tưởng niệm




Cuộc thi viết tưởng niệm 8 năm ngày mất nhạc sĩ Trịnh Công Sơn - Phần 1

--- Nhiều tác giả ---


YNT01 CÕI TẠM ĐÃ VẮNG ANH - Nam Lê

Kể từ khi người ca thơ rời bỏ cõi tạm lên đường phiêu linh, chúng ta chỉ còn thấy anh trong tim của mỗi người mộ điệu.
Dòng nhạc anh cứ cuồn cuộn chảy mãi trong trời đất này, mặc cho chúng ta không còn thấy hình ảnh con người gày gò khắc khổ ấy cất lên giọng ca mỏng manh. Chỉ còn lại đây, những người yêu anh, hằng năm vẫn cất tiếng ca, ngợi ca diễm tình, ngợi ca quê hương hay tiếng hát đau đáu về người Việt da vàng. Nhớ anh, lại nhớ đến những tâm niệm của anh, những nhắc nhớ sống ở cõi đời, nhắc nhớ về tấm lòng và sự yêu thương của con người. Yêu thương nhau nữa đi, bao dung nhau nữa đi. Càng nghe, càng thấm thía, càng thấy mình lớn lên, càng thấy mình yêu cuộc đời này, và càng thấy âm nhạc của anh đã ảnh hưởng thế nào đến mình.
Chúc anh trên đường phiêu linh, được mỉm cười nhìn quê hương thênh thang, nhìn người yêu thương nhau.


YNT02 MỘT DÒNG SUY NGẪM - Nguyễn Thị Tình

Hai lăm tuổi, nghe nhạc Trịnh được 10 năm. Những năm tháng ấy,có lúc tôi say mê nghe. Nghe không chán. Nhưng cũng có lúc tôi hững hờ, hai ba tháng liền không hề nghe một phút. Liệu có phải đó là một tình yêu không trọn vẹn? Tôi không biết và cũng không bao giờ lý giải.
Có đôi khi tôi nghĩ, nếu một ngày kia, trong đám tang của mình, có những người bạn của mình, biết mình nghe nhạc Trịnh, liệu họ có dám tự tin đứng trước quan tài hay phần mộ của mình để hát một bài Trịnh tiễn biệt mình không? Hay thậm chí chỉ cần nhẩm trong miệng thôi cũng được.
Lúc đó, liệu tâm hồn mình sẽ cảm thấy được an ủi, ngậm cười mà ra đi, hay lại thấy tiếc nuối cuộc đời, chỉ muốn ở lại. Tôi chẳng bao giờ có được câu trả lời chắc chắn cho câu hỏi đó cả. Mười năm nay, tôi chưa bao giờ cắt nghĩa được cảm giác phân vân, khắc khoải và day dứt khi nghe nhạc Trịnh. Tôi luôn bị cuốn vào một vòng xoáy mà tôi không bao giờ biết được sẽ đi đến đâu. Tôi còn quá trẻ chăng? Hay mười năm là chưa đủ?
Song có một điều mà tôi luôn nắm bắt và chắc chắn được đó là tôi đã và đang được nghe những tiếng nói từ trái tim của một tâm hồn luôn yêu thương, khát khao yêu thương và sẵn sàng hiến dâng tất cả cho tình yêu thương đó.
Tôi biết, bạn nghe nhạc Trịnh khác hoàn toàn với tôi nghe và cảm nhận của bạn cũng khác với cảm nhận của tôi. Ấy vậy mà không hiểu sao, tôi luôn thấy vui và như tìm được tri kỷ khi thấy ai đó hát nhẩm một khúc Trịnh hoặc mỉm cười hỏi nhỏ tôi một câu: “Bạn cũng nghe Trịnh đó hả?”
Và có lẽ, mỗi lần như thế, bên kia thế giới cũng có một tâm hồn đang mỉm cười và nhủ thầm: “ Phải chăng, quãng đời đó mình đã sống thật không uổng phí!” rồi lại tiếp tục bay đi nhẹ nhàng cùng làn gió./.


YNT03 TRỊNH CÔNG SƠN VÀ NHỮNG THÁNG NGÀY THANH XUÂN CỦA TÔI - Phạm Thanh Hằng

“Tôi luôn luôn nhớ thương tuổi trẻ - tuổi của tình yêu nồng nàn. Khi tôi yêu thương cái tuổi đời ngào ngạt hương hoa này thì đồng thời tôi cũng yêu một cõi đời tôi đã mất.” – TCS


Tôi luôn có nghìn nghìn thứ để viết về tuổi trẻ của mình. Vì tôi Hai Mươi tuổi. Và tôi rất nồng nàn.

