bài viết




Đêm Hoài Niệm Trịnh Công Sơn - Phần 1

--- Cao Huy Thuần ---


Một tuần lễ sau 49 ngày của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, đêm nhạc Một Cõi Đi Về đã được tổ chức tại thành phố Paris. Trong buổi hoài niệm ấy, Cao Huy Thuần - người điều khiển chương trình – đã nói về những "chất liệu" nước nguồn tạo thành dòng nhạc Trịnh Công Sơn. Chúng là cảm nhận của người nhạc sĩ về cuộc đời, phận người : Đi-Về, Sinh-Tử, Tuyệt Vọng, Kiếp Người, Tình Yêu, Chiến Tranh, đấy cũng là sự hoà quyện vừa mật thiết vừa lung linh giữa không gian, thiên nhiên với xúc cảm con người trong nhà thơ ca họ Trịnh : Mưa và những Gót Chân. Nhân lần giỗ thứ ba của Trịnh Công Sơn, anh Cao Huy Thuần đã cho phép tcs-forum đi lại bài giới thiệu này cùng với một cái "ghi ngắn" của anh vào ngày TCS vừa mất. Tất cả, như một chút khói hương. [MN]

Một cõi đi về

Ðêm nay, chúng ta hoài niệm Trịnh Công Sơn.

Trịnh Công Sơn mất cách đây 1 tháng 26 ngày.

Tuần trước, ở bên nhà vừa làm lễ 49 ngày cho anh. Chúng ta tưởng nhớ đến anh đêm nay không phải là muộn. Trong Ðêm Hoài Niệm này sẽ có hát TCS và "nói" TCS, nói về lời ca của TCS. Hát, thì nhiều danh ca. Nói, thì côi cút một mình tôi, không nhân danh ai ngoài những người cũng chỉ xin được rong chơi mà thôi. Ban Tổ Chức đặt tên cho đêm nay là "Một Cõi Ði Về". Vậy tôi xin bắt đầu "nói" về cái tên gọi đó.

Ngay khi TCS mất, hai bài hát tự nhiên được mọi người cùng hát một lúc là bài Cát Bụi và bài Một Cõi Ði Về. Trong đám tang TCS ở VN, kèn saxo thổi bài Cát Bụi khi động quan. Rồi kèn thổi bài Một Cõi Ði Về khi quan tài được đưa ra đến ngõ. Cát Bụi, ý tưởng đó quá quen thuộc, hát tiễn là đúng. Một Cõi Ði Về, tại sao? Tại sao bài hát này trở thành bài hát tiễn đưa?

Nó tiễn đưa ở chỗ nào? Ở chữ nào? Ở hai chữ một cõi chăng? Nhưng như vậy, sống và chết là hai cõi hay một cõi? Làm sao một được! Phải hai cõi chứ! Có cõi sống và có cõi chết. Vậy một cõi ở đây là cõi sống hay cõi chết? Chắc gì là cõi chết. Bởi vì, nếu là cõi chết, thì làm sao có đi và làm sao có về? Ði như thế không phải là đi trớt. Về ở đây không phải là về luôn. Không phải đi trớt, vì mở đầu bài hát, TCS đã tự hỏi: bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi. Mãi ra đi, nghĩa là còn đi, đang đi, đang đi hoài. Ðã đến đâu! Ði hoài mà không thấy đến, nên TCS lại tự hỏi: đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt.

Ði loanh quanh thì không thể nói là chết được. Huống hồ TCS nói rõ là anh đang đi với đôi vầng nhật nguyệt, với mây che trên đầu và nắng trên vai. Thế thì một cõi đi về chắc chắn không phải là cõi chết mà là cõi sống. Tôi có nhiều lý do để tin rằng chữ "cõi" ở đây là chữ "cõi" trong Nguyễn Du: trăm năm trong cõi người ta.

Vậy tại sao quần chúng hát Một Cõi Ði Về để tiễn TCS ?

