tưởng niệm
Trịnh Công Sơn - Môi nào hãy còn thơm
--- Dương Tấn Sơn ---
Mười năm trước, trong đêm trao giải cuộc thi "Ảnh Hậu Việt Nam" lần đầu tiên, đôi môi ấy đã cười thật bao dung, thật rạng ngời bên cạnh những đóa hoa vô thường xinh tươi lộng lẫy. Nụ cười đó là của nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn.
Anh ngồi đấy với các nhạc sĩ trong nhóm những người bạn. Chai cognac đã vơi hơn một nủa nhưng đêm vui thì chỉ mới bắt đầu. Trên sân khấu rực rỡ ánh đèn, ban tổ chức đang chuẩn bị trao giải, dưới khán phòng khách mời đã lần lượt vào không còn chổ trống nào, chúng tôi cũng hiện diện trong đêm ấy với những người thân trong đó có vợ chồng anh DươngTấn Long và bà xã sắp cưới của tôi. Màn đêm đã thực sự buông xuống, không gian như cô đọng, mọi người như gần nhau hơn trong không khí lễ hội mà người Sài Gòn lâu lắm mới có lại sau những năm dài gian khó. MC đã xướng danh những người đẹp nhất trong cuộc thi bước lên sân khấu. Mọi người như nín thở, chiêm ngưỡng những nhan sắc từ khắp ba miền có mặt nơi đây.
Rồi 3 người đẹp nhất bước ra từ những bông hoa ấy, cả khán phòng tràn ngập tiếng vỗ tay, hân hoan không dứt. Nhưng tâm điểm của sự chú ý lại là một người đàn ông gầy gò nhưng dáng vẻ còn rất thanh niên đang bước lên sân khấu với vinh dự là trao giải cho các người đẹp. Vâng! người đó chính là Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Anh vui lắm, có lẽ do quá xúc động trước những vẻ đẹp nên anh bước đi ngập ngừng, loạng choạng. Sau đó, điều mà mọi người chú ý nhất và thích thú không kém phần trao giải là bài hát "Mưa Hồng" do chính nhạc sĩ hát tặng những người đẹp và những người có mặt trong khán phòng đêm ấy. Sau vài lời giới thiệu và một thông điệp nhắn nhủ trong bài hát, anh đã hát rất say sưa và có hồn, tôi cũng say sưa với một câu cuối cùng "cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ". Anh không có ý định nhắc nhở, giáo huấn ai cả mà chỉ bằng một câu cuối cùng khép lại bài hát nhưng lại mở ra cho mọi người một lời ngõ " cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ ".Anh bao giờ cũng vậy, thật nhẹ nhàng, tế nhị nhưng đầy những lay động. Ý tưởng sâu xa của bài hát này có một sự trùng hợp lạ lùng với một bài trong thiền ca của nhạc sĩ Phạm Duy:
- Sự tương đối của cuộc sống, sự hư vô của cuộc đời không cho phép ta hững hờ với mọi sự hiện hữu chung quanh. Bài hát hay thật nhưng có lẽ mọi người thấy hay hơn bao giờ hết bởi lòng mình đang thấm đẫm những hồi ức đã quá lâu, nay mới được nghe lại vì lúc ấy nhạc của anh chưa có dịp trình diễn lại nhiều trước đại chúng. Thuở ấy , chắc hẳn các anh chị cũng từng tự hỏi "Mưa hồng là sao nhỉ? ". Hình ảnh ấy thực ra lại rất gắn bó với thời cắp sách của chúng ta. Có gì xa lạ đâu, ta vẫn đi bên nhau dưới hàng phượng vĩ đỏ rực khi hè sang đấy thôi, và gió, chính gió đã làm cho ngàn ngàn cánh hoa êm đềm rơi xuống trên bờ vai gầy - áo trắng. Đó là mưa hồng.
