tưởng niệm




Về Một Tâm Hồn Nghệ Sĩ

--- Trúc Chi ---


Tôi và cuộc đời đã tha thứ cho nhau.
Tôi đây là một người nghệ sĩ. Cuộc đời đây, dĩ nhiên là tất cả những gì đã, đang và sẽ xẩy ra trên trái đất này, nhưng cuộc đời trong câu tôi vừa trích, còn là một thời kỳ đen tối của đất nước, cái đen tối sâu thẳm của một cuộc nội chiến mà hậu quả là cái nhức nhối trong những vết thương chung của kẻ thắng và người bại, của người có cầm súng và người không cầm súng.
Tôi và cuộc đời đã tha thứ cho nhau. Người viết ra câu đó là Trịnh Công Sơn, một nghệ sĩ đã kiêm luôn thơ, nhạc và họa.
Trong bài viết này, tôi không nói về nghệ thuật hoặc kỹ thuật của anh vì ba lý do. Một, tôi tự xét không đủ kiến thức chuyên môn về họa và nhạc. Hai, cái đẹp và cái gợi cảm của lời và nhạc trong hàng trăm khúc thi ca của anh đã khiến cho hàng triệu quả tim phải rung động; bây giờ mà tôi lại dài dòng về cái mới mẻ, về âm điệu hoặc tiết điệu của lời ca thì lại dễ lọt vào những nhận định có tính cách phẩm bình suông về văn chương, vốn là một công việc tôi không thích làm. Lý do thứ ba, tôi muốn tìm hiểu thêm và dành nhiều lời hơn cho con người nghệ sĩ Trịnh Công Sơn. Tại sao?
Là bởi vì khi đã cảm và hiểu được tâm hồn nghệ sĩ này, thì những gì mà chúng ta yêu thích trong tác phẩm của anh chắc chắn sẽ đến với chúng ta dưới một trạng thái sâu sắc hơn và do đó thấm thía hơn đối với cảm thụ của chúng ta.
Trong quá trình sáng tác của Trịnh Công Sơn, anh và cuộc đời đã say mê nhau, đã vật lộn với nhau như thế nào để đến nỗi anh phải thốt ra câu:”Tôi và cuộc đời đã tha thứ cho nhau”?
Thế hệ Trịnh Công Sơn vào đời giữa lúc có những con sóng lớn xoáy mạnh và cuốn phăng một số các nền tảng vững chắc tự ngàn xưa; chưa nói chi đến cái cụ thể của môi sinh bị tàn phá, di tích lịch sử bị xéo nát; chưa nhắc chi đến những cái tang của hàng vạn gia đình Nam cũng như Bắc. ở trong Nam, ít ra những người thân của một quân nhân tử trận còn có dịp, có thể gào lớn nỗi mất mát của họ trên đường phố, bên nghĩa trang; ngoài Bắc, những gia đình có con em “hy sinh”, lắm lúc chỉ biết âm thầm gạt nước mắt.); chưa nói chi đến những oan hồn của Tết Mậu Thân (1968) ở Huế, của Cải Cách Ruộng Đất trong vùng gọi là “giải phóng”, những vong linh dật dờ trên biển cả. Tóm lại, đi song song với sự trưởng thành của thế hệ ấy là cái khốc liệt ngày một tăng của tàn phá, của giết chóc, của oán thù.
Đã đành, Trịnh Công Sơn không phải là người duy nhất đã xúc động mạnh trước những thảm cảnh, những hãi hùng của chiến tranh. Có điều, ở nơi Trịnh Công Sơn thì anh hoa phát tiết ra ngoài, trời phú cho anh một khối tình, cái tài, cái khả năng - mà cũng là cái hệ lụy - diễn đạt cảm xúc, ý nghĩ và tư tưởng của anh với những phương tiện khác nhau, hội họa, âm nhạc và thi ca. Về tranh vẽ của Sơn, tôi chỉ được xem có một vài bức, mà chưa có dịp ngắm toàn bộ nên không có ý kiến chi. Nhạc của anh thường giản dị, dễ nhớ; cần phải rộn ràng - rất ít - tôi thấy nó cũng vui vẻ, nhí nhảnh nữa là khác; êm dịu, nhiều chỗ nhẹ nhàng mà gợi buồn là đặc điểm trong cung bậc của đa số các bài ca về tình yêu, tình người.