Thời thanh xuân của tôi là những tháng ngày yêu đương nồng nàn. Một tình yêu đủ đầy và không thay thế. Thời thanh xuân của tôi là những tháng ngày mải miết đi, đến những miền đất lạ - quen, đến những góc quán quen - lạ, để nối dài thêm cho những mối tình đã bền lâu, đang chớm nở, và sẽ chắp cánh. Thời thanh xuân của tôi là những tháng ngày thảnh thơi không suy tính, ngồi nhấp ngụm trà ấm nóng, nghe tiếng hát khàn khàn của những gã trai không tuổi, đã hát những bản tình ca chậm và nồng nàn ấy đến cả nghìn lẻ một đêm. Thời thanh xuân của tôi là những tháng ngày yêu thương và được yêu thương. Hạnh phúc-đủ đầy-ấm êm.

Khi nghe Trịnh, đọc Trịnh, ngẫm Trịnh và sống với quá nhiều cảm xúc được thắp lên bởi Trịnh, mặc nhiên tôi nghĩ về Trịnh Công Sơn như một phần của tuổi trẻ mình. Một phần đẹp đẽ và xót xa. Cũng mặc nhiên, tôi đặt Trịnh Công Sơn vào những tháng ngày thanh xuân của ông. Có phải người trẻ tuổi nào cũng có một thời đặt mọi điều vào một thứ trục chỉ xoay quanh tuổi trẻ của mình?

Nhưng, thật thà tôi hiểu đã 8 năm từ khi người thân, người quen và người đời thắp những nén nhang trước linh cữu người nghệ sĩ tài hoa ấy. Dòng sông ấy đã qua đời. Để mỗi ngày 01/04, không chỉ người thân, người quen mà cả người đời sẽ nhớ đến Trịnh Công Sơn nhiều hơn bao giờ hết, sẽ ngồi bên nhau hát lại, hát mãi, mãi mãi mãi mãi những bản tình ca của ông. Hoặc không, họ sẽ ngồi thật yên, thật thảnh thơi nghe giọng Khánh Ly cũ rè, vừa nồng nàn vừa thờ ơ, nghĩ về những điều Trịnh Công Sơn đã gửi lại đời sống này.

“Như thế, với cuộc đời, tôi đã ôm một nỗi cuồng si bất tận. Mỗi đêm, tôi nhìn trời đất để học về lòng bao dung. Nhìn đường đi của kiến để biết về sự nhẫn nhục. Sông vẫn chảy đời sông. Suối vẫn trôi đời suối. Ðời người cũng để sống và hãy thả trôi đi những tị hiềm.”- TCS

YNT04 TRỊNH CÔNG SƠN, MỘT CUỘC ĐỜI KỲ LẠ MANG MỘT TRÁI TIM KỲ DIỆU - Vothuongca

Một con người kỳ lạ đã sinh ra vào ngày cuối cùng của một tháng duy nhất trong năm và ra đi vào một ngày đầu tháng khi không ai ngờ rằng ông sẽ ra đi vào ngày đó. ...Một người đã ra đồng giữa Ngọ ....
...một người như từ lâu lắm rồi... đã chiêm nghiệm ra thời khắc mà mình sẽ ra đi ấy..

Ngờ đâu hội ngộ tan giữa hư không
Tan trong trời hồng làm giọt mưa trong
Tan trong cuộc đời làm lời ru êm
Tan trong cội nguồn...

Hơn 60 năm một chuyến hành hương đi về với chừng 600 tác phẩm đủ ngẫu nhiên tạo ra không biết bao nhiêu thế hệ yêu nhạc của ông, ngẫu nhiên tạo nên một dòng nhạc kỳ vĩ ung dung dạo chơi giữa cõi vô thường. Nhạc Trịnh đẹp buồn... như một chút hồng phai...Cõi Trịnh đẹp buồn... như nắng vàng phai...

Hồng đi nhé môi cười giữa ngọ, vàng phai sẽ nhớ em một mùa......

Âm nhạc Trịnh Công Sơn thế đấy, tựa một dòng kinh lâu bền chảy vào cõi tạm này... ru mềm những tâm hồn sỏi đá, ấm lại những phận người cát bụi, nuôi lành những cuộc tình vá khâu... Dưới nhà nguyện tình yêu ấy, đời sống trả lại ông muôn vàn trái tim mộ điệu - những trái tim bốn mùa vẫn ngồi lại bên nhau, thành kính bên Trịnh Công Sơn và dịu dàng ngân lên những âm giai bất tử...

Dù đến dù đi tôi cũng tạ ơn người, tạ ơn ai đã cho tôi tình như sao sáng xuống từ trời...

Cõi Trịnh, một cõi kỳ lạ mang một mùa kỳ diệu...

YNT05 CÓ MỘT DÒNG SÔNG ĐÃ QUA ĐỜI - TrangNEU


Nếu trừ cái hồi trẻ con nghe "bị động" mấy bài Diễm xưa và Biển nhớ từ loa nhà hàng xóm, thì đây là một trong những bài nhạc Trịnh đầu tiên mình nghe đấy bạn ạ. Nghe "chủ động" ấy. Nhạc Trịnh có một đặc điểm là nghe hai lượt thuộc ngay giai điệu, nhưng lời thì đố mà thuộc được, ấy thế mà với bài này, mình thuộc cũng được kha khá. Thích nhất câu "mười năm sau áo bay đường chiều", thích từ hồi mới nghe đến bây giờ.

