bài viết




Trịnh Công Sơn và tiếng ru máu lệ - Phần 2

--- Tạ Tỵ ---


(tiếp theo và hết)

Như đã nói, nguồn cảm hứng của Trịnh Công Sơn không chỉ ở trong môi trường phẫn nộ hoặc bàng bạc trong tình yêu với tuổi trẻ hư không, nó còn quay nhìn thân phận. Những ca khúc viết về thân phận cũng chỉ là đi tìm cái hữu hạn của kiếp sống. Sự hiện diện của mỗi số phận bắt buộc phải đi qua một khoảng thời gian nào đó, do định mệnh an bài và cái không gian vô định phải nhận diện. Theo Phật lý đó là nhân quả, là luân hồi, là sự sinh trưởng không ngơi nghỉ và biến hoá vô cùng để phát triển, tạo nên cái "nghiệp" cho số phận. Con người đã ai thoát khỏi vòng: sinh, bệnh, lão, tử và ba chữ tham, sân, si dễ gì tránh được? Nên cái thân phận khốn khó mà mỗi kiếp người phải mang nặng, không nằm trong phạm trù riêng, nó trải rộng ra cả thế gian này với những sai biệt xuyên qua cung số.

Cát bụi lại trở về cát bụi, câu nói nhuốm đầy bi quan nhưng rất thực tế. Vì:

...Ta ở, ta đi đời vẫn vô tình
Như ta chửa bao giờ có mặt! (Hoàng Trinh)

Chính vì sự vô tình của cuộc sống cũng như thiên nhiên, đối với mỗi cá nhân nên mới có người chán đời quyết giã từ cõi sống. Trịnh Công Sơn chưa đi vào con đường tuyệt vọng đó, nhưng những ca khúc viết về thân phận ít nhiều gì cũng mang nặng trong nó, nỗi thống khổ của riêng mình trước bao cảnh trần gian

Hạt bụi nào hoá kiếp thân tôi
để một mai vươn hình hài lớn dậy
Ôi cát bụi tuyệt vời
Mặt trời soi một kiếp rong chơi
Hạt bụi nào hoá kiếp thân tôi
Để một mai tôi về làm cát bụi
ôi cát bụi mệt nhoài
Tiếng động nào gõ nhịp khôn nguôi


Rồi những năm, những tháng, những kiếp người phải kéo lê trong vòng cương toả của xã hội với bao cố gắng, bao đam mêm, bao thất vọng. Nhìn cuộc đời có đấy với lá úa, với mái tóc như vôi, với mặt trời soi bóng con tim, hun nóng từ ngày này qua ngày khác để biến tình yêu thành đá cuội, và cái vũng hư không lúc nào cũng mở ra đón con người trở về Cát bụi. Nhưng con người, sự thực, vẫn không chấp nhận dễ dàng quan điểm đó. Nó vượt lên bằng ánh sáng tâm linh, nó phản đối cái hữu hạn bằng cách tìm miên viễn qua ý thức, nó trộn lẫn hai miền sống chết để thấy rõ ý thức Vô Thường.

Do đó, nó tồn tại trong dòng sống như một vòng quay không đứt đoạn, nối tiếp và nối tiếp...

Tiếng khóc than vây quanh đây đó. Từng ngày rồi từng ngày trôi đi. Quạnh hiu quá chăn chiếu trần gian, dù trần gian, có mắt ai đẹp, có môi ai xinh, cũng chỉ là quạnh hiu! Đang ở giữa tuổi thanh xuân, Trịnh Công Sơn đã nhìn thấy trăm năm với vóc dáng nghĩa trang trước mặt, mỗi khi nghĩ về kiếp sống. Lời trăn trối nào đó gửi đi từ đáy thẳm tâm linh cũng chỉ là tiếc thương im vắng!

