bài viết




Ảo Giác Trịnh Công Sơn - Phần 3b

--- Lê Hữu ---


Sống và chết :

"Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ" (Mưa Hồng), nghe Ngọc Lan, cô ca sĩ thanh sắc vẹn toàn mà mệnh bạc, hát những lời ấy mới thấy đời sống quả là ngắn ngủi, mới thấy cần phải gấp rút "yêu nhau đi chiều hôm tối rồi" chứ chẳng nên hờ hững với cuộc đời.

Tình yêu và cái chết hầu như sánh đôi nhau trong nhạc TCS. Một ý niệm vẫn hay được TCS lập đi lập lại: mọi vật đến rồi đi như một dòng chảy tự nhiên, liên tục, không có cái đầu tiên và cũng không có cái sau cùng. "Bài hát cuối cùng mãi mãi chỉ là một giấc mơ. Đã không có bài hát cuối cùng thì cũng chẳng có bài hát đầu tiên..." (4), khi người ta hỏi TCS "bài hát đầu tiên là bài gì?", ông trả lời đại khái như vậy. Câu trả lời "huề vốn", loanh quanh, lòng vòng theo lối nói cố hữu của ông, để tránh không phải nói thật, cũng tựa như cách người ta lẩn tránh "thật thà khai báo" tuổi tác của mình.

Không có cái chết đầu tiên, đâu có cái chết sau cùng... (Ngẫu Nhiên)

Câu này lại càng khó hiểu. Ai cũng biết là sống và chết đều chỉ một lần, làm gì có chuyện "chết đi sống lại" hay "chết lên chết xuống...", như những câu thơ Đynh Trầm Ca thuở nào:

Hôm qua tôi bỗng chết hai lần
té ngửa trên bờ dĩ vãng xanh
Hôm nay bỗng chết thêm lần nữa
té sấp trên đường tương lai đen...
(Những Trận Chết)

Chết một lần cũng đủ... chết rồi! Không thể nói rằng "cái chết này mới chỉ là cái chết đầu tiên", hoặc "chưa phải là cái chết... sau cùng", hoặc "đâu đã chết mà chỉ là 'một hôm buồn lên núi nằm xuống” (Tự Tình Khúc). Nếu quả là ông chưa chết thật như cách nói ấy thì cái chết của ông, theo như ta được biết, cũng chỉ là... ảo giác (ít ra là đối với những người còn chưa muốn ông chết). Ở đây không phải là chuyện "chết đi sống lại", thế nhưng cái ranh giới giữa sống và chết, giữa bến và bờ ấy, nói như ông, đôi lúc nhạt nhòa, chẳng còn phân biệt được đâu vào đâu.

"Sự mất mát và cái chết là nỗi ám ảnh lớn nhất đời tôi" (3), ông đã có lần bộc lộ như vậy. "Nỗi ám ảnh" này đi theo ông rất sớm, từ thuở "tóc xanh mấy mùa" cho đến khi "chập chờn lau trắng trong tay". Ông đã "sống từng ngày, chết từng ngày", đã chuẩn bị cẩn thận để chào đón cái chết như kẻ đợi chết mỗi ngày. "Con người sinh ra chỉ để chờ chết," ông nói vậy, "một cuộc hẹn hò có khi dài hạn, có khi ngắn hạn, nhưng tựu chung không có gì vui vẻ." (3) "Nỗi ám ảnh" ấy cũng theo ông đi vào những ca khúc:

Còn sống một ngày là hẹn chết mai đây... (Buồn Từng Phút Giây)
Một ngày kia đến bờ, đời người như gió qua... (Phôi Pha).
Nếu thật hôm nào tôi phải đi,
tôi phải đi, ôi bao nhiêu điều chưa nói cùng,
chắc lòng rất khó bình an...
(Rơi Lệ Ru Người)

Ta vẫn nghe ông nói về những mệt mỏi của cuộc sống, của kiếp người:

