tưởng niệm




Cuộc thi viết tưởng niệm 8 năm ngày mất nhạc sĩ Trịnh Công Sơn - Phần 3

--- Nhiều tác giả ---


YNT25 NHỮNG KHUÔN MẶT TRỊNH - nguoikinhbacyeumuathu

Trông Trịnh lúc nào cũng gày gò, đôi kính cận to, trắng che kín 2 tròng mắt, khuôn mặt thư sinh, rất hiền, rất mong manh, rất Huế. Nhưng lấp loá phía sau đôi kính trắng ngỡ vô ưu kia là cả thế giới ưu tư, phiền muộn, nhọc nhằn, trăn trở của những kiếp nhân sinh. Khuôn mặt Trịnh chứa đầy sự khắc khổ, không thấy sự sung sướng hiển hiện, không thấy sự bình yên, có cảm giác Trịnh đã nhận về mình hết cả những âu lo của kiếp người.

Tôi thấy trên khuôn mặt Trịnh có khuôn mặt của những người chết. Đó là cái chết của đồng loại, cái chết của người thân, mùi thuốc súng, mùi bom đạn, trực thăng, mùi bom napan cháy khét lẹt, mùi thịt người cháy, mùi của những cánh đồng chết.
Những cánh đồng đầy xác người. Và Trịnh đang hát trên những cánh đồng ấy. Hát trên những xác người. Những tiếng bi phẫn, ai oán, đau đớn, nhức nhối. Ta tìm thấy nhiều hình ảnh này trong những ca khúc phản chiến của Trịnh.

Tôi thấy trên khuôn mặt Trinh có khuôn mặt của người đang cố níu kéo cuộc sống, cố gắng gượng dậy, cố lấy lại niềm tin, sự thăng bằng trong cuộc sống sau cú vấp ngã, sau nỗi tuyệt vọng tận cùng.
Đừng tuyệt vọng tôi ơi đừng tuyệt vọng
Nắng vàng phai như một nỗi đời riêng
.......................................................................
Em hồn nhiên rồi em sẽ bình minh

Có cảm giác Trịnh đang tự ru mình, tự an ủi, vỗ về mình và ta.

Tôi thấy trên khuôn mặt Trịnh có khuôn mặt của người khách giang hồ, cô đơn, lấy chim muông, cây cỏ thiên nhiên làm bạn, bỏ quên nhân gian thế sự xoay vần, nhưng vẫn nặng lòng hoài về quá khứ, về những gì xưa cũ. Trong "Phôi pha" hay "Dấu chân địa đàng", "Một cõi đi về"...

Tôi thấy trên khuôn mặt Trịnh có khuôn mặt của người không được viên mãn trong Tình yêu, hạnh phúc. Khi một người tình bỏ ta đi trái tim ta đã chết một nửa, nhưng Trịnh thì nhiều hơn thế, trái tim Trịnh đã bị tổn thương nhiều, u sầu nhiều.

Tình yêu mật ngọt mật ngọt trên môi
Tình yêu mật đắng mật đắng trong đời
......................................................................
Môi nào hãy còn thơm cho ta phơi cuộc tình

Nhưng mọi chuyện tình ở đời đều là do duyên phận, ta chỉ thấy Trịnh buồn mà tuyệt nhiên không thấy Trịnh trách cứ ai. Để rồi đọng lại chỉ còn là những kỷ niệm, những hồi ức, những sự dang dở, lỡ làng, những hạnh phúc không hình hài.

Tôi thấy trên khuôn mặt Trịnh có khuôn mặt của những người con gái tinh khôi như ban mai buổi sáng, dịu dàng như tà áo tím Huế, thánh thiện như Đức Mẹ Maria, trinh nguyên như thiếu nữ đồng trinh. Trong "Nắng thuỷ tinh" hay trong "Hạ trắng",...

