tưởng niệm




Hội Luận Trịnh Công Sơn

--- Ô Quan Hạ ---


LTS: Buổi “Hội Luận Về Trịnh Công Sơn” vào tối chủ nhật ngày 6 tháng 3 năm 2005 tại quán French Deli ở Little Saigon do Việt Weekly tổ chức, mục đích tạo ra những sinh hoạt văn nghệ đi tìm bản chất thực sự của vấn đề. Trịnh Công Sơn con người và âm nhạc là một đề tài to lớn mà nhiều ở hải ngoại vẫn còn e ngại khi nói tới vì những lý do chống đối về khía cạnh chính trị của nó. Tuy nhiên, ông đã mất gần đúng 4 năm, hy vọng chúng ta đã có đủ sự bình tâm thẩm định về con người và âm nhạc của Trịnh Công Sơn một cách khách quan. Chúng ta không có gì để mất mát khi chia xẻ với nhau sự thật. Chúng tôi hoan nghênh tất cả những ý kiến đóng góp thêm về Trịnh Công Sơn từ bất cứ góc cạnh nào. Sau đây là toàn bộ trao đổi phát biểu của hai diễn giả chính của buổi hội luận, nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang và nhà phê bình Bùi Vĩnh Phúc.

Giới văn nghệ hải ngoại nghĩ gì về Trịnh Công Sơn?

Việt Weekly: Xin hai anh cho một phát biểu cảm nhận tổng quát về âm nhạc Trịnh Công Sơn trước khi chúng ta đi vào chi tiết?

Nguyễn Đức Quang: Đây là một lối nhập đề hơi đột ngột, thực sự tôi ở trong một trường hợp hơi khác một số bạn bè, không phải chỉ là người nghe không về dòng âm nhạc và những ca khúc của anh Sơn, mà còn có được nhiều lúc ở bên nhau, ca hát chơi đùa với nhau. Và trong một số trường hợp khá gay cấn, cũng lại có mặt nhau. Rồi, tôi với Sơn đã chia tay nhau từ năm 1975, mãi 20 năm sau tôi mới có dịp gặp lại anh. Theo cái nhìn của nhiều người, tôi với anh Sơn đi trên con đường âm nhạc gần như là song song, người ta có cảm tưởng nó không gặp nhau, đôi khi còn rẽ ngược nhau nữa. Thực sự ra, tôi với anh là một cặp bạn bè rất đằm thắm và tốt đẹp cho đến ngày cuối đời. Tôi nhớ lúc nghe tin Trịnh Công Sơn mất, vào tháng 4 năm 2001, đang trên đoạn đường từ San Jose về Little Saigon, nhận được một cú điện thoại của anh Nguyễn Xuân Hoàng từ ở Bắc Cali, báo rằng anh Sơn đã mất rồi. Phải công nhận là lúc bấy giờ mình cũng có những cái xúc động bàng hoàng, vì con người đó không để lại trong mình những cái trò vui nhỏ, những bữa cà phê, hay những phút tôi ngồi nghe anh đàn hát, mà những gì bên trong bài nhạc của anh đã để lại cho mình những cảm xúc lớn, da diết và đáng kể. Vì lý do đó, lúc nghe tin anh Sơn mất, tôi lập tức mời một số các bạn nghệ sĩ và tổ chức một buổi tưởng niệm anh. Ngay lúc mà tôi nghĩ rằng, khi diễn ra buổi tưởng niệm như vậy, những lời nói và những lời chia buồn rơi đúng vào lúc mà anh đến huyệt mộ. Rất tiếc, vì thì giờ chênh lệch, không được ăn khớp lắm, thành ra anh được đưa đến huyệt mộ trước khi chúng tôi bắt đầu. Phải nói, ngày hôm đó là một ngày rất cảm động. Đối với bản thân tôi, chuyện anh Sơn ra đi hay những gì anh Sơn để lại, tất cả những kho tàng, nó là những giá trị mà nếu là một người yêu thích nghệ thuật, yêu thích âm nhạc, yêu tình con người, không thể nào mà chối từ được một Trịnh Công Sơn trong đời sống của mình.

