bài viết




Yêu người, yêu đời

--- Hoàng Tá Thích ---


TTO - Nếu có người hỏi tôi thích nhất ca khúc nào của Trịnh Công Sơn, tôi sẽ ngập ngừng không thể trả lời được. (Hình như mình thích nhiều bài, và bài nào mình cũng thích). Có lẽ bạn cũng thế, và rất nhiều người khác nữa, khi được hỏi câu đó, đều sẽ khó thể trả lời ngay được.

Ca khúc Trịnh Công Sơn là những bài hát về tình yêu, thân phận con người và quê hương. Ba chủ đề này bao hàm mọi tư duy về đời sống con người. Trong số gần năm trăm bài hát của anh, hơn một nửa là nhạc tình. Tuy nhiên, đó không phải loại nhạc tình …. đời thường, kể lể một chuyện tình cụ thể của “em và anh”, mà là nói về tình yêu, phân tích, lý giải về tình yêu hay về những cuộc tình. Tình yêu đối với anh Sơn là một thứ hạnh phúc. Anh vẫn nói: “Đời sống thì hữu hạn, tình yêu vô hạn”. Hạnh phúc đến nỗi: “Một ngày tình cờ biết em. Là ngày lạ lùng nhất trần gian. Cuộc đời này đã có em, Từng ngày, từng ngày nhớ ơn đời (Còn thấy mặt người).

Tuy nhiên, tình yêu của Trịnh Công Sơn không phải để sở hữu, chiếm đoạt: “Tôi đã yêu em như trẻ thơ, Yêu trong nỗi vui đợi chờ, Đâu biết đôi khi có lìa xa. (Trong nỗi đau tình cờ)”. Đôi khi rất thực: “Tình yêu như thương áo, quen hơi ngọt ngào”, hoặc: “Tình cho nhau môi ấm, một lần là trăm năm (Tình sầu)”. Đôi khi lại rất mơ hồ, như có như không, xa như trời, gần như khói mây, trầm như bóng cây: tuy chỉ là cái bóng cây, nhưng làm sao xóa đi trên mặt đất? Tuổi tình yêu là tuổi “ngồi ghi dấu chân chim qua trời”, là tuổi “mơ kết mây trong sương mù” đủ để làm cho “một hôm thức dậy, chợt hồn như ngất ngây, chợt buồn trong mắt nai”. Tuổi thơ ngây đã hết, đôi mắt nai ngây tròn nay đã bị những giọt nước mắt che mờ: “Trời xanh trong mắt em sâu, mây xuống vây quanh giọt sầu (Còn tuổi nào cho em)”.

Một chút dỗi hờn cũng đã đủ làm cho người con gái một hôm úp mặt trong hai bàn tay, lệ ướt tràn mi mà tưởng như mây mờ che phủ mắt mình. Và khi người yêu xa rời, cứ tưởng dễ dàng quên được: “Người ngỡ đã quên đi, như lòng cố lạnh lùng … người ngỡ đã đi xa, nhưng người vẫn quanh đây (Tình nhớ)”. Tuy cũng có những nỗi đau, những trách móc, thất vọng, nhưng tình yêu đến rồi đi trong âm nhạcTrịnh Công Sơn một cách nhẹ nhàng, bình thản: Từ khi em là Nguyệt, tôi thấy đời thật tươi vui. Nhưng từ khi em thôi là Nguyệt tôi vẫn thấy đời vui. Không khổ luỵ vì tình yêu, Trịnh Công Sơn đã thấu hiểu được triết lý Tứ diệu đế của Phật giáo một cách rõ ràng.

Tư tưởng này càng thể hiện rõ ràng hơn khi anh nói đến cái chết. Ngay từ lúc vừa ra đời, cái chết, nỗi khổ luỵ đã lẫn khuất đâu đó trong cuộc sống: “Tin buồn từ ngày mẹ cho mang nặng kiếp người (Phúc âm buồn)”. Thân phụ mất sớm đã làm anh suy sụp, lại có lần suýt chết trong một tai nạn lúc tập võ vào độ tuổi mười lăm, mười sáu, anh đã sớm ý thức cái vô thường của đời người. Cái chết đang đâu đó nương náu trong anh: “Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi, để một mai tôi về làm cát bụi (Cát bụi)”. Hay “Một lần nằm mơ, tôi thấy tôi qua đời (Bên đời hiu quạnh)”. Và: “Thí dụ bây giờ tôi phải đi, tôi phải đi, Tôi chia ly cùng đời sống này. (Rơi lệ ru người)”.

