tưởng niệm




Vẫn thấy bên đời Trịnh Công Sơn

--- Nguyễn Trọng Tạo ---


...Có thể lắm chứ, một con đường hay một lối ngõ mang tên anh giữa lòng Hà Nội, nơi có "Cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ nằm kề bên nhau, phố xưa nhà cổ mái ngói thâm nâu...".

Chiều Hà Nội rét ngọt, tôi đi qua con phố cà phê Triệu Việt Vương, nghe vọng ra từ đâu đó giọng hát liêu trai Khánh Ly: Vẫn thấy bên đời còn có em / Tấm lòng em như lá kia còn xanh... Lòng tôi se thắt lại, nhớ tới người đã làm ra câu hát hanh hao ấy. Ngày mai sinh nhật anh, không hiểu tại sao tôi cứ nhớ ngày anh mất. Mới đó mà đã bốn năm, chàng nhạc sĩ họ Trịnh không còn nện gót dày thong dong trên những con phố Hà Thành, không còn nện gót dày ở bất cứ nơi đâu trên chốn trần gian này, dù Huế quê nhà hay Sài Gòn nơi nương trú. Và tôi chợt nghĩ câu hát hanh hao ấy giờ này đã trở thành câu hát chàng đề tặng chính chàng! Vâng, vẫn thấy bên đời còn có Sơn... Người đã ra đi thật trong ngày nói dối, làm giật thột cả những người vốn thích đùa dai bẩm sinh.

Tôi còn nhớ buổi trưa hôm đó trong một quán bia hơi Hà Nội nhận được cú điện thoại điếng người của Trương Nam Hương gọi từ Sài Gòn báo tin "Anh Sơn không còn nữa", và nhờ tôi viết bài về anh cho số báo An ninh thế giới sẽ ra vào ngày hôm sau. Phải mãi tới nửa đêm tôi mới cầm nổi bút để khẳng định: "Trịnh Công Sơn người tình lãng du của nhiều thế hệ" đã qua đời. Nhiều người đã khóc khi đọc bài báo ấy, họ khóc vì họ đã vĩnh viễn mất đi một tài năng cô độc luôn an ủi họ bên đời. Nhiều người yêu nhạc Trịnh đã tìm đến Hội Nhạc sĩ Việt Nam hy vọng sẽ được thắp một nén nhang trước bàn thờ của chàng, và họ đã phải cắm hương vào chính trái tim mình.

Tám ngày sau, chúng tôi đã kịp làm Đêm nhạc Trịnh Công Sơn đầu tiên tại Hà Nội để người Hà Thành cùng với Diễm Quỳnh, Quang Thọ, Thanh Lam, Hồng Nhung, Thuỳ Dung, Tấn Minh...tưởng nhớ anh. Thuỳ Dung đã tự mang đến 63 ngọn nến thắp tuổi anh lên trong giai điệu Một cõi đ i về. Chúng tôi ngồi với nhau tàn đêm và cuối cùng còn lại ba người: Nguyễn Thuỵ Kha, Đoàn Tử Huyến và tôi. Ba người muốn làm một điều gì đó nữa về anh. Đấy là một quyết định táo bạo, làm một cuốn sách tập hợp những bài viết về anh in cùng 63 lời bài hát và những bài văn xuôi anh để lại cho đời.

Thật kỳ lạ, hai tuần sau chúng tôi đã chuẩn bị xong bản thảo dày gần 600 trang, có cả bài của Văn Cao và Phạm Duy, có cả bài của Hồng Nhung và Khánh Ly, có cả bài trong nước và ngoài nước... và trước ngày giỗ thất tuần của anh, cuốn sách Trịnh Công Sơn - một người thơ ca, một cõi đi về (*) đã ra mắt công chúng. Đây là cuốn sách dày dặn đầu tiên về người nhạc sĩ tài hoa trọn đời xưng tụng tình yêu và thân phận con người. Bây giờ đã có năm sáu cuốn sách viết về anh, và người bạn thân thiết của anh, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường hơn sáu năm trên giường bệnh cũng đã vừa viết xong Hành tinh của Hoàng Tử Bé Trịnh Công Sơn. Chưa có một nhạc sĩ Việt Nam nào được viết thành sách nhiều như thế. Vâng, chỉ có anh, bởi vì anh là Trịnh Công Sơn.

Mấy ngày nay Hà Nội vừa mang nặng một nỗi sầu đưa tiễn "Chàng Huy Cận ngày xưa hay sầu lắm" về cõi vĩnh hằng. Khi nhà thơ của ngọn Lửa Thiêng tuyệt vời ấy qua đời, tôi bỗng nhớ có lần Huy Cận đã nhắc tới anh. Đấy là lần ông ấy thích bài Có một nhà thơ tên là Trịnh Công Sơn tôi viết về tài năng thi ca của nhạc sĩ họ Trịnh, thế là lần nào gặp tôi ông cũng nói một câu đầy cảm động: Cảm ơn Trọng Tạo đã cho Huy Cận biết Trịnh Công Sơn là một nhà thơ tài hoa. Tôi đùa ông: Em đã nghe anh "cảm ơn" mấy lần rồi mà! Ông cười: Khi mình đã thích thì cảm ơn bao lần cũng không thừa đâu.

Một nhà thơ lớn như Huy Cận mà cứ xao xuyến mãi về tài thơ của anh như thế, anh có vui không? Sơn ơi!

Sinh thời, anh đã vẽ lên giấy, lên toan biết bao gương mặt người thân. Anh đi rồi, bao nhiêu phòng tranh vẽ anh đã được trưng bày. Bửu Chỉ, Đinh Cường đã làm một cuộc nhớ Sơn bằng tranh ở Huế. Phạm Mùi cũng đã vẽ hơn 60 bức cả chân dung lẫn ca khúc của anh bày thường xuyên trong ngõ Thái Hà, Hà Nội làm say lòng bao người mến mộ. Có người đã gọi ngõ Thái Hà là ngõ Trịnh Công Sơn. Có thể lắm chứ, một con đường hay một lối ngõ mang tên anh giữa lòng Hà Nội, nơi có "cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ nằm kề bên nhau, phố xưa nhà cổ mái ngói thâm nâu..."

Sinh tử là hai đầu của một kiếp người, hay là một luân hồi cát bụi. Ngày mẹ sinh anh và ngày anh hoài thai vào cõi vô cùng cũng giống mọi cuộc đời. Nhưng tại sao anh vẫn là anh, không ai thay thế? Bởi anh là Trịnh Công Sơn, một tài năng giản dị giữa mọi người, chia sẻ với mọi người, quyến rũ mọi người bằng tấm lòng nhẹ nhàng ngỡ gió có thể cuốn đi, mà chẳng bao giờ mất. Và những người đi sau anh vẫn thấy bên đời còn có Sơn!

Hà Nội, 27.2.2005



nguồn: www.vnn.vn
  Trịnh Công Sơn:
> bài hát
> bài viết
> hình ảnh
> phỏng vấn
> bút tích
> dòng thời gian

Những người mến mộ:
> những kỷ niệm
> bài viết
> tưởng niệm
> tin tức
> sách
> lưu bút

Khánh Ly


Phố Xưa


- 20 bài mới nhất



Một hình ảnh ngẫu nhiên:






Gia Sư: Gia Đình + Sinh Viên
 
Address: www.SuuTap.com/TrinhCongSon - Collection: Hoang Truc Ly - Design & script: Sony Ho