Đến như lời trong những ca khúc của anh, chỗ mà tôi căn cứ vào để khẳng định rằng anh là một nghệ sĩ chân chính, thì quả là đẹp, mới và đa dạng. Dở một tuyển tập nào của Trịnh Công Sơn, không cần phải hát mà cứ đọc lời ca, chúng ta sẽ gặp nhiều hình ảnh: khi buồn lê thê, khi nhẹ nhàng thanh thoát, lúc trầm thống sâu sắc, có chỗ gợi được cái mênh mông bát ngát của thiên nhiên, của cái dằng dặc dai dẳng (đặc biệt là của mưa) cũng như cái mong manh của vài hiện tượng thiên nhiên , có đoạn vút thẳng vào chỗ vô tận của không và thời gian, có những câu đưa về cái bé bỏng của con người đứng trước điều mà hơn 80 về trước nhà văn Hoàng Ngọc Phách đã từng gọi là cái tối vĩnh tối đại của hóa công , có những khúc dẫn về cái phù du của một kiếp nhân sinh. Riêng về cái cách - tôi nhấn mạnh chữ cách - mà anh kể lại kinh nghiệm sống của anh, hoặc trò chuyện với chúng ta qua lời ca trong mấy trăm ca khúc mà anh đã để lại, bóng bẩy thì bóng bẩy thật, nhưng bao giờ cũng gần con người trong mỗi chúng ta, con người với chuỗi vui buồn cười khóc luân phiên mà theo chúng ta từ thủa sơ sinh cho đến lúc trút hơi thở cuối cùng.
Một trái tim mềm nhạy cảm (tôi mượn chữ trong câu Một trái tim mềm trĩu nhớ thương của Vũ Hoàng Chương), một trí tưởng tượng giàu có và sang trọng, một suối tình rào rạt, những tia tài hoa bẩm sinh lóe sáng . Ngần ấy hẳn cũng đã đầy đủ cho người lữ khách này rong chơi trong thế giới của âm điệu, của sắc màu, của ngôn ngữ, đầy đủ khả năng để nói chuyện với cuộc đời, với chính mình như một tác gia.
Nhưng mà...hại thay! Chồng chất lên trên mớ hành trang thiên phú ấy lại là những điều trông thấy trong khói lửa giữa một quê hương bất hạnh: những hình hài không nguyên vẹn, những giòng máu hôi tanh, những thớ thịt cháy khét, những kiến trúc đổ nát, những rừng cây rực lửa, những giòng suối loang hồng, tóm lại, cái chết bất thường của sinh vật, thảo mộc và ngay cả cái chết của khoáng chất vô tri, bởi vì anh đã viết ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau.
Cái thấy đó buộc một người đa cảm như Trịnh Công Sơn phải tự đặt một vài câu hỏi về sự hiện hữu của chính mình, về nguồn gốc sự sống, và có lẽ quan trọng nhất đối với anh, câu hỏi về ý nghĩa cuộc đời. Những thắc mắc này, thường vẫn dẫn chúng ta đến tôn giáo. Sơn đã gõ cửa Thánh đường, Phật tự, sách vở Lão Trang, anh đã bước trên lối đi của một đôi niềm tin khác, nhưng mà cuối cùng có vẻ như anh không hoàn toàn nương vào một tôn giáo nào. Về điểm này, tôi đã có nói qua trong một bài viết gần đây về Trịnh Công Sơn (Văn Học số 181) , xin được phép nhắc lại:
“Điều tôi tạm gọi là cái “loay hoay siêu hình” của anh nó lướt qua nhiều niềm tin được nhắc đến qua thuật ngữ của Phật giáo, Thiên Chúa giáo, Lão Trang mà Sơn đã sử dụng trong ngôn từ của anh.
Cát Bụi Mệt Nhoài chăng? Thượng Đế của Thiên Chúa đã chẳng tạo ra con người từ một nắm đất là gì? Cái phù du của đời người nó nhắc nhở rằng một ngày nào đó ai cũng trở về với cát bụi. Dấu chân địa đàng chăng? Đặt câu hỏi đó là nghĩ ngay đến Thiên Đàng của chúa Ki-Tô. Ta thấy em trong tiền kiếp có nghĩa là thấy người yêu trong luân hồi vô tận. Tìm trong vô thường có đôi giòng kinh...Thì đó, tiền kiếp và vô thường là những đóa hoa đượm hương giải thoát luôn hé nụ trong vườn Tứ Diệu Đế của Đức Thích Ca. Không có cái chết đầu tiên...mà cũng không có cái chết sau cùng... hình như nhuốm chút vô thuỷ vô chung của vũ trụ Trang Tử. Một cõi đi về... loáng thoáng hình bóng của sinh ký tử qui, của sống gửi thác về trong tín ngưỡng cổ truyền. Nhưng mà về đâu?”
