tin tức




Người hát tài tử

--- H.Hoàng ---


Nguyễn Hữu Thái Hòa

Tôi yêu tất cả các ca khúc của Trịnh Công Sơn. Đặc biệt có lẽ mê nhất vài ca khúc có nhiều kỷ niệm riêng nhất như: Du mục, Còn tuổi nào cho em, Cánh chim cô đơn , Một cõi đi về & Sóng về đâu - Nguyễn Hữu Thái Hòa tâm sự.

- Ấn tượng của anh đối với nhạc Trịnh?


Nhạc Trịnh với tôi đã là máu thịt và thành một thứ Đạo làm người – để tu tâm dưỡng tính…

- Anh đã tiếp cận với nhạc Trịnh như thế nào? Và tại sao anh lại chọn nhạc Trịnh để đồng hành trong sự nghiệp ca hát của anh?

Tôi biết nhạc Trịnh từ lúc lọt lòng qua những lời ca của Mẹ. Lớn lên được gặp và mê Cậu Sơn vì đức độ và tính nhân bản trong nhạc Trịnh.

Tôi không chọn nhạc Trịnh. Nhạc của Trịnh Công Sơn đã chọn tôi đấy chứ. Nếu không là một nhân duyên tiền định thì sao có thể có một Thái Hòa hát nhạc Trịnh tài tử mà làm đến 7 Album + 1 tập sách trong chừng ấy năm (?). Nghĩ lại chính tôi cũng không thể tin được…

- Từ việc nghe, và sau này là trình bày nhạc Trịnh Công Sơn, anh đã hình dung về người nhạc sĩ đó như thế nào?

Tôi không bao giờ phải hình dung về NS Trịnh Công Sơn. Ông như luôn ở quanh tôi vì những người thân cận nhất của ông đều thường xuyên liên lạc với tôi. Cần gì thì có thể hỏi và cùng nhau chiêm nghiệm ngay. Chỉ riêng Mẹ tôi cũng là một kho tàng về nhạc Trịnh rất phong phú rồi…

- Khi hát nhạc Trịnh anh thường có cảm nghĩ gì?

Một chút xót xa cho thân phận Việt Nam. Nhưng toát lên trên tất cả là vẽ đẹp Chân-Thiện-Mỹ của nghệ thuật. Đơn giản mà thanh cao, triết lý và đi thẳng vào tim người.

- Anh thích điều gì ở nhạc Trịnh? Ca từ hay giai điệu?

Ca từ của Trịnh Công Sơn cần được dùng để dạy về Mỹ Học ở Đại học văn khoa. Còn giai điệu tuy đơn giản nhưng rất đẹp và dễ đi vào lòng người.

Nên nhớ rằng Trịnh Công Sơn rất ít khi phổ thơ người khác, vì tự thân lời ca của ông đã là những bài thơ tuôn trào cùng lúc với giai điệu. Vì thế không nên tách ca từ và giai điệu của Trịnh Công Sơn vì đó là phần hồn và xác của một con người.

- Nhạc Trịnh có ảnh hưởng thế nào đến quan điểm nghệ thuật của anh?

Cái đẹp nhất của Nghệ Thuật chính là cái Thật. Cứ nhìn xem những người cố huyễn hoặc và “diễn” nhạc Trịnh sẽ tồn tại được bao lâu. Trong khi hát đơn giản như cô Khánh Ly thì là huyền thoại bất tử rồi đấy.

- Anh tâm đắc ca khúc nào nhất của Trịnh Công Sơn?


Tôi yêu tất cả các ca khúc của Cậu Sơn. Đặc biệt có lẽ mê nhất vài ca khúc có nhiều kỷ niệm riêng nhất như: Du mục, Còn tuổi nào cho em, Cánh chim cô đơn, Một cõi đi về & Sóng về đâu.

- Lần đầu tiên anh gặp nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là khi nào? Ấn tượng của anh về Trịnh trong lần gặp đó?

Tôi gặp ông trong các đêm nhạc ở Hội Trí thức Yêu Nước cuối những năm 1978-1980. Khi đó Thái Hòa là một cậu bé chưa đầy 10 tuổi và hay thắc mắc: Làm sao con chim (cô đơn) có thể giấu nỗi buồn trong cánh….

- Và lần cuối cùng, Câu nói cuối cùng của Trịnh Công Sơn với anh?