Nếu hỏi mình vì sao mà thích nhạc Trịnh Công Sơn thì mình sẽ chỉ nói được hai lý do: Lời hay và nhạc hay. Nói cụ thể hơn thì nhạc Trịnh với mình hơi giống Kinh Phật, nhẹ nhàng trầm lắng, mình thấy ở đó nỗi buồn man mác, cả sự tự do tự tại, và thái độ điềm tĩnh trước tất cả mọi biến cố. Nhưng bây giờ và chắc mãi cả sau này, mình sẽ không thể hiểu hết được nhạc Trịnh.

Có một dòng sông đã qua đời cũng không nằm ngoài lề trạng thái ấy. Trước mình thấy bài này hay vì cái chữ "mười năm". Mười năm là một khoảng thời gian quá dài đối với tuổi hai mươi, nhiều năm sau tuổi hai mươi mình cũng vẫn thấy mười năm là rất xa.

Mười năm sau áo bay đường chiều, bàn chân trong phố xa lạ nhiều... Có khi nào bạn tưởng tượng mười năm sau thế nào không, còn mình thì cứ nghĩ đến khung cảnh của một buổi chiều nhiều gió mười năm sau, những người đã mười năm rồi không gặp…
Có một điều, mình không tin như Trịnh viết, là nhìn nhau ôi cũng như mọi người, mình chẳng tin thế đâu, dù mười năm sau thì có khi đã có mười dòng sông qua đời chứ không chỉ một đâu nhỉ?

YNT06 MỘT TÌNH YÊU NHO NHỎ... - bizoonzoon

Tôi biết nhạc Trịnh từ bao giờ nhỉ, có lẽ là rất lâu rồi, từ khi tôi còn là cậu học trò nhỏ hăng hái hát "Em là hoa hồng nhỏ " cho tới " Tuổi đời mênh mông " và " Nối vòng tay lớn ". Nhạc Trịnh với tôi đơn giản là những bài hát về tình yêu cuộc sống trong sáng và tình đoàn kết_theo cách hiểu của tôi thủa ấy. Chỉ đơn giản vậy thôi.
Tôi yêu nhạc Trịnh từ bao giờ nhỉ, có lẽ là từ khi tôi lớn lên, biết yêu thương, biết hờn giận, biết tới những cảm xúc khác sâu sắc và người lớn hơn. Khi tình yêu chớm nở, tôi hân hoan và tìm thấy niềm vui, niềm lạc quan, yêu cuộc sống trong " Hoa xuân ca ", trong " Đóa hoa vô thường '''''''''''''''' hay trong " Quỳnh hương ", khi tình yêu tàn úa, tôi tìm được sự đồng cảm và sẻ chia ở " Cuối cùng cho một tình yêu " ," Tình sầu "...Rồi tôi biết đến tình yêu thương đồng loại, yêu hòa bình và yêu những con người da vàng của đất nước Việt Nam nhỏ bé, tôi hình dung ra " Người con gái Việt Nam " như thế nào, tôi cảm nhận được sự khốc liệt của chiến tranh trong " Tình ca người mất trí" hay " Tôi sẽ đi thăm "....
Ở bất kì một trạng thái cảm xúc nào đó, tôi đều cảm thấy nhạc Trịnh tồn tại sự đồng cảm và sẻ chia đến kì lạ....như một người bạn trò chuyện với mình bằng lời ca chứ không chỉ là một bài hát. Có lẽ những tình cảm bản năng nhất và nhân ái nhất đã làm cho nhạc Trịnh gần gũi và thân thiết đến thế. Tôi yêu những triết lý đơn giản mà sâu sắc trong nhạc Trịnh về cuộc sống, về tình yêu, về thân phận con người....Nhạc Trịnh đi vào cuộc sống của tôi đơn giản và nhẹ nhàng tựa như một sự sắp đặt trước. Rồi tôi cũng hiểu nguồn gốc và hiểu thế nào là " Diễm xưa " , " đường Phượng bay ", "con tinh " và " Hạ trắng"....Hiểu và yêu nhạc Trịnh là cả một quá trình và là một tình cảm thực sự chứ không phải là thứ tình cảm một sớm một chiều mà có được. Tôi dành cho nhạc Trịnh một thứ tình cảm nhỏ bé, bình dị và nhẹ nhàng nhất, chẳng cần khoe khoang, chẳng cần ca ngợi, chẳng cần phải phô trương.
Nghe nhạc Trịnh, tôi hiểu được rằng tình cảm được xây dựng từ những điều giản dị nhất, chân thành nhất và đời nhất thì sẽ bền vững nhất. Đã biết bao nhiêu thế hệ người Việt Nam đã nghe, đã yêu và đã tìm hiểu về nhạc Trịnh và chắc hẳn tình cảm đó sẽ chẳng bao giờ tàn phai, những ca khúc của Trịnh Công Sơn sẽ mãi mãi tồn tại trong tâm trí mỗi chúng ta.
Thỉnh thoảng, ngồi nghe nhạc Trịnh, tôi thầm nghĩ: sau này, con mình rồi sẽ yêu nhạc Trịnh chứ....hẳn là như thế rồi, và rồi tôi sẽ dạy cháu hát:......Em sẽ là mùa xuân của mẹ, em sẽ là màu nắng của cha...và có lẽ cháu sẽ đi thu nhặt hành trang cho nó về nhạc Trịnh và rồi cháu cũng sẽ hiểu...thế nào là " Diễm..... của những ngày xưa ..."


