bài viết




Những bài hát phản chiến của Trịnh Công Sơn - Phần 6

--- Yoshii Michiko ---


II – 4 Kêu gọi hòa bình và thống nhất:

Thật là quá khó khăn để dõi theo dấu vết của Trịnh Công Sơn ở thời kỳ này, tuy nhiên, đến giữa năm 1968, người ta có thể nhận thấy rằng phong cách của những bài hát phản chiến của anh đã hoàn toàn thay đổi. Người ta nói rằng anh đã thật sự dấn thân vào trong cuộc đấu tranh chống chiến tranh ở thời điểm này. Sự khác biệt ở những tác phẩm trước kia của anh, đó là những bài hát đấu tranh nhằm chỉ đạo cho nhân dân. Hai tuyển tập giới những bài hát này là: Kinh Việt NamTa phải thấy mặt trời. Tuyển tập đầu tiên cho ra đời để kêu gọi hòa bình, tuyển tập thứ hai là để đấu tranh cho thống nhất. Vậy, đó không phải đơn giản chỉ là những bài hát lên án chiến tranh. Đây là kiệt tác Kinh Việt Nam:

Nối Vòng Tay Lớn

Rừng núi dang tay nối lại biển xa
Ta đi vòng tay lớn mãi để nối sơn hà
Mặt đất bao la,
Anh em ta về
Gặp nhau mừng như bão cát quay cuồng trời rộng
Bàn tay ta nắm nối tròn một vòng Việt Nam
Cờ nối gió đêm vui nối ngày giòng máu nối con tim đồng loại
Dựng tình người trong ngày mới
Thành phố nối thôn xa vời vợi
Người chết nối linh thiêng vào đời
Và nụ cười nối trên môi.

Từ Bắc vô Nam nối liền nắm tay
Ta đi từ đồng hoang vu vượt hết núi đồi
Vượt thác cheo leo,
Tay ta vượt đèo
Từ quê nghèo lên phố lớn nắm tay nối liền
Biển xanh sông gấm nối liền một vòng tử sinh

Đó là một tác phẩm được xếp vào dòng nhạc cách mạng (xem 1-1, p.8). Bài hát rất tốt, rất thích hợp cho một cuộc họp mặt của những người tranh đấu, tất cả nắm tay nhau làm thành một vòng tròn, chính xác như lời bài hát. Chúng ta càng ngạc nhiên biết bao khi thấy những lời hát này xa vời với những lời của bài hát của thời kỳ trước đó. Nó không phải là sự miêu tả cuộc sống, cũng chẳng phải là tiếng kêu than của người dân, mà là lời kêu gọi hòa bình và thống nhất đất nước, qua biểu tượng của những bàn tay nối lại với nhau khi kết thúc chiến tranh. Thế mà, sự kết thúc chiến tranh chỉ là một hy vọng cho giai đoạn sáng tác. Trịnh Công Sơn tách khỏi thực tế trong bài hát này, và bắt đầu khích lệ nhân dân đến với hòa bình từ xa.

Cũng như những bài hát khác, tác giả không xác định ai sẽ là người thống nhất đất nước. Là những người cộng sản của miền Bắc như điều đó đã xảy ra trong thực tế? hay là những người quốc gia của miền Nam. Tác giả đã không nói lời nào về điều đó. Từ đó, ta thấy được vị trí của anh với tư cách là người theo chủ nghĩa hoà bình trung lập thường gọi là lực lượng thứ ba), nhưng mà mỗi người cũng có thể diễn giải theo ý riêng của mình. Vì vậy, đối với những người cộng sản, bài hát này không ca ngợi điều gì khác ngoài việc thống nhất đất nước của những người miền Bắc, như vậy là bài hát đã có mặt đúng lúc và hiệu quả; và những người dân Sài Gòn đã nghe phát bài này trên đài phát thanh chiều ngày 30-4-1975, cũng là ngày giải phóng. Và cho đến hôm nay, trong số những tác phẩm trước 1975 của Trịnh Công Sơn, dường như bài hát này là một trong những bài hát được yêu thích của chính phủ hiện tại, còn tất cả những bài khác bị cho là “sản phẩm của chế độ thối nát”.

