bài viết




Trịnh Công Sơn và Những Phố Xa - Phần 2

--- Ngự Thuyết ---


Văn Cao, nhạc rất hay, nhưng quá ít ỏi, và không hề đề cập đến phố xá, chỉ có lần mô tả ngôi làng cũ trong bài Làng Tôi (Làng tôi xanh bóng tre/Từng tiếng chuông ban chiều/Tiếng chuông nhà thờ ngân... ). Ngay cả Phạm Duy với cả ngàn bài ca đã có mấy bài nhắc nhở đến đô thị. Trái lại TCS là nhạc sĩ đầu tiên nói đến phố phường nhiều nhất. Nếu chuồn chuồn, châu chấu bay lượn, nhảy nhót nơi hoa đồng cỏ nội, nếu loài ếch nhái lặn lội thong dong trong các ao chuôm, đầm lầy, nếu cái cò, cái vạc, cái nông dang rộng đôi cánh trên các thửa ruộng, mảnh vườn nơi thôn dã, thì TCS là con sâu của thành phố, là loài sâu ngủ quên trong tóc chiều. Con sâu đánh kén, làm tổ, con sâu rạo rực muốn biến thành cánh bướm, rồi con sâu cô đơn, con sâu bị hắt hủi, con sâu lạc lỏng, bơ vơ... để sẽ có ngày nó đục khoét cả trái tim của chính mình. Thật khó nói cho hết tâm tư của TCS đối với phố phường.

Xưa, người chinh phụ trong Chinh Phụ Ngâm nhớ chồng, không biết làm gì hơn là lên lầu cao nhìn ra xa tìm bóng dáng của chiếc chiến xa đưa chồng mình ra trận:

Vui có một tấm lòng chẳng dứt
Vốn theo chàng giờ khắc nào nguôi
Lòng theo nhưng chửa thấy người
Lên cao mấy lúc trông vời bánh xe...


Nhìn quanh, trông bến nam, đường bắc, non đông, lũng tây nhưng nào thấy tăm hơi. Ðành phải tìm chàng ở những chốn cũ nơi đôi lứa từng đặt chân đến – tìm trong giấc mơ:

Duy còn hồn mộng được gần
Ðêm đêm thường đến giang tân tìm người
Tìm chàng thuở dương đài lối cũ
Gặp chàng nơi Tương Phố bến xưa...


Trong Truyện Kiều, Kim Trọng, may mắn hơn, có thể trở lại nơi gặp Kiều lần đầu dù không còn tìm được dấu vết gì:

Bâng khuâng nhớ cảnh nhớ người
Nhớ nơi kỳ ngộ vội dời chân đi
Một vùng cỏ mọc xanh rì
Nước ngâm trong vắt thấy gì nữa đâu!
Gió chiều như giục cơn sầu
Vi lô hiu hắt như màu khơi trêu


Người xưa tương tư như thế đó thì nay TCS cũng không khác mấy. Cũng bâng khuâng nhớ cảnh nhớ người, cũng đi tìm những nơi kỳ ngộ. Có khác chăng, thay vì lẩn thẩn đi tìm trong mộng như người chinh phụ, hay đi tới những vùng mới hôm nào cỏ non xanh tận chân trời bây giờ đã ngả qua màu xanh rì, lác đác đám vi lô hiu hắt như chàng Kim, TCS lại một mình qua phố. Ta thử hát lên trong lòng những lời ca của anh thời còn trẻ – phải hát lên, chứ không chỉ đọc ca từ, nhạc và lời quấn quýt nhau. Nếu được, cầm cây saxo lên mà thổi thì khỏi phải hát. Nếu không, hát nhè nhẹ trong cổ họng cho ngực cồn cào lên một chút, cho tim nhói lên từng hồi. Và phải hát một mình trong buổi chiều có một ít nắng và gió. Trước khi hát, một ngụm rượu mạnh nhé:

Chiều một mình qua phố âm thầm nhớ nhớ tên em
Có khi nắng khuya chưa lên mà một loài hoa chợt tím
...
Chiều qua bao nhiêu lần môi cười cho mình còn nhớ nhau
Chiều qua bao nhiêu lần tay rời nghe buồn ghé môi sầu

(Chiều Một Mình Qua Phố)

Nhớ tên em quay quắt, nhớ khiến hai dòng nước mắt của anh muốn trào ra, nhưng cố nén lại, chỉ muốn nhớ âm thầm, chỉ muốn có một cơn gió tình cờ nào nổi lên . Ðể làm gì? Ðể gió tung bụi vào làm cay mắt, để chàng tự đánh lừa mình không quá mềm yếu khóc sướt mướt vì nhớ. Mà nhớ tên em chứ không phải nhớ em! Chàng cả thẹn hay còn có tâm sự u uẩn nào khác:

Chiều một mình qua phố âm thầm nhớ nhớ tên em
Gió ơi gió ơi bay lên - Ðể bụi đường cay lòng mắt

(Chiều Một Mình Qua Phố)

Trong nhạc TCS nếp sống nông nghiệp đã phai mờ lắm rồi. Dường như không còn dấu vết. Sinh hoạt của thị dân, nhịp đập của phố phường, trái tim của Sài Gòn, hiện lên rõ rệt:

Nhớ Sài Gòn mưa rồi chợt nắng
Nhớ phố xưa quen biết tên bàn chân
Nhớ đèn đường từng đêm thao thức
...
Nhớ đường dài qua cầu lại nối
Nhớ những con sông nối bao dòng kinh
Nhớ ngựa thồ ngoại ô xa vắng
Nối xôn xao hàng quán đêm đêm
...
Nhớ bạn bè chào nhau quen tiếng
Phố em qua gạch ngói quen tên
...
Có bóng dừa, có câu hò, có con đò chở mưa nắng đi.

(Em Còn Nhớ Hay Em Ðã Quên)

Và còn nhiều nữa, những góc phố thân yêu, những đường phố cười, những đường rất tình, những đường rất gần ( Có Những Con Ðường), những giây phút thần tiên đã trôi qua bên người mình yêu, những công viên nghe tiếng bước chân người đẹp giẫm trên lối đi, nhìn đôi mắt to ngỡ ngàng - Em qua công viên bước chân âm thầm ... em qua công viên mắt em ngây tròn (Nắng Thủy Tinh). TCS của giai đoạn này còn mang một linh hồn tươi mát, một cung cách rất lãng mạn và trữ tình của tuổi thanh xuân muôn thuở. Nhưng hãy lắng nghe cho kỹ, đằng sau những lời yêu đương ấy hình như còn có thêm những điều gì đó khác hẳn những người đi trước.

Xưa, người chinh phụ nhớ chồng, tìm chồng trong mộng, mong ngày về vinh quang của chồng. Và hết chuyện. Chàng Kim nhớ Kiều, đi tìm nơi gặp gỡ cũ cho đỡ nhớ, nhưng làm như vậy nỗi nhớ càng tăng, nên chỉ còn cách là dọn nhà đến gần nhà Kiều mong có dịp thấy lại giai nhân. Ta phải khâm phục quyết tâm của chàng Kim:

Song hồ nửa khép cánh mây
Tường đông ghé mắt ngày ngày hằng trông
Tấc gang động khóa nguồn phong
Tuyệt mù nào thấy bóng hồng vào ra...


CuốÔi cùng dịp may tất nhiên phải đến, Kim gặp Kiều, thế là tha hồ hẹn biển thề non. Người xưa trắng đen rõ ràng, dứt khoát, giản dị.
Gần chúng ta hơn, Xuân Diệu cũng có khi nhớ người yêu:

Anh một mình nghe tất cả buổi chiều
Vào chầm chậm ở trong hồn hiu quạnh
Anh nhớ tiếng. Anh nhớ hình. Anh nhớ ảnh.
Anh nhớ em, anh nhớ lắm, em ơi! ...


Nhưng lời lẽ trong hai câu dưới “hùng hồn” và “kêu” quá, e gặp phải hiệu quả ngược: hai câu thơ ấy không gợi lên được một cảm xúc nào cảƯ, chữ nghĩa nghe có vẻ hài hước, vừa dóng lên đã chết đứng. Làm hỏng cả đoạn thơ. Lẽ dĩ nhiên Xuân Diệu còn có những bài thơ tình khác hay hơn bài đó, nhưng tựu trung cũng chỉ những chuyện anh anh em em khá hời hợt thế thôi. Thơ tình từ Xuân Diệu đến Thanh Tâm Tuyền (tình cay đắng) hay Nguyên Sa (tình ngọt ngào) chẳng hạn là cả một khoảng cách lớn về thời gian cũng như về giá trị. Tôi không muốn nói người sau tất yếu phải hơn người trước (nỗi nhớ nhung của Kim Trọng, của Thúc Sinh đối với Kiều hẳn là đậm đà, da diết hơn Anh nhớ em, anh nhớ lắm, em ơi dù Nguyễn Du sống trước Xuân Diệu hơn một thế kỷ), nhưng tôi lấy làm lạ mỗi lần nói đến thơ tình, tình yêu nam nữ, người ta có thói quen nhắc đến Xuân Diệu. Thật ra, thơ tiền chiến của Xuân Diệu thành công ở những lãnh vực khác hơn. Sau 1945, Xuân Diệu không còn là nhà thơ nữa.

