bài viết




Trịnh Công Sơn - Một hôm thấy ta là lá cỏ, ngồi hát ca rất tự do - Phần 1

--- Trịnh Công Sơn ---


1.
"Một hôm thấy ta là lá cỏ,
ngồi hát ca rất tự do..."

Bài hát là phương tiện để bày tỏ lòng mình với cuộc đời,
có gì tuyệt vời hơn lá cỏ nhỏ nhoi nhưng tự hát ca với đời mình?


2.
Trên cánh đồng ca khúc,
tôi như một đứa bé ước mơ mặt trời là con diều giấy thả chơi.


3.
Với ca khúc,
tôi là người tình của thiên nhiên,
là người bạn của những em bé.
Qua ca khúc,
tôi đã đến gần và đã đi xa những chuyện tình;
đã tham dự những nỗi hân hoan của đời người
và cũng đã gánh nhẹ giùm những phiền muộn.


4.
Yêu thương con người cũng là yêu thương tiếng hát
bởi vì tiếng hát mang trong nó tâm hồn của con người.
Tiếng hát sẽ mọc lên xanh tươi trên cuộc đời này
như những cây tử đinh hương mọc tràn thơm tho
trên những cánh đồng vô tận.


5.
Ca khúc là đời sống thứ hai
sau cái thân thể mà cha mẹ đã sinh thành.


6.
Âm nhạc không thể tồn tại nếu vắng bóng con người.


7.
Tình yêu cho phép những ca khúc ra đời.
Nỗi đau và niềm hân hoan làm thành bào thai sinh nở ra âm nhạc.
Âm nhạc như thế là tình yêu,
là trong bản thân nó hàm chứa một cõi nhân sinh
bề bộn những khổ đau và hoan lạc.
Không có bất hạnh và nụ cười
có lẽ âm nhạc cũng không thể có duyên ra đời.


8.
Ở đâu có con người, ở đó có tiếng hát.
Trên mặt đất, trần gian này
tiếng hát nhắc nhở ta một điều giản dị:
tôi hát là tôi hiện hữu.


9.
Tiếng hát là con đẻ của thân xác.


10.
Tất cả mọi điều sẽ qua đi, sẽ biến mất,
nhưng tiếng hát, câu ca, một khi đã được khai sinh
với ngày thôi nôi huy hoàng của nó
thì sẽ ở lại với đời mãi mãi.
Đó là một cuộc rong chơi ngậm ngùi của hữu hạn
muốn chộp bắt cái vô hạn làm món quà thế chấp cho đời mình.


11.
Vui thay, một tác phẩm nghệ thuật,
trong đó có âm nhạc,
khi đã thực sự có mặt ở đời và đời nhận,
là ra đi mãi mãi.


12.
Một tác phẩm âm nhạc đã dâng tặng đời
cũng không đòi hỏi phải trả lại một điều gì cả.


13.
Đã từ lâu tôi muốn qua ca khúc nói được thật nhiều điều.
Tôi không chọn ca khúc như một chặng đường
để rồi sau đó tu dưỡng hòng nhảy vào những thể loại to lớn hơn.
Ca khúc đối với tôi
là một mô hình gần gũi, thiết thân và hoàn chỉnh.
Nó là một cuộc hôn phối kỳ diệu giữa thi ca và âm nhạc.


14.
Tâm hồn tôi đang như là một ngôi nhà
mà hội họa, âm nhạc, và thi ca
chỉ là thời tiết mùa màng đổi thay
của một sự sống đang trú ngụ trong đó.


15.
Hội họa và âm nhạc là hai người bạn đồng hành trong nghệ thuật.
Trong âm thanh có mầu sắc và ngược lại,
trong màu sắc có âm thanh.
Khi bạn đứng trước một bức tranh hoặc nhiều bức tranh,
trong yên lặng, bạn sẽ nghe từ những khối màu,
từ những đường nét vang lên một thứ âm thanh mơ hồ nào đó.
Và nếu bạn là nhạc sĩ bạn có thể ghi chép lại
và cùng hợp tấu với những âm thanh kia.


