tin tức




Buổi diễn 'Tứ Quý 2' ở Houston, Texas

--- Bao Bất Đồng ---


...Và chị ra ! Áo dài đen, tóc đen, đen từ đầu đến đuôi, cũng may là có cái bàn tay lòi ra làm dấu thánh giá là trắng chút để biết thực sự không hoàn toàn là ... bóng ! Anh Phụng hỏi, "tại sao phải làm dấu ?" thì chị bảo "ở tuổi này, sống thêm được ngày nào là đã là một sự tưởng thưởng của Thượng Đế. Cho nên phải biết tạ ơn ! Và xin thêm ơn, vì không biết có qua nổi hôm nay không !" Hì hì, không sao đâu chị ơi, chỉ đau cái tay thôi thì làm gì đến nỗi !

Ai cũng biết Khánh Ly thích nói ... bậy . Thế mà có đến hơn 80 phần trăm khán giả thích nghe ... nói bậy (lão đoán thế, dựa theo cái sample của nhóm người chung quanh lão) . Mà nói thực, dù sao chị cũng trôi chảy hơn nhiều người khác cũng thích nói, ví dụ như là ... Vũ Khanh, hì hì hì ... Vậy mà hôm nay chị lại nói ... vừa phải, chắc là chưa ... chuẩn bị, hì hì ! Cũng như bao giờ, chị cám ơn khán giả hâm mộ, cám ơn ban tổ chức . Càng cám ơn thêm mọi người ban cho chị cái vinh dự hát nhạc Trịnh Công Sơn . "Anh là người đã cho tôi tất cả ngày hôm nay . Anh là hình, và tôi chỉ là bóng . Cho nên mọi vinh quang, xin dành cho người nhạc sĩ . Còn nghệ sĩ trình diễn chúng tôi chỉ là những người "ăn ké" vào cái hào quang của mấy ca khúc . Nên tôi xin được cám ơn thêm các nhạc sĩ, đã rút lòng mình viết những ca khúc đẹp đẽ, ... tử tế ..." Lại là "tử tế", chị quả là cái bóng thiệt đó ! Rồi chị nói tiếp, "mà mấy ông tướng đó khôn lắm . Họ không yêu một người nào, để được yêu tất cả mọi người . Và trong các bản tình ca của họ, luôn luôn tôi tìm thấy tôi trong đó . Rồi khi tôi hát, tôi cứ hát như thể là ca khúc đó được viết riêng tặng chính tôi vậy ..." Hay quá, một triết lý đáng được chiêm nghiệm ! Vì hát mà không có chút cảm giác nào đối với ca khúc, thì cũng tựa như cưỡi ngựa xem hoa, dễ làm đau những cánh mong manh .

Tiếp, chị tâm sự "tất cả nhạc sĩ ca sĩ chúng tôi, ai cũng có một khoảng trống cô đơn trong tâm hồn mình . Ai cũng có những chôn giấu, ai cũng mê mải đi tìm cho mình một câu trả lời tưởng như là rất đơn giản . Để đến khi nhắm mắt xuôi tay, có người còn trăn trở ... tại sao có người vui đùa có người im lặng ? Nghe tới đó, trống ngực lão đập gấp gáp . Không lẽ sẽ là "Muôn Trùng Biển Ơi", bài hát chị mới tập gần đây ? Mà quả đúng vậy, chị bắt đầu bài hát mới, bằng cả một sự khắc khoải không nguôi "Biển ơi, có người im lặng, có người vui đùa ... là tại sao ?" Giọng chị vút lên à ơi nỗi nhớ, rồi lại hạ xuống thật thấp để mà tự tình, để mà bật lên tiếng than nhỏ ... gió mòn, cát mòn ... cát mòn thân rồi ... gió mòn thân rồi ... Cái chữ mòn nhắc đi nhắc lại, đau ơi là đau, xót ơi là xót ! Để đến cái hồi cuối cùng, chị hắt lên "... có người xa ... vắng !" Rồi quay lại, nhìn lên cái màn hình, tư lự . Chị nói gì thế, lão không nghe được . Nhưng lão biết là anh nghe, và anh hiểu, vì qua cái nhìn của lão, lão thấy anh cười nhẹ, rung rung, nhạt nhoà ...