Trong TCS ngay vào những buổi đầu đời, ta thử lắng nghe cho kỹ như trên đã nói, cùng với điệu nhạc lời ca dìu dặt, khi thì nồng nàn, êm ái, khi thì bâng khuâng, bồi hồi, ta còn mơ hồ cảm thấy những âm vang khác, với một chút thê lương, một chút áo não, và rất nhiều hoang mang, bơ vơ. Xưa không có thế. Phải chăng đó là tiếng buồn của thời đại, ám ảnh của chiến tranh, của chết chóc, nỗi cô đơn, ngắn ngủi, bất hạnh của kiếp người, của thân phận. Chẳng bao lâu sau đó những tiếng buồn không nguôi ấy càng đậm nét dần theo năm tháng.
Hãy để ý đến hai tình huống hoàn toàn tương phản dưới đây giữa hai người yêu nhau. Trong khi nàng:

Em đến bên đời hoa vàng một đoá.
Một thoáng hương bay bên trời phố hạ.
...
Em cười đâu đó trong lòng phố xá đông vui.

thì chàng:
Một cõi bao la ta về ngậm ngùi.
(Hoa Vàng Mấy Ðộ)

Tại sao thế? Tại sao anh phải trở về ngậm ngùi một mình? Tại sao anh không cùng người yêu đến những phố xá đông vui? Tại sao phải tìm về một cõi bao la? Cõi bao la là cõi nào? Cõi chết chăng đã bắt đầu lấp ló ở đầu đường, hay giữa đường, hay ở cuối đường?

Trong một ca khúc khác anh cũng ở lại một mình tưởng tượng ra nơi người yêu sắp đến, và ngồi nghe nghìn giọt lệ rơi xuống:

Nơi em về ngày vui không em
Nơi em về trời xanh không em
Ta nghe nghìn giọt lệ
Rớt xuống thành hồ nước long lanh

(Như Cánh Vạc Bay)

Hình như anh không bao giờ nắm giữ được tình yêu, hình như mỗi lần chia tay với người yêu là mỗi lần vĩnh biệt:

Nắng có còn hờn ghen môi em
Mưa có còn buồn trong mắt trong
Từ lúc đưa em về
Là biết xa nghìn trùng

(Như Cánh Vạc Bay)

Trong Ru Ta Ngậm Ngùi nỗi đau buồn của TCS đã đến mức ngoài sức chịu đựng. Cho nên anh phải sục sạo đi tìm, đi xin. Ai trong chúng ta có thể dửng dưng được khi chứng kiến một người đang cố gắng tìm vui! Mà tìm vui trên đường phố nào? Còn phố nào vui nữa hay không cho chàng được phép tới? Thật là bi thiết, thật là một cố gắng đau đớn và tuyệt vọng:

Có đường phố nào vui
Cho ta qua một ngày.
Có sợi tóc nào bay
Trong trí nhớ nhỏ nhoi.
Không còn không còn ai
Ta trôi trong cuộc đời.
Không chờ không chờ ai.


Có lần TCS đã thảng thốt bộc lộ:

Trên quê hương còn lại
Ta đi qua nửa đời
Chưa thấy được ngày vui

(Những Con Mắt Trần Gian)

Thành phố của TCS, càng lúc càng ảm đạm. Ðó là những thành phố buồn:


Ðường phố buồn một đường phố buồn
Ðường phố buồn mọi người đi vắng
Trong kinh đô tiêu điều dấu ngựa hồng
Ðường im lìm.

(Có Những Con Ðường)

Có khi đó là một thành phố lạ đang thiêm thiếp ngủ :

Một hôm bước qua thành phố lạ
Thành phố đã đi ngủ trưa
...
Nhiều khi bỗng như trẻ nhớ nhà
Từ những phố kia tôi về

(Ðêm Thấy Ta Là Thác Ðổ)

Cũng có hôm anh ghé qua phố hoang tàn mà anh cảm thấy quen thuộc như đã có lần tới. Câu ca khá hàm hỗn. Thế thì thật ra anh đã từng đến phố ấy nên có cảm tưởng quen quen, hay chưa từng đến nhưng đối với anh phố nào thì cũng hoang tàn thế thôi:

Bỗng một hôm qua phố hoang tàn
Tôi quen như tôi đã có lần.