Ôi cát bụi mệt nhoài... (Cát Bụi)
Dù quá mệt kiếp người... (Để Gió Cuốn Đi)
Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt... (Một Cõi Đi Về)
Mệt quá thân ta này, nằm xuống với đất muôn đời... (Ngẫu Nhiên)
Sống có đôi chân đôi chân mệt nhoài một đời tới lui... (Giọt Lệ Thiên Thu)

Biên giới giữa sống và chết, nói như ông, "chỉ như một sợi tóc mỏng manh"(3):

Trong xuân thì thấy bóng trăm năm... (Gần Như Niềm Tuyệt Vọng)
Sống chết mong manh như thân cỏ hèn mọc đầy núi non... (Giọt Lệ Thiên Thu)

Sau cùng thì ông đã bước qua cái lằn ranh mỏng manh như sợi tóc ấy bằng những bước nhẹ tênh để cái chết lúc bấy giờ rõ ràng là sự thực chứ không còn nằm mơ nằm mộng gì nữa như là "một lần nằm mơ tôi thấy tôi qua đời..." (Bên Đời Hiu Quạnh).

Đối với không ít người, ông được xem như đã "chết" khá lâu trước ngày cái chết của ông được chính thức loan báo (cũng đại loại "TCS đã chết như thế nào?" vậy). Thế nhưng ông chết đó mà sống đó, cũng như ông đã từng sống đó mà chết đó, trước cái ngày ông chết thật. Một cách nào đó ông đã chết, một cách nào đó ông vẫn sống, vẫn như có mặt, lẩn khuất đâu đó trong "một cõi đi về" này. Dường như không dễ gì loại bỏ hẳn được ông ra khỏi đời sống "lô nhô loài người" này (chữ của TCS). Dù yêu dù ghét tới mức nào, người ta vẫn không làm ông "chết" đi được.

Sống hay chết, vắng mặt hay có mặt, cõi tạm hay cõi thực..., ông cũng đã được người đời (những người cùng tạm trú với ông ở "quán trọ trần gian" này) nhắc đến tên tuổi, nói đi nói lại, nói tới nói lui về ông, cũng như vẫn còn hát còn nghe nhạc của ông. Có một lúc người ta "tưởng rằng đã quên" được ông, kỳ thực không phải dễ như vậy.

Đôi khi (nói như ông), có vẻ như ông không thực sự hiện hữu trong cõi nhân sinh đầy hệ lụy này, ông chỉ tạt ngang qua cuộc đời này trong chốc lát như là "thoáng gió thầm" vậy. Thành thử, đối với những gì ông làm, những gì ông bỏ lại, dẫu có hay dở, tốt xấu, dẫu có muốn khen hay chê, ngợi ca hay nguyền rủa, cũng chẳng có nghĩa lý gì. Ông chẳng nghe, chẳng thiết chẳng màng, cũng chẳng giải thích, giải bày chi cả.

"Một Cõi Đi Về", một trong những sáng tác ông ưng ý nhất, nói về "một lộ trình quen thuộc của cuộc sống mà ai cũng phải trải qua" (4). Ý nghĩa của "đi, về" trong bài hát được ông giải thích: "Có đi tất phải có về. Có ai đi mãi không về đâu. Chắc chắn rồi sẽ có một lần về vĩnh viễn, để mãi mãi không bao giờ còn ra đi nữa" (3). Ông còn mượn lời Albert Camus trong "Lưu Đày và Quê Nhà": "Sống là một sự lưu đày, và chết là trở về". Thế nhưng "về" là về đâu? Chỉ nghe ông nói mơ mơ hồ hồ, nào là "về chốn xa xăm cuối trời..." (Ở Trọ), hoặc "về chốn nào mây phủ chiêm bao..." (Sóng Về Đâu).

