bài viết




Chuyển hoán

--- Trịnh Công Sơn ---


Ở vào thời điểm này, chuyện đi, ở, nghe ra đã nhuốm màu cũ kỹ. Kẻ ở người đi dường như chỉ còn là chuyện riêng tư của mỗi người, của câu chuyện đời riêng. Cái hăm hở của người này không còn làm xao động sự trầm tĩnh của kẻ khác.

“Trong số bạn bè thân thiết của tôi, qua nhiều thời kỳ, số người ra đi nhiều hơn người ở lại.
Trong số bạn bè thân thiết của tôi, qua nhiều thời kỳ, số người ra đi nhiều hơn người ở lại. Những năm gần đây có người ra đi tuồng như muốn dấu kín một nỗi ân hận trong lòng. Đi mà cứ như muốn nhắn gởi lại một lời minh oan: đừng phiền trách mình nghe bạn. Tôi chẳng bao giờ có một lời trách cứ nào đối với bạn bè tôi. Tôi vẫn luôn nghĩ rằng những người ra đi ấy muốn thể nghiệm mình trong một đời sống khác.

Bên cạnh đó , có những con người, chỉ vì giao tế trong đời, tôi đã gặp. Họ là những người có học và thậm chí đã có những vị trí tương đối trong xã hội. Thế rồi, bỗng trong những bữa tiệc chia tay, họ ăn nói huyên hoang, họ mặc trước cho mình những phong cách thiếu khiêm tốn và họ cùng vẽ ra cho nhau những dự án huy hoàng, những buổi gặp gỡ thần tiên trên xứ sở xa xôi mà họ sẽ đến. Có điều lạ là thường những loại người này đều tập trung vào một nơi sẽ gánh vác họ là đất Mỹ.

Trước năm 1975 tôi có vài người bạn Mỹ. Họ đều thuộc thành phần trung lưu của xã hội đó. Họ yêu mến Việt Nam, và qua đó họ đã dành những tình cảm đặc biệt đối với tôi. Ở họ, tôi chưa hề một lần bắt gặp cái kiểu cách hợm hĩnh, phô trương như những người tương lai sẽ là Mỹ da vàng kiểu nói trên.

Trong xã hội, cái thành phần bị xem thường nhất là lớp người bị liệt vào loại du đãng, du thủ du thực. Thời còn trẻ, không hiểu cơ duyên nào đã đưa tôi đến chỗ quen biết khá nhiều những kẻ được sắp xếp vào thứ thành phần không được coi trọng đó. Tôi có một số kinh nghiệm về họ bởi vì chính bản thân tôi và cả những bạn bè tôi đã một vài lần được họ bênh vực và thậm chí che chở trước những hăm dọa vô lý của những bạo lực không đâu. Đó là những con người vì một oán giận hay một bức bách nào đó từ cuộc sống mà đã tự biến mình thành kẻ vô lại. Tôi gọi họ là những tên du đãng có tâm hồn. Và một ngày đẹp trời, bỗng những tên du đãng ấy khoác áo thiện tính bước vào cõi đời chung.

Cuộc sống càng dài thì mắt ta càng được nhìn thấy nhiều chuyện đời lạ lắm. Tâm hồn đẹp là tài sản chung của con người. Nhưng rõ ràng đã có những sự chuyển hoán của tâm hồn từ vị trí này sang vị trí khác, từ người này sang người khác. Đã có biết bao con người tưởng chừng tử tế đã biến thành kẻ vô lại và cũng không thiếu những kẻ vô lại chuyển mình thành con người hào sảng.

Tôi thường có cảm giác mình là một kẻ thiếu may mắn. Sống qua nhiều thời kỳ, ngoài cái vốn bạn bè ít ỏi, tôi thấy không ít những người vẫn dường như thiếu lòng tín cậy ở tôi. Và nếu như trong một ý nghĩa phù phiếm nào đó, tôi đã quan niệm cuộc sống như một trò chơi lớn nhỏ, thì người đời thường ép tôi vào một cuộc chơi không sòng phẳng.

Vào những ngày cuối năm 90 này tôi bỗng muốn nhớ lại một chặng đường dài mình đã đi qua. Nhớ những khuôn mặt đã gặp, những tấm lòng đã thấy. Nhớ mà không vui. Bởi những lời đàm tiếu độc địa vẫn như những viên sỏi bắn vào thân tôi không chống đỡ. Từ một lời nguyền rủa nào đó, những lời vu khống đầy ác ý vẫn còn bay quanh đời tôi như những đàn ong độc.

Ở thời điểm này tôi không còn thấy có trong có ngoài vì mọi cánh cửa đời đã mở. Chuyện đi về giữa những sở địa xa xôi không còn là vấn đề thời thượng nữa. Ai rồi cũng sẽ gặp nhau. Duy chỉ có điều là làm thế nào để gặp lại nhau trong một niềm vui chất ngất mà không ngượng ngùng, ngượng mặt. Chúng ta hãy xếp lại những lời nói dối và tẩy sạch một thứ lòng oán hận không có niềm tin.

Tôi có đọc được một bài viết của anh Thế Uyên nói về chuyện anh đi và tôi ở lại. Tôi cám ơn cách suy nghĩ sòng phẳng và rất dễ hiểu đó. Quả đúng là dù ở đâu chúng ta cũng chỉ có mỗi một công việc là làm nghệ thuật. Cái nghiệp này xét cho cùng cũng không tồi mà cũng chẳng sang. Không thiên đường không địa ngục. Chỉ có điều như người làm vườn tôi gắng thu xếp để chọn được cho hạt giống của mình một thứ đất phù hợp, một bầu khí hậu thuận lợi nhất cho hạt giống thở được bằng chính lá ph ổi của nó, không vay mượn, không van xin.

Với tôi, sự tự do sau cùng của mỗi số phận là sự tự do chấp nhận.



nguồn: tcs-home.org
  Trịnh Công Sơn:
> bài hát
> bài viết
> hình ảnh
> phỏng vấn
> bút tích
> dòng thời gian

Những người mến mộ:
> những kỷ niệm
> bài viết
> tưởng niệm
> tin tức
> sách
> lưu bút

Khánh Ly


Phố Xưa


- 20 bài mới nhất



Một hình ảnh ngẫu nhiên:






Gia Sư: Gia Đình + Sinh Viên
 
Address: www.SuuTap.com/TrinhCongSon - Collection: Hoang Truc Ly - Design & script: Sony Ho