tin tức




Chương trình 10 năm nhớ Trịnh Công Sơn: Điều cần mới không mới!

--- Không rõ tác giả ---


Viết hơn 600 ca khúc, thế nhưng trong 6 đêm nhạc kỷ niệm 10 ngày mất có tên 10 nhớ Trịnh Công Sơn chỉ có khoảng 40 ca khúc quen thuộc được hát lại.
Những đêm nhạc tiền tỷ này do gia đình phối hợp tổ chức sẽ diễn ra tại Huế, Sài Gòn, Hà Nội từ ngày 18/3 cho đến 7/4/2011. Điều khán giả mong đợi nhất là được xem/nghe những ca khúc ít phổ biến đã không xảy ra.
Đang xin phép thêm 2 ca khúc mới

Vào lúc 15h chiều ngày 4/3/2011, BTC chương trình có cuộc gặp gỡ báo giới để công bố đề cương các đêm diễm. Mở đầu sẽ là đêm chủ đề Bóng núi với 19 ca khúc tại Nhà hát TP.HCM vào đêm 18/3. Dù được ngân hàng Eximbank tài trợ chính, Vietnam Airlines, Richfield tài trợ phụ, số tiền lên đến hàng tỷ, nhưng giá vé đêm này vẫn “khiêm tốn” ở mức 1,5 triệu đến 3,5 triệu.
Cũng cùng chủ đề như trên, cũng chừng đó ca khúc và ca sĩ (khoảng 10 ca sĩ), đêm thứ 2 diễn ra tại Nhà hát lớn Hà Nội, giá vé từ 1 triệu đến 3 triệu đồng. Tính bình quân, khán giả bỏ ra khoảng 300 ngàn đồng để nghe một ca khúc cũ của Trịnh Công Sơn.

Giá vé ngất ngưởng này có thể xem là điểm nổi bật đầu tiên của các đêm kỷ niệm do gia đình Trịnh Công Sơn, Tập đoàn truyền thông Thanh Niên và Công ty BHD tổ chức. Giá vé này có thể trở thành kỷ lục cao giá nhất trong năm 2011 của Việt Nam?

Trong buổi họp báo lần thứ 2, khi được đối chất là tại sao không có ca khúc ít phổ biến công khai của Trịnh Công Sơn tại Việt Nam, nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn (trong vai trò giám đốc âm nhạc của chương trình), rồi cả Trịnh Vĩnh Trinh ú ớ một hồi thì nói có khoảng 3 ca khúc đấy chứ, nhưng chỉ kể tên được 2 là Tôi sẽ nhớ và Xin cảm ơn (viết trong thập niên 1980). Sau buổi họp báo, có thông tin bên lề nói rằng BTC đang xin phép biểu diễn thêm 2 ca khúc nữa là Từng chút hương của đời và Hành hương trên đồi cao. Thực chất 2 ca khúc này đã từng biểu diễn công khai rồi, nhưng có lẽ gia đình quên, nên muốn xin phép lại cho chắc ăn.
Bà Thế Thanh (vốn là PGĐ Sở Văn hóa TP.HCM) tự nhận mình là “cố” PGĐ theo nghĩa không phát ngôn với vai trò đó, mà là ở khía cạnh khán giả, thì cho rằng không có ca khúc nào của Trịnh Công Sơn là không xin phép được, miễn gia đình phải làm đúng hồ sơ và thủ tục. Quả thật vậy, đến chiều 4/3, hai người phụ trách việc xin phép là anh Huân và anh Tâm cho biết đang bổ túc hồ sơ để xin phép 2 ca khúc này. Nếu ngày 18/3 diễn ra mà ngày 4/3 mới xin phép, rất có thể giấy phép sẽ không có vì không kịp thời gian.

Nếu đến giờ phút cuối xin phép được, khán giả sẽ được thưởng thức 4/40 ca khúc quen của chương trình và 4/600 ca khúc của Trịnh Công Sơn, e cũng là điều an ủi… đắt tiền.