Thật thú vị và đáng suy gẫm khi nghe điệu kèn saxo buồn bã "Hát Cho Người Nằm Xuống" (bài hát viết cho ông tướng không quân trong QL/VNCH) trỗi lên trong đám táng của ông ở Việt nam. "Anh nằm xuống sau một lần đã đến đây, đã vui chơi trong cuộc đời này...," câu hát ấy thực ra đâu có riêng cho một người nào. Bài hát ông viết cho người, viết cho ông, và cho tất cả mọi người, không chừa một ai. Có lẽ vì vậy, bài hát ấy sau cùng đã được trả về cho ông. Và "Cát Bụi" nữa, không thể thiếu tất nhiên. Bài hát ông viết cho chính ông cách nay gần bốn mươi năm, trở thành bài hát tiễn đưa trong ngày ông rời bỏ cõi tạm này để lại hóa thân "về làm cát bụi". Ít nhất người ta cũng đã tử tế cho ông được nghe lại một lần những "điệu kèn ai buốt trong tôi" (Chiếc Lá Thu Phai) ấy, như là những gì thuộc về ông nay chính thức trả lại cho ông.

Ông nghe một lần cuối, nhưng người ta vẫn còn tiếp tục nghe mãi những "điệu kèn ai buốt" ấy, vẫn còn tiếp tục hát mãi những bài hát nói về những biên giới thật là mỏng manh giữa sống và chết, giữa bến và bờ, giữa thực và ảo. Vẫn còn nghe còn hát, nghĩa là vẫn còn tiếp tục đi tìm kiếm, mãi mãi, trên những biên giới mờ mịt ấy, như ông đã từng, cho đến khi tìm thấy hoặc chẳng tìm thấy gì cả.

"Sống làm thế nào cho tròn đầy sự có mặt và chết cho ngập tràn cõi hư không. Phải đi đến tận cùng hai cõi sống chết để làm tan biến đi những giấc mộng đời không thực" (8). Trước giờ ta chỉ nghe "sống hết mình" chứ chưa hề nghe... "chết hết mình", vì vậy không rõ phải chết cách nào để có thể "ngập tràn cõi hư không" (?). Câu ấy có vẻ không dễ hiểu chút nào và có lẽ chỉ ứng dụng với riêng ông. Không gì ngoài cái chết mới mong giải phóng được ông ra khỏi những mối dây ràng buộc của "những giấc mơ đời hư ảo".

Điều gì khiến ông luôn bị ám ảnh bởi cái chết? Có phải vì "yêu quá đời này"? "Tôi đã yêu cuộc đời hơn bao giờ cả," ông nói, "đời sống thì đẹp mà dài rộng quá, còn đời người thì hạn hữu. Biết làm sao bây giờ..." (8)

Ông đã yêu cuộc sống biết chừng nào. Cuộc sống ấy đã cho ông những ngày hạnh phúc. Đó là hạnh phúc được sống bên cạnh những người mà ông thực lòng yêu mến, là hạnh phúc mà ông đã tận hưởng từ "những tình cảm nhân loại nhất của mọi người" (nói như ông). Những ngày ấy, những hình bóng ấy đã xa thật xa, đã mất tăm, mất hút. "Từng dòng nước mắt sẽ tiếc cho ngày vui, từng dòng nuớc mắt sẽ nhớ thương cho đời..." (Còn Có Bao Ngày), trong những lời nhạc ông viết về sau này ta vẫn nghe những nỗi tiếc nhớ như vậy.