Bùi Vĩnh Phúc: Thế hệ của anh Nguyễn Đức Quang có cơ hội được lớn lên, được thở hít xã hội cùng với anh Trịnh Công Sơn. Riêng cá nhân của anh Quang, các nhạc sĩ khác, và các nhà văn bạn bè của tôi, họ có cơ hội chia sẻ nhiều điều với anh Trịnh Công Sơn. Nhưng còn thế hệ của tôi, cách thế hệ của anh Quang một khoảng thời gian và lúc những bài hát của Trịnh Công Sơn tạo những chấn động trong xã hội Việt Nam nói riêng và những chấn động trên thế giới phản ảnh cuộc chiến kinh hoàng của Việt Nam, lúc đó chúng tôi đang lớn lên, bắt đầu vào đại học. Những bài hát của Trịnh Công Sơn, đặc biệt là những ca từ, những tiết điệu, những nỗi thiết tha, khoắc khoải trong những ca từ đó đã làm cho chúng tôi rất xúc động. Bởi vì không phải chỉ nói về chiến tranh, nói về thân phận của con người Việt Nam bị nghiến trong vòng quay của cuộc chiến, mà Trịnh Công Sơn còn nói về nhiều điều khác, đặc biệt là tình yêu. Mà đối với tuổi trẻ, không có gì quyến rũ và hấp dẫn như tình yêu. Nhưng tình yêu ở đây lại gắn bó với chiến tranh, với những nỗi đau không rời, và luôn luôn làm cho người ta nghĩ đến một cuộc chia tay lớn trong một tương lai rất là gần. Bởi vì trong một xã hội mà “đại bác đêm đêm dội về thành phố,” nghe những âm thanh đó như tiếng kinh cầu như vậy, chuyện sống chết không phải là một chuyện quá xa vời. Nhưng điều quan trọng nhất, Trịnh Công Sơn đã để lại ấn tượng cho người Việt Nam nói chung và người trẻ Việt Nam nói riêng lúc đó, là những lời lẽ ca từ rất lạ lùng, những hình ảnh siêu thực, mặc dầu nó rất là thực. Nó phản ảnh chiến tranh Việt Nam. Nó phản ảnh tình yêu nam nữ, giữa người con trai và người con gái. Nó phản ảnh những khát vọng lứa đôi. Nó cũng phản ảnh ám ảnh của nỗi cô đơn, cũng như lẽ vô thường của con người. Nhưng trong tất cả những điều đó, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã dùng một ngôn ngữ âm nhạc rất là lạ, mà trước đó chúng ta chưa bao giờ được nghe thấy. Cho dù là chúng ta đã nghe nhạc Văn Cao, nhạc Phạm Duy, có những lời lẽ rất đẹp về đời sống này, cuộc đời này. Nhưng những cái đẹp đó hướng về một chiều khác. Còn trong lời lẽ ngôn từ của Trịnh Công Sơn, nó có một chút gì đi xa cuộc sống, nhưng mà nó lại gần gũi gắn bó cuộc sống. Nó siêu thực, nhưng mà nó lại rất hiện thực. Lát nữa chúng ta sẽ có cơ hội để nói chuyện nhiều hơn trong phần thảo luận, bây giờ tôi xin phép được đọc một đoạn dẫn nhập của tôi trong một chuyên luận viết về Trịnh Công Sơn mà tôi hy vọng rằng sẽ ra được và tháng 4, hoặc cùng lắm là tháng 5 năm nay. Tôi nghĩ đây là một chuyên luận nghiên cứu sâu về ngôn ngữ và những ám ảnh của Trịnh Công Sơn. Hầu như tất cả những tài liệu, những bài viết được thu thập từ trước đến nay, trong nước cũng như ở ngoài nước, đa số cho chúng ta thấy một cái nhìn về con người Trịnh Công Sơn. Những góc cạnh về đời sống bình thường, cũng như những khoắc khoải, suy tư của anh chia sẻ với bạn bè. Cũng có một số bài viết có những đánh giá về mặt nghệ thuật. Nhưng những bài viết đó còn ở một mức độ chưa có đào sâu hẳn vào cõi ngôn ngữ và ám ảnh của Trịnh Công Sơn, chuyên luận của tôi cố gắng làm điều đó. Tôi xin đọc một đoạn ngắn, bởi vì đoạn đó nói được gần như là những điểm chính suy nghĩ của tôi về con người Trịnh Công Sơn.
“Trịnh Công Sơn đã ra đi. Những tiếng chuông gọi hồn đã được đánh lên. Và âm ba của những hồi chuông ấy vẫn còn vương đầy trong không gian tâm hồn của chúng ta. Qua những tiếc thương và suy tư của bao người còn ở lại. Nhưng thực ra, những tiếng chuông gọi hồn đó đã luôn cất lên, gióng giả, trong suốt cuộc hành trình làm người của Trịnh Công Sơn. Chúng vang vọng trong âm nhạc của anh, với những nhịp điệu đều đều, buồn buồn, nghe như những tiếng kinh cầu; trong những nhịp kể lể với những ca từ mang nặng tính siêu hình pha vào nhịp thở của thời đại. Những tiếng chuông gọi hồn đó vang vọng trong cõi thời gian chìm chìm ẩn ẩn một màu úa tàn, bềnh bồng trôi dạt về một nơi chốn thiên thu nào đó, một cõi thời gian luôn luôn in dấu những chiếc bóng trăm năm. Những tiếng chuông gọi hồn đó, chúng vang vọng trong những khoảng không gian đựng nhiều bóng tối, trong những cánh rừng xưa đã khép mắt, những cồn biển quạnh hiu và những núi đèo mờ mịt, trong những đường phố đầy bóng hư không, hay trong những quán xá bàn ghế không bầy... Nhưng những tiếng chuông cầu hồn ấy, trước hết, đã được đánh lên với những âm vang sắc buốt nhất qua những bài hát về thân phận con người, về cuộc chiến tang thương vỡ nát trên quê hương Việt Nam.