Con người ở đâu, từ đâu tới và trở về đâu, câu hỏi đó hình như chưa ai trả lời minh triết được, nên băn khoăn vẫn còn nguyên vẹn. Cuộc hành trình đi tìm Vô Cùng vẫn giữ kín trong vóc dáng hai chàng Lưu Nguyễn thuở nào từ hoang xưa tới hiện tại, vẫn nhịp đời đó thôi, và con người được Sơn hình dung như một vật vô tri lăn mình giữa cuộc thế với phiến đã ưu phiền có in dấu chân muông thú.

...Người đi phiêu du từ đó chưa thấy về quê nhà
rộng đôi cánh tay chờ mong
người đi chợt nhớ mình như đá
đá lăn, vết lăn buồn
...Từ cơn đau ấy lưu thân mỏi mòn
ôi mắt than vẫn xin lời thánh đêm...


Nghĩ về thân phận tức là truy nguyên nguồn gốc sự sống, muốn thu về an ủi trong nỗi bơ vơ, sợ hãi. Người đi lên đồi cao, bước xuống lũng thấp, đi hỏi mưa, hỏi gió, hỏi rừng, hỏi mây, hỏi suối, hỏi sông, hỏi thăm về đời mình hoang vu, hỏi dòng nước lũ rời nguồn gặp đại dương, đại dương nói thầm về kiếp người với ăn năn và rêu phong, nên người thắp nến trong đêm thay mặt trời để soi tỏ Hư Vô. Người đi trong cay đắng, người cúi xuống cho máu ngược dòng để làm nước tưới cho cây khô cành lá, cho bóng mình làm xót xa mặt trời, nghe tim tan vỡ, nghe lòng bâng khuâng

...Cúi xuống thật buồn cho nước sông cuồn cuộn
Hai mươi năm no tròn tuổi biết đau thương
Cúi xuống cho tắt nụ cười cho chút da thịt người
Trong hoang tàn vẫn còn bóng mát che ngang


Có buổi nào đó, khi thức giấc chẳng nhìn thấy mặt trời, những hình bóng người vây quanh hôm trước hôm nay bỗng nhiên vắng mặt. Ngay cả cuộc tình cũng mất tiếng cười. Con người cảm thấy mình lạc loài, bơ vơ. Bàn tay mẹ hiền cũng không còn nữa và chiếc nôi trống rỗng không ấm lời ru.

...Hôm nay thức dậy ôi ngẩn ngơ tôi
Hôm nay thức dậy mê mỏi thân tôi


Trịnh Công Sơn đang sống, đang đuổi bắt mộng đời qua những vòng hoa ân thưởng. Cuộc sống ồn ào quấn chặt mỗi con mồi vào đấu trường rực lửa. Từng con mắt đỏ hoe, từng cặp môi mím lại, từng hàm răng nghiến chặt, từng thân người như những thân cây dựng lên thành luỹ. Và những tiếng kêu, những cơn gào thét, những lời nguyền rủa, những câu khóc than, những chuỗi cười ô nhục, tất cả nhưng mê mải, như hối thúc đi vào những ô không gian dành riêng cho chúng. Nhưng ngoài chúng đích thực còn có những phút im lặng, những ngượng ngùng e thẹn, những tủi nhục không nói nên lời, những khắc khoải buông trôi qua tiếng thở dài não ruột của nhiều khuôn mặt đang cúi xuống!...Vì,

Chúa đã bỏ loài người
Phật đã bỏ loài người
Này em, em cứ phụ người
Này em, xin cứ phụ tôi
...Này em có nhớ cuộc đời
Này em có biết loài người
Này em có nhớ gì tôi...


Niềm tin cuối cùng đã mất, từ đây Trịnh Công Sơn có thể làm một kẻ lãng du vô trách nhiệm đi rong chơi giữa cuộc sống. Cái vòng luẩn quẩn sáng, trưa, chiều, tối khia nó bắt buộc con ngươi phải tuân hành qui luật của thời giời. Biết rằng phi lý, vẫn cứ phải gõ lên nền sỏi đá hôm nay là in dấu chân mình hôm trước để ngày mai đây, bước lại nhịp đầu. Con người muốn tung lên, muốn vứt mình ra khỏi sự nhàm chán đó, nhưng cơm áo ngày càng bắt mình cúi đầu chấp nhận.