(Gần Như Niềm Tuyệt Vọng)

Con người sầu khổ, cô đơn và bơ vơ ấy lòng ngổn ngang trăm mối, đứng ngồi không yên, không biết đi đâu, về đâu. Về phố xưa nằm xuống tưởng mình đã chết bên cạnh cánh đồng vắng nhé. Ðồng vắng hay bãi tha ma! Hay lên phố cao nguyên ngồi xuống nghe tiếng gà gáy trưa, không còn tiếng người, loài người. Ngồi chán, một mình đứng dậy lầm lũi bước hoài. Hay lần mò đến con phố xa – phố đã biến thành một loài thú, con phố, một lối nói hơi lạ, con phố đã bỏ đi xa - trong đêm khuya đứng ngoài nhìn vào. Hay cứ thử quay về ngồi yên dưới mái nhà:

Về trong phố xưa tôi nằm
Có lần nghe tiếng ru bên vườn
Chợt như xác thân không còn
Và cạnh tôi là đồng vắng
Về trên phố cao nguyên ngồi
Tiếng gà trưa gáy khan bên đồi
Chợt như phố kia không người
Còn lại tôi bước hoài
...
Nhiều khi đứng riêng ngoài
Nhiều đêm muốn đi về con phố xa
Nhiều đêm muốn quay về ngồi yên dưới mái nhà.

(Lời Thiên Thu Gọi)

Phố phường không còn là nơi trú ẩn, không còn là chốn về ấm cúng, dù loài người có còn đó đi nữa. Không, chỉ còn những mặt người thôi, chứ không phải con người, làm cho phố hoang mang. Mà sao lại mặt người? Hai tiếng đó có thể gây liên tưởng đến thành ngữ “mặt người dạ thú” hay không:

Có nỗi bùi ngùi bay đi thầm lặng
Có những mặt người giữa phố hoang mang.

(Bay Ði Thầm Lặng)

Thì về đâu?
Không lẽ về bên núi nghe đá ngậm ngùi!
Cuồng phong cánh mỏi
Về bên núi đợi
Ngậm ngùi ôi đá cũng thương thay.

(Chiếc Lá Thu Phai)

Không lẽ về cõi chiêm bao, cồn bãi hoang vu!

Anh đi đâu về đâu?
Về cõi chiêm bao
Lìa những cơn đau
...
Anh đi đâu về đâu?
Ngọn gió hư hao thổi suốt đêm thâu
Ðời sẽ lênh đênh nơi nao
Cồn bãi hoang vu bạc đầu

(Có Một Ngày Như Thế)

Thế nhưng cũng có lần bàn chân, chứ không phải chính bản thân con người lạc lõng ấy, theo quán tính, mang thân xác anh đi trở lại phố phường. Anh thấy phố xa lạ nhiều, thấy người ta như sóng lao xao trên biển rộng mà mình chỉ đứng trên bờ trông ngóng:

Mười năm sau áo bay đường chiều
Bàn chân trong phố xa lạ nhiều
...
Có lần bàn chân qua phố
Thấy người sóng lao xao bờ tôi.

(Có Một Dòng Sông Ðã Qua Ðời)

Phố phường thân yêu thuở nào, những bạn bè chào nhau quen tiếng, phố em qua gạch ngói quen tên, những phố xưa quen biết tên bàn chân, có mặt đường vàng hoa như gấm, có không gian màu áo bay lên, có em đi tà áo phiêu bồng, có những hàng quán xôn xao, có món ăn quen, có ly chè thơm, có én nô đùa, có đèn đêm thao thức ... nghĩa là có biết bao nhiêu là “phẩm vật của trần gian”, rốt cuộc đã trở thành phố lạ, phố xa, phố hoang tàn, phố hoang mang. Con sâu của thành phố biết đi về đâu? Ðó là tấn bi kịch của Trịnh Công Sơn, của một kiếp sống lưu đày ngay trên quê hương của mình.



nguồn: www.dactrung.com
  Trịnh Công Sơn:
> bài hát
> bài viết
> hình ảnh
> phỏng vấn
> bút tích
> dòng thời gian

Những người mến mộ:
> những kỷ niệm
> bài viết
> tưởng niệm
> tin tức
> sách
> lưu bút

Khánh Ly


Phố Xưa


- 20 bài mới nhất



Một hình ảnh ngẫu nhiên:






Gia Sư: Gia Đình + Sinh Viên
 
Address: www.SuuTap.com/TrinhCongSon - Collection: Hoang Truc Ly - Design & script: Sony Ho