Với vai trò sứ thần hòa bình của nhân dân, Trịnh Công Sơn đã bày tỏ trong tuyển tập nhạc năm 1968 và còn thể hiện trong tuyển tập sau đây, Ta phải thấy mặt trời xuất bản năm 1969. ta có thể xem bài hát cuối này của tuyển tập như là một thí dụ minh chứng:

Huế Sài Gòn Hà Nội

Huế Sài Gòn Hà Nội
Quê hương ơi sao vẫn còn xa
Huế Sài Gòn Hà Nội Bao nhiêu năm sao vẫn thờ ơ
Việt Nam ơi
Còn bao lâu những con người ngồi nhớ thương nhau
Triệu chân em
Triệu chân anh
Hỡi ba miền vùng lên cách mạng
Đã đến lúc nối tấm lòng chung
Tuổi thanh niên
Hãy đi bằng những bước tiền phong
Từ Trung Nam Bắc
Chờ mong nung đốt
Những bó đuốc reo vui tự do
Đường đi đến những nơi lao tù
Ngày mai sẽ xây trường hay họp chợ
Dân ta về cày bừa đủ áo cơm no
Bàn tay giúp nước
Bàn tay kiến thiết
Những dấu căm hờn xưa nhạt mờ
Nhà ta xây mái vườn ta thêm trái
Cho em ra đầu núi ca tình vui
Bắc Nam Trung ơi đoàn kết một miền
Phá biên thuỳ mở rộng đường thêm
Dựng nước bình yên

2- Huế Sài Gòn Hà Nội
Hai mươi năm tiếng khóc lầm than
Huế Sài Gòn Hà Nội trong ta đau trái tim Việt Nam
Đạn bom ơi
Lòng tham ơi khí giới nào diệt nổi dân ta
Việt Nam ơi
Bừng cơn mơ cho mắt nhìn sạch tan căm thù
Hãy xoá hết dấu tích buồn xưa
Ngày mai đây những con đường Nam Bắc nở hoa
Bàn tay thân ái
Lòng không biên giới
Anh em ơi lắng nghe tình nhau
Ngày vui lớn sẽ qua trăm cầu
Mẹ dâng miếng cau rồi dâng ngọn trầu
Cho hai miền trùng phùng lòng thấy nao nao
Ngày-Nam-Đêm-Bắc
Tình chan trong mắt
sẽ thấy trăm bình minh ngọt ngào
Ngựa bay trong gió lòng reo muôn vó
Cho dân ta bừng lớn trong tự do
Bắc Nam Trung ơi tình nghĩa mặn nồng
Bước ra ngoài một lần, diệt vong
Dựng mái nhà chung

Tính chất đấu tranh của bài hát này còn mạnh mẽ hơn những tuyển tập trước. Điều đó được cảm nhận trước tiên trong nhịp điệu nhanh, giai điệu cương quyết. Lời bài hát được viết có vẻ tương đối dài, như ta thấy ở trên, nhưng lúc biểu diễn thì bài hát kết thúc nhanh. Điều này được áp dụng cho tất cả những bài hát trong tuyển tập nhạc Ta phải thấy mặt trời . Ta có thể xếp những bài hát này vào dòng nhạc cách mạng như trường hợp của tuyển tập nhạc trước đó.

Những từ ngữ được sử dụng ngày càng dữ dội. Ví dụ, ta thường gặp từ cách mạng.

“(…) Hỡi ba miền vùng lên cách mạng (…)” (Huế-Sài Gòn-Hà Nội)
“(…) Triệu anh em chia sớt nguy nan, xây cách mạng dựng đời người mới (…)” Đừng mong ai, đừng nghi ngại (…)
“(…) Còn sống xin các anh quyết làm cách mạng (…) Dù khó ta vẫn đi trên đường cách mạng (…)” (Ta quyết phải sống)

Trịnh Công Sơn sẽ trở thành người cộng sản để ca ngợi cách mạng? Sao anh không dung thành ngữ được ưa thích hơn hết bởi những người cộng sản như xây dựng nhà nước? Tuy nhiên, tác giả dùng từ cách mạng với ý nghĩa là “thay đổi” chứ không phải “cách mạng xã hội chủ nghĩa”. Anh tìm kiếm cho việc hay đổi hiện tại, có nghĩa là, tình trạng chiến tranh. Và anh hô hào sự thay đổi này bằng việc kêu gọi mọi người vùng lên.

Người ta thấy anh đã có những phát triển so với vai trò người quan sát và phát ngôn của anh mà chúng ta đã gặp cho đến đầu năm 1968. Bây giờ, anh trở thành “người cách mạng” chỉ đạo nhân dân đi đến thống nhất đất nước. Chúng ta có thể nhận xét hai thành ngữ về kêu gọi nhân dân thường được lập đi lập lại nhiều lần: vùng lên và đứng lên. Và bấy giờ, chính anh ra lệnh cho nhân dân phải làm điều này, điều nọ. Vì lẽ đó, anh đã dung một cách phong phú những từ như phải, hãy (mệnh lệnh cách), hỡi, hay đừng (Mệnh lệnh cách phủ định). Chính trong tựa của tuyển tập nhạc Ta phải thấy mặt trời, dùng động từ phải và cả trong những tựa khác của những bài hát như Chính chúng ta phải nói, Đừng mong ai đừng nghi ngại hoặc Việt Nam ơi hãy vùng lên. Và đó chính là thời điểm phong trào hòa bình phát triển không chỉ ở miền Nam Việt Nam, mà trên toàn thế giới. Những bài hát này của Trịnh Công Sơn và thái độ đấu tranh của anh có lẽ được giải thích rõ trong bối cảnh lịch sử bấy giờ.