Một ngày như mọi ngày, em trả lại đời tôi
Một ngày như mọi ngày, ta nhận lời tình cuối
Một ngày như mọi ngày, đời nhẹ như mây khói
Một ngày như mọi ngày, mang nặng hồn tả tơi
Một ngày như mọi ngày, từng mạch đời trăn trối
Một ngày như mọi ngày, đi về một mình tôi
...
Một ngày như mọi ngày, từng chiều lên hấp hối
Một ngày như mọi ngày, bóng đổ một mình tôi

(Một ngày như mọi ngày)

Tiếng nhạc Trịnh Công Sơn hôm trước, như lả vào khung trời bi thảm của cô đơn. Những ca khúc với cung bậc chan hoà máu lệ, với cơn giận dữ khôn nguôi, với muôn vàn hệ luỵ, rốt cuộc, vẫn chỉ tiếng than vãn của một tấm lòng tích luỹ quá nhiều đau đớn, quá nhiều cay đắng. Từng âm thanh nấc nghẹn như tiếng khóc thầm với lời ca nấn nuối của kẻ đi vào thất vọng! Nhưng Trịnh Công Sơn hôm nay, qua những ca khúc mới nhất trong tập nhạc: Như cánh vạc bay và Cỏ xót xa đưa đã dấn thân vào một tìm kiếm. Trịnh Công Sơn muốn kinh qua sự nhàm chán của hoàn cảnh cũng như nghệ thuật. Vì nghệ thuật là tiến hoá, là sự vươn tới không ngừng của ý thức. Những ca khúc gần đây nhất đã cho người thưởng âm thấy cần phải có sự "chuyển mình" trong nét nhạc cũng như ngôn ngữ. Đúng, Trịnh Công Sơn đang cố gắng viết đơn giản từ lời ca đến câu nhạc. Các giai diệu (mélodie) đã bớt dần tính cách mô tả để nghiêng dần về nhạc kể (récitatif) hơn. Sự kiện này rất quan trọng, vì ở thể ma tả nét nhạc được tỏ bày bằng những âm giai lê thê để nói hết những gì, nội dụng muốn đạt tới hay cần phải chuyển tới người nghe. Ở thể nhạc kể, nét nhạc cô đọng, bao chứa trong nó hiệu năng truyền cảm không bị gò bó, do đó ý thức nghệ thuật coa và giản gị hơn. Trong nhạc Trịnh Công Sơn hôm nay ở một vài ca khú có đoạn ngắn, một, hai phách (mesure) và âm tiết (accent) nghiêng về biểu hiện, để diễn đạt một vài nội dung của lời ca. Trịnh Công Sơn muốn tránh bớt cái tính chất gọi là "hát hò" quanh một nội dung buồn bã.

Đối với Trịnh Công Sơn, hơn 10 năm làm nhạc, với những ca khúc đã nổi tiếng trong và ngoài nước, Sơn chỉ coi như giai đoạn tập dượt, học hỏi và thử thách. Sơn đang suy nghĩ và tìm kiếm chiều hướng mới cho nét nhạc của mình. Sự tìm kiếm đòi hỏi nhiều điều kiện trong đó có phần tự vượt. Trịnh Công Sơn hiểu rõ điều ấy nên rất thận trọng và âm thầm nghiên cứu, tìm tòi để tiến bộ. Ý thức được tiến hoá, nên Trịnh Công Sơn không bao giờ chủ quan trong vấn đề sáng tác. Vì cuộc sống không làm gì có chân lý tuyệt đối, ngay cả nghệ thuật. Montaigue, nhà đạo đức học của Pháp ở thế kỷ 16 đã khám phá ra sự bất lực của con người trong vấn đề đi tìm chân lý và công bằng rồi đó! Tìm chân lý không thấy, con người đi tìm tiến hoá. Điều kiện tiến hoá làm cho cuộc sống đổi thay, suy nghĩ đổi thay, nghệ thuật đổi thay...Âm nhạc cũng đổi thay không ngừng từ thể nhạc, cách cấu tạo, hình thức phô diễn tư tưởng cũng như nhạc ngữ. Cái bí ẩn của đời sống vốn là một bất toàn (imparfait) và ngược lại, vì thế, người nghệ sĩ phải tìm Tuyệt Đối trong Tương Đối, tìm Vô Hạn trong Hữu Hạn, tìm Vô Thể trong Hữu Thể. Vấn đề này được biểu hiện rõ trong địa hạt nghệ thuật mới hôm nay nói chung.

