tin tức




10 năm quán nhạc Trịnh

--- Vương Tâm ---


Theo thông lệ hằng năm, Hội quán Hội ngộ Trịnh Công Sơn tổ chức cuộc thi "Giọng hát hay qua ca khúc Trịnh Công Sơn". Cuộc thi năm nay kéo dài từ 6/10 đến 6/12/2009, được nhiều người tham gia, bởi lẽ họ đến đây không chỉ hát mà còn là một dịp bày tỏ những nỗi niềm tâm cảm với cuộc sống, đúng như Trịnh Công Sơn đã tâm sự trong một bài hát "Sống trong đời sống cần có một tấm lòng".

Đây là cuộc thi lần thứ 6, nhằm phát hiện những giọng ca mới của TP. HCM, với sự tài trợ của gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và bạn hữu. Ban giám khảo - ngoài các ca sĩ chuyên hát nhạc Trịnh như Lan Ngọc, Mỹ Hạnh - còn có sự tham gia của ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh, em gái cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cùng một số nhà chuyên môn danh tiếng khác.

Vậy là đã mười năm trôi qua, với bao kỷ niệm cùng "Hội quán hội ngộ" (nay đã thành "Nhà lưu niệm Trịnh Công Sơn), hàng chục ngàn người yêu nhạc Trịnh đã đến đây lắng nghe những giai điệu về thân phận con người, khắc khoải bao nỗi niềm của tâm hồn Trịnh.

Hội quán Hội ngộ đặt tại làng Du lịch Bình Quới, quận Bình Thạnh, đã được chính nhạc sĩ Trịnh Công Sơn chọn từ năm 1999 và là nơi họp mặt thường xuyên của giới nhạc sĩ, ca sĩ, họa sĩ và những người yêu âm nhạc, hội họa. Đến nay, Hội quán có tới hơn 600 hội viên, bao gồm những người yêu nhạc Trịnh và có tấm lòng thể hiện sự tri ân với người nhạc sĩ tài hoa đã để lại cho đời những tác phẩm âm nhạc bất hủ.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã nguyện mình là kẻ hát rong, thì đâu còn chốn riêng tư cho mình. Nay đây mai đó, ở trọ với đời và mỗi ngày ông chọn một niềm vui. Hẳn thế, người đời đã hát của ông:

Tôi nay ở trọ trần gian
Trăm năm về chốn xa xăm cuối trời... Trịnh Công Sơn


Chính những nỗi đam mê trong tình yêu của Trịnh Công Sơn đã tạo nên những mỹ cảm trác tuyệt. Dù là "Mỗi ngày, tôi chọn một niềm vui", dù là "Biển nhớ" hay "Cỏ xót xa đưa"... tất cả đều trở về với "quán trọ tình yêu" trong ông. Những nỗi buồn trong con tim ông đã đập theo một nhịp điệu khác lạ, nó lung linh hơi thở của nắng, nó reo vui theo khúc ca của biển cả, nó lắng đọng theo cánh diều tuổi thơ và nỗi buồn ấy đã trở thành một thánh đường ca tụng tình yêu.

Lại nhớ những ngày Trịnh Công Sơn ôm cây ghi ta cùng hơn 5.000 sinh viên ca vang "Nối vòng tay lớn" đón chào sự kiện giải phóng Sài Gòn. Hình ảnh ấy đã giải thích vì sao có một Trịnh Công Sơn tài hoa, một công dân Trịnh Công Sơn chân chính qua những ca khúc về tình yêu cuộc sống vĩnh cửu: "Giọt nước mắt cho quê hương", "Gia tài của mẹ", "Người già và em bé", "Huế - Sài Gòn - Hà Nội", "Biết đâu nguồn cội", "Nối vòng tay lớn", "Ca dao mẹ"... Sự ám ảnh của niềm yêu thương lãng mạn còn được người nhạc sĩ tài hoa thể hiện qua các ca khúc có sức sống vượt thời gian như: "Hạ trắng", "Lời buồn thánh", "Nắng thủy tinh", "Diễm xưa", "Một cõi đi về", "Dấu chân địa đàng"...

Tình yêu của người đời ở các "quán trọ trần gian" đối với Trịnh Công Sơn thật cũng vô bờ bến. Ngoài kỷ lục 2 triệu đĩa năm 1972 phát hành tại Nhật thì tính cho đến nay, ông cũng là nhạc sĩ giữ kỷ lục được nhiều khán giả yêu thích.

Kể từ ngày 1/4/2001, ngày nhạc sĩ Trịnh Công Sơn về với cát bụi đến nay Hội quán Hội ngộ Trịnh Công Sơn đã tổ chức tới 40 chương trình nhạc Trịnh, với các chủ đề như "Nối vòng tay lớn", "Vết lăn trầm", "Diễm xưa", "Tuổi đời mênh mông", "Hãy yêu nhau đi", "Người về bỗng nhớ"...

Đặc biệt, nhiều đêm thu hút tới năm, sáu ngàn người đến nghe. Cùng với các đêm hoạt động âm nhạc tưởng nhớ Trịnh Công Sơn, nơi đây còn thực hiện nhiều chương trình của các nhạc sĩ: Phan Huỳnh Điểu, Bảo Phúc, Trần Mạnh Tuấn, Đỗ Lộc...