Ông đã yêu cuộc sống biết bao nhiêu. Trong những bài ông viết cho lứa tuổi vừa lớn luôn luôn toát lên hơi thở nồng nàn của cuộc sống. "Tuổi Đời Mênh Mông" chẳng hạn, "ôm cuộc sống trong tay bên đời quá rộng..., tuổi đời mênh mông quá búp non đầu cây...", một trong số ít những ca khúc có nhịp điệu vui tươi, như tình yêu phơi phới, như mạch sống dâng tràn, như nhịp bước tung tăng của cô bé trên đồi cỏ rộng. "Mây và tóc em bay trong chiều gió lộng..., em đứng bên trời tự do, yêu đời thiết tha..." Nỗi "yêu đời thiết tha" ấy còn tìm thấy trong những bài "Vì Tôi Cần Thấy Em Yêu Đời" ("tôi xin làm hôm nay, cho đời em trẻ mãi..."), hay "Môi Hồng Đào" ("tuổi mười sáu môi hôn lần đầu..."), hay "Đời Gọi Em Biết Bao Lần"...

"yêu quá đời này", ông đâu dễ gì chịu chết. Ông sợ một ngày nào không còn trông thấy được "bên trời còn nắng, lá trời còn xanh, phố còn người đông..." (Hãy Cứ Vui Như Mọi Ngày). Ông cũng sợ mọi người sẽ quên mình. Ông vừa sợ chết lại vừa làm như coi thường cái chết, thậm chí có lúc còn đùa nghịch, diễu cợt với cái chết nữa. "Cái chết," ông định nghĩa, "chẳng qua cũng chỉ là một sự đùa cợt sau cùng của cuộc sống" (6):

Không có đâu em này,
không có cái chết đầu tiên, đâu có cái chết sau cùng...
Hòn đá lăn trên đồi,
hòn đá rớt xuống cành mai, rụng cánh hoa mai vàng...
(Ngẫu Nhiên). "Cánh mai vàng" là thân xác gầy yếu, mỏng manh của ông

Nếu tình yêu là "tình cờ" thì cái chết, với ông, cũng chỉ là "ngẫu nhiên".

Cái chết từ đâu đến? Tại sao sống và chết lại luôn luôn kề cận? "Khi sự sống bất lực thì cái chết đến," (6) ông đã giải thích như vậy. Lời giải thích ấy quả có đúng với trường hợp TCS.

******************

(1) Phạm Duy, Hồi Ký: Thời Phân Chia Quốc Cộng, nxb Phạm Duy Cường, California, 1991
(2) TCS, Trịnh Công Sơn, Rơi Lệ Ru Người, nxb Phụ Nữ, Hà Nội, 2001
(3) TCS, trả lời phỏng vấn, Trịnh Công Sơn, Một Người Thơ Ca, Môt Cõi Đi Về, nxb Âm Nhạc & TTVH Ngôn Ngữ Đông Tây, Hà Nội, 2001
(4) TCS, tạp bút, Một Cõi Trịnh Công Sơn, nxb Thuận Hóa & TTVH Ngôn Ngữ Đông Tây, Hà Nội, 2002
(5) Văn Cao, lời bạt, Em Còn Nhớ Hay Em Đã Quên, nxb Trẻ, TP.HCM, 1991
(6) TCS, trả lời phỏng vấn, Tạp chí Thế Giới Mới, TP.HCM, 2/1999
(7) Quỳnh Giao, Trịnh Công Sơn, Như Cánh Vạc Bay, Tạp chí Văn Học, California, 10&11/2001
(8) TCS, tạp bút, Trịnh Công Sơn, Người Hát Rong Qua Nhiều Thế Hệ, nxb Trẻ, TP.HCM, 2001

Những chữ in nghiêng trong bài là trích ca từ TCS.



nguồn: tcs-forum.org
  Trịnh Công Sơn:
> bài hát
> bài viết
> hình ảnh
> phỏng vấn
> bút tích
> dòng thời gian

Những người mến mộ:
> những kỷ niệm
> bài viết
> tưởng niệm
> tin tức
> sách
> lưu bút

Khánh Ly


Phố Xưa


- 20 bài mới nhất



Một hình ảnh ngẫu nhiên:






Gia Sư: Gia Đình + Sinh Viên
 
Address: www.SuuTap.com/TrinhCongSon - Collection: Hoang Truc Ly - Design & script: Sony Ho