Trịnh Công Sơn ý thức được tiến hoá, tức là đã đi vào chiều hướng mới. Người yêu nhạc Trịnh Công Sơn, có thể đoán biết qua ngôn ngữ bình dị, thứ ngôn ngữ bắt nguồn từ đời sống, vì ngôn ngữ không có đời sống không làm ai rung động. Đúng như vậy, các ca khúc của Sơn hôm nay nó thanh thoát, giản dị hơn nhiều, dù rằng những âm tiết vẫn uất nghẹn thê thiết vì thế cuộc, nhưng nó chỉ là một khởi đầu, một thành hình chưa toại.

Trịnh Công Sơn còn trẻ lắm. Tương lai còn đầy ắp phía trước nên những giấc mơ, cực tính đều được thời gian ủng hộ. Những bất ngờ đang chờ đón trong ca khúc Trịnh Công Sơn, ngày mai, với ân tình thắm thiết trong lòng những người yêu nhạc như yêu đời sống của mình.

Tất cả mọi người đều biết, các ca khúc viết về chiến tranh của Trịnh Công Sơn bị Chính Phủ cấm hát ở Đài Phát thanh và VTTH vì nó phản chiến, làm phương hại đến tinh thần đấu tranh. Sự cấm đoán đã gây xúc động mạnh mẽ trong dư luận. Được ký giả Pomonti hỏi về vấn đề này, Trịnh Công Sơn đã thẳng thắn trả lời: Trong chế độ dân chủ, tôi có quyền viết và cấm là quyền của Chính Phủ. (En démocratie J' ai le droit d'écrire et le gouvernement celui d'interdire. Le Monde Numero 75 70.17/5/1969). Cũng trong bài báo đó, ký giả Pomonti cho biết Đài Phát Thanh Hà Nội phổ biến nhạc của Sơn chỉ nhằm mục đích tuyên truyền và hàng ngàn dĩa hát, băng nhạc được đưa ra ngoại quốc lén lút do các con buôn. Nhưng Pomonti cũng phải nhận rằng, Chính Quyền không quá khắc nghiệt đối với Trịnh Công Sơn. Nhạc của Sơn vẫn bày bán ở các tiệm sách tại Đà Nẵng và Huế sau 1 tháng bị cấm.

Báo Chính Luận số ra ngày 13-2-1969 cũng bày tỏ ý kiến,

… Xét nhạc Trịnh Công Sơn, dưới cái nhìn Trịnh Công Sơn trước hết phải là một công dân với tất cả nghĩa vụ và quyền hạn của một công dân đối với tập thể. Có thể trách Trịnh Công Sơn đã không đặt đúng tầm quan trọng của “quan điểm chính trị” mà mỗi công dân phải có, tức là phải có tư tưởng dứt khoát và minh bạch đối với cuộc kháng chiến chống cộng sản xâm lược.

Thế nhưng trong một chế độ được coi la tự do thì vấn đề “quan điểm chính trị” không nên khe khắt như trong các chế độ độc tài và Cộng Sản. Chẳng hạn trong chế độ Cộng Sản khi mà CS còn khai thác chiêu bài yêu nước thì bài: …. Người về nay đã cụt tay (Nhớ Người Thương Binh của Phạm Duy) được coi là liều thuốc kích thích hữu hiệu, nhưng khi dân chúng giác ngộ về sự lợi dụng của Cộng Sản mà hết say mê thần tượng “cụt tay” vì đây là cụt “cho đảng” không phải “cho Nước”, thì bài đó bị liệt vào loại “phản động” làm nản lòng chiến sĩ.