Màu nắng hay là màu mắt em
Mùa thu mưa bay cho tay mềm
Chiều nghiêng nghiêng bóng nắng qua thềm

Có cảm giác Trịnh thần thánh hoá những người con gái ấy, không bao giờ dám động vào, sợ sẽ tan ra như bong bóng nước. Trịnh như một chú bé mới lớn nhìn người con gái như một tấm gương trong, không dám để bụi dính vào. Nhưng lại có cảm giác Trịnh cũng yếu mềm, dễ vỡ như một người con gái quá nhạy cảm.

Tôi thấy trên khuôn mặt Trịnh có một khuôn mặt bình thản của một người sắp đối diện cái chết, coi cái chết chỉ là sự lãng du, trần gian là cõi tạm. Theo Trịnh, chết không phải là hết mà là chết để trở về cõi vĩnh hằng, trở về với thế giới mà mình tồn tại vĩnh viễn, xa rời sự mệt mỏi, muộn phiền của kiếp con người.

Hạt bụi nào hoá kiếp thân tôi
Để một mai tôi về làm cát bụi

Tôi thấy trên khuôn mặt Trịnh có khuôn mặt của bà mẹ Việt Nam da vàng nhiều mất mát, bị ám ảnh, tủi cực, đau khổ nhiều trong chiến tranh nên mẹ mong con được sống an lành, không còn tiếng súng.
Gia tài của mẹ,là nước Việt buồn
Gia tài của mẹ, một núi đầy mồ

Mẹ mong cho con không "nước mắt nhọc nhằn xót xa đời mình" như mẹ.
Mẹ dạy cho con tiếng nói quê hương
..............................................................
Dạy cho con tiếng nói thật thà
Mẹ mong con chớ quên màu da
Con chớ quên màu da, nước Việt xưa
Mẹ mong trông con mau bước về nhà
Mẹ mong con quên hận thù.

Lòng mẹ Việt Nam thật rộng lượng, bao la, con miền nào cũng là con, mẹ thương những đứa con Việt Nam "Tuổi còn bơ vơ thế giới hằn thù chiến tranh ngục tù".

Nhưng thật lạ lùng trên những khuôn mặt sầu ca những kiếp người Trịnh lại có khuôn mặt của một em bé, hồn nhiên, yêu đời, vừa đi vừa hát yêu cuộc sống, thánh thót như chim sơn ca trong "Em là bông hồng nhỏ".
Em sẽ là mùa xuân của mẹ
Em sẽ là màu nắng của cha
Em đến trường học bao điều lạ
Môi hé cười là những nụ hoa

Còn nhiều, rất nhiều khuôn mặt Trịnh nữa mà do hữu hạn của bản thân tôi không thể kể ra hết được.

YNT26 KHÚC TIẾU NGẠO GIANG HỒ CỦA TRỊNH CÔNG SƠN - Phúc Sơn

Nhiều lúc tôi cứ vu vơ tự hỏi tại sao tôi thích nhạc Trịnh Công Sơn? Hỏi cũng có đợi câu trả lời đâu, mà có ai tìm thấy câu trả lời? Ai dại gì mà cắt nghĩa tình yêu?
Chỉ xét trên phương diện cơ bản nhất mang tính triết học, đó là ca từ và âm nhạc, hai yếu tố cấu thành ca khúc. Ca từ Trịnh Công Sơn chứa đựng những triết lý rất đời, rất người, nó bàng bạc giữa chốn nhân gian, gần lắm mà ta không thể nắm bắt được. Sơn luôn ngự trị trong chúng ta mà ta lại không thể tới với ông: một con người rất NGƯỜI nhưng đầy vẻ bí ẩn, siêu hình. Về mặt âm nhạc, những giai điệu của Sơn giản dị, gần như đó là tiếng nói phát ra từ nơi thẳm sâu của trái tim giàu lòng vị tha và nhân hậu. Nghe tiếng saxophone, ta như được rót vào tai những nỗi tâm tình của người thương: gần lắm, yêu lắm, đời nữa.
Nhưng nếu chỉ đọc ca từ của Sơn như đọc thơ và nghe âm nhạc qua tiếng kèn hay guitar, e rằng chúng ta đã vô tình đánh rơi một nửa sức hấp dẫn của nhạc Trịnh. “Song kiếm hợp bích” mới có thể làm tan chảy mọi trái tim để hàn gắn những vết thương trong lòng người. Âm nhạc nâng đỡ ca từ, ca từ tôn vinh âm nhạc. Hai yếu tố đó như tình yêu chân thành từ trái tim người nghệ sỹ dâng cho người và để sống với đời. Ca từ đẹp, âm nhạc hay nhưng chúng không thể tách rời nhau mà thống nhất trong bản thể: CON NGƯỜI THƠ CA Trịnh Công Sơn.