Khánh Ly giới thiệu về sự có mặt của Trịnh Cung hôm nay rồi kể ... cái nhà ông hoạ sĩ Trịnh Cung thời đó không biết yêu ai để mà thất tình dữ dội đến thế . Rồi một hôm khi Trịnh Công Sơn ngủ dậy thấy Trịnh Cung đang lần lượt châm lửa đốt hết một đống thơ của chính mình . Chỉ còn kịp giựt lại tờ cuối cùng trước khi chứng tích của một cuộc tình tan theo khói, nhạc sĩ họ Trịnh đã phổ nhạc bài thơ đó . Và thế là chúng ta có một ca khúc để đời, "Cuối Cùng Cho Một Tình Yêu". Để hát ca khúc này tặng cho khán giả, cho anh Sơn, cho anh Cung ngồi dưới kia, Khánh Ly muốn mời một người ra đệm đàn cho Khánh Ly hát . Người đó, chính là ái nữ của Trịnh Cung, không ai khác hơn là ... Vương Hương ! ...
Thế là Khánh Ly cất giọng, "Ừ thôi em về ..." Ngay từ cái câu đầu tiên, lão đã muốn vỗ tay rồi . Nhưng mà ngu sao làm chuyện dại dột, nên lão vẫn ngồi yên lắng nghe từng câu từng chữ . Trên màn hình, anh Sơn (hồi còn trẻ) cũng im lặng lắng nghe . Lão như thấy mắt anh nheo lại, "vẫn cô ấy hát những ca khúc của anh hay nhất !" Có lẽ, bao giờ còn Khánh Ly trên sân khấu, người ta vẫn còn nhớ đến anh, rõ mồn một trong từng câu từng chữ !

Bài thứ ba, trước khi giải lao, là ca khúc mà Khánh Ly hát lần đầu khi mới 23 tuổi . Ba mười lăm năm về trước, giọng chị vẫn thế, nếu không phải là mạnh thêm hơn . Nhưng mà cảm xúc thì chắc là khác nhiều, nhiều lắm, vì không còn ai ở đó để sửa cho chị những chỗ hát chưa hoàn chỉnh, chỉ cho chị cách giữ giọng cho tròn ở mỗi chỗ lên cao . Một mình, đắm trong cái khung cảnh của cái ngày xưa hai mươi ba tuổi, hôm nay chị hát bằng một nỗi trống vắng "đời sao im vắng -- như đồng lúa gặt xong, như đồi núi bỏ hoang . Người về soi bóng mình giữa tường trắng lặng câm" Ánh đèn chiếu cơ hồ tụ lại thành một vòng nhỏ quanh chị, và quanh đó vạn vật khuất trong bóng tối . Một mình, sân khấu tối sẫm, trang phục một màu đen, tóc xoã xuống . Trong cái khoảng thu nhỏ của ánh đèn sân khấu, sự kết hợp của hai màu đen trắng và sự phối trí của mảng không gian tương phản, lão nghe đâu như là ray rứt một nỗi u hoài ...

Xin ngủ trong vòng nôi
Ta ru ta ngậm ngùi
Xin ngủ dưới vòm cây ...
... Xin ngủ dưới vòm cây
... Xin ngủ dưới vòm cây

Ừ thôi, ngủ đi Bao Bất Đồng, ngủ đi để mà mơ về những ngày xưa giờ xa quá ...


********************

Lần này Khánh Ly ra sân khấu trở lại, chị mặc áo dài trắng . Nghĩa là toàn màu trắng . Chị kể, ca khúc chị chọn hát đầu tiên của phần hai là một ca khúc bị bỏ quên . Anh Sơn viết nó ra năm mười sáu tuổi, rồi bị thất lạc . Đến năm 74, anh tìm được nó trở lại trong mớ bản thảo . Để chúng ta giờ có thêm "Phôi Pha", bài hát mà chị rất yêu ...