Những tiếng chuông ấy vang động khắp thế giới qua âm nhạc cũng như lời ca của Trịnh Công Sơn. Những lời ca như những dòng thơ buồn rầu vỡ sắc, tả về những kinh hoàng tưởng như không bao giờ có thật, nhưng chúng vẫn hiện hữu trong cuộc sống con người. Những lời ca như những dòng thơ đẩy con người chạm mặt với cõi siêu hình. Dù chỉ là trong những khoảnh khắc của cuộc sống. Và chính những tiếng chuông cầu hồn vang lên trong âm nhạc đó của anh đã đẩy anh, nhiều lần, ra trước những vành móng ngựa của đời. Con người là một con vật xã hội (social animal). Từ đó, nó cũng là một con vật chính trị (political animal) dù nó có muốn hay không. Và nếu chỉ nhìn về khía cạnh chính trị, từ góc độ của mình, có lẽ chúng ta có thể nhìn thấy Trịnh Công Sơn có những sai lầm, những vấp ngã; và chính anh, khi nhìn lại đời mình, cũng đã có những lúc thấy và hối tiếc về những vấp ngã và sai lầm của anh trong đời. Chúng ta, trong mắt nhìn của mình về anh như một con người của quần chúng, có quyền lên tiếng và bày tỏ thái độ của mình về những chọn lựa của Trịnh Công Sơn. Nhưng nếu nhìn từ một góc độ khác, rộng lớn hơn, người nghệ sĩ ấy là một con vật xã hội. Hơn thế nữa, Trịnh Công Sơn là một con người với tất cả những yếu đuối và mỏng dòn của nó. Anh cũng là một con người hết sức thiết tha với cuộc đời. Anh yêu thương cuộc đời và đau xót vì thấy được cái thân phận mong manh và nhiều khổ đau của kiếp con người. Thật ra, trên hết và trước hết, Trịnh Công Sơn là một nghệ sĩ, một con người đã sống hết lòng với trái tim mình. Một trái tim thật nhậy cảm trước từng máy động của đời. Trịnh Công Sơn rung động với mỗi chuyển động tế vi của trời đất, với tiếng gió qua đèo, tiếng những giọt mưa, những nụ hoa hẹn hò nhau trước sân nhà anh. Những máy động mong manh như thế, con người nghệ sĩ ấy còn nghe thấy, thì làm sao những tiếng nổ làm vỡ nát thịt da người kia anh lại không nhận ra. Nhưng cuộc chiến nào cũng có hai phía, nếu không là nhiều phía, nên khi anh ghi nhận lại những hình ảnh đau thương tan nát và những âm thanh tàn phá ấy, anh dễ bị lôi ra trước những vành móng ngựa của đời. Cũng thế, những người góp tiếng nói để nhìn lại hoàn cảnh, vị trí, con người và những mơ ước, những thiết tha cùng những đóng góp nghệ thuật của anh cũng có thể bị ngộ nhận như thế. Nhưng, nếu ta nhìn cuộc đời này một cách rộng lớn hơn, nếu ta không đóng khung nó lại trong khoảng thời gian của một cuộc chiến; nếu ta nhìn con người như những tế bào, những sinh thể của một Đời Sống lớn hơn, những sinh thể được liên kết với nhau trong một sự gắn bó thiết tha sống chết, thì đúng như John Donne đã nói, “Không ai là một hòn đảo (...); mỗi người là một mảnh của Đại lục (...) Cái chết của mỗi một người đều làm tôi bị mất mát đi, bởi lẽ tôi gắn liền với Nhân loại. Và, bởi thế, xin đừng bao giờ hỏi rằng chuông gọi hồn ai. Chuông gọi hồn anh đó”. Nếu một người có tội, tất cả mọi người đều - trong những mức độ nào đó - chia sẻ sự liên đới của tội lỗi kia. Để đạt đến sự cứu rỗi, tất cả mọi người đều phải có những nỗ lực đóng góp để vươn về điểm tới ấy. Một gương mặt hằn sâu những vết cắt của tội lỗi và đau khổ (in bóng một cánh rừng âm u, quằn quại những sức sống vươn lên trong bóng tối), cùng lúc, cũng khuôn mặt ấy với ánh sáng thánh thiện và nét cứu rỗi mọc lên trong đôi mắt, bỗng hiện dần ra trước cái nhìn của tôi. Đó là khuôn mặt của con người nghệ sĩ Dostoevski. Tôi muốn chảy nước mắt khi nhớ lại cái ánh sáng kia trong các tác phẩm của ông. Con người là một sự liên đới. Và trong sự nhận thức về tính cách liên đới ấy, nó bước gần đến chỗ tìm ra được sự cứu chuộc cho chính mình. Ý nghĩa cuộc hiện sinh của con người nằm ở chính trong sự liên đới và sự cứu chuộc kia.
Dù sao, tôi muốn nói về Trịnh Công Sơn không phải chỉ để nhắc lại những tiếng chuông gọi hồn vẫn mãi còn gióng giả trong nhạc của anh. Thật ra, tôi muốn nói về anh nhiều hơn với tất cả những khía cạnh đẹp tươi, thơ mộng mà anh đã để lại trong âm nhạc và ca từ của mình, mặc dù những nét thơ và đẹp ấy gần như luôn luôn nằm trong vùng hồi quang của những chia lìa, mất mát để, khi nhìn lại, người ta thường chỉ thấy ở đó những con gió quạnh quẽ, những chiếc bóng trăm năm đi về mãi mãi. Nhưng, bây giờ, ít nhất, trong những giờ khắc tĩnh tại của lòng mình, trong những khoảng thời gian chớp mắt của đời sống mà chúng ta thỉnh thoảng tìm được cho mình trong dòng đời này, hãy để lòng mình lắng lại những tiếng quê nhà. Hãy thử gạt bỏ đi những tạp âm trong đời sống này để nghe lại những tiếng nói thân thiết mà chúng ta hằng quen thuộc. Trịnh Công Sơn đã để lại cho tất cả chúng ta một gia tài dung chứa bao nhiêu hình ảnh đau thương, xót xa cũng như thơ mộng và đẹp đẽ về quê hương Việt Nam, nói riêng, và quê hương của con người là cõi tạm này, nói chung. Những bài hát của anh đã làm cho chúng ta sống phong phú hơn biết bao về nhiều khía cạnh.”