Có lẽ anh cũng không có một câu trả lời dứt khoát cho chính mình nên suốt đời anh luôn giữ cái nhìn vọng về, cái khắc khoải hướng tới con đường dẫn đến Tuyệt Đối ở trên đó, nói như Hàn Mặc Tử, càng đi càng thấy ớn lạnh. Trong toán học có một loại đường cong gọi là a-xem-tô-tơ (asymtote) tiến sát dần mãi một đường thẳng khác cho đến vô tận mà không bao giờ gặp nhau, giao nhau, tôi nghĩ có thể dùng hình ảnh này để diễn tả niềm khát khao Tuyệt Đối - không bao giờ có thể nắm bắt được - trong lòng người nghệ sĩ này. Chính vì vậy nên Trịnh Công Sơn luôn sống trong và sống với nỗi cô đơn của mình. Vì ngoài cái Tuyệt Đối xa vời ấy, anh không biết bám víu vào cái gì nữa, ngay cả hạnh phúc trong tình yêu, tiền tài, danh vọng cũng không giúp gì cho người nghệ sĩ trên lối đi vô tận ấy, cũng không xoa dịu được một mảy may cái khắc khoải trong chuyến độc hành này. Chợt thấy thiên thu là một đường không bến...Bên đời quạnh hiu. Chất nghệ sĩ trong tâm hồn Trịnh Công Sơn phần lớn được nuôi dưỡng bằng niềm khát khao và nỗi cô đơn ấy.
Để lấp cái trống trải, để sưởi ấm niềm cô đơn, anh chỉ còn biết yêu cuộc đời này, yêu thiên nhiên, yêu từng chiếc khăn tang, từng mái tóc, từng giọt nắng, từng hơi sương.Yêu mà vẫn không quên được cái đau làm người, cái đau làm người Việt Nam trót sinh trong khói lửa.
Có lần, trên căn gác của anh ở đường Nguyễn Trường Tộ, Huế, chúng tôi chuyện trò lan man...thời cuộc, bom đạn, văn chương. Vào lúc chúng tôi đang kháo nhau về cái hay của đoạn biệt ly trong Chinh Phụ Ngâm với câu thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu/ ngàn dâu xanh ngắt một màu...tự nhiên tôi thèm nghe hát. Tôi nói với Sơn:
“Mình thích nghe bài Như Cánh Vạc Bay.”
Sơn vừa nhấc cây đàn ghi-ta vừa bảo tôi:
“Thôi, mình đệm, ông hát đi.”
Tôi hát không hay ho gì, nhưng cao hứng ừ luôn. Đến cái câu từ lúc đưa em về là biết xa nghìn trùng, có lẽ đang nghĩ đến mấy khổ song thất lục bát kia trong Chinh Phụ Ngâm, tôi “mạn phép” tác giả mà hát từ lúc đưa em về lá biếc xa nghìn trùng. Sơn gật gù rồi cười:
“Ví người đẹp với chiếc lá biếc, cũng lạ. Được lắm. Nhưng mà ông biết không, nó mất cái đau của mình.”
Tôi kể mẩu chuyện trên đây để dẫn chứng cho cái nhạy cảm của anh không những đối với chữ nghĩa mà còn đối với niềm đau của chính anh, niềm đau mà cuộc đời đã dành cho anh.
Anh thích làm một tên hát rong. ở thời bình, với cái chất nghệ sĩ ấy trong người, có thể anh đã băn khoăn, như nhiều văn nghệ sĩ khác đã từng băn khoăn, về cái ngắn ngủi của một kiếp sống bên cái vô lượng của ngày tháng; ở thời bình, chắc anh đã có được một cuộc sống nội tâm ít sóng gió hơn. Tôi nghĩ Trịnh Công Sơn không mong gì hơn là có được một cuộc sống bình thường, dùng tài hoa thiên phú như phương tiện để làm tròn cái thiên chức của một người cảm được, ghi nhận và kể lại kinh nghiệm sống của mình. Giản dị vậy thôi.