Ôm lòng đêm
nhìn vầng trăng mới về
nhớ chân giang hồ
Ôi phù du
từng tuổi xuân đã già
một ngày kia đến bờ
Đời người như gió qua !

Lão nghe, thoáng chút rờn rợn . Nhiều lúc cũng phải tự thắc mắc, ở cái tuổi mười sáu, có thiệt là người ta viết ra những giòng như thế ? Ai thì chẳng biết, nhưng lão ở cái tuổi 16 thì hãy còn độc có chiếc khố chạy đi tắm mưa vừa la vừa hét . Mười sáu tuổi, nếu anh đã có những dấu hiệu như vậy, thì chuyện sau này anh viết ca khúc dễ dàng thế ấy, cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên ! Nhưng mà đừng nói chuyện này nữa, quay trở lại với Phôi Pha cái đã . Giọng Khánh Ly khẩn khoản, "thôi về đi -- đường trần đâu có gì, tóc xanh mấy mùa ..." Chị ơi, tóc đâu còn xanh nữa, mà đường về, âu cũng đâu xa !

Đứng lặng một hồi lâu, Khánh Ly nói, "nhiều người phản đối chuyện Khánh Ly hát nhạc của anh Sơn . Nhưng Khánh Ly thì nghĩ, mỗi người có quyền lựa chọn của chính mình . Mà đôi khi, chính cái quyền lựa chọn đó, mình cũng chẳng được làm chủ . Có khi, mình đã được lựa chọn ... Nếu không có anh Sơn, Khánh Ly không có ngày hôm nay . Khánh Ly hát, là một cách bày tỏ sự biết ơn, là cách sống với kỷ niệm . Kỷ niệm, có buồn có vui, có hạnh phúc, có khổ đau, tất cả đều đáng giữ lại . Khánh Ly lại là người trân trọng những kỷ niệm, nên Khánh Ly không có lựa chọn nào khác . Người sống mà không có kỷ niệm, thì đời sống đó liệu có trống rỗng lắm không ! Mà thôi, người cũng đi rồi, nhắc lại có ích gì ? Điều nên làm, hay là ... hãy ráng sống tử tế với nhau ."

Như vẫn còn trong cái mạch nghĩ suy về chuyện đi - về, chị hát một cặp Một Cõi Đi Về và Cho Một Người Nằm Xuống . Nghe nhiều rồi, lão cũng chẳng muốn bình luận về giọng hát và bài hát lúc này nữa . Nhưng mà, cái khổ kết của bài hát mới thực là chí lý ... Xin cho một người vừa nằm xuống thấy bóng thiên đường cuối trời thênh thang ...

Khánh Ly hát xong, bất giác lắp bắp xin lỗi khán thính giả . "Khánh Ly xin lỗi, Khánh Ly cầu mong mọi người tha thứ !" Nước mắt chị trào ra, rồi chị đứng lặng, đầu cúi xuống . Chị nói cho chị hay chị nói cho anh mà đau lòng đến vậy ? Trên màn ảnh, anh Sơn hiện ra, và giọng anh vang lên "đừng tuyệt vọng, tôi ơi đừng tuyệt vọng, nắng vàng phai như một nỗi đời riêng . Đừng tuyệt vọng em ơi đừng tuyệt vọng, tôi là em và em cũng là tôi ..." Rồi Khánh Ly tiếp lời ... "tôi là em và em cũng là tôi ..." Cái khoảnh khắc đó, có thể họ cũng là nhau đó, trong mỗi lời ca tiếng nhạc . Cho nên chị thay anh xin lỗi cuộc đời ! Lão bỗng dưng nhớ lại, lúc nãy trong giờ giải lao, thấy Trịnh Cung có vẻ hơi buồn bực, "họ ghét thằng Sơn, ghét cả nhạc của hắn ..." Nghe đâu có nhóm người đe doạ gì đó, đòi tẩy chay gì đó . Lại nữa, bao giờ mới nguôi quên đây ? Nói thiệt với quý vị, nếu phải oán thù, những người chậm chân thiệt thòi như lão đây nên mới là dữ dằn nhất . Còn quý vị chạy đi mất đất tự cái thuở nào, giờ mới đấu tranh không thấy quá muộn hay sao ? Lão biết lão nói ra, có nhiều người sẽ phản đối . Nhưng lão vẫn muốn lỡ lời, một lần nữa rồi thôi, xin mọi người quên đi vết đau trong quá khứ . Anh cũng đã trả nợ với cuộc đời rồi đấy thôi !