Trịnh Công Sơn khi khóc than trước cái cảnh chết hai lần (một lần chết vì đại bác Quốc Gia, một lần chết vì mìn của Cộng Sản) nếu về phương diện chính trị có thể bị coi là đã “không phân biệt bạn, thù” thì về phương diện triết lý của sự sống đã nói lên được phần nào thân phận bi đát của miền Nam bị kẹp giữa các thế lực Quốc Tế và để sống còn, vì không có đủ sức lực “trực tiếp trả miếng” nên đã phải tiến, lui, tránh né, để gián tiếp phản công mà tự vệ. Nhạc Trịnh Công Sơn nên được hiểu theo tinh thần phản chiến đó.

… Chính trị của VNCH, nghĩa là chính trị của một chế độ dân chủ đã làm tròn nhiệm vụ của nó hay chưa. Đó mới là vấn đề trong vụ: nhạc phản chiến Trịnh Công Sơn.


C. L.


Việc cấm nhạc Trịnh Công Sơn còn gây nên phản ứng ở các báo chí ngoại quốc. Những bản tin đánh đi, ít nhiều gì cũng bênh vực Trịnh Công Sơn nhất là đối với dư luận nước Mỹ, vì nhạc của Sơn đã lôi kéo sự chú ý của dân chúng Hoa Kỳ từ khi tờ New York Times đăng tải một bài của thông tín viên Bernard Weinraub tại Saigon với nhan đề: Một Người Việt Nam Trẻ đã ca về nỗi buồn của Chiến Tranh

Trần Văn Dĩnh đã nói điều trên ở bản tin, nhan đề: Bob Dylan của Việt Nam (The Bob Dylan of Vietnam) trong Peace News ngày 8-11-1968. Vậy Bob Dylan là ai? Bob Dylan là nhạc sĩ Mỹ trẻ, thuộc thành phần phản chiến. Bob Dylan không phải tên thật, chỉ là biệt hiệu. Nguyên do chàng nhạc sĩ này mê thơ của một thi sĩ tiền phong Mỹ: Thomas Dylan, nên lấy tên của thi sĩ này đặt cho mình. Cách đây mấy năm, các ca khúc của Bon Dylan đã gây ảnh hưởng rất lớn trong giới thanh niên Hoa Kỳ với nếp sống hippy thác loạn. Bob Dylan mê hút cần sa, chất ma túy này đã làm thần kinh Bob Dylan mau suy sụp, đến bây giờ hình ảnh Bob Dylan phẫn nộ, cuồng mê, phản chiến đã chìm dần vào dĩ vãng, vì nước Mỹ “nghiến” nhân tài rất nhanh và tàn nhẫn !

Trong các thông tin viên quốc tế có mặt tại miền Nam ở thời gian nhạc Trịnh Công Sơn bị cấm, có lẽ chỉ Crystal Erhart là có cái nhìn khách quan khi nói về đời sống nhạc Trịnh Công Sơn

… Sau cuộc chiến ở Huế,Trịnh Công Sơn, một nhạc sĩ cũng là ca sĩ 28 tuổi, đã viết lên những ca khúc cảm động:
Bài Ca Dành Cho Những Xác Người,

… Xác người nằm trôi sông
Phơi trên ruộng đồng
Trên nóc nhà thành phố
Trên thềm nhà hoang vu …



Trong những ngày của cuộc chiến ở Huế, Sơn đã ngồi trong nhà, nhìn những người lính Bắc Việt di chuyển qua khu nhà Sơn, và sau đó, sống với những người dân tỵ nạn trong những căn nhà ẩm mốc cả tháng trời, nhìn những nấm mộ tập thể được tìm thấy, những thành lũy bị bom đạn và sự chết, Sơn đã viết bài hát này với xúc động sâu kín, chỉ có thể so sánh với những bài hát của những người dân nô lệ miền Nam Mỹ,

… Xác người nằm quanh đây
Trong mưa lạnh này
Bên xác người già yếu
Có xác còn thơ ngây
Bên những vồng ngô khoai….