Trước hết, âm điệu bài nhạc rất buồn. Kèn thổi như thế không ai cầm được nước mắt. Hơn nữa, hình ảnh của chết phảng phất nơi một đôi chữ, một đôi câu: từng lời tà dương là lời mộ địa; đường chạy vòng quanh một vòng tiều tụy. Ý niệm vòng quanh, vòng tròn, một vòng, bàng bạc trong nhiều bài hát TCS, nhưng ở đây, ý niệm đó trộn lẫn với hình ảnh một bờ cỏ non khiến người hát có cảm tưởng đang thấy hiện ra trong đầu, trong mơ, một nấm mồ mới đắp, một bờ cỏ non một bờ mộng mị…

Tôi hát lại TCS từ khi anh mất và nhiều lúc, rất nhiều lúc, tôi giật mình. TCS như người vừa đứng ở hiện tại vừa linh cảm cùng trong một lúc quá khứ và tương lai. Anh như thấy tiền kiếp réo tên và cái chết vẫy gọi. Tôi lấy một ví dụ trong rất nhiều ví dụ: bài Nối Vòng Tay Lớn mà tuổi trẻ hôm nay đang tôn vinh như một bài hát của tuổi trẻ, một bài hát tươi vui, hùng mạnh, chan hòa sức sống, tràn đầy nhân ái. Tôi không biết các bạn trẻ có để ý không khi hát câu cuối, tôi thì tôi thấy kỳ lạ, rùng mình: nắm tay nối liền biển xanh sông gấm nối liền mổt vòng tử sinh. Có thể cắt nghĩa tử sinh ở đây là con cháu và tổ tiên. Nhưng ngôn ngữ sống chết như thế nơi một chàng trai hăm lăm vẫn kỳ lạ. Một vòng. Vòng tròn sống chết. Tròn như bánh xe lăn.

Vậy thì muốn hát Một Cõi Ði Về để tiễn TCS cũng được thôi. Nhưng đi / về trong TCS không phải là đi về. Ðó là đi và về, cảm hứng hầu như bất tận của TCS. Lúc nào anh cũng đi, lúc nào anh cũng về. Anh đi ở câu trên, anh về ở câu dưới, anh đi và về trong cùng một câu:

Trong khi ta về lại nhớ ta đi
Ði lên non cao đi về biển rộng.


Anh đi xuôi với bể sông rồi anh về ngược với suối khe. Tại sao anh xuôi ngược như vậy? Tại vì anh hoang mang không biết phương hướng, chẳng biết nơi nao là chốn quê nhà. Quê nhà là nơi anh sẽ đến, nghĩa là cõi chết? Hay quê nhà là lúc nguyên thủy anh vừa sinh ra, là cõi sinh? Quê nhà là tiếng gọi yêu thương đang trêu ghẹo? Hay là hoang vu ngọn gió thổi suốt trăm năm?

Tôi nghĩ đêm hoài niệm này, khi lấy tên Một Cõi Ði Về không có ý tiễn TCS đi về cõi bên kia, bởi lẽ trong TCS làm gì có bên kia / bên này chia cắt phân minh như vậy! Một Cõi Ði Về không có ý nghĩa gì khác hơn là Cõi Âm Nhạc của TCS. Một cõi rất thơ, rất nắng và rất mưa, rất hạnh phúc và rất tuyệt vọng, rất lứa đôi và rất đơn côi. Một thế giới bềnh bồng sương khói, hư ảo, mong manh, trong đó trăng có thể là nguyệt mà nguyệt lắm khi không còn nữa là trăng. Ðiều lạ lùng là thế giới hư ảo đó được mọi người, được hàng triệu con tim Việt Nam, thấy như là thế giới thực, thế giới thực trong chính con tim của mình.

Chúng ta sẽ đi / về trong thế giới đó, trong cõi đó, bắt đầu với Thanh Hải, và tiếp tục với Hồng Ngọc. Sau bài Một Cõi Ði Về, hai giọng nam nữ này sẽ đưa chúng ta trước hết, và hiển nhiên, vào thế giới của tình yêu.