Giá Trị Nhân Bản Trong Ca Khúc Trịnh

Việt Weekly: Nhạc Trịnh Công Sơn bắt nguồn từ một đâu, có chịu ảnh hưởng về âm nhạc hay ca từ, từ những nền âm nhạc nào, hay nó là một sáng tạo rất độc đáo của chỉ riêng Trịnh Công Sơn?

Nguyễn Ðức Quang: Tôi nghĩ rằng Trịnh Công Sơn là một người không có khả năng thẩm lượng để tiếp thu âm nhạc quốc tế. Theo những lời mô tả lại từ những năm bắt đầu từ thời còn ở Qui Nhơn, anh đã viết một số những khúc tình ca sau này trở thành lẫy lừng, để lại nhiều giá trị lớn. Rồi từ đó cho đến khi anh lên Bảo Lộc, rồi về Sài gòn, hành trình anh đi chỉ nội trong quãng thời gian ấy thôi, tôi nhớ là không quá 5 năm. Năm 1963 cho đến năm 1967. Năm 1967, tôi nhớ là năm đầu tiên anh xuất hiện ở Sài gòn. Aâm nhạc Trịnh Công Sơn, khi vừa mới xuất hiện, nó đã cho thấy đó là một cá tính rất đặc biệt. Anh không giống ai cả. Mặc dầu sau, người ta nói anh Bob Dylan, hay thế này thế kia, nhưng tôi không nghĩ anh ăn cắp nhạc của ai cả. Trịnh Công Sơn là Trịnh Công Sơn. Tôi chỉ nhớ lại có một lần, hai đứa đi, anh nói với tôi một câu rất là khuyến khích. Quang, tôi thấy ông cứ nên viết gọn gàng như vậy. Nhạc của tôi lúc bấy giờ đã rất là gọn. Và nhạc Trịnh Công Sơn cũng rất là gọn. Thế tôi mới bảo: Uả mình viết gọn như vậy, không biết có đầy đủ hay không? Vì tôi nghĩ đến đề tài lớn. Sơn nói với tôi một câu mà tôi cứ nhớ mãi. Cứ việc vậy đi, một trăm bài sẽ thành sự nghiệp! Ðó là điều mà tôi ghi nhận được chính từ Sơn nói với tôi. Và anh đi tìm những thể cách mà anh diễn tả, chứ không phải là anh đi tìm nguồn nhạc. Nhạc Trịnh Công Sơn là một cái gì dễ nhất, nếu nói theo cách nhìn của người làm nhạc. Bởi anh không có đi từ ý nhạc, mà anh đi từ ý. Anh chọn ca từ, anh diễn tả ý. Và từ ý đó, nó dẫn anh đi thành ra nét nhạc. Nhạc của anh đi rất nhẹ nhàng. Ai cũng biết như vậy, nhưng phải là người biết nhạc, mới thấy được cách đi của anh nó lạ lùng đến như vậy. Và nó tròn trịa, nó ngọt ngào. Nghe nhạc Trịnh Công Sơn, chúng ta có cảm tưởng mọi thứ nó diễn ra một cách rất là dễ chịu. Nhạc Trịnh Công Sơn không hề có một khúc khuỷu nào. Anh không có viết những quãng âm làm cho chúng ta ngột ngạt, gay gắt. Không có. Hoàn toàn không. Trong tất cả 700 tác phẩm, Sơn không có viết một bài nào dựa trên hình thái đặc biệt cả. Anh không có bị lệ thuộc giống như những người khác. Mà anh cũng không có dựa trên tiết nhịp nào. Ai cũng biết là viết nhạc mà muốn cho hay, không phải chỉ có hành âm, mà còn phải có tiết nhịp. Tôi có cảm tưởng rằng là Sơn để cho dòng ý của mình dẫn dắt. Rồi từ đó, nhịp nói đi theo, hành âm nó đến. Cứ thế mà viết. Thành ra tôi không ngạc nhiên, khi sau này đọc một lời nhận định của Văn Cao. Sơn nó làm nhạc giống như là lấy đồ trong túi ra. Sơn mới trả lời Văn Cao: đúng rồi, bởi vì lúc nào trong túi Sơn cũng có nhạc cả. Chỉ có muốn lấy ra hay không muốn lấy ra thôi. Lối viết nhạc như vậy là một lối tôi cho rằng rất cá tính, do bản chất của anh. Câu chuyện kể mà chúng ta nghe lại được, về sau này có nhiều người viết về Sơn có nói là giai đoạn anh ở Qui Nhơn, anh có chơi cho ban nhạc của trường Sư Phạm đó, và anh cũng có đi tìm tòi, tìm hiểu hai phần. Một phần về dân ca để anh thâu thập những ca từ. Anh bảo rằng dân ca mà tại sao lại phong phú quá như vậy. Có ai có thể giải thích cho