16.
Ở nơi nào trên mặt đất này có con người, ở đó có tiếng hát.
Con người có thể hát một mình ở bất kỳ nơi đâu.
Ca khúc là nỗi lòng của một con người trong cuộc sống.
Cuộc tình giữa âm nhạc và văn học này
đã khiến ca khúc tự nó có thể chạm đến
mọi bờ cõi tri thức của đời sống con người.
Nó đủ khả năng hát về một cái chồi non vừa nhú
cho đến cái chết của một con người.
Nó chính là tiếng chim buổi sáng,
tiếng gà gáy trưa bên đồi mang âm vang của một nỗi nhớ nhung.
Nó là nắng, là mưa, là nụ cười, là tiếng khóc.
Nó ở cùng với điều nhỏ nhất
và đồng thời cũng sống chung với những cõi bờ bao la.


17.
Nếu trong âm nhạc
không có những dấu lặng, dấu nghỉ,
thì đó là một tai hoạ.


18.
Vì có tình yêu nên có âm nhạc.
Vì có khổ đau nên có âm nhạc.
Có hạnh phúc nên cũng có âm nhạc.


19.
Người viết ca khúc
là đứa con riêng của hôn phối giữa thơ và nhạc.
Nó thường hay mộng mị, than thở, thở than,
bởi nó biết Hạnh Phúc là một dự báo của hư vô.


20.
Số phận của một bài hát
có thể trở thành số phận của một con người
có được hoặc mất đi của một hạnh phúc.


21.
Một tác phẩm không bị lãng quên
thường được mở rộng đường để đi đến chốn không bờ bến
của những giá trị dường như huyễn hoặc. Con người bị lãng quên là kẻ đã tự đánh mất mình
để rồi xoá nốt mình trong trí nhớ kẻ khác. Cũng như thế, có những dòng nhạc của một đời người
đã đứng ngoài và cao hơn số phận của người đó.


22.
Tôi nghĩ trong nghệ thuật, điều quan trọng nhất
là làm thế nào để mở ra một con đường ngắn nhất
đi từ trái tim của mình đến trái tim của người
mà không cần cắt nghĩa gì thêm.


23.
Nghệ thuật là một cuộc chơi,
một cuộc-chơi-tự-dâng-hiến của người nghệ sĩ.
Tự thân sự dâng hiến đã là hạnh phúc của người nghệ sĩ,
bất chấp sự dâng hiến đó được chấp nhận hay bị từ khước.


24.
Đã xem là cuộc chơi thì tất cả chỉ nhẹ như tơ hồng.


25.
Không trọn
là dấu hiệu của một thứ nghệ thuật tròn vẹn của thiên tài.


26.
Tôi quan niệm tất cả mọi người cùng sống trong một thời đại
đều có chung một tuổi - đó là tuổi của thời đại.
Nếu không có chung cái tuổi thời đại ấy
thì sẽ không thể có được sự thông cảm
giữa các thế hệ khác nhau sống trong cùng một thời đại.


27.
Tôi muốn giữ một sự tịch lặng cho riêng mình
và để cho những tiếng nói xung quanh
trở thành một sự xao động bình thường của thiên nhiên.


28.
Đám đông và sự ồn ào
không phải luôn luôn là đại diện của sự sống.


29.
Phải có một nỗi tuyệt vọng nào đó khởi đầu
để tôi không ngừng dan díu với những giọt nước mắt của đời
làm của cải riêng tư.


30.
[Có lúc tôi nghĩ rằng] nỗi buồn vô thường vô cớ kia
là bắt nguồn từ nỗi nhớ về cái quê hương đầu tiên
từ cái bào thai trong bụng mẹ.
Nhớ về cái cõi ở đó thành hình dần dần
trong nỗi vui cùng những lo âu của người phụ nữ.