Tình yêu và giấc ngủ

Ba bài hát về tình yêu vừa rồi có vài điểm chung, và đây cũng là đặc điểm của tình yêu trong TCS. Trước hết, gặp nhau là tình cờ, yêu nhau là chuyện tình cờ. Trong bài thứ nhất: Nào có ai hay / ta gặp tình cờ Trong bài thứ hai: Yêu nhau trong nỗi đau tình cờ Giật mình nghĩ lại, sự tình cờ đó thật kỳ lạ: Một ngày tình cờ biết em Là ngày lạ lùng nhất trần gian

Kỳ lạ, cho nên lòng dặn lòng rằng đừng bao giờ làm mất tính cách kỳ lạ của nó, nghĩa là cứ để nó nguyên vẹn là tình cờ:

Từ em thôi là nguyệt coi như phút đó tình cờ

Lòng dặn lòng như vậy: tình yêu đã tình cờ mà đến thì cứ để nó tình cờ mà đi. Như cơn gió:

Em cứ bay trong đời dịu dàng như cơn gió…

Em cứ dâng cho đời một nụ hoa tình cờ

Như thế là em líu lo bên đời dạy tôi biết xa gần.


Và tình yêu là như vậy trong cả ba bài. Trong cả ba bài, tình yêu đến, rồi tình yêu đi, không có tình yêu nào ở lại. Bài thứ nhất:

Nhưng là cơn gió / em cứ mãi bay đi.

Bài thứ hai:
Ðâu ngờ tình như lá úa
Khiến tôi chia lìa từng giấc mơ


Bài thứ ba:

Một người về đỉnh cao Một người về vực sâu Ðể cuộc tình chìm mau Như bóng chim cuối đèo

Lòng dặn lòng hãy xem như cơn gió. Nhưng nếu người học trò cứ mãi học xa gần như thế với nhiều cô giáo tình cờ quá thì hoặc là sẽ chai sạn, ngây ngô như đá, hoặc sẽ úp mặt bùi ngùi. Cho nên trong cả ba bài, bài nào cũng buốt lên một cơn đau. Ngày tháng trôi qua / cơn đau mịt mù trong bài thứ nhất. Yêu nhau trong nỗi đau trong bài thứ hai. Khi cơn đau chưa dài… Khi cơn đau lên đầy trong bài thứ ba.

Cuối cùng, và đây là chuyện quan trọng lắm, trong ba bài, một trong hai người tình - chắc là TCS - rất thật thà. Bài thứ nhất:

Những đường cỏ lá
Từng giọt sương thu
Yêu em thật thà


Bài thứ hai:

Những sáng mênh mông tôi ngồi nhớ
Yêu em trái tim thật thà


Bài thứ ba, không có chữ thật thà nào cả, nhưng toàn bài là một lời thú nhận nỗi nhớ nhung lồng lộng đối với một người đã bỏ đi, đã tưởng quên.

Ôi trái tim phiền muộn / đã vui lại một giờ

Mới nhớ thôi mà đã vui rồi, không biết trước khi người kia bỏ đi, người này vui thật thà đến thế nào.

Tình yêu trong TCS thường là như vậy:

Một vết thương thôi / riêng cho một người

Tôi sẽ trở lại với tình yêu chốc nữa. Bây giờ tôi nói qua một chuyện khác, cũng không vui gì hơn, một đặc điểm rất rõ trong dòng nhạc TCS trong những năm chiến tranh. Sau Kinh Việt Nam và Ta Phải Thấy Mặt Trời, tiếng nhạc TCS trở nên buồn, mệt mỏi, rã rời. Cùng lúc đó, mưa, mưa, mưa tuôn vào lời hát. Tôi nói về mệt mỏi trước, nói về mưa sau.

