phỏng vấn




Trò chuyện với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

--- TCS (được phỏng vấn) ---


* Thưa nhạc sĩ, có sự khác nhau giữa một Trịnh Công Sơn trước 1975 và sau 1975 trong sáng tác của nhạc sĩ?

- Sự khác nhau là rất lớn, hai mươi năm trôi qua mà không có gì thay đổi đó mới là điều lạ, và khi ấy tâm hồn người sáng tác chẳng khác gì mặt nước ao tù.

* Quê hương xứ Huế và Ðạo Phật có ảnh hưởng thế nào đối với sáng tác của nhạc sĩ? Ðiều gì trong cuộc sống có ảnh hưởng lớn nhất tới việc sáng tác? Theo nhạc sĩ để cảm nhận được cái hay cái đẹp của âm nhạc và các sáng tác của nhạc sĩ nói riêng, thính giả cần có điều kiện gì?

- Huế và Ðạo phật ảnh hưởng sâu đậm trong tình cảm thời thơ ấu của tôi. Tất cả những gì thuộc về cuộc sống đều có ảnh hưởng trong đời sống tinh thần và tình cảm của tôi. Ðể có thể cảm nhận được cái hay cái đẹp trong âm nhạc và riêng trong những ca khúc của tôi, cần có một linh cảm nhạy bén và vốn kiến thức nhất định.

* Các ca khúc của nhạc sĩ càng về sau càng thể hiện tính triết lý. Phải chăng càng lớn tuổi người ta càng có nhiều nỗi cô đơn trong "Một cõi đi về" của mình?

- Ðúng là như vậy.

* Người ta thường nói: "Những tác phẩm bất hủ trong mỗi lĩnh vực nghệ thuật đều do tài năng cộng với sự đau khổ mà thành", vậy các ca khúc của nhạc sĩ do những yếu tố nào tạo nên?

- Câu nói trên cũng đúng với những ca khúc của tôi.

* Theo nhạc sĩ, ca sĩ nào thể hiện thành công nhất tác phẩm của mình? Nhạc sĩ có thể cho một nhận định thật công bằng giữa Khánh Ly và cô Bống Hồng Nhung trong mối hệ với nhạc sĩ về nghệ thuật không?

- Cách diễn đạt của Khánh Ly và Hồng Nhung hoàn toàn khác nhau. Mọi người đều có khán giả riêng của mình. Tuy nhiên người nghe và người yêu thích Khánh Ly vẫn đông đảo hơn nhiều. Trong nghệ thuật Khánh Ly là một người làm việc rất nghiêm túc và luôn luôn giữ một mối liên hệ mật thiết với tác giả để tìm hiểu cặn kẽ những điều tác giả muốn nói trong tác phẩm. Ðầu năm nay Khánh Ly có dự định về nhưng phút cuối, Khánh Ly có điện về cho biết vì những lý do riêng tư nên chưa về được.

* Nhạc sĩ Văn Cao đã từng viết "Trịnh Công Sơn viết dễ như lấy chữ trong túi ra", nhạc sĩ có thể bật mí với độc giả đôi điều về cái túi của mình không? Túi có bị vơi đi khi đã quá nhiều chữ được chuyển tải vào ca khúc?

- Văn Cao chỉ nhắc lại câu nói này của Nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, người mà tôi rất kính trọng. Tôi có cảm tưởng cái túi này chưa vơi đi bao nhiêu.

* Nguồn lực nào đã giúp nhạc sĩ chuyển tải tới công chúng nhiều thế hệ những ca khúc như thách đố với thời gian? Trong cuộc sống đời thường, nhạc sĩ có được thành công và hạnh phúc như trong sáng tác không?

- Công bằng mà nói thì động lực chính là công chúng. Thành công và hạnh phúc không phải là cặp bài trùng luôn luôn dành riêng cho mỗi người. Vì vậy thất bại và bất hạnh là điều khó tránh khỏi.