Giờ mới thấy thấm lời chị nói, "có năm điều căn bản ở mỗi con người, nhân nghĩa lễ trí tín . Trí thì tôi chắc chắn là không có, vì tôi ngu lắm . Nhân thì tôi muốn hy vọng là mình có, dù biết là không, vì mình vẫn còn những tham lam, những ham muốn, chưa hoàn toàn biết thứ tha . Tín thì hình như không, vì tôi hứa lèo dài dài à . Lễ thì càng tệ, khỏi phải bàn, ai quen biết tôi thì rõ . Thôi thì năm chữ, tôi xin giữ lại lấy một chữ cho mình, chữ nghĩa . Tôi biết ơn anh cho tôi hôm nay, tôi biết ơn anh về những ca khúc anh viết ..." Lão cũng vậy, tệ hơn nữa, chỉ xin một nửa chữ nghĩa . Lão có thể không đồng ý với anh về quan điểm, nhưng lão vẫn biết ơn anh vô cùng về những gì anh để lại trong giòng âm nhạc nước mình, đã làm giàu thêm đời sống lão ...

Lão ra về, thoáng chút nghĩ suy . Biết bao điều diễn ra trong trí, nhưng để đó tính sau . Lão chỉ biết, lòng lão muốn thốt lên lời cám ơn đến anh Từ Công Phụng, anh Ngô Thuỵ Miên, anh Lê Uyên Phương, và anh Trịnh Công Sơn, cũng như các nghệ sĩ trình diễn Khánh Ly, Lê Uyên, Vũ Khanh, vân vân, cả Umi nữa . Thêm một phát hiện nữa (của lão thôi) mà lão cảm thấy lý thú vô cùng, đó là tiếng đàn Vương Hương . Rồi cô sẽ tiến xa vô cùng, lão tin chắc vậy !

**************
Vậy là hết rồi đó ! Cái bài này, lão tặng cho tất cả mọi người ở đây (nói rồi, nhưng nói nữa, tốn mất một ngày ngồi mơ, không nói uổng). Nhưng mà muốn thòng thêm một chút, để tặng cho một vài nhân vật đặc biệt . Thứ nhứt, là bạn "dáng đứng bến ... xe" (NNA thì phải, hì hì), coi như là gán nợ, "trả nợ lần này ... coi như hết nợ ai" (chuyện sau sau tính) . Thứ hai, là những người bạn viết đã ngưng bút, bắt họ phải ... nợ lại ! Thứ ba, là cô nhỏ, vẫn ở đâu đây thôi, như đã hứa ! Cuối cùng, là chị, lão biết chị đã ghé vào . Nếu có gì không hoàn toàn giống với "bản quyền", xin chị đừng bắt tội !



nguồn: www.dactrung.com
  Trịnh Công Sơn:
> bài hát
> bài viết
> hình ảnh
> phỏng vấn
> bút tích
> dòng thời gian

Những người mến mộ:
> những kỷ niệm
> bài viết
> tưởng niệm
> tin tức
> sách
> lưu bút

Khánh Ly


Phố Xưa


- 20 bài mới nhất



Một hình ảnh ngẫu nhiên:






Gia Sư: Gia Đình + Sinh Viên
 
Address: www.SuuTap.com/TrinhCongSon - Collection: Hoang Truc Ly - Design & script: Sony Ho