Mệt mỏi đã loáng thoáng trong TCS từ những bài hát đầu. Chiến tranh làm tăng khuynh hướng đó. Một trong những van xin thống thiết nhất, sâu thẳm nhất của TCS trong giai đoạn này là… được ngủ:

Hai mươi năm tôi lớn / thù hận vai mang
Chưa có lần / chưa một lần tìm được giấc ngủ bình yên


Anh xin:

Xin cho tôi yên ngủ một ngày
Xin cho đêm không có đạn bay


Ảnh hưởng của chiến tranh là dĩ nhiên. Nhưng có lẽ kiếp người đã bắt đầu ám ảnh TCS: ôi cát bụi mệt nhoài… ôi cát bụi phận này. Kiếp người hiện ra cụ thể nhất nơi hình ảnh của giấc ngủ. Một giấc ngủ co quắp. Một giấc ngủ cong queo. Một giấc ngủ trần truồng.

Người nằm co như loài thú khi mùa đông về
...
Người già co ro / chiều thiu thiu ngủ
Em bé lõa lồ / giấc ngủ không yên
Ai cũng chỉ xin được ngủ.
Thôi ngủ yên đi con / ngủ đời yên đi con
Che dấu thân đau rã mòn


Người ngủ. Rong rêu ngủ. Ngựa xe ngủ. Quê hương xin giấc ngủ thật hiền. Cho đến mặt trời cũng xin được ngủ yên.

Từ đó, cảm giác mệt mỏi càng ngày càng đậm. Chưa đi, TCS đã mệt. Chưa bước, chân đã mỏi, muốn quay về. Quay về đâu? Về với muôn trùng:

Mệt quá đôi chân này / tìm đến chiếc ghế nghỉ ngơi
Mệt quá thân ta này / nằm xuống với đất muôn đời


Ðất muôn đời bây giờ có thật là quê nhà của anh chăng? Chưa chắc. Vẫn có thể anh đang lăn vết lăn trầm của anh ở đâu đó, tìm về một quê nhà rộng đôi tay chờ mong nào đó mà anh cứ cảm thấy đã bỏ đi và anh cứ muốn quay về. Ði / về, cảm hứng siêu hình đó mênh mông trong TCS. Nơi một giọt sương rơi trên lá, anh đã tưởng như có ai về. Nơi một nụ cười, anh đã thấy anh đi:

Nụ cười đã cuốn ta đi / Một ngày lại thấy ta về

Chốc nữa, trong Phôi Pha, Lệ Thu sẽ hát về phù du của cuộc đời, phù du của hạnh phúc, đường trần chẳng có gì vui. Về đi! Nhưng về đâu? Về lại nơi cuối trời. Ðể làm gì? Làm mây trôi. Phôi Pha là tiếng rất nhẹ của những bàn chân đi, là hơi thở nín lặng chờ tiếng rất nhẹ của bàn chân về đâu đó. Có thể đó là bước chân của người yêu, nhưng không hẳn. Ðó là hồn của chính mình đi / về trong chốn vu vơ.

Chính vì câu hỏi đó: đi đâu / về đâu mà TCS mệt mỏi. Anh thổ lộ: trước giấc ngủ, anh thường rơi vào tình trạng hôn mê. Có lẽ trong hôn mê anh nằm mơ thấy anh qua đời, nghe tiền thân về chào tiếng lạ, chờ cây non trên núi đầu thai. Tiền kiếp hiện ra thường thường là buồn, như trong Rừng Xưa Ðã Khép mà Hồng Ngọc và Lệ Thu sẽ hát:

Ta thấy em trong tiền kiếp với cọng buồn cỏ khô
Ta thấy em đang ngồi khóc khi rừng chiều đổ mưa


Chiếc nôi và nấm mộ là hai hình ảnh của đi / về. Ði với chiếc nôi, về với nấm mộ. Nhưng lại đi nữa với chiếc nôi:

Ðêm nghe tiếng gió thở dài
Ðêm nghe tiếng khóc cười của bào thai


Ði mãi, về mãi, Ðường đời í a không xa, sao chồn í ạ gối chân. Mà đâu phải chỉ chiếc nôi và nấm mộ. Sống chết hiện ra trong những hình ảnh bình thường nhất, như chẳng có gì cả, nhưng sao cái gì cũng như đi qua, sao mà có ai như vẫy gọi mình ở đàng trước:

Dưới ngọn đèn một bóng chim qua
Giữa đường đi một người đứng gọi


TCS ôm đi / về như thế vào trong giấc ngủ, làm sao giấc ngủ được yên? Làm sao anh không xin được ngủ hoài:

Xin ngủ trong vòng nôi
Ta ru ta ngậm ngùi
Xin ngủ dưới vòm cây


Nhưng tôi chưa nói gì đến mưa… Xin nhường Lệ Thu hát mưa trong Diễm Xưa trước, rồi tôi sẽ nói mưa sau.

Ru

Khi nãy, tôi phải nói đến chuyện ngủ là vì từ ngủ, TCS đưa nhạc vào tiếng ru. Ru con, ru người tình, tự mình ru mình… Ru là sở trường của TCS, là nghề của anh, bởi vì ru là hát thơ. Thơ trong lời ru của anh đẹp tuyệt. Ðẹp như một chiếc lưng tròn:

Ðời mẹ ru con / mây kia cũng buồn
Nên mây xa đường trần / con ngủ giấc hồng / cho mẹ tròn lưng


Ðẹp như bướm hoa:

Ngủ đi em đôi môi lửa cháy
Ngủ đi em mi cong cỏ mượt
Ngủ đi em tay xanh ngà ngọc
Ngủ đi em tóc gió thôi bay


Lời ru nào cũng buồn. Tất nhiên, bởi vì không buồn thì làm sao buồn ngủ! Nhưng lời ru của TCS buồn lắm. Ru, không phải để dỗ giấc ngủ mà để dỗ thương đau. Ru thương đau. Và bởi vì thương đau dài quá nên TCS ru mãi ru hoài:

Ru mãi ngàn năm giòng tóc em buồn
Bàn tay em năm ngón ru trên ngàn năm
Trên mùa lá xanh
Ngón tay em gầy nên mãi ru thêm ngàn năm


Tại sao ngón tay gầy nên phải ru ngàn năm? Như vậy ngón tay mập thì có thể ru năm trăm năm thôi? Không ai hỏi những câu lý luận toán học như thế trong lời hát ru. Nói lý luận thì chẳng mắt nào nhắm được. Ru, là hát những câu vu vơ, gợi những hình ảnh vu vơ, chập chờn, không đầu không đuôi, hiện ra để tan đi. Bâng quơ như thế, TCS đạt đến tuyệt đỉnh. Cho nên mỗi lần anh ru là ru ngàn năm, ngàn năm ru hoài, ngàn đời ru ai.

Ru ai? Xin trả lời: ru một người hay giận hờn, phụ rẫy, bạc tình. Người đưa võng vốn thật thà, ngây ngô, u mê, nên tin rằng ru ngàn năm như vậy thì giận hờn sẽ quên. Còn nếu chưa quên? Thì cứ tiếp tục ru em nồng nàn, ru em giận hờn, ru em muộn phiền, ru em bạc lòng, này em em cứ phụ người, này em em cứ phụ tôi. Ai muốn bắt chước TCS ru như vậy thì cũng nên xin bắt chước TCS quỳ gối vong nô mà ru. Tôi vẫn chưa nói đến chuyện mưa… Nhưng tôi nghe có tiếng con vạc vỗ nước. Hình như Lệ Thu và Trần Vĩnh sắp hát Như Cánh Vạc Bay.



nguồn: www.tcs-forum.org
  Trịnh Công Sơn:
> bài hát
> bài viết
> hình ảnh
> phỏng vấn
> bút tích
> dòng thời gian

Những người mến mộ:
> những kỷ niệm
> bài viết
> tưởng niệm
> tin tức
> sách
> lưu bút

Khánh Ly


Phố Xưa


- 20 bài mới nhất



Một hình ảnh ngẫu nhiên:






Gia Sư: Gia Đình + Sinh Viên
 
Address: www.SuuTap.com/TrinhCongSon - Collection: Hoang Truc Ly - Design & script: Sony Ho