tôi, mấy người bạn có giúp Sơn đi tìm một số điều như vậy. Có thể đó cũng có một ảnh hưởng đối với anh. Một phần thứ hai là Sơn cũng làm trưởng một giàn âm nhạc, cũng điều khiển một đội ngũ hợp ca của trường Sư Phạm Qui Nhơn đó, mấy chục người. Ðó là điều ai cũng biết ở đây. Ai đọc tiểu sử của Sơn cũng biết chi tiết đó. Với một người như vậy, rất dễ bị ảnh hưởng bởi ca khúc nổi tiếng của thời đó. Ai làm nhạc, mà cứ phải tập tành, học những bài hát, ca khúc nổi tiếng của thời đại, thế nào cũng bị thấm nhập. Thế nhưng chúng ta không thấy ở trong Sơn hai chuyện đó. Anh có lấy cái gì ở trong ca dao, dân ca hay không, tôi không biết, nhưng mà khi anh sắp xếp những ca từ và chữ nghĩa của anh, chúng ta thấy nó nhẹ nhàng, thoải mái. Cái đó, tôi nghĩ chỉ có trời cho thôi, chứ không thể nào mà ai khi tập được. Thành ra, chúng ta thấy rằng, ngồi mà viết nhạc ra hồi đó để mà chọn được ra cho nó hết một câu nhạc này, rồi một câu nhạc kia, lời của nó từ câu này tới câu kia, nhiều khi phải gọt dũa từ ngày này qua tháng nọ. Chúng tôi có được may mắn ngồi bên cạnh các nhạc sĩ lớn, thí dụ như anh Phạm Duy, anh Phạm Ðình Chương. Chúng tôi thấy, các anh ấy viết nhạc rất kỳ khu. Công lao để mà ngồi soạn ra một câu nhạc. Soạn lời, rồi sau lời phải chỉnh nhạc, tới, lui. Tôi ngồi bên cạnh ông Phạm Duy, tôi thấy ông viết, tôi bảo trời ơi, sao viết nhạc khổ quá thế này. Trong lúc đó, mình còn trẻ quá, mình lại bảo là viết nhạc dễ quá. Cứ ngồi xuống, thấy ý nó ra làm sao, viết như vậy. Càng về sau này, càng thấm thía rằng, viết nhạc là một điều rất khó, rất khổ. Chúng ta thấy những người làm thơ cực nhọc như thế nào, những người làm nhạc cực nhọc thêm một nấc nữa, bởi vì ngoài chữ nghĩa, ngôn ngữ không thôi, người ta còn phải đánh đu với âm thanh nữa. Phải đánh đu với tiết nhịp nữa. Thành ra tất cả những chuyện như vậy làm cho chúng ta hiểu rằng một người mà viết nhạc được trải, diễn ra một cách dễ dãi, gọn gàng đầy đủ như Sơn, tôi cho là hiếm hoi. Bằng cớ là cho đến bây giờ sau khi Sơn mất, hoặc ngay cả thời Sơn còn sống, tiếng nhạc của Sơn nó âm vang đến như thế, mà đâu có mấy ai có thể bắt chước được. Không ai bắt chước được! Không cách chi! Ô hay, chúng ta bảo dễ quá. Nào Ca Dao Mẹ, rồi Người Con Gái Da Vàng, cho tới tất cả những đoản khúc của ông, chúng ta thấy thật là đơn giản, mà không ai bắt chước được. Thành ra chúng ta có thể nói một cách gọn gàng, tiến trình âm nhạc của Sơn là do một rung động tự phát. Và anh dùng chính cảm xúc của anh, cảm thức của anh để diễn đạt. Anh chính là người chủ về dùng ca từ, tức là anh dùng chữ nghĩa, ngôn ngữ để hoàn chỉnh tác phẩm của mình. Ðiều này không phải là anh không có trải qua những biến đổi đâu. Nếu chúng ta thực sự để ý, chúng ta sẽ thấy rằng là chỉ có phần ý tứ, nó hướng dẫn ca từ của anh mà thôi. Còn dòng nhạc của anh, từ đầu cho tới cuối, không có thay đổi. Bố cục câu nhạc và bài nhạc của anh cũng không có thay đổi. Bao giờ cũng gọn, và gần như là chỉ có hai phần, chứ không phải ba phần như bình thường. Thế thì chúng ta thấy cách viết nhạc đó là một trong những nét đặc sắc, và tôi cho rằng đó là hồn nhiên của Trịnh Công Sơn. Anh không phải học của ai. Anh không cóp nhặt của ai. Một người như thế, chúng ta chỉ có hai chữ để dành riêng cho anh. Anh đúng là một “thiên tài.”

