tưởng niệm




Trịnh Công Sơn - dù chỉ là một thoáng, với tôi...

--- Nguyễn Đăng Hưng ---


Gần một năm sau ngày nhạc sỹ Trịnh Công Sơn (TCS) mất, tôi lục trong chồng sách nhạc của gia đình để tìm lại một bài hát về xuân của nhạc sỹ Văn Cao, bài “Mùa Xuân đầu tiên”. Tôi chuẩn bị tổ chức tốp ca cho ngày tết Việt kiều tại Bruxelles. Và tôi bất chợt đọc lại bút tích của người nhạc sỹ tài danh, ngay trang thứ hai của Tuyển tập nhạc Văn Cao “Thiên Thai” do nhà xuất bản tph HCM xuất bản năm 1988.

Vâng, tôi cũng quen biết Trịnh Công Sơn, dù chỉ một thoáng…
Chúng tôi về Việt Nam ăn Tết năm 1989 sau một thời gian khá dài không lui tới. Chuyến đi cuối trước đó đã xa cách đến gần một thập niên: từ mùa hè năm 1979.

Hồi ấy, việc đầu tiên chúng tôi làm tại Việt Nam là đi mua tranh về trang trí cho ngôi nhà mới tại Bỉ. Tôi không nhớ vì sao lại run rủi lần mò đến xem phòng triển lãm tranh tại gia của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn với sự tham gia của các họa sỹ Đinh Cường và Tôn Thất Văn. Và chúng tôi suýt mua được một bức của Tôn Thất Văn, suýt thôi vì chưa ngã giá nên cuối cùng không mua được… Biết tôi là Việt kiều tại Bỉ có hoạt động phản chiến tại Bỉ trong thập kỷ 65 - 75, có chút “máu văn nghệ”, Trịnh Công Sơn cho hay là đang chuẩn bị đi Pháp và nếu tôi còn ở lại Việt Nam thì ra Tết sẽ đến nhà thăm tôi…
Mồng 6 Tết năm ấy, tại nhà người anh vợ tôi (cư xá Lữ Gia, quận 11, TP.HCM) chúng tôi tiếp cả một đoàn văn nghệ sỹ nổi tiếng: nhà văn Nguyễn Quang Sáng, nhạc sỹ Trần Long Ần, họa sỹ Tôn Thất Văn, Michiko và Trịnh Công Sơn!
Sau một hồi chén tạc chén thù, hàn huyên sôi nổi, tôi rất đỗi vui là chính Trịnh Công Sơn, một cách đôn hậu hồn nhiên đề nghị đem guitar ra hát. Ở nhà không có guitar, TCS cho gọi người nhà mình đem đến… Và chúng tôi có được cái diễm phúc bất ngờ là ngày Tết được nghe tại chính nguời nhạc sỹ mình hằng ngưỡng mộ hát một loạt những bài anh mới sáng tác. Rồi Michiko cũng hát, Trần Long Ẩn cũng hát...
Thật là một niềm hạnh phúc hiếm có cho chúng tôi, một nhạc sỹ tiếng tăm lẫy lừng tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới, một danh tài đã có một sự nghiệp âm nhạc đồ sộ, đã thật giản dị và hồn nhiên, cùng bạn bè ngồi hát cả buổi chỉ cho vợ chồng chúng tôi, nhà văn Nguyễn Quang Sáng và một người lái xe nghe!
Vâng, chúng tôi may mắn có được một thoáng Trịnh Công Sơn, gần như chỉ dành cho chúng tôi.
***
Đó không phải là lần đầu tiên tôi gặp Trịnh Công Sơn mà trước đó, tôi đã có lần gặp. Trong một lần Ban Việt kiều thành phố tổ chức một buổi họp mặt, tại Hội Trí thức yêu nước - 43 Nguyễn Thông TP.HCM, sau tham luận của các lãnh đạo trung ương và thành phố, sau khoảnh khắc ngắn ngủi đối thoại trao đổi qua lại, cái đinh buổi họp mặt là phần văn nghệ. Nhạc sỹ Phạm Trọng Cầu vừa là nhạc trưởng vừa là MC… Hôm ấy nhạc sỹ Trịnh Công Sơn tự đệm guitar và hát bài “Em còn nhớ hay em đã quên” và “Chiều trên quê hương tôi”.
Hai bài hát trên của Trịnh Công Sơn vào thời điểm ấy đã gây cho tôi một xúc động mạnh. Trịnh Công Sơn đúng là một nghệ sỹ lớn… Sáng tác của ông một lần nữa đã gắn liền với những thăng trầm của dân tộc, trái tim nhạy cảm tuyệt vời của ông đã diễn tả một cách vô cùng tinh tế nỗi đau của mình mà cũng là của thế nhân, của đồng loại trên một tinh thần nhân bản trong sáng, hướng thiện nếu không nói là tích cực… Thật tài tình và sâu sắc khi ông chỉ nói giản dị: “Em ra đi nơi này vẫn thế...” mà tôi đã hiểu ngay đây là thông điệp về sự vĩnh cửu của quốc gia, dân tộc… Mọi việc sẽ đi qua, nhưng chỉ đất nước Việt Nam sẽ mãi mãi trường tồn…
***
Năm 1960 ngày tôi xuất dương du học, Trịnh Công Sơn chưa nổi tiếng. Các bài hát “Ướt mi” hay “Diễm xưa” chưa được phổ biến rộng rãi. Tại Sài Gòn thời ấy nhạc Phạm Duy, Lam Phương, Dương Thiệu Tước, Phạm Đình Chương, Văn Phụng… đang thịnh hành trên các phương tiện truyền thông đại chúng…
Sau Tết Mậu thân (1968), không khí Việt kiều tại Bỉ, đặc biệt thành phố Liège thay đổi hẳn. Trước đó, số sinh viên du học như chúng tôi chỉ đếm trên đầu ngón tay, nay tăng vọt đến gần năm trăm người! Phần lớn sinh viên Việt Nam là con nhà khá giả tại Sài gòn đi du học tự túc… Các sinh viên đến từ Việt Nam không ai không mang theo những băng cassettes - với kỹ thuật ghi âm đang được thịnh hành trong những năm 70… Và chính qua những băng ghi âm này, qua các bạn sinh viên trẻ, mà tôi khám phá ra hiện tượng Trịnh Công Sơn - Khánh Ly.
“Ca khúc da vàng” đã đến với tôi như một tiếng thét của lương tâm con người trước cuộc chiến xâm lược phi nhân, trước chết chóc, trước đau thương khôn cùng của dân Việt, trước sức tàn phá dữ dội khủng khiếp của tàu bè bom đạn của một siêu cường.
Qua những âm điệu nhẹ nhàng và sâu lắng, tác giả đã gởi đến cho người nghe một thông điệp kinh hoàng của thời sự:

"Xác người nằm trôi sông,
phơi trên ruộng đồng
trên nóc nhà thành phố
trên những đường quanh co
Xác người nằm bơ vơ
dưới mái hiên chùa
trong giáo đường thành phố
trên thềm nhà hoang vu…
Xác nào là em tôi
Dưới hố hầm này
Trên những vùng lúa cháy
Bên những vồng ngô khoai…"

(Hát trên những xác người)

"Hàng vạn tấn bom trút xuống đầu làng
Hành vạn tiếng bom trút xuống ruộng đồng
Cửa nhà Việt Nam cháy đỏ cuối thôn
Hàng vạn chuyến xe, claymore lựu đạn
Hàng vạn chuyến xe mang vô thị thành
Từng vùng thịt xương có mẹ có em…"

(Đại bác ru đêm)

“Kinh Việt Nam” đã đến với tôi như những lời kêu gọi hồn thiêng sông núi dân tộc Việt, như những ước vọng khẩn thiết về một ngày thanh bình thống nhất, về một nước Việt Nam bình thường như những nước khác, chan hòa tình tự dân tộc giống nòi...
Tôi ý thức được ngay là một cái gì mới đã xảy ra tại Việt Nam.
....................

Nhìn lại cục diện sau gần 40 năm, tôi vẫn nghĩ nhạc phản chiến Trịnh Công Sơn là một trong những nhân tố văn hóa rất tích cực cho công cuộc vãn hồi hòa bình và thống nhất đất nước. Và tôi rất tâm đắc với ý kiến cho rằng chính những ca khúc phản chiến của Trịnh Công Sơn mới là cơ sở nói lên tầm vóc của tài danh Trịnh Công Sơn… Và cũng chính qua những ca khúc này Trịnh Công Sơn mới được những nhà báo quốc tế biết đến và gọi anh là "một Dylan của Việt Nam".
Âm nhạc Việt Nam qua Trịnh Công Sơn, một thời đã ngang tầm thế giới!
Và tôi tự hỏi tại sao trong thời mở cửa giao lưu hội nhập hôm nay những bài hát đậm đà tinh thân dân tộc như thế, lại vẫn "chưa được phép" hát lại?
Ở Việt Nam tôi vẫn thường nghe câu hỏi là tại sao ta chưa có những tác phẩm văn học nghệ thuật ngang tầm thế giới, xứng đáng với các cuộc kháng chiến đấu tranh giành độc lập, tự chủ thoát khỏi ách nô lệ của ngoại bang, những chiến công hiển hách đã được biết bao dân tộc yêu chuộng hòa bình và công lý kính phục và ngưỡng mộ. Nhưng có chắc gì, ta tỉnh táo đế chấp nhận và nhất là tôn vinh đúng mức những tác phẩm văn học nghệ thuật chất chứa những giá trị nhân bản cao đẹp và phổ quát của con người, những tác phẩm độc lập không bị chi phối bởi tình thế chính trị nhất thời?
Sinh thời Trịnh Công Sơn ý thức rất rõ về tính phổ quát của nhạc mình:
“Tôi ước mơ một ngày nào đó trên hành tinh này tiếng hát sẽ được trả về với vẻ đẹp thuần khiết của nó. Đó là tiếng hát bay qua các lục địa, các đại dương, mang trong lòng nó tình yêu và tình nhân ái…” (Phác thảo chân dung tôi, tháng 04.1987).
Nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn là hiện thực của ước mơ này vậy.
Dĩ nhiên nhạc phản chiến chỉ là một trong ba chiều không gian âm nhạc đồ sộ của thiên tài Trịnh Công Sơn: tình yêu, thân phận và chiến tranh… và đã có nhiều bài viết về hai không gian còn lại: tình yêu và thân phận…

"Bởi vì ở ông Trịnh Công Sơn, điều vĩ đại nhất, vĩ đại hơn cả những tác phẩm của ông là nhân cách, nhân phẩm của ông..."

