tưởng niệm




Cho một người nằm xuống

--- Hoàng Tùng ---


Ông đã nằm xuống sau 63 năm vui chơi trên cõi đi về. Trong cuộc đời sáng tác của mình, Trịnh Công Sơn đã cần mẫn và mải miết góp nhặt cho đời những nét nhạc đẹp đến mức huyền hoặc. Âm nhạc của Trịnh đã gần như tạo thành một dòng nhạc riêng. Ông cũng là một nhạc sĩ khá hiếm hoi được đông đảo giới yêu nhạc từ trẻ đến già yêu mến và ngưỡng mộ.

“Vì tình yêu nên có âm nhạc. Vì khổ đau nên có âm nhạc. Có hạnh phúc nên cũng có âm nhạc”. Trịnh quan niệm về âm nhạc giản dị và gần gũi vậy. Nét nhạc của Trịnh không hề đao to búa lớn. Nó nhẹ nhàng, đằm thắm mà vẫn sang trọng. Nó đi vào từng con người, chạm vào từng số phận nhỏ nhoi. Nó khiến mỗi người khi nghe nhạc Trịnh đều cảm thấy có bản thân mình trong đó.

Trong cuộc đời sáng tác của mình, Trịnh Công Sơn đã để lại cho đời một gia sản âm nhạc đồ sộ với gần 600 ca khúc. Điều đặc biệt là những ca khúc của Trịnh nhiều là vậy nhưng phần lớn chúng đều đến được với khán giả. Người nghe luôn chờ đón nhạc Trịnh. Và hiếm có ai không thuộc một vài câu hát Trịnh. “Trịnh Công Sơn viết nhạc dễ như lấy trong túi ra” (Nguyễn Xuân Khoát). Nhạc Trịnh đọng lại trong lòng người nghe bởi nó có sức truyền cảm mạnh qua những triết lí sống buồn nhưng lành mạnh ẩn hiện một cách tài tình trong từng ca khúc.

Trịnh Công Sơn là một trong những người hiếm hoi đã đập tan ranh giới giữa thơ và nhạc. Nhạc của ông thấm đẫm chất thơ. Những lời hát của ông lóng lánh âm điệu du dương và ắp đầy hình tượng đẹp khiến những nhà thơ ao ước. Lời hát như lời thơ:

“Nghe xót xa hằn lên tuổi trời.
Trẻ thơ ơi!
Trẻ thơ ơi!
Tin buồn từ ngày mẹ cho
mang nặng kiếp người”


(Gọi tên bốn mùa)

Hiếm ai có thể thể hiện triết lí nhà Phật: “Đời là bể khổ” một cách uyển chuyển trong âm nhạc và tài tình trong thơ như vậy. Nếu như tập hợp tất cả những bài hát của Trịnh Công Sơn lại, bỏ phần nhạc đi mà chỉ giữ lại phần lời, ta cũng sẽ có được một gia sản thơ kha khá.

Từ ca khúc đầu tay “Ướt mi” (1959) cho đến ca khúc cuối cùng “Đồng dao năm 2000” (2001) nhạc của Trịnh luôn hướng tới một tình yêu cao cả. Tình yêu đó có thể là tình yêu lứa đôi. Những bóng hồng trong ca khúc của Trịnh đẹp là thế mà sao vẫn cứ xa vời. Phải chăng đó là định mệnh. Trịnh Công Sơn sống đơn lẻ cho tới tận cuối đời. Tuy nhiên bên ông luôn có nhiều những người bạn hữu và nhiều nhất là những người yêu nhạc Trịnh một cách mê đắm. Tình yêu trong nhạc Trịnh đôi khi lại là tình yêu nhân loại. Nó được thể hiện đơn giản ở tư tưởng “chống chiến tranh, yêu hoà bình, muốn kết bạn với mọi người ” trong bài hát “Nối vòng tay lớn” do chính ông đã hát trên sóng phát thanh năm nào và giờ đây âm hưởng của bài ca cứ vang xa, lan xa.

Tuy nhiên đôi khi ta vẫn thường thắc mắc, nhạc Trịnh hay thì hay thật đấy, lời ca của ông đẹp thì đẹp đấy thế nhưng sao đôi khi nó trở nên khó hiểu. “Em đi về cầu mưa ướt áo” là gì? hay “Tôi thu tôi bé lại làm mưa tan giữa trời”. Nó hàm ý gì vậy? Cũng có lúc Trịnh Công Sơn giải thích lời ca của mình nhưng trong những giây phút cuối cùng, ông chỉ trả lời một cách đơn giản: “Nghệ thuật cốt sao mở được con đường ngắn nhất từ trái tim đến trái tim mà không cần bất cứ một sự giải thích nào cả". Đó cũng là một nét đặc trưng tạo thành sức cuốn trong nhạc Trịnh: đòi hỏi ở người nghe sự cảm nhận.

Đã hai năm rồi nước Việt vắng bóng Trịnh Công Sơn, đã hai năm rồi âm nhạc vắng bóng Trịnh Công Sơn? Không! Trịnh vẫn sống. Ông vẫn hiện hữu trong tâm trí của mọi người. Và đâu đó vang lên trong từng con ngõ nhỏ, trong những quán cà phê và trong tiềm thức của mỗi người yêu nhạc Trịnh là lời ca: “Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi?” ta thấy bóng dáng Trịnh đâu đó ấm áp trong “cõi Trịnh” mà ông đã tạo ra và để lại cho đời



nguồn: bạn đọc góp bài
  Trịnh Công Sơn:
> bài hát
> bài viết
> hình ảnh
> phỏng vấn
> bút tích
> dòng thời gian

Những người mến mộ:
> những kỷ niệm
> bài viết
> tưởng niệm
> tin tức
> sách
> lưu bút

Khánh Ly


Phố Xưa


- 20 bài mới nhất



Một hình ảnh ngẫu nhiên:






Gia Sư: Gia Đình + Sinh Viên
 
Address: www.SuuTap.com/TrinhCongSon - Collection: Hoang Truc Ly - Design & script: Sony Ho