YNT07 BÀI DỰ THI -mtn_35

"Hạ trắng" vang lên đầy da diết giữa trưa vắng từ một ngôi nhà xa lắc lơ nào đó đã miên man choáng ngợp trí óc của một con bé lớp 3, tôi đã nhớ như in khoảng khắc ấy. Khoảng khắc tôi bước vào không gian của ông, nhưng tôi không dám bước qua lằn thời gian bởi tôi là gì mà có thể hiểu những gì ông đã sống, đã viết.

Bất kì cái gì đầu tiên cũng luôn ám ảnh, bất kì những gì ngẫu nhiên cũng là duyên phận, tôi tin như thế. Tôi đã từng lùng sục từng bài hát của ông, và phát rồ lên khi tìm được, vui mừng và khóc lóc.
Có đợt tôi nghiền tới mức, tôi nghe từ ngày này sang ngày khác, tôi tưởng như không thể nghe được loại nhạc nào khác nữa. Cái mãnh lực của nhạc Trịnh hút lấy tôi, cuốn lấy tôi. Tôi sợ quá, cố tự dứt mình ra, bắt mình nghe đa dạng hơn, để trở về thế giới trẻ trung của tuổi 22. Nhưng rồi tôi lại phải quay lại để tìm.

Tôi có tật nghe nhạc Trịnh mỗi khi tôi vui, khi phấn khích, tôi nghe để chùng xuống đôi chút, để không tự đắc, không vui mừng mà bỏ quên thế giới xung quanh. Thoảng khi buồn tôi cũng nghe, tôi nghe vì tôi thấy được những niềm vui, hy vọng nhen nhóm trong những bài ca của ông.
Hôm nay tôi lại nghe niềm vui ùa về trong những bài hát, trong “ một buổi sáng mùa xuân “đầy nắng, vì tôi còn ngồi đây, viết những dòng về ông, về duyên nợ của chúng tôi, về những ca khúc bất hủ, và về tình yêu không bao giờ tắt nơi tôi.

YNT08 NHỮNG TIẾNG LÒNG CHÂN THẬT - nguoi_thuong

Những bài ca của Trịnh Công Sơn tại sao ở lâu và phân tán vào trong lòng người sâu vậy? Bởi khi viết chúng, bản thân Trịnh không cố công thuyết phục, cố công mê hoặc lòng người. Những lời ca đôi khi biến mất, đôi khi hiện ra lấp loá, giản dị và giống con người tới mức họ phải quay lại để nhìn ra mình, tìm thấy mình.
Rồi những lời ca đó cũng tự nhiên đến độ cho người ta tin rằng chính họ tìm kiếm được lấy bản thân. Nhạc Trịnh đã đến và ở lại với người đời từ đó. Nó giữ nguyên trong mình tính ngẫu nhiên, tính nhìn nhận tự thân - cái giá trị con người muôn đời mong đợi.
Tôi đâu phải đang hát nhạc Trịnh, tôi đang hát những tiếng lòng tôi thôi.

NT

YNT 09 TRỊNH KHÚC VÀ TÔI – Vũ Nhật Tuấn

Những chuyện bình thường chẳng thể nào ru mãi những khúc tình ca. Tôi đến với nhạc Trịnh như thế đấy, đơn giản và trọn vẹn trong hai chữ “bình yên”.

Tôi trải dài những yêu thương của mình trong từng ca khúc của ông, tôi phiêu diêu trong từng ca từ và thanh âm, để rồi nhặt lại mình trong đó, nguyên vẹn một kiếp người. Từng giai điệu thấm đẫm trái tim, cho dù Khánh Ly đã “xay mòn” những khoảng trời mà ông đã vẽ ra giữa cõi con người mờ nhạt.

Tôi tìm thấy sự “tạ ơn”, tôi biết mở lòng để yêu thương những điều mà tôi đang có, tôi biết nhận những “vết thương” riêng cho mình dù đời có “phụ tôi” đến mấy. Tôi học được lòng bao dung, sự yêu thương một tình yêu không trọn vẹn, để một ngày tâm hồn tôi sẽ “nhẹ nhàng như mây” trôi bềnh bồng.