Tuy nhiên, dường như hai tuyển tập Kinh Việt NamTa phải thấy mặt trời luôn có nhiều thính giả không kém hai tuyển tập trước Ca khúc thần thoại…Ca Khúc Da Vàng. Chúng ta không được nghe nhiều những bài hát này ngoại trừ bài Nối vòng tay lớn trongKinh Việt Nam. Từ đâu có sự trường tồn khác biệt này? Có lẽ những bài hát cách mạng này chỉ thu hút thiệm cảm trong bối cảnh chính xác của chiến tranh Việt Nam ở thời kỳ xác định, trong khi những bài hát của thời kỳ trước gợi cho chúng ta tình yêu nhân loại hoặc tình yêu cuộc sống nói chung và những bài hát này có giá trị hơn và cho phép chúng sống mãi với không gian và thời gian. Hoặc nói một cách đơn giản, những bài hát đấu tranh cho hòa bình này có giá trị nghệ thuật ít hơn trong giai điệu và nhịp điệu của chúng, đôi khi có vẻ mang tính chiến đấu cao. Ở đây, chúng ta đã đi quá xa truyền thống của những lời ru ngọt ngào và buồn man mác mà chúng ta đã tìm thấy trong bài Ngủ đi con.

Tóm lại, từ phần II-2 đến phần II-4, chúng ta đã xem sáu bài hát tất cả và nhiều đoạn trích chủ yếu được lựa chọn trong bốn tuyển tập cuối đã được kể ra. Thời của những bài hát này là từ năm 1966 đến 1969. Đến giữa năm 1968, chính xác là sau cuộc tấn công Tết Mậu Thân thái độ của tác giả biểu lộ sự phát triển có ý nghĩa: đột nhiên, anh rời vai trò của người quan sát cuộc sống hàng ngày dưới bom đạn của nhân dân và vai trò của người phát ngôn của nhân dân, để chính anh dấn than vào phong rào hòa bình. Anh bắt đầu khuyên nhủ mọi người. Những bài hát được nghe nhiều nhất hôm nay trong số sáu bài hát này là bốn bài đầu tiên, tác giả bằng lòng với sự miêu tả cuộc sống của người dân và than vãn cho họ và nếu như người ta nói về tuyển tập nhạc thì đó là Ca Khúc Da Vàng nổi tiếng nhất và được yêu thích nhất. Tuyển tập này bao gồm 14 bài hát chứa đựng tất cả từ da vàng ám chỉ cuộc nội chiến giữa những người da vàng, có nghĩa là giữa những người Việt Nam. Chiến tranh cũng ám chỉ đến người da trắng mà không bao giờ được đề cập trong những bài hát, nhưng bằng sự im lặng thái quá, tác giả đã chứng tỏ sự chống đối của mình pha lẫn với chủ nghĩa chủng tộc đối với kẻ thù nước ngoài này.

Ta cũng thấy rõ rằng những bài hát này được sáng tác chủ yếu chỉ dành cho người Việt Nam ở giai đoạn này và chúng được gởi đến họ trong mục đích chính xác là chấm dứt chiến tranh và thống nhất đất nước.

Sở dĩ hôm nay, chúng ta có thể nói về kiệt tác chống chiến tranh của Trịnh Công Sơn, là vì những bài hát của anh cho thấy sự phát triển trên hai trục: trục không gian để những bài hát này được biết đến ở những nước ngoài không biết tiếng Việt, và trục thời gian là nhờ vào trục này mà dù ở thời điểm 1991 hiện tại, chúng ta có thể luôn luôn yêu thích những tác phẩm này.

Trong những chương tiếp theo, chúng ta sẽ quan sát thấy sự phát triển của những bài hát này trong hai chiều hướng: Những bài hát này được biết đến như thế nào trong những nước khác và chúng sống ra sao cho đến hôm nay, 16 năm sau chiến tranh.



nguồn: Thái Hòa - Thư viện Trịnh Công Sơn
  Trịnh Công Sơn:
> bài hát
> bài viết
> hình ảnh
> phỏng vấn
> bút tích
> dòng thời gian

Những người mến mộ:
> những kỷ niệm
> bài viết
> tưởng niệm
> tin tức
> sách
> lưu bút

Khánh Ly


Phố Xưa


- 20 bài mới nhất



Một hình ảnh ngẫu nhiên:






Gia Sư: Gia Đình + Sinh Viên
 
Address: www.SuuTap.com/TrinhCongSon - Collection: Hoang Truc Ly - Design & script: Sony Ho