Ca khúc này nói lên tâm hồn người Việt Nam sau biến cố Tết Mậu Thân 31 tháng Giêng. Trịnh Công Sơn, một ca sĩ và nhà soạn nhạc hiện đang nổi tiếng. Người được dân chúng Việt Nam kính trọng, nhất là giới học sinh, sinh viên, bởi vì nhạc của ông là kết hợp những lời rên rĩ, oán than của những người Việt Nam ngày xưa với nét nhạc mới Tây Phương. Ngôn ngữ trong ca khúc của ông giống như ca dao, những ca dao Việt Nam có từ hàng ngàn năm trước đây ảnh hưởng Đạo Lão, chữ dùng nhiều khi cụ thể, giản dị, đôi lúc có ti;nh cách tưởng tượng.
Trịnh Công Sơn đã xuất bản 3 tập nhạc về dân ca và sẽ xuất bản thêm một tập mới nữa, mang nhan đề: Sau Ngày Hưu Chiến, Trước Tết, Sơn đã có nhiều cuộc hòa nhạc tại Đại Học Đường, khi mà một số tự do tối thiểu nào đó của sinh viên, học sinh vẫn còn. Nhiều bài hát hiện đang bị chính phủ cấm, vì có tính cách phản chiến,

…. Một ngày dài trên quê hương
đang đến với Việt Nam…


Những ca khúc của Trịnh Công Sơn cũng đã được xuất bản và thâu băng tại Hoa Kỳ (Trong một phim ngắn thuộc về đời ông ở Huế, nơi ông cư ngụ với gia đình đang được Dispatch thực hiện và sẽ chiếu cho công chúng xem trong tương lại gần đây).
Trong những ngày đến Saigon, ông ta ở tại một căn nhà cũ kỹ sau Hội Họa Sĩ Trẻ Việt Nam, đường Lê Thánh Tôn. Ba phía tường bằng ciment, còn một phía bằng gỗ. Một cái dù trên trần nhà để che mưa, quần áo mắc đầy tường, một cái bàn gỗ mộc, hai ghế bố, một cái di-văng gỗ rộng, và cái trạm đựng thức ăn..v..v. Ánh sáng đi vào tư cửa sổ mở, một bóng đèn tròn đưọc bao quanh bằng cái chụp giấy.

- Tôi được sinh ra ở Cao nguyên miền Trung bộ Nam. Trịnh Công Sơn nhấn mạnh: tôi chưa bao giờ học nhạc ở một lớp nhạc nào. Tôi đã tự học ở Huế, Sài Gòn, Đà Lạt. Tôi sống để sáng tác nhạc .
Sơn đã đậu tú tài ban Triết...Cha Sơn đã chết, và gia đình gồm một mẹ già, 2 anh trai, 5 em gái hiện đang ngụ tại Huế.

Sơn đã trở lại Huế sáng tác tập nhạc: Những Ca Khúc Mới, - Tôi thích sáng tác ở Huế. Sơn cười buồn, bởi vì dù thành phố này bị tàn phá nhưng nó rất yên lặng, không ồn ào, bụi bậm như Saigon.

Bây giờ, tất cả cảm hứng của tôi đều từ khuôn mặt thật của chiến tranh, những lời ca và ý nhạc đều được hình thành từ nỗi buồn mà tôi được chứng kiến. Sơn đã viết về nỗi buồn này trong bài hát Ngủ Đi Con, bài này làm cho một bà mẹ hát để ru đứa con đã chết,

Con ngủ, ngủ đi con
Đứa con của mẹ da vàng
Ru con ru đạn nhuộm hồng vết thương
Hai mươi năm đàn con đi lính
Đi rồi không về
Đứa con da vàng của mẹ
Ngủ đi con
Ru con ru đã hai lần
Ôi tấm thân này ngày xưa bé bỏng
Mẹ mang đầy bụng, mẹ bồng trên tay
Hò… ho … ho…
Sao ngủ tuổi hai mươi …
(Ngủ Đi Con)


Khi Sơn hát và chơi đàn, căn phòng trở nên u tối, cơn mưa sớm buổi chiều bắt đầu. Một vài người bạn đã đến, nghe Sơn hát.