Có những nỗi buồn rất “Trịnh”, có những tình yêu rất “Trịnh”, để cho những Trịnh khúc sẽ “ru mãi ngàn năm” những yêu thương và buồn tủi giữa cuộc sống trần gian mê mải này.

YNT10 - CÕI ĐÁ TRỊNH - Tác giả Tạ Hòa Phương

Bằng cảm quan tinh nhạy của một nghệ sỹ tài năng, Trịnh Công Sơn đã nhìn thấu được sự vần xoay của vũ trụ, thấy được cội nguồn sản sinh ra con người và tình yêu, cũng như từng viên cuội lăn, từng hạt bụi bay trên thế gian này, không gì khác hơn là Mặt Trời rạng rỡ: Mặt trời nào soi sáng tim tôi / Để tình yêu xay mòn thành đá cuội. Những viên cuội trắng phau, tròn trịa đã trở đi trở lại trong ca từ của ông: Tôi xin làm đá cuội / Và lăn theo gót hài, hoặc: Như từng viên đá cuội / Rớt vào lòng biển khơi...

Trịnh như cảm nhận được mọi niềm đau nỗi khổ của nhân gian. Và, tột cùng của những tình cảm con người trong trái tim nghệ sỹ của ông là hình tượng nỗi buồn hoá đá: Người còn đứng như tượng đá trong rừng cây già. Còn đứng, có nghĩa là chưa cam phận, chưa buông xuôi. Trịnh cho ta thấy, hoá đá chưa hẳn là siêu thoát: Làm sao em biết bia đá không đau... Và Đá-Trịnh luôn khắc khoải một niềm yêu: Tình như đá hoài những chờ mong; Sỏi đá trông em từng giờ... Đá của Trịnh không bao giờ là vật vô tri cả. Trái tim ông từng thốt lên một dự cảm vĩnh hằng: Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau.

Vì thế, không lạ, khi trong ca từ một bài hát của Trịnh không hề có từ «đá », thì tên bài hát vẫn là "Tuổi đá buồn". Đó là cõi đá của riêng Trịnh Công Sơn, của người nhạc sỹ, thi sỹ, họa sỹ tài danh của Việt Nam trong thế kỷ hai mươi.

YNT11 - Trịnh Công Sơn- NGƯỜI TÌNH CỦA CUỘC SỐNG - Tác giả: Phan Tú

Đã 8 năm kể từ ngày nhạc sĩ tài hoa: Trịnh Công Sơn kết thúc cuộc hành trình dương thế. Nhạc sĩ đã đến giữa cuộc đời này, sống và viết hết mình, viết bằng cả tâm hồn và nhiệt huyết, rồi ra đi.. để lại cho đời nhiều khúc ca bất hủ…

Trịnh Công Sơn được coi là ca nhân- người hát thơ về tình yêu. Tình yêu anh viết không phải là tình cảm vụn vặt, uỷ mị mà trái lại rất cao khiết, thánh thiện : Tình yêu như cơn bão đi qua địa cầu…Tình yêu như đốt sáng con tim tật nguyền…Tình xa như trời. Tình gần như mây khói. Tình trầm như bóng cây. Tình reo vui như nắng. Tình buồn làm cơn say…Những tình khúc của anh ngày càng làm lắng đọng nỗi đam mê của con người như chính men say của tình yêu…

Tình yêu trong nhạc Trịnh còn là tình yêu quê hương, đất nước. Nhạc sĩ nói đến sự vô lý của chiến tranh (người chết hai lần, thịt da tan nát); tội ác của bom đạn (Một buổi sáng mùa xuân/ một em bé ra đồng/ đạp trái mìn nổ chậm/ xác không còn đôi chân)… Những bài hát về quê hương của Trịnh không còn những ẩn dụ, những hình ảnh biểu tượng hay hơi hướng siêu thực. Anh trang trải tình yêu với những người già co ro, em bé loã lồ, bà mẹ lom khom tìm con trên bãi vắng…



Quê hương cũng có khi là con phố với những kỷ niệm một thời :" Nhớ Sài Gòn mưa rồi chợt nắng. Nhớ phố xưa chưa quen biết tên bàn chân…". Hoặc phố cổ Hà Nội cổ kính, linh thiêng :" Hà Nội mùa thu, cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đổ, nằm kề bên nhau, phố xưa nhà cổ, mái ngói thâm nâu"…

Trịnh Công Sơn còn được coi là triết gia về thân phận con người. Anh viết về nỗi khắc khoải ngàn đời của con người :" Bao nhiêu năm rồi còn mãi đi xa. Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt…". Cái chết thì chỉ như một chuyến lãng du: " Hòn đá lăn bên đồi. Hòn đá rớt xuống cành mai. Rụng cánh hoa mai gầy. Chim chóc hót tiếng qua đời. Người ôm lấy muôn loài. Nằm trong tiếng bi ai"…

Sau cuộc hành trình dài "rong chơi cùng nhật nguyệt", Trịnh Công Sơn đã " ra đi về chốn xa xăm cuối trời" để hoá thân cùng cát bụi. Nhưng tên tuổi và những khúc ca của anh sẽ mãi sống với những đời sống không- thời- gian...