Tôi chỉ thêm một chút ý kiến riêng thôi… Trịnh Công Sơn là một trong những nhạc sĩ viết nhạc tình hay nhất thế kỷ, tôi xin nhấn mạnh "một trong những"… Bởi đối với tình yêu, cái nhất là tùy ở mỗi cá nhân, ở mỗi hoàn cảnh… Nhạc tình Trịnh Công Sơn có cái gì nhẹ nhàng siêu thoát. Những cuộc tình của Trịnh Công Sơn là những day dứt, những tiếc nuối, những cuộc tình ngoài tầm tay với, không bao giờ được tận hưởng và hạnh phúc là một cái gì mong manh bàng bạc, xa vời. Những người đẹp qua âm nhạc Trịnh diễm lệ trang trọng đến độ trừu tượng, siêu thực…Nhạc tình của các tác giả nổi tiếng khác như Phạm Duy, Đoàn Chuẩn, Vũ thành An, Ngô Thụy Miên, Đức Huy… theo tôi đời thường, lãng mạn hơn…
Ai cũng đồng ý chất Huế là thường trực trong nhạc Trịnh Công Sơn… Nhưng tôi lại thấy chất “blues” cũng tìm tàng trong một số bài: Hạ trắng, Tình nhớ, Biển nhớ… Phải chăng Trịnh Công Sơn có phần nào bị ảnh hưỏng nhạc Mỹ da đen…
Ngày Trịnh Công Sơn mất tôi đang ở TP.HCM… Và có lẽ cũng như rất nhiều người Việt Nam ở mọi ngả đường đất nước hay ở chân trời góc biển trên thế giới, tôi có cảm giác là một người thân của mình vừa từ giã cõi đời... Tôi định đến nhà ông để thắp một nén hương tiễn đưa vì lòng ngưỡng mộ. Nhưng hôm ấy từ đường Điện Biên Phủ, đi xe gắn máy, không có cách chi đến được ngã tư Phạm Ngọc Thạch… Một rừng người mênh mông như đại ngàn vô tận đã cùng chia sẻ ý này và cuồn cuộn chảy về con đường ấy… Tôi bỏ xe bên vệ đường mon men tìm đến số 47C thì đã quá muộn. Chiếc xe chở quan tài đã chuyển bánh, tiếng kèn saxophone tiễn đưa của Trần Mạnh Tuấn đã vang lên và tôi đành hòa mình vào đoàn người chảy xiết theo hướng Gò Dưa…
***
Sinh thời tôi chưa bao giờ nghe nói Trịnh Công Sơn là nghệ sĩ nhân dân. Nhưng chính quần chúng nhân dân không phân biệt thành phần, lớp người, lứa tuổi, không phân biệt Bắc-Trung-Nam, không phân biệt trong nước hay hải ngoại, đã chọn thiên tài Trịnh Công Sơn là nghệ sĩ số một của mình…
Và theo tôi lời khen tặng ưu ái nhất mà tôi được đọc về Trịnh Công Sơn chính là của Khánh Ly:
“Bởi vì ở ông Trịnh Công Sơn, điều vĩ đại nhất, vĩ đại hơn cả những tác phẩm của ông là nhân cách, nhân phẩm của ông. Ông là người duy nhất đã sống trong đời này có một tấm lòng không có thù hận”. (Khánh Ly, “Những lời tử tế ông Sơn dạy tôi”, Trường Kỳ phỏng vấn, Hoàng Trúc Ly sưu tầm.)
Vâng, tôi cũng biết Trịnh Công Sơn, dù chỉ một thoáng và hôm nay qua tôi xin ghi lại đây, lòng ngưỡng mộ khôn cùng của tôi…



nguồn: nguoivienxu
  Trịnh Công Sơn:
> bài hát
> bài viết
> hình ảnh
> phỏng vấn
> bút tích
> dòng thời gian

Những người mến mộ:
> những kỷ niệm
> bài viết
> tưởng niệm
> tin tức
> sách
> lưu bút

Khánh Ly


Phố Xưa


- 20 bài mới nhất



Một hình ảnh ngẫu nhiên:






Gia Sư: Gia Đình + Sinh Viên
 
Address: www.SuuTap.com/TrinhCongSon - Collection: Hoang Truc Ly - Design & script: Sony Ho