- Cái gì tôi lo sợ nhất cho quê hương tôi, Sơn nói, đó là nếu quê hương trở thành nô lệ, thì những người dân Việt Nam sẽ bị chia cắt tận gốc từ màu da thật sự của họ, hơn nữa, tôi sợ phần lớn những tầng lớp xã hội này sẽ bị phân hóa bởi sự oán giận và hờn ghen.

- Sau chiến tranh, Sơn tiếp tục, cái tôi sợ nhất là sự bắt đầu của một cuộc chiến khác, vì thế, thật là khó khăn để mộng mơ đến hòa bình, thống nhất sẽ được thực hiện trên quê hương chúng ta.

Những bài hát của ông luôn luôn diễn tả sự hy vọng sẽ có hòa bình và thống nhất. Những bài hát này, như Tôi Sẽ Đi Thăm đã không làm cho ông ta có cảm tình với Chính Phủ miền Nam Việt Nam,

… Khi đất nước tôi hòa bình
Tôi sẽ đi không vội vã
Sài gòn ra Nghệ An
Từ Hà Nội xuống Phan Rang…


- Tôi nghĩ rằng, những ca khúc của tôi không được chính quyền yêu thích, ông ngượng ngập nói lời trên. Lý do, những lời ca đó than van về những đau khổ của chiến tranh, như vậy, đã trái với đường lối của Chính Phủ.
Những bài hát tình cảm, dầu sao, như bài: Gia Tài Của Mẹ đã được trình diễn trên Đài Phát Thanh Việt Nam và ở những quán cà-phê ta thường được nghe,

… Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu
Một trăm năm nô lệ giặc Tây
Hai mươi năm nội chiến từng ngày ….


Mưa bắt đầu nặng hạt và nước bắt đầu tràn vào nhà. – Căn nhà thấp hơn mặt đường, Sơn giải thích, nên phòng này luôn luôn bị lụt khi trời mưa. Mọi người đều cười, để chân lên ghế hay giường, đốt thuốc lá và yêu cầu Sơn hát nữa. Sơn đã hát lại một cách hồn nhiên.

- Tôi chưa có dịp để nghe những ca sĩ dân ca Hoa Kỳ trình diễn nên chưa biết thích ai cả tuy nhiên, tôi có một tape nhạc của Joan Baez. Tôi thích Joan Baez bởi vì giọng hát của cô chuyển đạt được hết những dư âm buồn Đông Phương.
Sau những ca khúc khác, Sơn nói: - Khi tôi viết những ca khúc để nói lên một trạng thái nào đó, thí dụ như thân phận buồn rầu của dân Việt Nam, tôi mơ rằng, những bài hát của tôi sẽ làm những người có cùng thân phận gần lại với nhau hơn và khám phá ra những phương pháp để chữa trị vết thương chung mà 20 năm nay chúng ta chịu đựng.

Mọi người đều yên lặng, nghe mưa rơi. Trịnh Công Sơn đang dạo nhạc và lựa hòa âm. Tai của Sơn sát với thùng đàn. Với 28 tuổi đời, Sơn đã có một tước vị cao trọng của một người khi hát lên những đau khổ của cả một Dân Tộc.

Crystal Erhart



nguồn: Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay
  Trịnh Công Sơn:
> bài hát
> bài viết
> hình ảnh
> phỏng vấn
> bút tích
> dòng thời gian

Những người mến mộ:
> những kỷ niệm
> bài viết
> tưởng niệm
> tin tức
> sách
> lưu bút

Khánh Ly


Phố Xưa


- 20 bài mới nhất



Một hình ảnh ngẫu nhiên:






Gia Sư: Gia Đình + Sinh Viên
 
Address: www.SuuTap.com/TrinhCongSon - Collection: Hoang Truc Ly - Design & script: Sony Ho