Tháng 3/ 2009


YNT12 - Ước gì quay ngược thời gian! - Tác giả: Nguyễn Thị Hoài Sâm

Tôi mê nhạc Trịnh từ năm mười lăm tuổi. Ngày ấy, anh hàng xóm cạnh nhà hay ôm ghi ta đàn, hát rất nhiều bản nhạc hay. Nhưng lắng đọng trong tim tôi là ca từ “Gọi nắng trên vai em gầy, đường xa áo bay… Áo xưa dù nhàu, cũng xin bạc đầu gọi mãi tên nhau…” hay “ Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ, ...ngày sau sỏi đá vẫn còn có nhau…”. Rồi tôi biết đó là bản “Hạ trắng” và “Diễm xưa” cuả cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn. Thưở đó tôi nào có hiểu gì về tình yêu, nhưng tôi rất thích nghe giai điệu và ca từ nhẹ nhàng, tình cảm, da diết của bài hát.

Lớn lên, càng nghe nhạc Trịnh tôi càng yêu thích. Tôi mua rất nhiều băng, đĩa nhạc Trịnh. Tôi thuộc gần như hầu hết các bài nhạc của anh. Tôi biết làm thơ và viết khá nhiều thơ về tình yêu, về thân phận con người.

Hàng ngày, tôi hay đi làm ngang qua ngôi nhà của anh ở đường Phạm Ngọc Thạch, đã nhiều lần tôi rất muốn vào thăm anh như là một người hâm mộ, và hy vọng anh dạy cho phổ nhạc mấy bài thơ cuả tôi! Nhưng rồi tôi cứ ngại ngần, sợ anh không tiếp.

Những đêm nhạc Trịnh tổ chức ngoài trời ở quán “Thanh niên” tôi đều có mặt, để được nghe, và để …được thấy anh lên sân khấu khi thì hát cùng ca sỹ, khi thì anh trò chuyện rất thâm mật, giản dị cùng với khán giả. Sau này tôi rất tiếc là mình đã không mạnh dạn gặp anh …

Tôi chỉ được gặp và nghe anh nói chuyện lần cuối tại đây, khi ấy anh bắt đầu bị bệnh, giọng anh đã yếu. Anh gầy guộc, chậm rãi đi lên sân khấu hát bài “ Nối vòng tay lớn” , tất cả khán giả đều nồng nhiệt hát theo…

Vóc dáng anh nhỏ bé, mong manh nhưng tâm hồn thì vĩ đại vô cùng! Hãy nghe nhạc của anh, và lắng nghe tâm hồn mình thanh thản, nhẹ nhàng giữa “bờ cát trắng đêm khuya”, nghe lời ru “vang vọng một đời” để “mỗi ngày tôi chọn một niềm vui” sống những năm tháng đẹp đẽ để rồi” một mai “trở về với cát bụi” nhẹ nhàng, hư vô.

…Ngày mồng một tháng tư buồn thảm ấy, vô tình đi qua đường nhà anh, chợt thấy xe tang xếp đầy hoa trắng! Tôi cố kìm nén những giọt nước mắt xót thương vô hạn. Dòng người ngày một dồn lên tắc nghẽn hàng giờ đường Điện Biên Phủ. Nhớ thương anh vô cùng! Chợt thấy đời người mong manh quá! Anh đã đi về với chốn thiên thai! Đã không còn “ở trọ” cuộc đời. Nhưng những bản nhạc của anh vẫn còn sống mãi với chúng ta, với cả thế giới.

ước gì quay lại được, hỡi thời gian!

YNT13 TÔI VÀ TRỊNH - Đậu Thị Dung

Đó là ngày mưa bụi tháng Hai, tôi bước chân vào phố Phái nhìn phố dài hút tầm mắt theo năm tháng rêu hoang rồi chợt nhớ đến phố Trịnh rong ruổi những cơn mưa thiên thu vào mùa chưa dứt.

Tên đời là cõi tạm, tên tình là phôi pha. Trịnh nhìn sự vật như đốm nắng chiều dễ tàn lụi rồi đêm về giăng kín mịt mùng. Chỉ khi xa cõi tạm này, loài người mới thôi rệu rã, lê thê. Ở nơi đó, gió hoang vu không hát nữa, loài người ngoan hiền những giấc mơ rong. Đó là cõi thiên thu không còn không mất, cõi ngàn năm một lối đi về.

Với tôi, nhạc Trịnh mãi là ám ảnh. Vì sao nghe rồi yêu đến mệt mỏi tôi không biết. Đã có lúc tôi sợ những nốt nhạc ấy, sợ chất giọng Khánh Ly ma mị cột chặt vào không thể thoát ra, sợ thế giới của chim ưu phiền mang đầy nắng quạnh hiu, thế giới của tình sầu, tình xa, tình vọng, lời buồn thánh niệm trầm buổi chiều chủ nhật cô liêu. Nhưng rồi không hiểu sao tôi vẫn đi về đó như một kẻ mộng du, xa vắng và cô đơn.