YNT27 CHỊ CÓ CÒN HÁT NHỮNG BÔNG HOA MÙA TRỊNH? - Hoa Hoa

Lần đầu tiên tôi biết và yêu quý chị cũng bởi dòng viết: Cho một mùa thứ năm. Đó là những tâm sự và cảm hoài chị dành cho Trịnh, cho những tháng ngày mông mênh, xa xôi buồn và vu vơ nhớ. Để rồi sau này tôi cứ gọi mùa thứ năm ấy của chị là Mùa Trịnh.

Tôi không biết mình yêu Trịnh như thế nào. Chẳng thuộc trọn vẹn một bài ca, chẳng hát triền miên những phiên khúc, chỉ thỉnh thoảng lang thang phố một mình, lòng nhẹ tênh, trong tôi lại bâng quơ đôi câu chữ thật dịu dàng: Tôi nhặt gió trời mời em giữ lấy/Để mắt em cười tựa lá bay.

Mùa Trịnh khiến tôi nghĩ đến phút ngắn ngủi giữa cuộc bền lâu, sự úa màu mà hồn nhiên thanh sắc, nỗi xa xôi chứa niềm gụi gần, trong âm thầm vẫn nghe cõi đời ngân…Mùa Trịnh của chị, của tôi là một ngọn gió trời, một làn hương đêm, một khăn thêu mới, một đuôi nắng qua đèo, một dòng sông hấp hối…Nho nhỏ và giản dị!

Tôi không gần Trịnh như chị, không đội mây trên đầu và cõng nắng trên vai. Lâu rồi, tôi cũng chẳng nghe được tin nào về người con gái ấy - người không nỡ hái những bông hoa ven đồi mà cứ để chúng tự do đùa chơi, tự do ca hát.

Bất chợt tôi muốn hỏi một câu, một câu thôi: Chị vẫn còn hát những bông hoa mùa Trịnh?

YNT28 HÃY ĐỂ GIÓ CUỐN ĐI - Thanh Khê

Sống trong đời sống cần có một tấm lòng
Để làm gì em biết không?
Để gió cuốn đi
Để gió cuốn đi…
Giai điệu có sức cuốn hút kỳ lạ và ca từ đầy hàm ý. Cần một tấm lòng để yêu, để thương, để cảm thông và chia sẻ. Chắc chắn thế rồi, hiển nhiên quá rồi. Nhưng tại sao lại cần một tấm lòng để cho gió cuốn đi và gió sẽ cuốn đi tới đâu? Ẩn sau những ca từ không hề hoa mỹ, người nhạc sĩ kỳ tài muốn nói gì với nhân gian? Không biết bao lần tôi tự hỏi nhưng câu trả lời dường như còn xa lắc!
Thật bất ngờ, trong một buổi chiều lộng gió, giữa muôn vội vã đời thường, trước những bon chen xô bồ của một xã hội thực dụng, giai điệu quen thuộc ngân lên chợt làm tôi bừng tỉnh: tấm lòng ta hướng tới đâu thì gió sẽ cuốn đi tới đó. Giản dị biết bao mà sâu sắc vô cùng !
Những tấm lòng người yêu nhạc giờ đây đang hướng tới ngày đầu tiên của tháng 4, để lại được ngồi cùng nhau và cùng được ngọn gió đam mê tràn đầy tình yêu cuộc sống trong âm nhạc của Trịnh Công Sơn làm dịu mát tâm hồn. Ngọn gió lãng du ấy cũng chính là tâm hồn và cuộc đời người nhạc sĩ đã, đang và sẽ mãi cuốn những tấm lòng bay xa, tới tận chân trời Chân Thiện Mỹ.

