tưởng niệm




Bạn có thích nhạc T.C.S ?

--- Ông Đồ ---


Trên những tờ báo có chuyên mục “Tìm bạn bốn phương” dễ không biết đến bao nhiêu lần, bao nhiêu người đã tự giới thiệu mình một cách vắn tắt với dòng chữ: “Thích nhạc T.C.S”...
Nhạc TCS, nhạc Trịnh – tức là những ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Khi anh còn còn sống đã có nhiều người viết về anh. Sau khi anh qua đời, lại càng có nhiều người muốn viết, muốn nói về anh. Còn bạn – những thế hệ, những đợt sóng của lứa tuổi Áo Trắng, bạn có thích nhạc TCS không?
Ông Đồ nhấn mạnh câu hỏi này theo tính cách của Francoise Sagan – nhà văn nữ nổi tiếng của Pháp về những tiểu thuyết tình cảm. Trong số những tác phẩm bán chạy nhất của bà, có một quyển nhan đề Aimez vous Brahms? (Có thích nhạc Brahms không?)
Tiện đây, Ông Đồ xin dành đôi dòng để nói thêm – J. Brahms (1833-1897) nhà soạn nhạc danh tiếng người Đức, tác giả của 4 bản giao hưởng lớn và rất nhiều ca khúc. Trong số những đoản khúc của Brahms, có một bản đã được phổ biến ở Việt Nam với lời Việt khá quen thuộc trong giới chơi băng, đĩa:
Trong chiều dần im hơi, người ngồi tưởng nhớ bao ngày vui... Ngày nào năm xưa, đời còn đương tơ, là ngày hai đứa chúng ta còn thơ...
(Brahms – Concerto No.13)
Thuở ấy, ở nơi nào đó, khi yêu người ta thích nhạc Brahms. Còn bây giờ, ở nơi này, người ta thích nhạc TCS. Nhạc TCS thoạt đầu là những khúc tình ca và do đó khi ai nói “Thích nhạc T.C.S” thì có lẽ họ đã bắt đầu biết yêu. Nói như thế không có nghĩa là mọi tác giả sáng tác tình ca đều được nhiều người ngưỡng mộ như T.C.S.
Nếu hỏi vì sao thích nhạc TCS thì sẽ có một số ít nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhạc sĩ, nhà lý luận phê bình... tìm cách lý giải theo ngôn ngữ “bác học” của họ. Chẳng hạn: “Nghệ thuật hy vọng của Trịnh Công Sơn là nghệ thuật băng qua tuyệt vọng, có đi qua lò bát quái của phần số, nhân tính mới có cơ phát lộ...”
Sự thật thì các bạn trẻ thuộc đa số thầm lặng của những người đã hâm mộ TCS chắc đã không đến với nhạc TCS và nhạc TCS cũng không đến với họ theo những mê lộ rối rắm của lò bát quái nói trên. Ông Đồ cũng thích nhạc TCS từ thời trai trẻ vì những lý do đơn giản, bình dân và dễ hiểu hơn.
Chẳng hạn:
- Về âm nhạc. – Phần lớn các ca khúc của TCS được viết bằng các điệu slow, slow rock, blues... nhẹ nhàng, êm dịu. Hầu như các nốt nhạc đều nằm trong khoảng âm giai Do kiểu mẫu, không lên quá cao, không xuống quá thấp, ít luyến láy phức tạp. Do đó không cần phải là ca sĩ chuyên nghiệp mà số đông những người biết hát đều có thể hát được. Nhạc TCS nói là gần gũi với quần chúng có lẽ trước tiên là vì lý do này. Ngoài ra, nhạc sĩ còn biết kết thúc các giai điệu của ca khúc bằng một hòa âm (harmonie) rất dễ chịu; như một câu chuyện kết thúc có hậu để lại cảm giác bình yên trong lòng người nghe. Đó là kiểu kết thúc trong Lời buồn thánh với những nốt La ngân dài như gió thoảng.
- Về lời: - Nhạc sĩ lão thành Nguyễn Xuân Khoát có nhận xét: “Trịnh Công Sơn viết dễ như lấy chữ từ trong túi ra”... Mỗi ca khúc của TCS đều có những lời diễm lệ:

“Suối đón từng bàn chân em qua
Lá hát từ bàn tay thơm tho
Lá khô vì đợi chờ
Cũng như đời nguời mãi âm u...
Nơi em về ngày vui không em
Nơi em về trời xanh không em
Ta nghe từng giọt lệ
Rớt xuống thành hồ nước long lanh”


Đấy không chỉ là lời hát mà còn là thơ và là những câu thơ tuyệt vời.
Ít ai gọi TCS là nhà thơ và hình như chính anh cũng không hề có ý tận dụng thế mạnh đó. Trong ca khúc TCS, thơ và nhạc kết hợp hoàn thiện như đôi bạn tâm dầu ý hợp. Ngay cả khi viết về tình yêu, về quê hương đất nước, về thân phận con người là những chủ đề lớn, TCS cũng chỉ lấy từ trong túi ra những câu, chữ đơn giản, bình thường. Buồn nhưng không bi lụy, sâu sắc nhưng không bí hiểm, sang trọng nhưng không đỏm dáng, sáo rỗng...
Các bạn trẻ ngày trước còn mê Trịnh Công Sơn, không chỉ vì nhạc mà còn vì ngoại hình và về tính cách. Khuôn mặt của anh có nét khả ái của người nghệ sĩ phong trần và người trí thức tao nhã. Đó là chân dung của một thần tượng trong đời sống hàng ngày của các bạn trẻ.
Cho nên nếu hỏi: “Bạn có thích nhạc T.C.S?” thì câu trả lời dĩ nhiên thường là “Thích”
Chừng nào, số đông bạn trẻ còn cảm thấy thích nhạc T.C.S thì đó là điều đáng mừng. Ngược lại thì e rằng thị hiếu thẩm mỹ trong âm nhạc và đời sống đã có sự đổi thay và đó là sự đổi thay đáng lo ngại.



nguồn: Áo Trắng
  Trịnh Công Sơn:
> bài hát
> bài viết
> hình ảnh
> phỏng vấn
> bút tích
> dòng thời gian

Những người mến mộ:
> những kỷ niệm
> bài viết
> tưởng niệm
> tin tức
> sách
> lưu bút

Khánh Ly


Phố Xưa


- 20 bài mới nhất



Một hình ảnh ngẫu nhiên:






Gia Sư: Gia Đình + Sinh Viên
 
Address: www.SuuTap.com/TrinhCongSon - Collection: Hoang Truc Ly - Design & script: Sony Ho