng là một nỗi long tiếc nuối khôn nguôi đối với buổi chia lìa cùng mặt đất mà tôi đã một thời chia sẻ những buồn vui cùng mọi người”. Đấy là sự chuẩn bị bình thản của một nghệ sĩ đã dâng hiến đủ đầy với sự sống cho một buổi trưa cuối cùng ở đời.
Nhưng thật phi thường, ngay sau khi bình phục, Trịnh Công Sơn lại da diết lên một Tiến thoái lưỡng nan. Bài hát như một cái nhìn mờ ảo về buổi chiều tà của đời người.
Tháng 3/1998, sau ngày vào kỉ niệm 30 năm Sơn Mỹ, tôi tiếp tục vào Sài Gòn và thấy vui khi có cảm giác Sơn đang trẻ lại, đang khao khát một cái gì đó giống như yêu lần đầu. Rồi tháng 10 năm ấy, kỉ niệm 100 năm thành phố Quy Nhơn, anh lại có mặt cùng anh em bên bờ Ghềnh Ráng, vào trường Sư phạm Quy Nhơn nơi anh đã một thời đèn sách và trốn lính. Tiến thoái lưỡng nan cứ như lời di chúc sớm của Trịnh Công Sơn: “Xa xăm tôi ngồi tìm lại tôi...”.
Hồi đầu năm nay, nhân viết một bài về thể loại ballade, tôi gọi máy vào Sài Gòn gặp anh. Giọng Sơn cũng đã yếu. Nhưng khi nghe tôi hỏi rằng anh có đồng ý nếu tôi viết anh là người cuối cùng của thế kỉ XX đã có một ballade cuối cùng mang tên Đoá hoa vô thường, thì đột nhiên giọng Sơn mạnh hẳn lên. Có lẽ giữa những mệt mỏi, anh thấy vui khi bạn bè không lúc nào là không nhớ tới anh, không nghĩ về anh. Tôi cũng không ngờ đó là lần chót tôi được nghe được giọng anh qua điện thoại. Cú ngã đột ngột ở tư gia khiến anh không gượng lại được nữa.
Giữa bao lời nói dối dễ thương của ngày 1/4 hàng năm, điều phải tin trong ngày “cá tháng Tư” này là tin anh qua đời. Có một cái gì thật lạ lùng cứ từ từ trùng xuống như chính lối tiến hành giai điệu quen thuộc của Trịnh Công Sơn. Tôi lấy ra để trước mặt cuốn Ca khúc da vàng đơn sơ tự tay anh chép và chính anh ấn hành mà tôi nhặt được ở Tây Nguyên hồi tháng 3/1975. Những nốt nhạc như chính dấu chân của Sơn in trên các ngả đường đấu tranh của sinh viên, học sinh phản đối chiến tranh thời ấy. Và rồi bất ngờ, dấu chân đó lại đưa ta nhẹ gót đến với tình yêu.
Buổi chiều, Từ Huy nghẹn ngào gọi cho tôi từ Buôn Ma Thuột. Thì ra con chim ưng Trịnh Công Sơn đã “bỏ đường bay” cùng anh em trở về hầu nơi chôn rau cắt rốn ngày xưa, để “ra đồng giữa Ngọ” một mình. Lần này thì anh Sơn nhỉ, chẳng còn là “Thí dụ bây giờ tôi phải đi, tay chia li cùng đời sống” như anh đã viết trong Rơi lệ ru người, mà là sự thật rồi. Một sự thật đau buốt.



nguồn: Trịnh Công Sơn - Một người thơ ca - Một cõi đi về
  Trịnh Công Sơn:
> bài hát
> bài viết
> hình ảnh
> phỏng vấn
> bút tích
> dòng thời gian

Những người mến mộ:
> những kỷ niệm
> bài viết
> tưởng niệm
> tin tức
> sách
> lưu bút

Khánh Ly


Phố Xưa


- 20 bài mới nhất



Một hình ảnh ngẫu nhiên:






Gia Sư: Gia Đình + Sinh Viên
 
Address: www.SuuTap.com/TrinhCongSon - Collection: Hoang Truc Ly - Design & script: Sony Ho