YNT29 BÀI DỰ THI 1 - Triart

Từ cảm xúc khi nghe nhạc phẩm "Một cõi đi về"
cho ra sáng tác cụm tượng "Một cõi đi về" [theo cãm nhận riêng]

MỘT CÕI ĐI VỀ...Một tác phẩm âm nhạc của cố NS TCS mà ngay lần đầu được thưởng thức đã khiến tâm tư tôi xáo động mảnh liệt ,nổi xúc cảm đó như chất xúc tác cho tôi chuyễn thể tính tư tưởng ,tư duy của Nhạc phẩm ra cụm tượng MCĐV theo cảm nhận riêng :
MỘT CÕI ĐI VỀ ,về ĐI,về VỀ,mà cõi nào,mà ở đâu ra để ĐI ,mà chốn nào dung để VỀ !
Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt...để rồi khi mỏi,khi mệt thì kìa,RỌI SUỐT TRĂM NĂM cho chổ phải về,VỀ ,nhưng VỀ đâu ?"Chốn Thiên đường hay cõi Địa ngục / Cảnh Bồng lai hay chổ U,sầu "! mà cái rọi suốt như ánh hào quang, hay ánh sáng loá loè của lưởi gươm thần chết của Ông Thiện,Ông Ác trên đôi vai ta ,hay nợ sinh thành một gánh hai bên,mà ta đã trả công dưỡng dục,công sinh thành chưa !
Lại còn bảy cục đá thế ? có phải chăng là lời PHẬT dạy: Thất tính phàm bỏ bớt đi con [Hỷ,nộ,ái,ố,tham,sân,si ] hay kẻ phảm trần đa mang nhiều nên ...từng người tình bỏ ta đi ...để rồi nhìn lại mình ..đời thấy rong rêu...!

YNT30 BÀI DỰ THI 2 - Triart

Chân dung Cố NS TCS đã được rất nhiều hoạ sĩ vẻ,và tôi xin được góp thêm một cái nhìn về Ông qua sáng tác " CÕI ĐI- VỀ" [ lúc sống và đã mất ]

...Khi sáng tác bức chân dung này ,tôi đả cãm nhận cả cuộc đời Ông ở hai khía cạnh : sự nghiệp Âm nhạc và tình cảm riêng tư theo cãm nhận cá nhân
Bức chân dung Ông có hai mãng màu trắng và đen chủ đạo,
Mãng màu trắng =lúc còn sống ,tài năng âm nhạc của Ông như một cây đại thụ ,và miệng Ông như mĩm cười hài lòng qua các sáng tác âm nhạc,nhưng con mắt như có một nổi niềm ,như khắc khoải,như mêng mang với những cuộc tình không kết thúc trọn vẹn ...
Mãng màu đen = lúc đã về cõi vĩnh hằng ,một màu đen huyền bí,mêng mông ! điểm xuyến bằng hai nhánh cây gấp khúc,uốn lượn như những người tình đến rồi đi ! để rồi khi Ông mất chỉ là những lời thương tiếc ....đi vào cõi hư vô