Đáng chú ý là toàn bộ hội viên và người yêu nhạc Trịnh đến đây đều không phải mua vé. Điều này đã có sức thu hút ngày càng đông người nghe và tạo điều kiện cho những ca sĩ chuyên hoặc không chuyên có thể đóng góp xây dựng các chương trình nhạc Trịnh ngày một chất lượng cao hơn.

Nhà thơ Đỗ Trung Quân, người rất có duyên khi dẫn chương trình các đêm nhạc Trịnh Công Sơn, đã tâm sự: "Những đêm nhạc Trịnh tại Hội quán Hội ngộ thực sự được anh em chúng tôi dành nhiều tình cảm, tâm huyết để xây dựng chương trình. Các ca sĩ cũng không lấy cátsê và hát hết mình cho những ca khúc Trịnh Công Sơn, nên chương trình được công chúng rất mến mộ".

Người xem vẫn còn nhớ, trong đêm nhạc Trịnh, mỗi người nghe theo cách riêng của mình. Người thì thắp nến, người lại ngồi nhắm mắt trên thảm cỏ, hoặc có người nhẩm hát theo từng lời bài hát một cách nhỏ nhẹ, da diết... Đặc biệt, có những người làm chương trình đã bỏ tiền túi ra thuê dàn âm thanh, ánh sáng với chất lượng cao, sao cho giọng hát và kỹ thuật biểu diễn của ca sĩ truyền cảm nhất với người nghe.

Riêng chương trình tưởng niệm nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ngày 2/4/2009, với chủ đề "Rừng xưa đã khép" để kỷ niệm 8 năm ngày giỗ của nhạc sĩ, nhà tổ chức đã hướng khán giả nghiêng về phần nghe nhiều hơn phần nhìn. Tuy chương trình có vẻ mộc nhưng lại độc đáo và có sức truyền cảm sâu sắc.

Người nghe chìm đắm trong từng ca từ, từng nốt nhạc. Họ ngồi bên nhau, lắng nghe nhau, những nhịp đập của con tim, như một sự sẻ chia trong tâm cảm muôn nỗi cùng cõi thiền của Trịnh Công Sơn. Đúng với nghĩa tâm linh mà chính nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã tự nhận mình chỉ là người hát rong đi qua miền đất này để hát lên những linh cảm của mình về sự sống và tình yêu.

Và rồi một ngày nào đó, mệt mỏi và có những nỗi niềm cần chia sẻ, bạn đến đây, với Nhà lưu niệm Trịnh Công Sơn, bao giờ bạn cũng được nghe một bản nhạc ru chậm rãi vang lên, vỗ về an ủi bạn. Bởi nhạc của Trịnh Công Sơn như một con đò chuyên chở nắng mưa, hoa quả, buồn vui... đúng như ông tâm sự, từ bến bờ này đến bến bờ khác, từ người này đến người khác, chia sẻ mọi cung bậc tình yêu...

Ở đây, nhiều bạn hữu của ông đã trao tặng khá nhiều kỷ vật gắn bó với sự nghiệp 45 năm hoạt động âm nhạc của Trịnh Công Sơn. Ngoài những pho tượng chân dung và các bức ảnh ghi lại những thời kỳ hoạt động đặc biệt của nhạc sĩ, nhà lưu niệm còn lưu trữ số lượng tư liệu lớn và hàng chục loại ấn phẩm CD, VCD, DVD với nhiều giọng hát, qua nhiều giai đoạn khác nhau khi trình bày ca khúc của Trịnh Công Sơn.

Đáng chú ý có cuốn sách của nhà xuất bản Văn nghệ TP. HCM phát hành tháng 11 năm 2001, đã lưu lại những tình cảm xúc động, thương mến và kính trọng của gia đình, bạn bè, khán giả đối với người nhạc sĩ mà họ mến mộ đã sớm rũ bụi đường dài, về cõi hư vô. Sách có chương "Suy tưởng" độc đáo và những bút tích thơ, họa của Trịnh Công Sơn.

Những tâm sự chân tình của ông làm xúc động trái tim hàng triệu người đọc: "Nhìn lại quãng đường mình đã đi, tôi cảm thấy không có gì phải ân hận. Tôi vẫn là đứa trẻ thơ trong nghệ thuật, lòng còn tràn đầy cảm hứng. Tôi vẫn còn ham mê học hỏi quanh mình và còn đủ hào hứng mở ra những cuộc đối thoại, độc thoại với cây cỏ thiên nhiên, với con người.



nguồn: tcs-home.org
  Trịnh Công Sơn:
> bài hát
> bài viết
> hình ảnh
> phỏng vấn
> bút tích
> dòng thời gian

Những người mến mộ:
> những kỷ niệm
> bài viết
> tưởng niệm
> tin tức
> sách
> lưu bút

Khánh Ly


Phố Xưa


- 20 bài mới nhất



Một hình ảnh ngẫu nhiên:






Gia Sư: Gia Đình + Sinh Viên
 
Address: www.SuuTap.com/TrinhCongSon - Collection: Hoang Truc Ly - Design & script: Sony Ho