Nhiều nghệ sĩ tỏ ra lười biếng

Không tính Trịnh Vĩnh Trinh chưa biết có hát trong chương trình của anh trai mình hay không, vì trong thông cáo báo chí chưa đề cập, thì 16 ca sĩ tham gia chủ yếu hát bài cũ với cả chính mình. Chương trình cũng có sự tham gia của một vài ca sĩ ít hát Trịnh Công Sơn như Trọng Tấn, Đoan Trang, Thu Minh, Lân Nhã, Phương Linh, Uyên Linh…, họ cũng hát bài cũ.

Hồng Nhung (từng được xem là ca sĩ cưng của Trịnh) thì cũng mấy bài khá cũ là Cũng sẽ chìm trôi, Thuở bống là người, Này em có nhớ; Cẩm Vân thì Xin mặt trời ngủ yên, Hành hương trên đồi cao, Rừng xưa đã khép; Quang Dũng thì Lặng lẽ nơi này, Ru em từng ngón xuân hồng; Nguyên Thảo thì Hai mươi mùa nắng lạ, Rơi lệ ru người… Nhiều nghệ sĩ trong danh sách này từng hát sai lời nhạc Trịnh Công Sơn (dù bài cũ), báo chí một phen lên tiếng tùm lum.

Trong buổi họp báo, Trần Mạnh Tuấn nói rằng sẽ đốc thúc các ca sĩ tập bài lạ của Trịnh Công Sơn, dù điều này không xảy, ít nhất là trên văn bản thể hiện. Riêng bản thân saxonist này chỉ thổi 2 bài cũ mèm từ thời anh còn đi học ở trời Tây là Diễm xưa và Một cõi đi về trong cả 5 đêm diễn.

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Nam phụ trách 2 đêm ở nhà hát lớn, Nguyễn Quang Dũng thì làm 3 đêm miễn phí cho sinh viên tại ĐH Quốc gia TP.HCM, ĐH Quốc gia Hà Nội và Nghinh Lương Đình, TP Huế. Cả hai đều nói sẽ chọn cách làm đơn giản, không đầu tư cầu kì cho sân khấu. 3 đêm miễn phí cho sinh viên vì Trịnh Công Sơn đi ra từ phong trào sinh viên, làm sao cũng được; riêng 2 đêm ở nhà hát lớn, quá đơn giản, bán vé đắt coi sao được!?

Riêng đêm diễn thứ 5 (ngày 4/4) ở Bình Quới, nơi đã trở thành thông lệ hàng năm, thu hút cả chục ngàn người, thì sẽ do Đỗ Trung Quân, Cao Lập và Trịnh Vĩnh Trinh dàn dựng.

Năm nay, vừa kỷ niệm 10 năm ngày mất, vừa là năm tuổi của Trịnh Công Sơn, nên ngoài 6 đêm diễm do gia đình tổ chức, còn vô số các đêm diễn khác tại Nhà hát Hòa Bình, tại phòng trà ATB của ca sĩ Ánh Tuyết… Những chỗ mà người viết có thông tin, cũng đều cho thấy ít có bài nào mới, vì xin phép khó khăn, xin mua bản quyền từ gia đình cũng không dễ.

Cũng xin nói thêm, nghệ sĩ Kim Minh ở hải ngoại xin phép hát bài Phúc âm buồn, chỉ xuất hiện khoảng 1 phút trong phim Ngọc viễn Đông (ĐD: Cường Ngô), cũng đang xin phép công chiếu tại Việt Nam, Trịnh Vĩnh Trinh nói vì quen biết nên lấy 2.000 USD tiền tác quyền. Trong khi các bài đã quen thuộc như trong loạt chương trình 10 năm nhớ Trịnh Công Sơn thì giá khá mềm. Phải chăng điều này hé lộ cho chúng ta thấy được một phần nào nguyên cớ để các ca khúc ít phổ biến “bị ém lại”?



nguồn: rfa.org
  Trịnh Công Sơn:
> bài hát
> bài viết
> hình ảnh
> phỏng vấn
> bút tích
> dòng thời gian

Những người mến mộ:
> những kỷ niệm
> bài viết
> tưởng niệm
> tin tức
> sách
> lưu bút

Khánh Ly


Phố Xưa


- 20 bài mới nhất



Một hình ảnh ngẫu nhiên:






Gia Sư: Gia Đình + Sinh Viên
 
Address: www.SuuTap.com/TrinhCongSon - Collection: Hoang Truc Ly - Design & script: Sony Ho