tưởng niệm




Trịnh Công Sơn - Một ngày như mọi ngày

--- không rõ tác giả ---


Một năm trở lại đây, thực đơn của Trịnh Công Sơn thường chỉ có một chút mì ống xào với rau, một chút hoa quả. Như mọi ngày, 9 giờ anh xuống phố ăn sáng rồi tới Hội Âm nhạc hoặc Tạp chí Sóng nhạc. Giờ ghỉ trưa của Trịnh Công Sơn bắt đầu khoảng 3- 4 giờ chiều. Buổi tối hoàn toàn dành cho bè bạn, thường tới 11 giờ khuya. Trở về, anh lại cầm bút vẽ nếu không bị cái ốm cái bệnh vật xuống. Tháng 5/2000, Trịnh Công Sơn hẹn mùa thu ra Hà Nội. Vừa kết hợp việc gia đình, vừa đi chơi. Nhưng tháng 8- 9, anh lại trở bệnh. Tháng 10, nhận được điện thoại của Trịnh Công Sơn báo anh được người Hà Nội mang cốm Vòng vào bằng máy bay và sức khoẻ anh lại tạm ổn.

Hà Nội năm 1977, những người Hà Nội vẫn chùm chăn ban đêm chờ nghe nhạc Trịnh Công Sơn. Năm 1978, căn nhà nhỏ của Trịnh Công Sơn ở đường Duy Tân thơ mộng (nay là Phạm Ngọc Thạch) tiếp đón những người làm điện ảnh cách mạng. Đạo diễn Trần Phương đề nghị Trịnh Công Sơn làm nhạc cho phim "Tội lỗi cuối cùng". Phần ca khúc được hoàn thành nhanh chóng. Trịnh Công Sơn mời cả đoàn làm phim đến nghe thử. Sơn đệm dương cầm cho ca sỹ Lâm Xuân trong bộ áo dài trắng hát: "Đi về đâu hỡi em\Khi trong lòng không chút nắng...". Hồi ấy, không khí chiến thắng vẫn hừng hực. Các sáng tác vẫn mang âm hưởng hào hùng, kêu gọi, giục giã với tiết tấu nhanh, khoẻ trên nền ca từ yêu ghét rõ ràng. Gần như lần đầu tiên, một bộ phim cách mạng có một bài hát đi kèm với "tuyên ngôn" sáng tác gần như khác hẳn. Những giai điệu chậm chạm nhưng dồn dập, lời ca hiền hoà mà rền rĩ, khoái hoạt mà bi thương. "Đời gọi em biết bao lần... Trả lại nắng cho em...". Đâu đâu cũng thấy người ta ngâm nga những khúc những đoạn của bài hát đã vượt ra khỏi tầm ảnh hưởng của bộ phim.

Mùa Đông năm 1982, dân điện ảnh và dân làm thơ Hà Nội tụ bạ ở quán cóc trên phố Hàng Bột lại truyền nhau nghe nhạc Trịnh Công Sơn với cây ghi ta gỗ. "Hà Nội đêm nay nghe Hạc hát\Bao giờ sỏi đá biết thương nhau". "Sơn ca 7" thì không nhà nào có băng cối to như đĩa phở xào là không có. Những nhóm tự xưng là "nghiền" Trịnh Công Sơn hơn thì thấy lưu truyền băng cassette cuối những năm 1980 về những sáng tác đầu tay của anh. Nhà văn Phạm Thị Hoài hồi còn ở trong nước rất khoái khi sưu tầm được băng "Đoá hoa vô thường". Nhiều người mượn chị sao đi chụp lại đến mất cả nhạc nền và chỉ còn tiếng hát vo của Khánh Ly.

"Thị xã trong tầm tay", phim "đinh" của đạo diễn Đặng Nhật Minh được Trịnh Công Sơn viết nhạc cũng trong thời gian này. Sơn không bao giờ quên bè bạn dù chỉ là những bạn gặp, làm chung việc loáng thoáng vài ba lần. Anh là người hiếm hoi trong giới văn nghệ mà khi ở bên cạnh, khi tiếp xúc, không thấy chán. Giữa năm ngoái, một bài thơ tạ lỗi 4 câu của tôi với một thành viên nhóm "Những người bạn" tình cờ được Trịnh Công Sơn đọc. Anh gọi điện ra thăm và chỉ khen "Em làm thơ hay". Không dài lời, không hướng đạo gì. Tôi cảm động, sung sướng không phải vì thơ mình hay thật mà vì được anh đọc và khen. Giọng nói của anh bao giờ cũng hiền hậu như động viên. Thi thoảng mới lộ ra mệt mỏi hay nỗi buồn. Anh nói dòng sông anh yêu nhất là sông Hương, thành phố anh yêu nhất là Hà Nội và gắn bó với anh nhất là Sài Gòn. Tôi hỏi anh có lạc quan với đội ngũ sáng tác âm nhạc của ta hiện nay không, anh cười và lắc đầu. Tết Tây năm 2001, anh vẫn xuống phố. Những lời cuối cùng tôi được nghe anh nói là vào cuối tháng 10 năm 2000. Anh dạy tôi cách pha màu để vẽ. Tôi chưa kịp nhờ anh dạy cách phết màu lên toan thì anh đã đi vào cõi tạm.



nguồn: bạn đọc góp bài
  Trịnh Công Sơn:
> bài hát
> bài viết
> hình ảnh
> phỏng vấn
> bút tích
> dòng thời gian

Những người mến mộ:
> những kỷ niệm
> bài viết
> tưởng niệm
> tin tức
> sách
> lưu bút

Khánh Ly


Phố Xưa


- 20 bài mới nhất



Một hình ảnh ngẫu nhiên:






Gia Sư: Gia Đình + Sinh Viên
 
Address: www.SuuTap.com/TrinhCongSon - Collection: Hoang Truc Ly - Design & script: Sony Ho