Bùi Vĩnh Phúc: Tôi không chuyên về nhạc, cho nên những điều anh Nguyễn Ðức Quang nói, tôi rất cám ơn anh Quang đã giúp trả lời câu hỏi đó. Tôi chỉ muốn thêm một chút như thế này. Con người là một con vật xã hội, không ai sống thoát khỏi khí quyển cuộc sống hết. Tôi muốn nói là khí quyển văn hóa. Khí quyển văn hóa của nơi chúng ta sinh ra, lớn lên và sống. Tôi muốn nói đến khí quyển của thời đại luôn. Không phải chỉ thời đại của một đất nước, mà là của liên quốc gia, nhiều quốc gia khác nhau. Bởi thế cho nên tôi nghĩ là khi lớn lên, Trịnh Công Sơn học chương trình Pháp. Cho nên chắc chắn là anh cũng có cơ hội đọc và thưởng thức một số - ca từ đã đành rồi - những thể điệu Tây phương. Trong thế liên văn bản, tức là văn chương, hội họa, âm nhạc, tất cả tác phẩm đều ảnh hưởng lẫn nhau. Không có tác phẩm nào tự nó thể đứng vững được một mình. Nhưng mà để trở thành một tác phẩm riêng, mang dấu ấn của mình, và trụ lại với cuộc đời, chắc chắn, người nghệ sĩ phải có một cái gì riêng của mình. Ðiều đó, anh Nguyễn Ðức Quang đã rất đúng, Trịnh Công Sơn đã có một cái riêng. Cái riêng đó rất là riêng, rất là đặc thù của ông. Có những người như nhạc sĩ Văn Cao, hay nhạc sĩ Phạm Duy về sau cũng có nhận xét, là những khúc thức trong âm nhạc Trịnh Công Sơn giản dị lắm. Chỉ cần có cây đàn ghi ta đệm theo thôi, cũng tốt lắm rồi. Lời nhận xét đó không phải là một lời đánh giá tiêu cực về nhạc của Trịnh Công Sơn, mà Trịnh Công Sơn đã chọn sự hội nhập vào đời sống, đứng giữa đám đông mà ca hát, hát cùng, hát với con người, hát với những người chung quanh mình. Bởi vậy cho nên thể điệu đó là thể điệu thích hợp nhất. Những điệu nhạc của Trịnh Công Sơn rất giản dị. Theo một cách nào đó, có thể nói là “nghèo nàn.” Nhưng mà chữ “nghèo nàn” dùng ở đây chỉ là một chữ “cưỡng từ đoạt lý” thôi, bởi vì âm nhạc cũng là một ngôn ngữ. Một nhà nhân chủng học nổi tiếng của Pháp thời 60, đã cho biết rằng nhiều người cho rằng ngôn ngữ của những bộ lạc tạm gọi là bán khai, không phức tạp, nó giản dị, và nó không thể thể hiện được hết những suy nghĩ phức tạp trong tình cảm hay khía cạnh cuộc sống của con người. Nhưng mà trong tìm tòi của nhà nhân chủng học nổi tiếng thế giới này, những khám phá về ngôn ngữ của ông xác định rằng những suy nghĩ như vậy là sai. Ngay một ngôn ngữ giản dị nhất của một bộ lạc, nó cũng có thể diễn tả được tất cả những cú pháp phức tạp, mà chúng ta, những người gọi là văn minh, tưởng rằng là ngôn ngữ của những dân tộc, bộ lạc bán khai đó không thể diễn đạt được. Hội hoạ hay âm nhạc cũng là một thứ ngôn ngữ thôi. Nếu Trịnh Công Sơn đã dùng âm nhạc như là một ngôn ngữ để diễn tả những thiết tha rung động, những cái nhìn về cuộc đời của ông, trong cái chọn lựa đó, chúng ta thấy ông rất là thành công trong việc diễn tả tâm tư và tình ý của mình. Không những thế, mà còn để lại một ấn tượng rất là đậm nét, với những lời ca, những thể điệu ballad, kể truyện. Nó ghi một dấu ấn trong tâm thức của tuổi trẻ và của con người Việt Nam trong giai đoạn chiến tranh Việt Nam đến hồi tàn khốc. Nhưng mà cái quan trọng nhất, cũng như điều mà anh Quang vừa nói xong, nó ghi lại ấn tượng đậm nét trong lòng mọi người là ca từ ở nơi anh. Những ca từ ấy, có thể là một một phần nào nó ảnh hưởng bởi ca từ, lối suy nghĩ của Tây phương. Thật sự, Trịnh Công Sơn học không giỏi tiếng Việt, tôi nghĩ như vậy. Nhưng ông là một người rất giỏi trong cách sử dụng tiếng Việt, mà tất cả mọi người chúng ta ở đây, khó có một ngưòi nào sử dụng nhuần nhuyễn tiếng Việt như người nhạc sĩ này. Ðó là một nghịch lý. Nghịch lý nằm ở chỗ Trịnh Công Sơn đã dùng ngôn ngữ một cách rất giản dị, nhưng ông đã sắp xếp ngôn ngữ theo một trật tự, một mắt nhìn rất lạ, và chính vì vậy, nó làm lạ hóa ngôn ngữ đi. Và chính vì vậy nó làm cho ngôn ngữ mang một bộ quần áo mới. Chúng ta thấy nó không có cliche, không có nhàm chán. Chẳng hạn như câu, “bàn tay chăn gió mưa sang” trong bài Biển Nhớ. Nhiều người không để ý tưởng là “bàn tay chắn gió mưa sang”, “chắn gió mưa sang” không có nghĩa gì trong ngữ cảnh ở đây cả. Chăn, có nghĩa giống như là chăn dắt vậy. Trong cái nhìn của tôi, có thể là Trịnh Công Sơn đã đọc thơ Pháp. Nhà thơ Apollinaire có một câu rất là đẹp nói về tháp Eiffel của Pháp. Dưới tháp Eiffel là những xe cộ chạy nườm nượp như vậy, nhà thơ Apollinaire nhìn khung cảnh đó với một cái nhìn rất là lãng mạng, tình tứ. Ông viết như thế này…[đọc thơ tiếng Pháp], có nghĩa là “Hỡi nàng chăn cừu kia, tháp Eiffel của tôi, bầy cừu của nàng sáng nay là những bầy xe cộ kêu be be.” Dùng hình ảnh tháp Eiffel để thể hiện một hình ảnh một cô gái chăn cừu, và bầy cừu của cô gái này là những cái dòng xe cộ chạy ở dưới, Trịnh Công Sơn có câu “bàn tay chăn gió mưa sang.” Hình ảnh này rất là lạ. Một người con gái nào đó đã chăn dắt bầy cừu của mình, là những cơn mưa gió. Những sóng mưa, và gió sóng là những bầy cừu được bàn tay chăn dắt. Những hình ảnh đó nó đẹp lắm. Nó lạ lắm. Hay hình ảnh con chim ở trong trái tim mình khi nói về xúc cảm của con người, Jacques Feigen [?] một nhà thơ nổi tiếng của Pháp, có một câu như thế này… [đọc thơ Pháp] , tức là con chim hót trong đầu của anh, và nó nhắc lại cho anh nhớ rằng anh yêu em. Trịnh Công Sơn cũng dùng hình ảnh con chim trong trái tim, con chim trong tâm hồn, nhưng mà hình ảnh của ông sắc nét hơn nhiều, thảm thiết hơn nhiều, trong bối cảnh của chiến tranh Việt Nam thời đó. “Trong trái tim, con chim đau nằm im. Ngủ dài lâu, mang theo vết thương sâu.” Hay là “Trên giọt máu cuồng điên, con chim đứng lặng câm.” Những hình ảnh đó, chỉ có Trịnh Công Sơn mới nhìn ra thôi. Mặc dù cũng vẫn dùng những biểu tượng giống nhau, nhưng cách nhìn khác nhau. Mà thực ra, thực tại là do cách nhìn của chúng ta. Chúng ta rung động như thế nào, chúng ta nhìn thực tại như thế nào, cái nhìn của chúng ta nó khúc xạ sự rung động của chúng ta, để khiến cho thực tại đổi màu. Nó thành ra một thực tại riêng dưới cái mắt nhìn của mỗi người. Tôi thấy rằng Trịnh Công Sơn đã đóng góp những cái rất đẹp về mặt ca từ, làm cho ca từ trong âm nhạc của ông nói riêng, và đặc biệt ca từ của thời đại của chúng ta từ Trịnh Công Sơn trở đi nói chung, đã đi theo một hướng mới.