Tôi vẫn ngồi đó, chôn chân trong những bạc khúc của Trịnh. Lời bề bộn này rồi sẽ tan đi như khói. Những giấc mộng của đời không thực này cuối cùng chỉ là phù du. Sau làn mưa bụi nhạt nhoà cả này, tôi đi rồi có gặp con nắng nào không?

Chỉ biết bây giờ, đêm và Trịnh là tri kỷ!


YNT14: HAI LẦN BỊ ĐÁNH VÌ HÁT NHẠC TRỊNH - Lê Minh Hoàng

Tôi thuộc khá nhiều nhạc Trịnh nhưng chỉ hát khi “ bị” đề nghị và oái oăm làm sao, trong những lần phải hát như thế có 2 lần tôi bị đánh.
Đầu năm 1973, sau khi hiệp định Paris được ký kết, lúc đó tôi đang học lớp 9 ở một trường trung học nhỏ. Cứ hai tuần một lần vào sáng thứ hai học sinh chúng tôi phải tập trung nghe tuyên truyền về “ Cộng sản Bắc Việt xâm lược, Việt cộng phá hoại…”. Tuyên truyền viên duy nhất là ông phó quận . Lúc nào ông ta cũng mặc bộ quần áo đen của lính bình định nhưng lại đội nón tay bèo và mang dép “ râu”. Chừng nửa giờ cuộc tuyên truyền xong và lần nào cũng vậy, học sinh phải hát vài bài. Các lớp trên hát trước, thường là những bài về lính cộng hòa. Có bài sau này tôi mới biết là tâm lý chiến. Ví như Tiếng chim gọi đàn, Nhịp cầu tri âm…Sáng thứ hai nọ đến lượt lớp tôi. Tôi là lớp trưởng nên bị đùn lên. Nhớ bài Nhịp cầu tri âm có câu mở dầu : “ Người từ là từ phương bắc, đã qua dòng sông…” cũng “ Từ Bắc vô Nam…”, tôi hát bài Nối vòng tay lớn. Cả sân vỗ tay theo một cách hứng khởi làm tôi hát đến hai lần. Nhưng sao ông phó quận không vui như mọi lần ?
Sau khi vào lớp, giám thị xuống gọi. Tôi lên phòng hiệu trưởng, ông quận cũng ở đó. Tôi vừa khoanh tay thưa thì bất thần ông ta đứng dậy và giáng cho tôi một tát tay chúi nhủi. Mắt hoa tai ù cả lên. Ông phó quận nghiến răng gầm ghè : “ Ai xúi mày đồ công sản con?” Thật tình tôi hát vì thuộc và thích chứ nào có ai xúi đâu. Lần này tôi bị đánh theo nghĩa đen.
Đầu những năm 80 của thế kỷ trước, tôi đang là bí thư chi đoàn cơ quan. Trong một buổi sinh hoạt lệ, tôi lại “ bị” đề nghị hát. Tôi hát bài Em còn nhớ hay em đã quên. Ngày hôm sau bí thư chi bộ triệu tập họp chi đoàn đột xuất và tôi bị “ đánh” tơi tả và cuối cùng, tất cả đoàn viên trong chi đoàn theo ánh mắt của bí thư chi bộ lần lượt đưa tay biểu quyết tán thành cách chức bí thư chi đoàn của tôi vì cái tội hát bài hát đang bị cấm. Mà thật tình tôi cũng không biết ai cấm và vì sao cấm. Lúc đó thì đành chịu. Lần này cũng bị đánh nhưng theo nghĩa bóng.
Giờ đã quá năm mươi chẳng ai còn đề nghị hát nhưng ngẫm lại, mình cũng có duyên với nhạc Trịnh.