Nhưng mà cuộc đời, như tôi vừa nói trên, cuộc đời với cuộc nội chiến Việt Nam, không để cho anh được yên, nó dằn một khối đau nặng như trái núi lên quả tim của anh. Sơn yêu đời tha thiết, đòi đời để cho anh được thanh thản. Đời yêu anh bằng cách đem lưỡi dao chiến tranh mà cứa vào cái nhạy cảm của anh để giúp anh lịch nghiệm chỗ tận cùng trong khổ đau của riêng anh, của người Việt, của con người. Mối tình ấy quả có thắm thiết và dữ dội.
Nhưng mà cuối cùng, như Sơn nói, có những ngày tuyệt vọng cùng cực, tôi và cuộc đời đã tha thứ cho nhau. Cuộc đời biết rằng không thể dày vò anh hơn được nữa (đôi tay nhân gian bây giờ đã độ lượng), còn riêng anh, anh cũng đã biết rằng cuộc đời là như-vậy-đó-rồi, không thay đổi được. Sự tha-thứ-nhau này, những phút ngưng-đòi-hỏi-nhau này, dẫn đến nhiều hình ảnh nhẹ tênh, thanh thoát trong một số ca khúc của anh. Nhưng mà phảng phất đâu đó trong một cõi đi về trong trên đôi vai ta hai vừng nhật nguyệt vẫn là một vương víu - có khi rất mong manh - với nhân thế, bởi vì anh biết rồi mai sẽ ra đi, dù nhớ thương con người. Chút vương víu ấy mà tôi gọi là mối hoài tư của anh, chính là dư ba của nỗi đau dai dẳng mà cuộc đời đã để lại trong tâm hồn anh như một nốt nhạc dài triền miên trôi qua suốt hầu hết các ca khúc, cái nốt nhạc đã giúp tạo ra một người nghệ sĩ xứng đáng với danh xưng nghệ sĩ.
Hiểu được niềm đau của anh, hiểu được nguyên nhân của niềm đau rồi, tôi nghĩ chúng ta không cần đòi anh phải trần tình hay biện minh cho hành trạng của anh. Nếu người đời có hỏi anh tại sao thế này, tại sao thế kia, tôi chắc chắn Sơn sẽ có hai cách trả lời. Một, anh im lặng. Hai, anh sẽ nói:”Cứ nhìn toàn bộ tác phẩm của tôi.”
Là vì người nghệ sĩ nói chuyện với cuộc đời bằng tác phẩm của mình. Là vì trong chốn sâu thẳm cùng tột của tâm thức mình, khi sáng tác, người nghệ sĩ chân chính - tôi nhấn mạnh chân chính - chỉ thủy chung, sống chết với nghệ thuật của mình mà không bận tâm với bất cứ một thứ nào khác. Mọi sắp xếp của người đời đưa một nghệ sĩ vào trường phái này, phe phái nọ đều vô nghĩa nếu những nhận định về tác phẩm không cùng một âm thoa (diapason) với nhịp đập trong tim của chính người nghệ sĩ ấy, bởi vì sáng tạo nghệ thuật là bóc lớp vỏ ngoài, là lột trần quả tim của mình cho cuộc đời thấy, và có lẽ quan trọng hơn nữa, cho chính mình xem.
Trịnh Công Sơn là một nghệ sĩ thành thật với chính mình, thành thật với cuộc đời. Anh không làm dáng. Anh lấy trái tim anh mà sáng tác. Anh lấy tấm lòng của anh mà đến với cuộc đời. Chúng ta có đến với anh cũng nên đến với một tấm lòng, với trái tim chúng ta, tôi nghĩ đó là lối tiếp cận giản dị nhất để bắt được cái hay cái đẹp trong những gì mà anh đã vắt ra từ những khổ lụy mà anh đã lịch nghiệm.

Trúc Chi
9/2001



nguồn: Văn Học
  Trịnh Công Sơn:
> bài hát
> bài viết
> hình ảnh
> phỏng vấn
> bút tích
> dòng thời gian

Những người mến mộ:
> những kỷ niệm
> bài viết
> tưởng niệm
> tin tức
> sách
> lưu bút

Khánh Ly


Phố Xưa


- 20 bài mới nhất



Một hình ảnh ngẫu nhiên:






Gia Sư: Gia Đình + Sinh Viên
 
Address: www.SuuTap.com/TrinhCongSon - Collection: Hoang Truc Ly - Design & script: Sony Ho