Mãi mông lung trong vui mừng và suy tư xen kẻ, anh Sơn đã đến bên bàn tôi lúc nào không hay. Chung quanh bàn tiệc vẫn cứ ngây ngất men say, tiếng nói cười rộn rã. Anh tiến tới gần bà xã tôi "chúc mừng em một lần nữa đăng quang". Bất ngờ quá, chúng tôi không biết nói gì, chỉ biết hân hoan đón nhận và cảm ơn, rồi anh đưa tay, những cái bắt tay thật đầm ấm. Anh lại ngồi đó, hiển hiện như chưa bao giờ có thể gần hơn,vầng trán ấy như chìm trong khói thuốc, ánh mắt anh đăm chiêu hơn và thoáng một chút buồn tĩnh lặng. Đôi môi anh như chợt cười vu vơ, rồi mím chặt. Có lẽ nỗi cô đơn cố hữu không thể đưa anh đến một cuộc vui nào trọn vẹn. Bao nhiêu đóa " môi hồng đào " không thể mãi cười trên cuộc đời dâu bể. Với anh tình yêu như nắng Trịnh Công Sơn, Dương Tấn Sơn và vợ, Hoa Hậu thủy tinh, mãi kiếm tìm nhưng dễ vỡ, Nguyễn Thúc Ái Quì trong ngày Đăng Quang "tình yêu mật ngọt, mật ngọt trên môi, tình yêu mật đắng mật đắng trong đời"
8 năm sau đó, "anh nằm xuống ... người thành phố, trong một ngày đã nhắc tên...tiễn đưa nhau trong một ngày buồn... ", con đường Duy Tân cây dài bóng mát đã chật chội hơn bình thường gấp bội bởi những dòng người yêu mến anh. Tôi và anh Tấn Long cũng đã lặng lẽ hòa vào dòng người bước vào thắp nén hương cho anh tại số nhà 47. Không gian như chìm trong hương khói, như nhạt nhòa trong nước mắt và những khuôn mặt thân quen như không muốn rời xa. Nơi đây Lan Ngọc, Cẩm Vân, Hồng Hạnh, Saxo Trần Mạnh Tuấn, nơi kia Nhà Thơ Kiên Giang, Nhà Văn Sơn Nam và xa xa là vòng hoa của Khánh Ly với dòng chữ "đóa hoa vàng mỏng manh cuối trời..." (lời trong bài hát Như một lời chia tay, chị Khánh Ly tên thật là Mai - đóa hoa màu vàng). Hàng cây thắp nến lên hai hàng, rồi có hôm nào mây bay lên, anh ra đi thật nhẹ nhàng như mây khói chỉ có dòng người còn nặng trĩu bởi lòng thương mến khôn nguôi. Rồi những đêm nhạc tại quán Hội Ngộ Bình Quới để tưởng nhớ anh liên tiếp diễn ra. Đó là sự kiện âm nhạc gây chú ý cho những người yêu âm nhạc trong thời gian đó tại Thành phố, với không gian thơ mộng, bên bờ sông Sài Gòn, dưới hàng trăm ánh nến, ngọn đuốc lung linh, rất huyền ảo, những bài ca bất hủ đã đưa mọi người về quá khứ của sân Văn khoa, của ca khúc da vàng, của Diễm xưa..
Ở đây mọi người hát rất thật, rất hết mình và khán giả thì vô cùng tuyệt vời có khi lên đến 7000 người, già có, trẻ có, Việt Nam có, nước ngoài có, từ Sài Gòn - Hà Nội, từ Đà Lạt - Hà Tiên.
Có những đêm mưa, khán giả và ca sĩ cùng ướt nhưng cùng nghe và cùng hát những lời ca mộng mị như cõi hư vô.., và nơi đây tôi mới thực sự có điều kiện cảm nhận hết những giá trị sâu sắc của nhạc Trịnh Công Sơn.
Giờ đây cánh vạc mơ hồ đã bay về nơi cuối trời quên lãng. Tôi luôn thầm mong vẫn còn đâu đó đôi môi em là đốm lửa hồng để sưởi ấm tim anh nơi cõi thâm u lạnh lẽo. Và chúng ta hãy giữ mãi những môi nào có còn thơm cho ta phơi cuộc tình...
|
nguồn: bạn đọc góp bài
|