Lần cuối cùng tôi nhìn thấy ông trong bệnh viện Chợ Rẫy cuối tháng 3/2001. Mỗi tuần, tôi cố gắng đem vào cho ông một bó hoa lys & cúc trắng. Khi cậu Sơn mất, chị bán hoa trên đường Phan Đăng Lưu, PN cũng mất mối bán hoa cho tôi luôn…

Lời cuối ông viết cho tôi còn lưu lại trong Album cưới của vợ chồng tôi, ông lâm trọng bệnh không đến dự đuợc lễ cưới của đôi uyên ương mà ông và các chị có phần “mai mối”. Tôi không bao giờ quên câu viết run run trên giường bệnh ấy: “Chúc H & L một ngày khởi đầu cho ngàn ngày vui”…

- Cảm giác của anh khi đón nhận tin buồn vào ngày 01/04/2001?

Một trái núi của Văn hóa và âm nhạc Việt Nam vừa đổ. Dù rằng chúng tôi đã tiên liệu trước. Nhưng sự mất mát là quá lớn…

- Anh nghĩ gì về nhạc Trịnh với giới trẻ hiện nay?

Giới trẻ cần luyện tập và sống chững chạc hơn để hiểu nhạc Trịnh. Đối với tôi (một người cũng chưa già), Nhạc Trịnh dạy cho tôi nhiều bài học mới mỗi ngày…

- Được biết anh được hân hạnh tiếp xúc nhiều với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thuở sinh thời, hẳn đã có nhiều kỷ niệm khó quên. Mong anh chia sẻ những kỷ niệm này với khán thính giả yêu mến nhạc Trịnh?

Kỷ niệm thì quá nhiều, có lẽ chỉ xin kể lại 1 chuyện tế nhị nhất về ông, để thấy vì sao ông xứng đáng với vị trí hiện tại trong lòng công chúng: Tôi được chứng kiến ông viết bài Tiến thoái lưỡng nan vào những ngày cuối năm 1998. Ban đầu bản thảo viết “Tiến thối lưỡng nan” (chữ thối là cách nói địa phương tiến Huế). Sau đó ông gạch bỏ và sửa lại thành “thoái” (vốn là tiếng Bắc). Khi tôi hỏi vì sao, ông chỉ cười. Sau đó cậu LQ, một người bạn thơ của ông nhắc cho tôi biết lý do là vì Trịnh Công Sơn không muốn có hiểu lầm nhỏ với nhạc sĩ T – một người trẻ hơn, cũng tài năng, nhưng lại hay so sánh với các bậc đàn anh… Nói lại chuyện này để thấy cái lớn và cái tâm nhân hậu của người nhạc sĩ họ Trịnh.

- Anh là một người thường xuyên tổ chức các buổi họp mặt giới mộ điệu để tưởng niệm Trịnh Công Sơn vào dịp tháng 4 ở các nước và đặc biệt là tại Hội Quán Hội Ngộ hằng năm. Anh có thể chia sẻ thêm tin về các hoạt động này?

Năm nay tôi vừa hát cùng anh em ở Lyon ngày 22/3.

Đến 29/3 có một đêm nhạc bỏ túi cùng những người bạn thân của Trịnh Công Sơn ở Paris tưởng nhớ ông. Chiều 30/3 chúng tôi có trình diễn cho công chúng Paris ở Foyer Monge – vốn là tiền thân của Nhà Việt Nam, nơi Trịnh Công Sơn đã từng trình diễn tại Paris năm 1989 & 1991.

Ngày 1-4 tôi sẽ từ Pháp bay về Việt Nam để cùng gia đình và Hội Quán Hội Ngộ tổ chức đêm tưởng niệm “Ngồi bên hiên nhà” – năm nay đặc biệt có thể giới thiệu phim Đất Khổ do Trịnh Công Sơn đóng từ 1973 cho công chúng.

Anh Hồ Thi Ca bên báo Người Viễn Xứ gọi Thái Hòa là “người hát Trịnh Công Sơn xuyên lục địa trong 1 kỳ Giỗ” – tôi chỉ xin thêm 4 chữ: “Người hát tài tử”…



nguồn: Nhacso.net
  Trịnh Công Sơn:
> bài hát
> bài viết
> hình ảnh
> phỏng vấn
> bút tích
> dòng thời gian

Những người mến mộ:
> những kỷ niệm
> bài viết
> tưởng niệm
> tin tức
> sách
> lưu bút

Khánh Ly


Phố Xưa


- 20 bài mới nhất



Một hình ảnh ngẫu nhiên:






Gia Sư: Gia Đình + Sinh Viên
 
Address: www.SuuTap.com/TrinhCongSon - Collection: Hoang Truc Ly - Design & script: Sony Ho