31.
Không có bài hát nào nói đủ về mẹ. Mất mẹ là mất đi một tài sản lớn nhất
trong toàn bộ sự giàu có của một đời người.


32.
Người ta có thể vui chơi, đàn đúm, quây quần một đời
nhưng vẫn cứ lạc loài lẻ loi một chốc.
Một chốc mà là tất cả.
Cái sát na nhỏ bé của thời gian
đôi khi cũng quy định cả đời người.
Một người mẹ bỏ đi.
Một người tình bỏ đi
cũng nằm trong cái sát na đó.


33.
Ðừng tuyệt vọng
vì cuộc đời hồn nhiên đôn hậu
vẫn luôn luôn cho ta những ngày vui khác.
Những ngày vui của đời thì thênh thang vô tận.
Hết cuộc tuyệt vọng này đến một cuộc tuyệt vọng khác
biết đâu cũng là một niềm vui.
Một niềm vui dù không có thật
thì cũng đủ an ủi trong phút chốc.


34.
Từ buổi con người sống quá rẻ rúng
tôi biết rằng vinh quang chỉ là điều dối trá
Tôi không còn gì để chiêm bái
ngoài nỗi tuyệt vọng và lòng bao dung.
Hãy đi đến tận cùng của tuyệt vọng
để thấy tuyệt vọng cũng đẹp như môt bông hoa.


35.
Hãy đau đớn đi.
Biết đau nỗi đau của người khác và của chính mình
là dấu hiệu của lòng nhân ái.
Cái tín hiệu ấy phát đi và mọi người nhận được.


36.
Vết thương tỉnh thức là một con mắt sáng ngời.
Nó nhìn ngược về quá khứ và ngó thẳng đến tương lai.


37.
Ðừng than thân trách phận.
Ðời không có lỗi với ai,
chỉ có ta có lỗi với đời.


38.
Cái tôi đáng ghét (Le moi est haissable - B. Pascal)
nhưng cái tôi cũng có lúc đáng yêu
vì cái tôi đó biết mình và cuộc đời là một.


39.
Cuộc sống là một niềm an ủi vô bờ.
Cuộc sống chỉ cho ta mà không cần lấy bớt đi.
Cuộc sống cho ta tất cả và mỉm cười khi thấy ta dại dột.


40.
Con người sinh ra vốn bất toàn và để làm những điều lầm lỗi.
Nó đẹp vì bất toàn.
Nó đáng yêu vì nó luôn luôn lầm lỗi.
Vậy thì cứ yêu mà đừng tuyệt vọng.


41.
Đời sống có những nhầm lẫn trẻ thơ,
không nên giận dỗi.


42.
Ðừng mơ ước gì xa xôi
bởi vì giấc mộng của chúng ta là có thật
hoặc sẽ có thật trong bờ cõi nhỏ nhắn
nhưng đôn hậu và tình tứ này.


43.
Con người vì một sự thông minh thiên phú
đã biết biến nơi cõi tạm này thành một chốn cư trú đầy huyễn hoặc.


44.
Có những kẻ thấy được thiên đường.
Có những kẻ thấy được địa ngục.
Và có không ít những kẻ bị chọc mù đôi mắt
khi đi qua tình yêu.


45.
Tình yêu có thể nâng bổng con người
nhưng cũng lắm lúc nhấn chìm kẻ háo hức.



nguồn: Hà Vũ Trọng
  Trịnh Công Sơn:
> bài hát
> bài viết
> hình ảnh
> phỏng vấn
> bút tích
> dòng thời gian

Những người mến mộ:
> những kỷ niệm
> bài viết
> tưởng niệm
> tin tức
> sách
> lưu bút

Khánh Ly


Phố Xưa


- 20 bài mới nhất



Một hình ảnh ngẫu nhiên:






Gia Sư: Gia Đình + Sinh Viên
 
Address: www.SuuTap.com/TrinhCongSon - Collection: Hoang Truc Ly - Design & script: Sony Ho