* "Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi. Ði đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt", nhạc sĩ nói với mình hay nói cho ai vậy? Nhạc sĩ đã đi như vậy bao giờ chưa? Và đã được 'nếm' vị mệt ấy chưa?

- Cõi đi về ấy dành chung cho tất cả mọi người.

* Tại sao ở xứ Huế, mà trong các tác phẩm của mình không có một bài nào nói nên phong cảnh hay nét đẹp riêng của Huế?

- Những ca khúc trước 1975 hầu như đều mang phong vị Huế, mặc dù không có một chữ Huế nào trong bài.

* Ðể viết được những ca khúc về tình yêu, sự rung động của trái tim nhạc sĩ ở mức độ chân thành trước tình yêu hay chỉ là ảo ảnh. Ðã có lần nhạc sĩ nói "Khi bạn hát một bản tình ca nghĩa là bạn đang muốn hát về cuộc tình của bạn", phải chăng khi một ca khúc mới ra đời là một mối tình mới của nhạc sĩ?

- Tất cả đều là ảo ảnh. Thậm chí khi tôi phát biểu một điều gì đó thì chẳng qua đó cũng chỉ là ảo ảnh của những ý tưởng của riêng tôi. Có khi phải có hàng trăm mối tình thoảng qua, đọng lại, ngắn ngủi dài lâu, mới viết được dăm bảy ca khúc hay bởi vì sáng tác không hề là công việc của cái máy: cứ bỏ một đồng xu vào thì rơi ra một lon nước.

* Trong nhạc tình của nhạc sĩ, mọi người luôn tìm thấy mọi tâm trạng, tình cảm của mình về tình yêu. Nhạc sĩ nói hộ cho con người tất cả, nhưng chính mình nhạc sĩ đã trải qua tất cả chưa?

- Tôi viết về những gì tôi đã sống và cả dự đoán những gì có thể xảy ra.

* "Sống trong đời cần có một tấm lòng", đó có phải là quan niệm sống và sáng tác của nhạc sĩ không? Theo nhạc sĩ, quan niệm đó có còn đúng trong thời nay?

- Thời buổi nào cũng cần phải có quan niệm sống như thế. Con người và động vật chỉ có khác nhau từng ấy thôi.

* Nhạc sĩ nhớ gì về quá khứ, nghĩ gì về hiện tại và hy vọng gì ở tương lai? Nhạc sĩ sẽ sống ra sao nếu một ngày nào đó nhạc sĩ chia tay với âm nhạc?

- Quá khứ, hiện tại, tương lai trong tôi chỉ là một. Nếu có gì khác biệt thì đó là trạng thái tinh thần của từng giai đoạn và sự thay đổi trong những diễn biến tình cảm. Tôi dự định sẽ chia tay với âm nhạc để viết những bài tạp bút ngẫu hứng và vè. Sự tài hoa của anh không chỉ thể hiện trong âm nhạc mà còn trong thi ca, hội hoạ, tư tưởng triết học và ngôn ngữ Pháp.

* Vậy nếu chiêm nghiêm lại mình, anh nghĩ gì về hai câu thơ của Nguyễn Du: "Trăm năm trong cõi người ta. Chữ tài chữ mệnh ắt là ghét nhau"?

- Tôi muốn viết sai câu thơ của Nguyễn Du cho riêng mình: "Trăm năm trong cõi người ta. Chữ tài chữ mệnh cùng là bể dâu".



nguồn: www.hcm.fpt.vn
  Trịnh Công Sơn:
> bài hát
> bài viết
> hình ảnh
> phỏng vấn
> bút tích
> dòng thời gian

Những người mến mộ:
> những kỷ niệm
> bài viết
> tưởng niệm
> tin tức
> sách
> lưu bút

Khánh Ly


Phố Xưa


- 20 bài mới nhất



Một hình ảnh ngẫu nhiên:






Gia Sư: Gia Đình + Sinh Viên
 
Address: www.SuuTap.com/TrinhCongSon - Collection: Hoang Truc Ly - Design & script: Sony Ho