Việt Weekly: Dường như nhạc Trịnh Công Sơn, trước và sau năm 1975 có điều gì khác nhau. Dĩ nhiên, trước năm 75, Trịnh Công Sơn sống trong hoàn cảnh chiến tranh và lúc đó, ông trẻ trung hơn. Hình như dòng nhạc của ông mang nhiều hình tượng và hiện thực. Còn sau năm 75, nhạc ông phảng phất một không khí đạo Phật, hay một triết lý gì đó. Xin hai anh chia sẻ nhận xét về nhạc Trịnh Công Sơn trước và sau năm 75.

Nguyễn Ðức Quang: Dù gì đi nữa, anh Sơn cũng bị ảnh hưởng của bối cảnh. Thời anh xuất hiện vào những năm trước 70, rồi sau 70. Nó là một thời điểm mà chính anh ấy cũng rơi vào trong vòng nghiến của chiến tranh. Không tránh được. Anh sống một cách ẩn dật ở sau khu trường Văn Khoa. Ðến nỗi mà nhiều khi chúng tôi thấy anh ở đó, mà không biết anh này là anh nào nữa, trong những năm 66, rồi 67.
Rồi anh trong tình trạng cũng phải đương đầu với việc động viên, trốn lính, tình trạng nhìn thấy trong gia đình những người phải đi lính, đi sĩ quan, hoặc là những người bạn phải đi chiến trận. Tất cả những cái đó, lúc bấy giờ ảnh hưởng tới anh. Nó gieo vào trong anh rất nhiều những cảm xúc cũng như những cảm nghĩ về thân phận con người trong chiến tranh. Thành ra, lúc đó, những trái bom nổ lớn nhất của Trịnh Công Sơn vào thời thời đó là thời mà anh phải đương đầu trực tiếp với [… nghe không rõ …]
Qua đến sau 75, chúng ta mới thấy là bóng dáng chiến tranh nó không còn nữa, anh ta lại đau đớn, dày xéo về thân phận, có thể của anh, có thể cũng là của những người chung quanh. Bởi vì cuộc biến động 75, không phải là nó đem lại cho anh sự sung sướng hay là thoải mái nào, và anh ấy cũng như gia đình gặp rất nhiều vấn đề, rất nhiều khó khăn. Và rồi chính trong chỗ đó, anh có thì giờ nghiền ngẫm hơn. Tôi nghĩ là anh nghiền ngẫm hơn về vấn đề triết lý.
Triết lý đến với anh Sơn, là vào sau những năm 70. Anh đã có nghĩ đến rồi. Từ những thời mà “những con mắt trần gian, cho ta những muộn phiền.” Cả một đợt như vậy là anh đã bắt đầu có một tâm thiền và bắt đầu nghĩ đến những điều về con người và cuộc sống. Thành ra những bài nhạc của anh viết về những điều đó thật là say mê vào lúc bấy giờ. Và trong lúc mà chúng ta thấy bóng dáng chiến tranh, không có cách nào để giải quyết cả, thì có một anh nói là con người sẽ là “cát bụi,” sẽ là vân vân.
Tất cả những chuyện như vậy, ta thấy rằng đó là một thứ trả lời. Cái huyễn hoặc của Trịnh Công Sơn, nó bắt đầu từ sau những năm 70, kéo dài cho tới năm 75. Sau 75, anh đi sâu thêm vào điều mà anh suy nghĩ ở chặng cuối đó mà thôi. Và chặng sau này của anh, ai cũng biết, nó thật là tuyệt vời. Từ đó cho đến khi chúng ta nghe “Ðóa hoa vô thường” hay là những bài như vậy của anh, tôi cho là anh ngày càng đi sâu vào những vấn đề của triết lý. Cái nhìn của anh phảng phất đạo Phật, và rất đậm chất thiền. Nó làm cho chúng ta ở trong một giai đoạn, đón nhận được rất nhiều những món ăn thích thú đối với cuộc đời Việt Nam nổi trôi liên tục, trong những năm đau đớn đến như vậy. Thỉnh thoảng, ảnh cũng có những bài hát, nó làm vuốt ve chúng ta ghê gớm.
Tôi nghĩ rằng hai giai đoạn nó để lại, cho chúng ta thấy hai dáng vẻ của âm nhạc Trịnh Công Sơn. Nhưng mà, như tôi đã nói hồi nãy, dù thế nào, chúng ta vẫn thấy rằng những bước đó là những chuyển tiếp liên tục không có khác biệt, hoặc là không có thay đổi mới lạ hoàn toàn ở trong nhạc Trịnh Công Sơn. Nhạc, ca từ, ý tưởng, tất cả màu sắc và âm thanh của anh thật là tuyệt vời. Lúc nào anh cũng đẩy nó đi lên cả. Tôi nghĩ đó là những ý chính mà nó để lại đường nét âm nhạc của Sơn ở trong hai giai đoạn tiêu biểu.