YNT31 TRỊNH ĐI BỎ LẠI CON ĐƯỜNG - Võ Thị Hà

“Đóa vô thường còn gửi lại trần gian
Anh làm con chim ngậm hạt sương bay đi mất”
Dẫm trên điêu linh hè phố, trên ứa xanh muộn sầu hoa cỏ, trên nguyên khôi hài xanh du dương, Trịnh về với khổ ải lòng mình, du ca giữa mêng mang lòng mình. Cảm thức ngược đêm, cảm thức bản ngã đau đáu khôn nguôi.
Nắm lấy hơi thở non yếu cô độc, Trịnh đi ngang dòng thương nhớ, khóc cho một dòng sông đã qua đời, khóc cho một tình yêu đã mất. Nước mắt Trịnh rơi trên những phím thủy cầm, khi “giật mình nhìn tôi ngồi khóc bao giờ”, khi “xin úp mặt bùi ngùi”, khi “gió ơi gió bay lên để bụi đường cay lòng mắt”… Trịnh đa tình mà vẫn duy tình, cô độc giữa niềm vui, hạnh phúc trong khổ ải, tình cảm trong lý trí, duy tâm trong duy vật…Và, Trịnh dịu dàng với tất thảy cuộc đời, với tất thảy buồn vui trần ai.
Con người phong trần tài hoa ấy, biết sống và biết cho đi, dẫu muộn phiền in hằn trên từng năm tháng tha hương, dẫu nỗi đau quá khứ dày vò, dẫu lòng đó đã “đôi lần khép cửa”.
“Hãy yêu khi đời mang đến, một nhành hoa, giữa tâm hồn”, dung dị vậy thôi, và Trịnh đi “dù thật lệ rơi, lòng không buồn mấy”, bởi, những gì muốn cho đi, Trịnh đã không giữ lại, Một con người phóng khoáng vô ngần.
Trịnh đi bỏ lại con đường, bỏ lại những cánh hoa bay, bỏ phố ngoài kia đang rêu…

YNT32 CHIỀU MỘT MÌNH QUA PHỐ - Võ Thị Hà

- Từ những nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn -

Chiều một mình qua phố
Khóc dòng sông qua đời
Phúc âm buồn du mục
Ơi giọt lệ thiên thu

Còn tuổi nào cho em
Ru tình lời buồn thánh
Rồi như đá ngây ngô
Cõi đi về hạ trắng

Diễm xưa thành cát bụi
Tình như tiếng thở dài
Đêm mơ thành thác đổ
Tàn cỏ xót xa đưa

Ngày ra đồng giữa ngọ
Còn tuổi nào cho em
Tình sầu giờ ở trọ
Những tưởng rằng đã quên

Có một ngày như thế
Cài đóa hoa vô thường
Chìm dưới cơn mưa ấy
Em bỏ lại con đường

1. Giải đặc biệt - BGK bình chọn: tác phẩm Những khuôn mặt Trịnh (Nguoikinhbacyeumuathu)

2. Giải đặc biệt - do độc giả bình chọn: tác phẩm Trịnh khúc và tôi (Vũ Nhật Tuấn)

3. Giải đồng hạng
- Tác phẩm Cõi đá Trịnh (Tạ Hòa Phương)
- Tác phẩm Tôi và Trịnh (Đậu Thị Dung)
- Tác phẩm Đà Lạt nhớ Trịnh Công Sơn (Trần Thanh Hùng)

4. Ngoài 5 giải do Ban tổ chức trao tặng, có một giải riêng được nhà thơ Anh Ngọc dành tặng cho bài viết Hai lần bị đánh vì hát nhạc Trịnh (Lê Minh Hoàng).

Các tác giả được nhận giải sẽ được mời đến tham dự Lễ trao giải tại đêm nhạc " Cánh chim cô đơn " được tổ chức vào ngày 03/04/2009. Kính mong tác giả nguoikinhbacyeumuathu liên lạc ngay với Ban tổ chức để nhận vé mời.




nguồn: ttvnol.com
  Trịnh Công Sơn:
> bài hát
> bài viết
> hình ảnh
> phỏng vấn
> bút tích
> dòng thời gian

Những người mến mộ:
> những kỷ niệm
> bài viết
> tưởng niệm
> tin tức
> sách
> lưu bút

Khánh Ly


Phố Xưa


- 20 bài mới nhất



Một hình ảnh ngẫu nhiên:






Gia Sư: Gia Đình + Sinh Viên
 
Address: www.SuuTap.com/TrinhCongSon - Collection: Hoang Truc Ly - Design & script: Sony Ho