Đó là một bằng chứng anh đã bị ám ảnh bởi cái chết. Và cũng là lý do khiến anh ghét chiến tranh. Chiến tranh mang đi không biết bao nhiêu là bạn bè, vì vậy, tuy chỉ mới ở tuổi 25,26 anh đã viết những ca khúc “phản chiến” để đời. Trong một bài đăng trên báo Giác ngo, một tác giả nào đó đã viết: “Trịnh Công Sơn hoằng pháp bằng âm nhạc”. Điều này không lạ vì anh đã viết trong một ca khúc: “Không có đâu em này, không có cái chết đầu tiên. Và có đâu em này, đâu có cái chết sau cùng (Ngẫu nhiên)”. Tư tưởng sắc sắc, không không, không sinh, không diệt, không bắt đầu, không kết thúc, thể hiện rất rõ ràng. Trong ca khúc Đóa hoa vô thường, anh đã có những lời “dẫn nhạc”: Tình do tâm mà sinh.

Có khi tình đã mất mà tâm còn động vọng. Đến lúc tâm bình an thì tình kia cũng đoạn nỗi. Mọi thứ đều vô thường: “Từng giọt vô biên, trôi chìm tiếng tâm (Cũng sẽ chìm trôi)”. Trịnh Công Sơn cũng đã đưa tư tưởng Bát nhã vào trong âm nhạc. Ca khúc Sóng về đâu lấy ý từ câu chú trong kinh Bát nhã “Vượt qua, vượt qua, vượt qua mau đến bờ bên kia (Yết đế, Yết đế, Bala yết đế, Bala tăng yết đế, Bồ đề, Ta bà ha). Những lúc sáng tác, anh thường rút về cõi riêng của mình để suy nghĩ, trong một góc phòng, một nơi nào đó cách xa huyên náo. Trong cõi tĩnh lặng ấy, anh đã lắng nghe. Ngài Xá Lợi Phật trước khi trở thành đệ tử của Đức Phật, đã im lặng suốt cả năm trường. Trong sự im lặng tuyệt đối đó ngài đã nghe những lời thuyết vô ngôn của đức Thế Tôn. Trong cõi tĩnh lặng của mình, Trịnh Công Sơn cũng đã lắng nghe được tiếng nói của vạn vật cây cỏ: Im lặng dòng sông, tôi đã lắng nghe, im lặng của đêm, tôi đã lắng nghe (Tôi đang lắng nghe).

Đêm nghe gió tự tình, đêm nghe đất trở mình (Nghe tiếng muôn trùng). Đêm đêm nằm nghe lá than van chút niềm đau ngọt ngào (Tình xót xa vừa). Lúc nào cũng lắng nghe, nên có lẽ anh đã nghe được tiếng nói của muôn loài, và cũng vì vậy mà anh có một tấm lòng bao dung, vị tha, suốt đời không mang một chút sân hận nào trong lòng, mà có thể nói hiếm nghệ sĩ nào đạt đến được: Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng, để làm gì em biết không, để gió cuốn đi (Để gió cuốn đi). Đường tương lai xin nhắc từ đầu, cùng anh em trên khắp địa cầu, hãy gần nhau, Và riêng tôi, xin có một ngày, ngồi thong dong trao đến mọi loài, chút tình tôi (Như tiếng thở dài ). Trong tuyển tập Những bài ca không năm tháng, Trịnh Công Sơn đã viết: “Mỗi đêm, tôi nhìn trời đất để học về lòng bao dung. Nhìn đường đi của kiến để biết về sự nhẫn nhục. Sông vẫn chảy đời sông. Suối vẫn trôi đời suối. Đời người cũng để sống và hãy thả trôi đi những tị hiềm”. Cũng nhờ cái nhân phẩm hiếm có ấy, mà nhạc Trịnh Công Sơn lúc nào cũng trong sáng như tâm hồn anh và nguồn cảm hứng sáng tác có thể nói là bất tận cho đến lúc anh nằm xuống.



nguồn: Như Những Dòng Sông
  Trịnh Công Sơn:
> bài hát
> bài viết
> hình ảnh
> phỏng vấn
> bút tích
> dòng thời gian

Những người mến mộ:
> những kỷ niệm
> bài viết
> tưởng niệm
> tin tức
> sách
> lưu bút

Khánh Ly


Phố Xưa


- 20 bài mới nhất



Một hình ảnh ngẫu nhiên:






Gia Sư: Gia Đình + Sinh Viên
 
Address: www.SuuTap.com/TrinhCongSon - Collection: Hoang Truc Ly - Design & script: Sony Ho