Bùi Vĩnh Phúc: Tôi thấy dòng nhạc Trịnh Công Sơn và suy tư trong con người Trịnh Công Sơn là một dòng chảy liên tục. Dĩ nhiên dòng chảy đó có thay đổi. Và như một con người, Trịnh Công Sơn cũng trải qua những chuyển đổi về tâm thức, và trải qua những chuyển đổi về suy nghĩ của mình về đời sống chung quanh. Không có ai cứ mãi là mình. Dòng sông còn thay đổi, không có ai tắm được hai lần trên một dòng sông. Con người lại càng thay đổi hơn nữa. Bởi vậy cho nên chắc chắn là Trịnh Công Sơn, trong nhạc, trong suy tư, và trong cảm nhận của anh về cuộc đời có những sự thay đổi rõ rệt. Nhưng mà để thể hiện sự thay đổi đó, vẫn là một con người Trịnh Công Sơn rất là tài hoa trong ngôn ngữ, và rất là giỏi trong việc sáng tác những thể điệu thích hợp để diễn tả những tình cảm của mình. Chẳng hạn, như thời trước 75, chúng ta có thể nghe rằng là, “đôi khi thấy trong mắt em một bóng tối nhỏ nhoi, đôi khi thấy trên lá khô một giòng suối.” Trên lá khô thấy một giòng suối, hình ảnh rất là đẹp. Nó làm cho chúng ta thấy có một sự bắt nhịp, bắt cầu giữa quá khứ và hiện tại, rất là lãng mạn. “Ðôi khi thấy trong tóc em, mùi cây trái thơm tho.” Trong giai đoạn đó, đã có những câu rất đẹp như vậy. Ðó là tôi chỉ thử nêu một vài câu thôi. Còn rất nhiều câu đẹp, gần như bài nào của Trịnh Công Sơn cũng có những câu rất là đẹp như vậy. Và tôi nghĩ, giai đoạn cuối của thời tiền 75, nếu tôi không lầm, bài “Ðóa Hoa Vô Thường” ra đời trong giai đoạn đó, bởi vì, tôi đã nghe bài đó do Khánh Ly hát trong một băng cũ, mang đi từ trước 75. Bài “Ðóa Hoa Vô Thường” đã mang rất là nhiều tính thiền ở trong đó rồi. Bài đó về khúc thức, nó rất thay đổi. Nó có nhiều hành âm khác nhau. Và nếu xét về mặt thơ ca, quý vị để ý kỹ, tôi có phân tích trong cuốn sách của tôi sắp ra, nó có chia nhiều đoạn thơ khác nhau, với ý tình khác nhau, tùy theo tình cảm biến chuyển trong bài ca. Có khi là 4 chữ, có khi là 7 chữ, có khi là 6 chữ, có khi là 5 chữ. Có khi là lục bát nữa. Ðó là chỉ nói về dạng thơ thôi. Còn dĩ nhiên nói về khúc thức, bài đó có những khúc thức rất đẹp, kết hợp một cách nhuần nhuyễn với nhau.
Sau 75, có thể, một cách nhìn nào đó thì cũng đúng, tức là Trịnh Công Sơn, đi nghiêng về những suy tư, triết học, triết lý, siêu hình hơn. Chẳng hạn như là “Nhật nguyệt, ý a, trên cao. Ta ngồi, ý a, dưới thấp. Một dòng, ý a, trong veo. Sao lòng, ý a, còn đục.” Ðiều đó rất là triết lý, nói về thân phận, tự nhìn, tự quán chiếu lấy chính mình. Quán chiếu mình, có nghĩa là quán chiếu luôn cả đời sống. Hay là bài “Sóng về đâu.” Không có ai tự hỏi một cách ngu ngơ “sóng về đâu?” Sóng không về đâu hết. Nhưng mà con người nghệ sĩ lại hỏi “sóng về đâu?” Vậy chúng ta phải suy nghĩ coi, sóng ở đây nó là cái gì. “Biển sóng, biển sóng đừng xô nhau. Ta xô biển lại, sóng nằm đau. Biển sóng, biển sóng đừng xô tôi. Ðừng xô tôi ngã giữa tim người.” Những câu như vậy, không phải ai cũng viết được. Vài trăm năm, may ra có được một người viết được những câu như vậy.
Tôi nghĩ, quan trọng, chính là mắt nhìn của Trịnh Công Sơn, sự rung động của Trịnh Công Sơn. Nhìn vào thực tại, nhìn vào trái tim của mình. Còn sự phát triển của âm nhạc Trịnh Công Sơn, tôi nghĩ đó là một sự phát triển tất yếu. Ðó là một sự phát triển liên tục, có chuyển đổi, nhưng vẫn là một sự liên tục trong dòng chảy của nó.

(Còn tiếp)



nguồn: Vietweekly
  Trịnh Công Sơn:
> bài hát
> bài viết
> hình ảnh
> phỏng vấn
> bút tích
> dòng thời gian

Những người mến mộ:
> những kỷ niệm
> bài viết
> tưởng niệm
> tin tức
> sách
> lưu bút

Khánh Ly


Phố Xưa


- 20 bài mới nhất



Một hình ảnh ngẫu nhiên:






Gia Sư: Gia Đình + Sinh Viên
 
Address: www.SuuTap.com/TrinhCongSon - Collection: Hoang Truc Ly - Design & script: Sony Ho