YNT15 BÀI DỰ THI - Đinh Đức Long

Nếu có một cuộc bình chọn “Hiện tượng âm nhạc lớn nhất Việt Nam thế kỷ XX”, tôi sẽ không ngần ngại bỏ phiếu cho Trịnh Công Sơn, và chắc chắn rằng số phiếu của ông sẽ không hề nhỏ…
Nhạc Trịnh Công Sơn từng được giải thưởng Đĩa vàng ở Nhật Bản với bài Ngủ đi con trong Ca khúc da vàng phát hành trên 2 triệu bản năm 1972 có mấy ai quên?
Mỗi khi nghe một bài hát, công chúng phát hiện ra người nhạc sỹ của mình, Trịnh Công Sơn đó, dấu ấn riêng luôn tạo ra ấn tượng không dễ gì phai nhạt.
Vào cái ngày Trịnh “về làm cát bụi”, hàng nghìn người lầm rầm hát đưa tiễn ông về chốn “hư không”. Tình khúc Trịnh Công Sơn trở thành Thánh ca, tất cả mọi người đều trở thành “người tình”, thành “bạn bè” của Trịnh…
Để viết được tình ca, chỉ cần một nguồn cảm hứng nhưng để viết được nhạc phản chiến, phải cần một trái tim. Nhạc Trịnh Công Sơn mang một thứ tôn giáo, tôn giáo của tình thương mà nền tảng là một thứ triết lý riêng Trịnh Công Sơn tạo nên từ quan niệm của Đạo Phật và chủ nghĩa hiện sinh phương Tây. Giữa hai làn đạn, Trịnh chỉ biết dựa vào âm nhạc để thể hiện khát khao sống bình yên và an lành, chuyển thông điệp của con tim đến mọi người dân máu đỏ da vàng.
Trịnh Công Sơn là thế! Một nhân cách lớn, một tài năng trác tuyệt với một thế giới nghệ thuật riêng. Tất cả tạo nên một ngọn núi luôn chờ những kẻ đủ TÂM, đủ TẦM chinh phục…

YNT16 BÀI DỰ THI - Ngô Thị Thủy

Ngày mùng 1.4.2008, bắt đầu giờ học, cô xách một chiếc ghita lên lớp. cả lớp ngơ ngác không hiểu. Cô vẫn giảng bài bình thường như mọi ngày. Cả lớp chú ý lắng nghe nhưng thực ra vẫn tự đặt những câu hỏi??? về cây đàn ghita.
Tiết cuối ngày học hôm đó, cô mới nói lí do vì sao có cây đàn: "Cô là người rất mê nhạc Trịnh. Với cô, đây là thể loại nhạc được ưa thích nhất. Hôm nay cũng là kỉ niệm ngày mất của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, cô dành một tiết học để cả lớp mình cùng bày tỏ tấm lòng thành kình yêu thương tới nhạc sĩ...". Chúng tôi đã hát say sưa những bài nhạc Trịnh. Đó cũng là hôm đầu tiên tôi có khái niệm yêu nhạc Trịnh.
Có lẽ tôi là người đến với nhạc Trịnh hơi muộn. Điều đó làm tôi nhiều phần ăn năn. Nhưng sau buổi học hôm đó, tôi say mê nó đến cuồng nhiệt. Tôi thích nghe nhạc Trịnh về đêm, có lẽ đó là lúc người ta đối diện thực nhất với con người mình... Và cũng thích nhất: "Một cõi đi về".
Người ta vẫn luôn muốn lắng lại sau bộn bề những lo toan. Người ta vẫn muốn tìm về một chốn bình yên để thấy nhẹ lòng sau muôn vàn nhức nhối. Nhạc Trịnh đem lại cho tôi cảm nhận ấy.

YNT17 BÀI DỰ THI - Linh Nguyen

Có lẽ trong số những người yêu nhạc Trịnh tôi là người nghe ít nhất. Tôi tự nhận thấy điều đó. Có nhiều người có thể kể vanh vách các sáng tác của ông, có thể nhớ rất nhiều câu chuyện liên quan đến ông, có thể hát rất hay nhạc của ông… Tôi không làm được những điều đó và nói không ngoa thì tôi là ngoại đạo trong cụm chữ “yêu nhạc Trịnh”. nhưng nó không có nghĩa tôi là người thích nhạc Trịnh cho nó có, cho nó hợp thời hay thế nào đó. Bởi tôi biết rằng có gì đó rất lạ mỗi khi tôi nghe nhạc Trịnh. Đó không chỉ là sự rung động trong sâu thẳm tâm hồn mà còn là sự đồng điệu tôi tìm thấy trong ca từ và giai điệu trong các sáng tác của ông với những gì tôi trải nghiệm. Mỗi lần nghe là một lần cảm khác nhau. Mỗi lần nghe là một lần phát hiện ra điều gì đó mới hơn cho riêng tôi. Tôi không muốn tìm và nghe bằng được bài hát này bài hát kia của ông bởi đơn giản tôi muốn ở vào một hoàn cảnh nào đó tôi lại được nghe nhạc ông vang lên một cách tự nhiên. Tôi muốn để dành những lần nghe như thế. Và chính điều đó giúp tôi yêu nhạc Trịnh. Có lẽ tôi yêu nhạc Trịnh chẳng giống ai…



nguồn: ttvnol.com
  Trịnh Công Sơn:
> bài hát
> bài viết
> hình ảnh
> phỏng vấn
> bút tích
> dòng thời gian

Những người mến mộ:
> những kỷ niệm
> bài viết
> tưởng niệm
> tin tức
> sách
> lưu bút

Khánh Ly


Phố Xưa


- 20 bài mới nhất



Một hình ảnh ngẫu nhiên:






Gia Sư: Gia Đình + Sinh Viên
 
Address: www.SuuTap.com/TrinhCongSon - Collection: Hoang Truc Ly - Design & script: Sony Ho